Từ chuyến công du châu Á của ông Putin

TƯỜNG ANH 29/06/2024 07:53 GMT+7

TTCT - Chuyến thăm hai nước châu Á CHDCND Triều Tiên (18 và 19-6) và Việt Nam (19 và 20-6) của Tổng thống Nga Vladimir Putin là chủ đề nóng trên báo chí thế giới.

Ảnh: Brookings Institution

Ảnh: Brookings Institution

Về chuyến thăm chính thức Bình Nhưỡng sau 23 năm, Điện Kremlin chủ yếu đề cập đến sự phát triển quan hệ đối tác song phương. 

Thư ký báo chí của tổng thống Nga, Dmitry Peskov, tin tưởng rằng việc mở rộng các cơ chế hợp tác Nga - Triều Tiên sẽ "tạo động lực để giảm tác động của các lệnh trừng phạt phương Tây".

Từ "khu vực vĩ mô mới"

Tuy nhiên, các nhà bình luận chính trị Nga quan tâm nhiều hơn đến "phần chìm của tảng băng". Giám đốc Viện Chiến lược kinh tế và chính trị quốc tế Nga Yelena Panina nhận định: 

"Thỏa thuận Đối tác chiến lược toàn diện mà Nga và Triều Tiên ký có phần ngầm rất lớn. Nhưng ngay cả những gì được thể hiện công khai cũng đủ cho thấy nhiều điều".

Dù khi trả lời phóng viên tại Hà Nội sau chuyến làm việc ngày 20-6, ông Putin nhiều lần nhắc rằng thỏa thuận với Bình Nhưỡng "không có gì mới mẻ, mà chỉ vì thỏa thuận cũ (ký năm 1962) đã không còn tồn tại", và "Triều Tiên cũng có thỏa thuận tương tự với các nước khác". (Dù vậy, ông cũng thừa nhận trong hoàn cảnh hiện nay, việc ký thỏa thuận "có vẻ gay gắt"). 

Còn bà Panina nhận định: "Đây là thỏa thuận chính thức và công khai đầu tiên giữa hai quốc gia hạt nhân".

Bà lý giải: Thỏa thuận quy định việc hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp có hành vi gây hấn chống lại một trong hai bên. Điều này có nghĩa là Matxcơva quan tâm đến tăng tiềm năng tên lửa hạt nhân của Triều Tiên. 

Bình Nhưỡng có thể cung cấp cho Nga hỗ trợ với khả năng kỹ thuật phù hợp để đổi lấy những công nghệ mới của Nga.

Câu hỏi chính còn lại, theo bà Panina, là hợp tác quân sự Nga - Triều Tiên sẽ diễn ra theo những hình thức nào, chỉ giới hạn ở cấp độ chiến lược hay sẽ là hỗ tương toàn diện. 

Triều Tiên cũng có thể gây khó cho kế hoạch của Mỹ liên quan đến Đài Loan, làm phức tạp thêm vấn đề hậu cần từ Nhật Bản và Hàn Quốc, hoặc thậm chí tình nguyện viên Triều Tiên có thể sẽ đến Novorossiya nếu Ukraine vào NATO.

Tất cả những vấn đề này, theo bà Panina, có thể nằm trong phần "ngầm" của thỏa thuận. Đặc biệt, bà Panina cho rằng sau khi thỏa thuận Nga - Triều Tiên được ký kết, có thể nói Bình Nhưỡng đang gia nhập "khu vực vĩ mô mới nổi" của Nga, gồm khối Cộng đồng kinh tế Á - Âu, Iran, Syria và Cuba.

Đến giải pháp quốc phòng tối ưu

Thỏa thuận Nga - Triều Tiên cũng là chủ đề thảo luận quan trọng ở hầu hết các tổ chức nghiên cứu Mỹ. Stratfor gọi thỏa thuận này là một "hiệp ước phòng thủ" và đánh giá nó sẽ "củng cố quyết định của Triều Tiên từ bỏ nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Hàn Quốc". 

Như vậy, Matxcơva đang "tạo ra mối đe dọa chiến lược mới cho Washington và các đối tác ở một khu vực xa châu Âu, tin rằng điều này - giống như cuộc chiến của Israel với Hamas - sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh toàn cầu để giành lấy nguồn lực quân sự khan hiếm của Mỹ".

Về phần mình, trả lời câu hỏi báo chí về phản ứng của Seoul rằng "thỏa thuận mới giữa Nga và Triều Tiên đe dọa an ninh của họ", và do đó "Seoul có thể xem xét lại việc cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev", ông Putin trấn an: 

Hàn Quốc không có gì phải lo lắng, bởi vì sự hỗ trợ hỗ tương của Matxcơva và Bình Nhưỡng "chỉ phát sinh trong trường hợp hành vi gây hấn được thực hiện. Do Hàn Quốc không có kế hoạch xâm lược Triều Tiên, nên Seoul không cần phải lo ngại".

Các nhà phân tích Mỹ tin rằng về lâu dài, Nga, Trung Quốc và Triều Tiên không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng cường dần hợp tác quân sự và các lĩnh vực khác "nhằm chống lại các hành động của Mỹ và đồng minh trong khu vực một cách hiệu quả hơn".

Có thể đó là lý do khiến ông John Kirby, điều phối viên về truyền thông chiến lược tại Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, cho biết Washington "lo ngại về hậu quả của chuyến đi của ông Putin tới Triều Tiên".

Một trong số các "hậu quả" này đã được bà Elena Panina "gợi ý" trên kênh Telegram của mình hôm 20-6: Nga có thể cung cấp cho Triều Tiên công nghệ quân sự hiện đại để đáp trả những hỗ trợ của NATO và Mỹ hiện giờ cho Ukraine. 

Cụ thể, Matxcơva có thể cung cấp tên lửa không hạn chế tầm bay cho Bình Nhưỡng, và thậm chí là cả công nghệ sản xuất. Theo bà Panina, cung cấp công nghệ thậm chí còn tốt hơn với Nga, bởi họ sẽ không tạo thêm gánh nặng cho ngành công nghiệp quốc phòng, vốn đang chạy hết tốc lực vì nhu cầu của mặt trận.

"Cây tre linh hoạt"

"Linh hoạt như tre không bao giờ gãy" là tiêu đề trên tờ báo Thụy Sĩ Neue Zürcher Zeitung nhân chuyến thăm của ông Putin tới Việt Nam. 

Theo tờ báo tiếng Đức này, Việt Nam đang thể hiện sự linh hoạt trong chính sách đối ngoại, với "nghệ thuật sử dụng các nước lớn để làm lợi thế và gây sức ép với nhau". 

Dẫn lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc Việt Nam theo đuổi chính sách ngoại giao cây tre, tờ báo nói Hà Nội nỗ lực duy trì quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước, không đứng về bên nào. 

Các chuyến thăm cấp nhà nước trong 9 tháng qua cho thấy chiến lược thành công của Việt Nam: Tháng 9-2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Hà Nội, ba tháng sau, đến lượt Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và tháng 6-2024 là ông Putin.

Về phần Nga, tờ báo cho rằng "tổng thống Nga đạt được thành công về chính sách đối ngoại trong chuyến thăm Việt Nam. Ông đã cho Mỹ và châu Âu thấy rằng ông không bị cô lập trong các vấn đề chính sách đối ngoại".

Liên quan tới chuyến thăm Hà Nội của ông Putin, các hãng tin cũng đưa về chuyến thăm của Vụ trưởng Vụ Đông Á, Bộ Ngoại giao Mỹ Daniel Kritenbrink tới Hà Nội hôm 21-6, ngay sau khi ông Putin rời đi. 

Tuy Washington "thất vọng" (từ của CNN) vì Việt Nam thực hiện chính sách trung lập, nhưng chuyến thăm của ông Putin "khó có thể làm xấu đi mối quan hệ Mỹ - Việt, vì Việt Nam đóng vai trò quá quan trọng... trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ - tờ Neue Zürcher Zeitung nhận định - Chuyến thăm của ông Putin cho thấy Việt Nam đang định vị tốt như thế nào trong trò chơi quyền lực địa chính trị giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga".■

Trả lời báo giới tại Hà Nội hôm 20-6, ông Putin thẳng thắn thừa nhận mục đích chính của đi châu Á:

"Tình hình thế giới đang phát triển đến mức đòi hỏi phải tăng cường khuôn khổ pháp lý với các đối tác của chúng tôi, đặc biệt là trong những lĩnh vực mà chúng tôi coi là quan trọng, bao gồm cả việc tính đến những gì đang phát triển ở châu Á. Và điều gì đang xảy ra ở châu Á?", ông Putin đặt câu hỏi, và tự trả lời:

"Hệ thống khối đang được ráp nối ở châu Á. NATO đã chuyển tới đó như một nơi thường trú. Điều này tất nhiên tạo ra mối đe dọa cho tất cả các nước trong khu vực, trong đó có Nga. Chúng tôi có nghĩa vụ phải phản ứng với điều này và sẽ làm như vậy".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận