Từ bỏ quốc tịch Mỹ: Phong trần như ai...

SÁNG ÁNH 21/06/2023 07:50 GMT+7

TTCT - 10 triệu người Mỹ đang sống ở nước ngoài. Và những người muốn chia tay quốc tịch Mỹ của họ đang ngày càng tăng.

Tóc mây một món, dao vàng chia đôi

Người đàn ông trung niên vò đầu. Đối với một người Tây phương da trắng 50 tuổi, ông còn rất nhiều tóc nên ông bức xúc bứt vài cọng vàng hoe. 

Ông là người Anh, thu nhập và tài sản của ông hoàn toàn ở Anh. Ông trả thuế lợi tức và các loại thuế đầy đủ theo luật Anh, "nhưng (Sở Thuế vụ) Mỹ đeo đuổi tôi, bạn có tin không... áp đặt tôi phải trả một số tiền thuế, không thể tin nổi!".

Từ bỏ quốc tịch mỹ: phong trần như ai... - Ảnh 1.

Ông này có bố mẹ người Anh nhưng sinh ra ở New York và mang song tịch Anh - Mỹ. Tuy ông chưa hề trở lại Mỹ sống từ khi ông lên 5 tuổi nhưng kệ ông chứ, nước Mỹ đánh thuế công dân của họ cũng như thường trú nhân tại Hoa Kỳ trên căn bản là toàn cầu. 

Nếu bạn mang quốc tịch Mỹ hay thẻ xanh Mỹ, Hoa Kỳ đánh thuế bạn trên tất cả thu nhập và tài sản của bạn bất cứ ở đâu.

Người đàn ông nói trên cho rằng việc này là "lố bịch" vì thu nhập của ông là ở Anh và ông đã trả thuế ở mức cao hơn cả mức nếu ông ở Mỹ. Năm 2014 ông bán tư gia ở Islington (London), Sở Thuế vụ Mỹ đòi ông nộp số tiền 150.000 USD. 

Việc này khiến ông phải đau đầu thương thuyết và rồi cũng phải trả cho Mỹ nghe đâu là 50.000 USD. Lúc đó, ông là đô trưởng London. 

Sau đó, năm 2016, ông khước từ quốc tịch Hoa Kỳ và vò đầu thêm lần nữa để trở thành ngoại trưởng Anh. Vì vẫn còn nhiều tóc nên ông tiếp tục vò đầu để trở thành thủ tướng Anh năm 2019.

Trường hợp cá nhân của ông Boris Johnson minh họa cho điều lệ "lố bịch" này của nước Mỹ. Đây là thứ điều lệ chỉ có vài ba nước khác trên thế giới cũng áp dụng với công dân của họ, như Eritrea hoặc Philippines (Philippines ở mức rất thấp từ 1 - 3% với công dân của họ ở nước ngoài).

"Dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng"?

Nếu không tin được một người tóc rối như Boris Johnson thì đây là điều lệ trên trang mạng của Sở Thuế vụ (IRS) Mỹ: 

"Nếu quý vị là công dân Hoa Kỳ hoặc là thường trú nhân người nước ngoài, nói chung các quy tắc khai thuế thu nhập, di sản, quà tặng và trả thuế ước tính đều giống nhau, bất kể quý vị đang ở tại Hoa Kỳ hay hải ngoại. Quý vị phải chịu thuế đối với thu nhập trên toàn cầu từ tất cả các nguồn và phải báo cáo tất cả thu nhập chịu thuế và nộp thuế theo bộ luật thuế vụ…

"…Những người đóng thuế Hoa Kỳ sở hữu các tài khoản tài chánh nước ngoài phải báo cáo các tài khoản đó cho Bộ Tài chánh Hoa Kỳ, ngay cả khi các tài khoản đó không tạo ra bất kỳ thu nhập chịu thuế nào".

Thí dụ cụ thể: bạn là người Việt, quốc tịch Việt, có quy chế thường trú ở Mỹ hay có quốc tịch Mỹ. Bạn có một căn hộ ở Việt Nam hay ở bất cứ đâu ngoài nước Mỹ và bạn vừa mới bán. Như Boris Johnson, bạn sẽ phải khai báo và trả thuế cho Mỹ mặc dù bạn đã trả đầy đủ thuế địa phương. 

Điều này áp dụng cho cả của cải thừa kế, quà tặng…, tóm lại là "từ tất cả các nguồn".

Thế nếu tôi đi Qatar và nhặt được 100 USD của vương tôn Ả Rập nào đó vứt ra đường thì tôi có phải khai thuế Mỹ không? 

Nếu bạn trên 18 tuổi và thu nhập sẵn có trong năm là 9.250 USD thì bạn phải khai. 100 USD của rơi này đưa thu nhập của bạn đến mức phải khai thuế là 9.350 USD.

Nhưng nếu bạn quyết định không khai thì sao Sở Thuế vụ Mỹ biết được? 

Đừng có đùa. Nếu tài khoản của bạn ở một ngân hàng nước ngoài đã có 9.900 USD và bạn bỏ 100 USD vào tài khoản này thì nó sẽ chạm mức 10.000 USD - tức là mức mà tất cả các ngân hàng nước ngoài có giao dịch với Mỹ phải khai báo với Sở Thuế vụ.

Trừ khi bị Mỹ cấm đoán và phong tỏa, chứ còn ngân hàng nào trên thế giới mà không giao dịch với Mỹ vì đều phải dùng tiền đô la Mỹ trong các dịch vụ quốc tế qua hệ thống SWIFT. Các ngân hàng nước ngoài, ở Việt Nam hay ở đâu cũng thế, vì điều kiện nặng nề phải khai báo này nên rất ngại khi gặp khách Hoa Kỳ.

Khi bạn mở tài khoản, đâu cũng hỏi khách mới là: Có quốc tịch Mỹ không? Có sanh ra ở Mỹ không? Có quy chế thường trú ở Mỹ không? Nếu có thì họ phải khai báo lỉnh kỉnh tốn thì giờ và tiền bạc, nó mệt cả người và không bõ cho số 10.000 USD bạn sẽ bỏ trong tài khoản.

Nếu bạn là thường trú nhân hay công dân Mỹ và sống ở Mỹ, có tài sản ở Mỹ và thu nhập ở Mỹ thì không có vấn đề gì. Nhưng điều lệ này gây khó khăn cho 10 triệu người Mỹ đang sống ở nước ngoài, trong đó có 6,5 triệu người thành niên tức là trên 18 tuổi và phải khai thuế, nộp thuế. Con số 10 triệu này bằng dân số Hy Lạp hay Thụy Điển.

Luật thuế đã rối ren lại càng rối nếu bạn phải khai từ nước ngoài cho Mỹ, sau khi bạn đã khai với địa phương bạn đang ngụ là Thụy Điển hay Hy Lạp rồi. Trong nước Mỹ dịch vụ khai thuế đơn giản là 300 USD. Người Mỹ nước ngoài vì rối ren phải trả mỗi năm 700 USD trở lên. 

Nếu bạn 18 tuổi và thu nhập là 9.350 USD trong năm thì 700 USD để khai thuế là một chi phí lớn.

Thỏa ước đa phương với một số nước cho phép người Mỹ nước ngoài được khấu trừ 107.600 USD năm nay và chỉ trả cho nước ngụ cư, khỏi trả thêm thuế Hoa Kỳ tuy vẫn phải khai báo cho Mỹ. 

Đối với 29% người Mỹ lao động nước ngoài là trong lãnh vực giáo dục - một lãnh vực trả lương trung bình 60.000 USD/năm nên họ khỏi tâm tư. Nhưng với số người Mỹ nước ngoài thu nhập cao hơn mức ấn định? Họ phải nghĩ đến việc khước từ quốc tịch như ông Boris Johnson. 

Cho đến ngày 15-5-2023 đã có 5.315 công dân Mỹ khước từ quốc tịch khiến con số này cuối năm có thể vượt trần 10.000 người, trong khi đó trọn năm 2022 con số chào Hợp chủng quốc để ra đi mới có 2.390.

Liệu mà xa chạy cao bay

Một thăm dò 3.200 người Mỹ ngụ tại nước ngoài năm 2023 do công ty dịch vụ khai thuế Greenback lại có một kết luận giật mình hơn: Đó là có tới 20% số người được thăm dò dự định khước từ quốc tịch Mỹ! Con số này là 1 trên 5 người Mỹ ở nước ngoài! 

Thăm dò có chính xác đến đâu hay không chính xác thì vẫn là nhiều, vì 20% có thêm bớt và sai đúng cũng đâu đó là đại diện cho hàng triệu người. 

Ngoài ra còn có thêm 42% đang suy nghĩ và không loại bỏ khả năng họ muốn xuất tịch Mỹ, tức tổng cộng là 62%.

Phải nói, từ bỏ quốc tịch Mỹ không phải là đơn giản đốt sổ thông hành hay mang vứt qua hàng rào của Đại sứ quán Mỹ cũ tại Iran. Phí đơn từ nộp cho nhà nước là 2.350 USD và phải đến lãnh sự quán phỏng vấn nhiều lần. Người muốn từ bỏ phải bị rà soát để kiểm lại 5 năm chót thuế có đầy đủ và phù hợp hay không.

Muốn hoàn tất thủ tục này, phí luật sư và dịch vụ có thể lên hàng chục ngàn đô la Mỹ tùy từng trường hợp. Sau đó người nộp đơn phải đợi thêm 1 năm và khai thuế thêm 1 năm chót trước khi nước Mỹ chịu chia tay họ và trả lại họ tự do để đường ai nấy đi. 

Con đường từ bỏ đối với nhiều người Mỹ chông gai hơn là con đường có quốc tịch vì có số sanh ra là người Mỹ, không cần phí đơn từ hay luật sư lôi thôi.

Trong 3.200 người Mỹ được thăm dò nói trên thì 80% thấy Hoa Kỳ không đại diện cho quyền lợi của họ đầy đủ ở nước ngoài.

Trong thăm dò thì không có nói tại sao, nhưng người viết nghĩ đến trường hợp 14.000 công dân Mỹ tại Sudan. Khi nội chiến bắt đầu tháng 4-2023 tại thủ đô, Mỹ chỉ di tản vào ngày 24 cho toàn bộ 70 nhân viên sứ quán, để lại kiều dân bơ vơ không được giúp đỡ đành đổ về biên giới Ai Cập hoặc nhờ được Thổ Nhĩ Kỳ hay Saudi cho di tản ké được một số bằng đường biển hay hàng không. 

Trang mạng của sứ quán ngày 12-5 cho kiều dân biết phải di tản bằng phương tiện tự túc, tận tình cho số điện thoại của công ty ghe phà "may ra còn chỗ", không quên chu đáo nhắn họ "nhớ phải trả vé bằng tiền mặt"!

Và thăm dò cũng cho thấy 69% kiều dân không muốn phải khai và nộp thuế tại Mỹ. 33% cho biết họ đã trả thuế ở địa phương cao hơn tại Mỹ. 51% đòi bỏ điều lệ thuế má này. Chỉ 11% có ý định trở về Mỹ để sống thường xuyên. 

Như vậy, số 89% còn lại đã nói lời từ biệt vĩnh viễn rồi.

Trong số 20% của thăm dò muốn khước từ quốc tịch thì:

- 34% (của 20% trên) cho biết là từ bỏ vì họ phải theo thủ tục khai thuế phức tạp.

- 14% từ bỏ vì ưu tư về không khí chính trị hiện nay tại Hoa Kỳ.

- 13% vì thất vọng với chính sách của Mỹ.

- 11% vì họ yêu vợ hay chồng người nước ngoài của họ hơn là yêu tổ quốc. Và vì thế, ngày mai trong đám công dân ấy/Có kẻ theo chồng bỏ Cờ Hoa.

Trở lại cựu công dân Mỹ và cựu thủ tướng Anh Boris Johnson. Ông ủng hộ Brexit tức là Anh ra khỏi EU của châu Âu. Cha ruột của ông, Stanley Johnson, là người ủng hộ chính sách của con trai Boris và ủng hộ Brexit nhưng ông lại vừa mới nhập tịch Pháp năm 2022 để đi lại và cư trú EU dễ dàng như xưa. 

Stanley giải thích việc nhập tịch này là vì mẹ của ông người Pháp, bà ngoại của ông người Pháp, do đó ông là người Pháp chứ sao. Ngoài ra, ông nội của Stanley tức là ông cố nội của Boris còn là người Thổ Nhĩ Kỳ và thượng thư nội vụ của đế chế Ottoman. 

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ dù nỗ lực đeo đuổi, song cho đến giờ vẫn chưa vào EU nên thôi, khỏi xin quốc tịch của họ làm gì.■

Số người Mỹ từ bỏ quốc tịch giai đoạn 1998-2020. Nguồn: Axios

Số người Mỹ từ bỏ quốc tịch giai đoạn 1998-2020. Nguồn: Axios

Thế bạn là người Mỹ và trúng số Loto Euro Millions ở Pháp thì bạn có phải đóng thuế không? Ở Pháp bạn không phải đóng thuế nếu trúng Loto vì Nhà nước Pháp đã lấy phần của họ trước khi chia. Nhưng bạn sẽ phải đóng thuế cho Mỹ theo mức quy định.

Sao Mỹ biết được? Vì bạn là người Mỹ và ngân hàng của bạn ở Pháp có bổn phận khai báo cho Hoa Kỳ. Và tất nhiên là vì cơ quan quản lý Loto ở Pháp không giao cho bạn 55 triệu euro vừa mới trúng bằng tiền mặt trong 28 cái vali đâu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận