TTCT - Là đơn vị quản lý việc sử dụng xe công, Bộ Tài chính vừa tiên phong áp dụng chế độ khoán xe cho các thứ trưởng và cấp tổng cục trưởng thuộc bộ. Xe công vụ đỗ tại vỉa hè phố Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội)-Nguyễn Khánh Kinh phí hằng tháng để đưa đón các chức danh trên từ nơi ở đến nơi làm việc tính theo số kilômet khoán và đơn giá theo các hãng taxi bốn chỗ phổ biến trên thị trường. Mỗi cá nhân được khoán kinh phí cho hai lượt đi và về trong ngày làm việc. Lợi rõ , sao không mặn mà? Từ khi đổi mới đến nay, không dưới năm lần cải cách chế độ tiền lương. Trong các lần hội thảo góp ý dự thảo cải cách chế độ tiền lương, nhiều ý kiến cho rằng cần phải tiền tệ hóa các chế độ của công chức vào lương, nhưng hầu như không được tiếp thu đưa vào đề án. Năm 2007, thực hiện tinh thần nghị quyết Trung ương 3 về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Chính phủ đã ban hành quyết định 59 về sử dụng xe công và nhiều địa phương đã đề xuất hình thức khoán xe công. Theo bộ trưởng Bộ Tài chính lúc đó, Chính phủ và bộ rất khuyến khích hình thức này. Theo Bộ Tài chính, mỗi năm VN tiết kiệm khoảng 1.000 tỉ đồng nếu khoán xe công. Biện pháp này cũng sẽ chống xài chùa xe công, giúp chi tiêu Chính phủ được minh bạch hóa. Nếu thực hiện khoán xe công, mức khoán cho quan chức có thể chuyển thẳng vào lương, với gần cả chục triệu đồng/tháng, giúp thu nhập của quan chức tăng lên. Lợi cho dân, cho nước và cho bản thân quá rõ, tại sao nhiều “công bộc” cao cấp lại không mặn mà? Lý do có thể thấy: - Xe công dùng riêng để giải quyết “khâu oai” và từ cái oai ấy tạo ra nguồn thu. Một số người có nguồn thu khác ngoài lương lớn nên họ không cần đến số tiền vài triệu đồng do việc khoán xe công mang lại. - Thói quen lạm dụng, “xài chùa” xe công của một số quan chức: vợ con, cha mẹ các vị này sử dụng vô tư ngoài công vụ, thậm chí cả bồ nhí cũng được ăn theo. Tiếng là xe công nhưng ở VN không ít trường hợp xem như xe riêng, gần như là thuộc quyền sở hữu của quan chức đó. Chính sự nhập nhằng công - tư đó mà trong một kỳ họp Quốc hội, có đại biểu gọi việc sử dụng xe công không đúng tiêu chuẩn, mục đích là “tội tham nhũng và phải xử theo luật”. Từng có chuyện một vị quan chức đi ôtô công trị giá 5 tỉ đồng, dư luận mỉa mai là đang cưỡi 3.000 con trâu. Dịch vụ xe đưa rước Năm 1980, chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng lúc đó ký quy định các thủ trưởng cùng cơ quan và cấp tương đương dùng xe đưa rước tập thể đến chỗ làm việc. Nhưng thời gian qua hầu như không thấy hai thủ trưởng ngồi cùng một xe đi đến một chỗ họp hay đến một địa phương. Cả hai cùng đi thì mỗi người cứ “diễn” một xe! Mỗi năm ngân sách phải chi gần 13.000 tỉ đồng thuê lái xe, bảo dưỡng, sửa chữa, xăng dầu... cho 40.000 xe công trên cả nước, khiến cả xã hội giật mình. Các nước giàu rất hiếm xe công, nhà công vụ. Những nước Bắc Âu hoàn toàn không có chế độ xe đưa đón tại nhà; tất cả tính vào lương của cán bộ, họ tự lái xe hay đi phương tiện công cộng đến cơ quan. Khi đi công tác, cán bộ có xe công đưa đi, thậm chí cấp bộ trưởng ở Thụy Điển ăn trưa ở căngtin cũng tự trả tiền. Ở Thụy Sĩ, kể cả tổng thống đi công tác đều phải ở nhà của bưu điện với tiện nghi tối thiểu và không được thanh toán tiền khách sạn. Ở Nhật Bản, văn phòng chính phủ thuê xe của công ty tư nhân phục vụ cán bộ, mỗi chuyến đi đều được ghi nhận cụ thể giờ giấc, đoạn đường đi. Thủ tướng và bộ trưởng có xe đưa đón nhưng không có tài xế riêng; xe được sử dụng tối đa, không có chuyện xe chờ người. Các cơ quan quốc tế như Ngân hàng Thế giới cũng theo mô hình này, vừa giảm chi phí, gọn nhẹ biên chế, vừa tránh quan hệ riêng tư, sử dụng xe công vào mục đích cá nhân. Thẳng thắn mà nói, những chỉ thị có tính chất hành chính lâu nay như chỉ thị cấm sử dụng xe công vào việc riêng không mấy hiệu nghiệm. Đã từng có đề xuất của một địa phương: tập trung tất cả xe công về văn phòng ủy ban, sở nào đi đâu, chỉ cần báo là có xe văn phòng phục vụ. Đi đâu thì có ghi sổ hết. Ai đi ít, ai tiết kiệm, ai đi việc riêng, việc chung là biết hết. Trước mắt là như vậy, về lâu dài cần thành lập các công ty cung cấp dịch vụ xe cho các cơ quan nhà nước. Cơ quan có nhu cầu xe cứ ký hợp đồng với công ty dịch vụ, bảo đảm được phục vụ đầy đủ nhu cầu công vụ từ các cán bộ có tiêu chuẩn xe con đến các cá nhân, tập thể có nhu cầu đi công tác... Ngoài ra cần mở rộng dịch vụ ra nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng khác nữa, như hợp đồng dịch vụ đối với công việc vệ sinh, bảo vệ, chăm sóc cây xanh, bảo trì điện nước, căngtin... Đây là xu thế xã hội hóa bước đầu đối với các cơ quan hoạt động công vụ. Có như vậy, khối tài sản nhà nước khổng lồ sẽ bớt đi tình trạng bị tranh thủ, thực chất là tham nhũng. Chúng ta có quyền kỳ vọng với sự tiên phong của Bộ Tài chính, cơ quan quản lý việc sử dụng xe công làm tốt phần mình sẽ làm gương cho các bộ, ngành địa phương.■ Tags: Xe côngBộ Tài chínhKhoán xe công
Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII TTXVN 25/11/2024 Sáng nay 25-11, tại trụ sở Trung ương Đảng đã khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Viện kiểm sát: Không có căn cứ giảm án tử hình cho bà Trương Mỹ Lan ĐAN THUẦN 25/11/2024 Ngày 25-11, phiên tòa phúc thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, SCB tiếp tục phần tranh luận. Các luật sư đề nghị không tử hình bị cáo Trương Mỹ Lan, viện kiểm sát nói không có căn cứ giảm án.
Những điểm mới về chuyển tuyến, chi trả bảo hiểm y tế TUỔI TRẺ ONLINE 25/11/2024 Dự kiến tuần này Quốc hội sẽ xem xét dự luật Bảo hiểm y tế sửa đổi với nhiều điểm mới như khám, chữa bệnh tại nhà được bảo hiểm chi trả...
Nhà Trắng im ắng cả tháng sau bầu cử, ông Biden và bà Harris đang ở đâu? THANH HIỀN 25/11/2024 Ông Biden dường như đang giữ khoảng cách với truyền thông, bà Harris nghỉ phép để dành thời gian bên gia đình.