Truyện ngắn: Người đàn bà múa dưới trăng

TTCT - Mẹ tôi vẫn cố tưới nước, nhưng cây vọng cách đã chết hẳn. Trong một chiều ảm đạm, cái Thoan cầm cuốc đánh cây vọng cách lên, rồi trồng vào đó một cây con khác

Tiếng ho húng hắng của bố khiến tôi tỉnh giấc. Mẹ vừa ngồi dậy, mặt hướng ra cửa sổ. Ánh trăng xiên qua chấn song, hắt một vạt lên tấm lưng gầy. Mẹ đưa tay búi tóc. Cánh tay trần trắng muốt dưới trăng. Tôi vòng tay ôm lấy. 

Từ bé, tôi đã thích gối đầu lên cánh tay mẹ. Những đêm đầu xa nhà, lạ chỗ khó ngủ, tôi hay ước giá có mẹ ở bên, chỉ cần ôm cánh tay mẹ là tôi có thể ngủ ngon lành. "Tối qua đi tầu về muộn, con ngủ thêm chút đi. Mẹ ra nhà ngoài xem bố thế nào".

Tranh: Lê Thiết Cương

Tranh: Lê Thiết Cương

Hơi sương lành lạnh. Tôi ngồi dậy nhìn theo đường trăng mênh mang ngoài cửa sổ. Ngoài ngõ, cây vọng cách thân lắc lư. Người đàn bà đang múa, tôi đã thốt câu ấy, khi lần đầu nhìn thấy cây vọng cách dưới trăng.

Đêm ấy, mẹ đi làm thuê về muộn. Tôi cõng em Thoan ra cổng hóng mẹ. Trăng lên đến giữa giếng làng. Ánh trăng đổ tràn lên cây vọng cách, từng cành lá lóng lánh như vừa tắm trong nước mưa. Hai cành lá như cánh tay vươn dài. Thân cây thẫm bóng uốn lượn bên trụ gạch cũ. "Em trông cây vọng cách giống dáng người đàn bà đang múa dưới trăng không kìa!". "Em chả thấy?".

Em còn quá bé để biết thế nào là người đàn bà múa dưới trăng. Bởi từ khi em ra đời thì mẹ đã bận rộn tối mắt. Mẹ không còn tham gia đội văn nghệ của thôn lần nào nữa. Tôi đã từng xem mẹ múa trong đêm hội đình. Mẹ như biến thành con người hoàn toàn khác. Mặt mẹ hồng rực, người mẹ tròn lẳn. Mẹ uốn người mềm đến mức trông mẹ như một bông sen đang nhú trên mặt hồ. Đôi cánh tay trắng muốt vươn lên cao mãi.

Tiếng xe đạp lọc xọc rẽ vào ngõ. "Mẹ kìa". Giọng em Thoan kêu khẽ. Tôi cõng em ùa ra. Bóng ba mẹ con gặp nhau dưới bóng cây vọng cách. Mẹ giở nắm lá sen, trong ấy có nửa đĩa xôi và mấy miếng thịt gà. Tôi và em Thoan ăn ngấu nghiến chẳng cần hỏi xem những món ngón này ở đâu ra. 

Bố ngồi trên bàn chẻ tăm, nhìn thấy chị em tôi ăn nhồm nhoàm, mặt cau lại: "Đi cấy thuê sao có cái thứ này được?". "Chú Châu nay lên nhà mới". "Chẳng họ hàng gì mà cô lấy à?". "Thì chỗ xóm láng, chú ấy cùng đội thợ xây với bố nó còn gì". Bố quát: " Tôi giờ chả đội thuyền nào nữa cả! Không vì thằng ấy tôi chẳng tàn phế thế này".

Tôi đã nhìn thấy bố nằm nhũn trong giàn giáo gẫy. Lúc ấy, đang chơi chuyền đầu ngõ, một bà đi qua bảo bố nhắn cầm ngay cho bố cái điếu cày sang nhà bác Vũ. Biết bố tính nóng, tôi phải bỏ cỗ chuyền, chạy đi. Vừa đến cổng, tôi đã nghe có tiếng gẫy đổ ầm ầm. Cả cái giàn giáo phía tây đã sập. Bố nằm trong đó. Một mũi tre sắc đâm vào đùi bố, máu phọt lênh láng. Tôi choáng váng, chiếc điếu cày rơi lăn lóc xuống đường.

...Sau hai tháng, trở về từ bệnh viện, bố phải chống nạng. Một chân bố đã teo lại. Bố lầm lì hơn, hay uống rượu và hút thuốc lào. Mùi rượu, mùi thuốc lào, mùi hôi hám từ người bố ám cả căn nhà. Càng ngày bố càng bê bết. Mẹ bảo: "Uống ít thôi cho vợ con đỡ khổ!". Bố cầm chai không đập xuống nền nhà. Mảnh thủy tinh bắn tung tóe. Mẹ bê bao quần áo ra gốc vọng cách ngồi nhặt chỉ tới tối. Bóng đèn đường bật sáng, ai đó đi qua hỏi sao không vào nhà mà nhặt, mẹ bảo cố nốt để giao hàng cho kịp.

Dần dần, cái nhà vào ban ngày hầu như chỉ mỗi mình bố.

Cây vọng cách mỗi mùa một rộng tán. Lá xanh tươi như sắc trời vừa ửng nắng. Vào độ vọng cách trổ hoa, ngõ nhà tôi vừa thơm vừa đẹp. Hoa mọc từng chùm đầu cành, nhiều bông nhỏ, màu trắng, lông mịn. Trụ gạch bên gốc cây vọng cách mỗi mùa một bong bợt. Tôi và Thoan lớn lên dưới những màu xanh ấy.

Màu xanh ấy che bóng mát cho mẹ con tôi. Chúng tôi ngồi đấy nhặt chỉ, thái hành thuê cho nhà chú Châu. Chú Châu xây xong nhà mới, đã bỏ nghề thợ xây về mở hàng bánh cuốn. Cứ hai ngày một lần chú lại đặt mẹ thái mấy cân hành. Bánh cuốn nhà khác dùng hành thái máy nhưng nhà chú chỉ ưa hành thái tay, chúng tôi có việc.

Tôi bê đĩa bánh cuốn vào, bố nhỏm dậy. Mùi người nghiện rượu, thuốc lào, lúc ốm hôi hám khó chịu. Sai cái Thoan nó không bê, cứ ngồi dưới bếp bắc chân lên ghế ăn bánh cuốn. Nhìn thấy mấy miếng chả quế, mắt bố sáng lên. Ông lần thành giường đi ra bàn. Đĩa bánh cuốn trắng ngần, từng lát hành vàng giòn, tròn như khuyên tai. Ông chỉ xuống gầm tủ: "Mày với cho bố cút rượu. Ăn bánh cuốn chả mà không có dăm ba chén rượu thì khác gì bò nhai rơm khô". 

Tôi nhấc mấy cái chai, đến một giọt rượu cũng chẳng chai nào còn. "Bố đang ốm uống rượu làm gì!". Ông bỏ đũa xuống, mặt biến sắc, cánh tay phải run lên: "Đã hai ngày nay không có hớp rượu nào, bố thèm quá!". Tôi chẳng cầm lòng. Tối hôm qua, bố tôi lên cơn nghiện, không có rượu, miệng sùi bọt, chân tay người ngợm run lên sần sật. Lúc sau lăn ra nền nhà, người co giật đùng đùng. Mẹ tôi phải bóp rượu gừng. Bố há miệng như cá ngạt dưới ao, bọt mép chảy ra: "Rót cho xin ít". Mẹ thở dài, nhưng cũng phải nghiêng chén, rượu gừng rơi vào miệng bố.

Mẹ giấu chai rượu gừng xuống góc bếp: "Rượu này phòng cảm mạo đừng cho bố chúng mày biết". Cái Thoan cười khẩy: "Chỗ ấy, buổi chiều con thấy bố tìm mãi đấy". Mẹ lại giấu trong cái chum đỗ. Cái Thoan giọng chua ngoa: "Cũng thấy mở chum đấy. Thằng cu Kha kể, bố chống gậy, lết vào nhà nó chơi, săm soi lên bàn thờ với gầm tủ, nhìn thấy cút rượu thắp hương, đã xin bằng được. Bố uống xong thì lăn ra đất ngủ, gần trưa mới mò về".

Cái Thoan quay vào giũa móng tay, bộ móng dài như móng vượn. Nó bảo đàn ông dễ bị kích động bởi bộ móng tay đàn bà. Bộ móng không chỉ làm cho họ mê đắm, mà còn khiến họ phải thuần phục, phải nể sợ mình. Tôi thì chẳng thấy bộ móng đẹp đẽ gì, chỉ thấy nó ghê ghê. Nắm bàn tay của mẹ, những cái móng đã mòn hình vỏ hến nhưng tôi thấy nó đẹp hơn. Cánh tay gầy gầy nhưng vẫn tròn trắng kia mỗi khi đưa lên đưa xuống cắt chỉ dưới tán vọng cách đã mê mẩn mắt tôi. 

Từ khi gây bộ móng dài sơn đỏ choét, nó không chịu giặt quần áo, rửa bát, nhặt rau. Đó chính là những hành động phản đối đầu tiên của nó với lối sống góc bếp của đàn bà thôn quê. Tôi ấm ức mà không thể làm gì được. Dưới gốc vọng cách, nó hay ngồi xòe bàn tay lên ngắm tia nắng rọi từ tán lá chui qua kẽ tay nó. Nó đếm những thằng con trai vắt mũi chưa sạch thỉnh thoảng bén mảng ra gốc vọng cách chơi vu vơ. "Toàn ngữ vô công rồi nghề". Nó lại chăm chút đôi bàn tay và xây những mộng tưởng.

Thoan đã ăn xong bánh cuốn, thấy tôi cầm chai ra cổng, nó bảo: "Để em mua rượu cho". Nó sai tôi đi giặt thau quần áo tích tụ từ hôm qua. Mẹ hôm nay không đi làm. Mẹ ra nhà văn hóa thôn tập văn nghệ. Sắp tới hội đình. Đích thân cô Huề đội trưởng đội văn nghệ đến mời mẹ. Tôi mong tới ngày hội. Lâu lắm rồi, tôi không được ngắm mẹ trong bộ áo tứ thân để biến thành bông sen đẹp đẽ.

Cái Thoan cầm chai rượu đầy về. "Giờ có pha cồn với nước lã cho bố uống cũng chẳng biết". Nó cười, điệu cười bất cần, điệu cười ghê ghê như bộ móng tay của nó: "Trước sau rồi cũng chết thôi. Không uống thì thèm khát. Với kẻ nghiện sống thế khác gì chết". Giọng điệu của nó dần thay đổi kể từ ngày nó đi làm ở quán karaoke Trà Xanh. Mẹ tôi từng gàn nó đừng đến đó làm, nó vênh mặt lên: "Mẹ đã nuôi một ông nghiện, có nuôi được con nữa không mà gàn?". "Mày làm chỗ nào thì làm, đừng vào quán ấy, hư người ra. Dân làng nói eo óc lắm". Nó giơ bộ móng tay lên ngắm: "Con không phải đứa ngu, mẹ đừng lo". 

Bố tôi chẳng nói gì. Từ lâu, ông không can thiệp vào học hành hay công việc của hai đứa con gái. Ông chỉ hay hoạnh họe, đá thúng đụng nia mỗi khi mẹ đi làm về muộn hay không kịp mua rượu, thuốc lào cho ông. Từ lúc cái Thoan đi quán làm, ông hay hóng nó nhất. Mỗi tối về khuya, những thứ khách uống thừa, Thoan trút vào chai nhựa, đem về. Bên chiếc điếu cày, bố tôi đợi nó hằng đêm. Những chén rượu trút đã biến đêm thành ngày. Bố say triền miên. Mỗi đêm say, bố tôi cứ đánh đu lên cửa sổ nhìn ra ngoài ngõ. Không biết, dưới trăng, bố có nhìn ra cây vọng cách như người đàn bà đang múa?

Trăng lên chênh chếch ngọn vọng cách. Cả ngõ sáng huyền ảo. Dọn dẹp dưới bếp xong, tôi định lôi bao quần áo ra cắt chỉ thì thấy bố đang đứng cạnh cửa sổ, tay bám vào chấn song, èo uột như một dây leo cớm nắng. Tôi rón rén lại gần. 

Dưới tán vọng cách, mẹ tôi đang tập múa cùng cô Huề, cô Mây. Đôi cánh tay mẹ mảnh mai như đài sen đang vươn lên dưới trăng, cái cổ cao gầy như ngó sen ngửa ra sau, ánh trăng tỏa lên khuôn mặt nhỏ bé của mẹ, chảy xuống cổ, tràn xuống cánh tay. Bỗng, bố tôi quay lại, đạp mạnh chân vào chiếc ghế khiến nó đổ, đập vào chai rượu dưới gầm bàn. Chai rượu vỡ toác cổ, bố lôi lên, miệng hập vào chỗ mảnh chai vỡ lởm khởm nhọn hoắt, cứ thế tu ừng ực. Tiếng sáo ngoài ngõ vẫn réo rắt vọng vào.

Cái Thoan lại đi làm về muộn. Người nó toàn mùi rượu. Nó xách về hai lưng chai rượu ngoại. Mẹ vẫn ngồi nhặt chỉ đợi nó. "Mẹ nhờ chỗ chú Châu xin cho con vào công ty giầy da rồi. Từ mai con bỏ quán hát đi!". "Vào đó để bị vắt kiệt bên những cái máy á?". "Người ta làm có giờ có giấc". Bố uống xong một lưng chai, giọng hầm hè: "Nhà cô đừng có vẽ đường cho hươu chạy. Cái thằng Châu khốn khiếp ấy là khắc tinh với nhà này". "Chú ấy có người quen trong công ty, bảo giúp con bé...". "Giúp cái mả nhà nó. Thằng đểu cáng ấy. Nó dụ dỗ cô đi múa máy chưa đủ, còn dụ con bé à? Tôi là tôi cấm tiệt hết. Bỏ ngay cái đội đĩ đượi ấy đi nhá!". 

Lần đầu tiên, mẹ cãi tợn: "Anh chẳng có quyền cấm đoán tôi. Tôi thích thì tôi đi múa đấy. Anh làm được gì cho cái nhà này mà dám cấm đoán người khác". Thoan cười như ngô nổ, nó còn vỗ tay bồm bộp hoan hô. Bố tôi rút cây gậy vẫn dùng để chống đi định vụt mẹ, nhưng mẹ tôi tránh được, bỏ vào buồng. Bố mất đà ngã vập mặt vào chân bàn. Máu từ mũi chảy tứa ra. Cái Thoan nguẩy mông đi theo mẹ. Tôi nâng bố dậy, ông hẩy tay tôi ra, gầm lên: "Cút, cút đi hết cho khuất mắt tao!".

Sau đấy, tôi đã cút đi. Con tàu rúc một hồi còi dài, lăn bánh ken két trên đường ray chở tôi đi. Khi biết tôi đi, Thoan ngỡ ngàng: "Cứ lừ lừ như tàu điện thế mà cũng dám đi cơ à? Chị ra thành phố ngon thì ới em đi theo nhé!".

Hai năm trời, tôi đã không ới cho Thoan. Tôi chạy ba nhà trọ với hai công ty. Nhiều đêm tăng ca về tới phòng là nằm vật ra ngủ như chết. Những ngày chạy đơn, làm không mở mắt ra được. Qua Zalo thấy tôi gầy rộc đi , Thoan bĩu môi: "Trông như cái xác ve thế. Chắc kiếm khá tiền rồi hử? Liệu có lừa được tấm chồng trên đấy không?". "Ở đâu cũng làm thuê mà thôi. Tao cũng ngán ở đây rồi. Bố mẹ vẫn khỏe chứ?". "Mẹ đang tập múa. Sắp hội đình rồi, chị về không? Còn bố, bụng mỗi lúc một phình ra như bụng cóc. Nhưng tối tối vẫn uống hết lưng một, lưng hai chai rượu trút". "Mày cứ mang rượu về khác nào đầu độc ông ấy". Nó xòe tay lên trước màn hình, những cái móng dài như đang rủ xuống khiến tôi rùng mình. Nó lại cười đầy quái đản: "Thì cứ cho là thế: đầu độc là giúp thỏa mãn sự nghiện ngập. Haizz. Nhưng hội đình lần này to lắm đấy. Chị cũng nghiện hội đình. Có về để bị đầu độc không?".

Mẹ mở cửa buồng, trăng ùa theo sau: "Mẹ con mình vào đình sớm còn theo đoàn ra sông Thái Bình rước nước con ạ!". "Bao giờ thì mẹ múa?". "Tối nay, sân đình, chính hội". "Bố con thế nào rồi?". "Mẹ cho uống sữa, uống thuốc, đã nấu mì để sẵn đấy". Sương rơi nặng hạt như mưa. Tôi khoác tay mẹ đi ra cổng. Cánh tay mẹ mềm và ấm. Mẹ ngước mắt nhìn tán lá xòa ra đường: "Dạo này lá vọng cách vàng vọt quá, mùi cũng không thơm như trước. Hay là sương muối độc không biết". 

Ngoài ngõ, chú Châu, cô Huề vừa tới, đứng đợi mẹ con tôi đi cùng. Một cơn gió thổi qua, lá cây rơi xào xạc, cánh hoa trắng mỏng manh rơi xuống tóc tôi cùng vài hạt sương mai. Sương mai đằm hương, theo tôi ra đình dự hội. Sân đình đã đông người. Ai nấy đều mặc áo quần ngày hội. Người ta đã chuẩn bị, kiệu, lễ lạt, chum, chóe sẵn sàng ra sông rước nước. Mẹ tôi môi đỏ, áo dài. Chợt phát hiện thấy thiếu dây lụa hồng thắt lưng, mẹ loay hoay tìm. Chú Châu lục lại trong mấy cái túi xem có lẫn không: "Không thấy. Hay để tôi chạy sang nhà cô em gái cũng có, tôi mượn cho Quế nhé". "Hôm qua vắt lên dây quần áo ở đầu hồi cho đỡ nhàu, đã nhủ sớm nay nhớ rồi...". Giọng nói quan tâm của chú Châu làm tôi không thích: "Mẹ cứ chuẩn bị, để con chạy về lấy cho!". Tôi chạy vù đi.

Trước ngõ, sương đã phủ trắng một màu. Đường lâm thâm ướt. Dưới gốc cây vọng cách, một người đàn ông đang đứng dạng háng đái bậy. Cái nạng gỗ tựa vào trụ gạch rêu phong như mũi com pa xoáy vào ngực tôi. Tôi nép vào đống rơm bên đường để trấn tĩnh lại. Xấu hổ và tức giận. Cây vọng cách đã cho mẹ con tôi mái hiên thứ hai. Cũng là nơi vui chơi của trẻ con, nơi trò chuyện của dân trong xóm. Tôi từng ngồi tựa vào gốc cây nhặt tóc trắng cho mẹ. Cũng không biết bao lần chị em tôi từng đánh đu gốc cây để trèo lên tìm kèn sâu? 

Từ trong nhà, bố vẫn nhìn ra xem chúng tôi nhí nháu bên gốc cây này. Sao bố có thể ra đấy mà đái được? Ngay lúc này, tôi muốn lao tới mà quát to những câu ấy vào mặt ông mà không hiểu sao chân tôi chẳng thể nhấc nổi. Cho đến khi bố ngồi bên bàn bê bát mì lên ăn thì tôi mới bước vào. Tôi không nói không rằng, tìm khắp các dây phơi, lục tung các hòm, tủ lên mà không thấy dải lụa hồng thắt lưng của mẹ đâu. Quay ra, tôi bắt gặp bố tôi đang lén nhìn trộm các hành động của mình: "Bố có biết cái thắt lưng hồng của mẹ đâu không?". "Tao vứt sau rãnh nước đấy". "Sao bố lại làm thế?". "Tao đã định ném nó vào nồi hông nước giải nhưng phải đi ra cuối vườn nên thôi". Tôi không kìm được, giọng uất nghẹn: "Bố ngại đi xa nên bố đái ngay vào gốc vọng cách mà coi được à?". Ông cố chặn cơn ho để nói vào mặt tôi: "Từ lâu, tao muốn cái cây ấy chết mẹ nó đi. Mẹ con nhà mày không coi tao bằng cái cây chết tiệt ấy. Tao đái vào. Tao đái vào. Tao đái vào!".

Nói chưa dứt lời, cơn ho rũ rượi đã kéo đến. Ông khạc nhổ xuống nền nhà. Tôi nhìn thấy trong đống lầy nhầy có máu.

Mấy hôm sau.

Cây vọng cách bỗng héo rũ lá. Bố tôi cũng đổ bệnh nặng.

Mẹ con tôi đưa bố lên bệnh viện. Bác sĩ lắc đầu, cả gan, thận, phổi đều hỏng. Người làng giới thiệu cho ông thầy thuốc nam ở vùng núi Phượng Hoàng. Cái Thoan nghỉ làm, cùng mẹ và tôi thuê xe chở bố đến nhà thầy lang khám bệnh. Ông thầy tóc trắng, râu trắng, lại gần bố, vén mắt, xem gan bàn tay, bàn chân, bắt mạch. Thầy bốc sáu chén thuốc, dặn: "Thuốc hay nhờ thang. Về nhà tìm lá vọng cách tươi, phơi nắng trong bóng râm, sao vàng hạ thổ, sắc ba bát lấy một bát uống. Nhớ phải tìm cho được vọng cách quê, trồng nơi đất sạch". 

Bố tôi nghe thấy, ông mở đôi mắt vàng vọt nhìn mẹ con tôi, thở dốc lên một chặp, rồi lịm đi. Xe đưa ông về đến cổng thì trời nổi cơn giông. Vọng cách trút lá như mưa lúc mọi người khênh bố vào nhà. Đêm trăng lên, bố tôi tắt thở. Ngồi trông bố, nhìn ra ngõ khuya, tôi chỉ thấy một làn sương mờ mờ rồi tan biến.

Chiều hôm chôn cất bố xong, hai chị em tôi ra tạ mộ. Cái Thoan rót cả chai rượu tây quanh mộ bố. Còn ít dưới đáy chai, nó ngửa cổ tu ừng ực. Nó vừa khóc vừa cười: "Bố chết rồi con mới mua cho bố được chai rượu nguyên".

Mẹ tôi vẫn cố tưới nước, nhưng cây vọng cách đã chết hẳn. Trong một chiều ảm đạm, cái Thoan cầm cuốc đánh cây vọng cách lên, rồi trồng vào đó một cây con khác. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận