LTS: “Tự làm chủ đang là xu hướng?” - chuyên đề trên TTCT số 47 đã thu hút sự quan tâm và phản hồi nồng nhiệt của bạn đọc. TTCT xin mở diễn đàn ghi nhận những góc nhìn khác nhau về nghề nghiệp trong bối cảnh xã hội số ngày nay, từ “làm nhà nước” với những gò bó triệt tiêu sáng tạo, đến đi làm thuê chuyên nghiệp vắt kiệt sức lực, và tự làm chủ với những bất ổn chực chờ trong cái tự do bay nhảy... Tự do nghề nghiệp nào cũng có giá của nó. Grab đã tạo ra một "cơn lốc" việc làm tại VN nhưng cái giá cũng không hề nhỏ. Ảnh: L.N.M. Ba năm trước, trong một ngày xấu trời, tôi quyết định nộp đơn xin nghỉ việc cái rẹt với lý do muốn thay đổi đời mình. Vậy là sau mười năm đi làm công ăn lương ở một cơ quan lớn với mức thu nhập tốt và ổn định, tôi bắt đầu gia nhập đội ngũ Freelancer - những người làm việc tự do. Sự tự do xứng đáng Trước hết, khái niệm tự do này sẽ đến về mặt thời gian. Rõ ràng là vậy, bởi khi ta không làm việc cho một công ty/tổ chức nào thì không cần phải hốt hoảng có mặt ở sở làm lúc 8h sáng và uể oải ngồi đồng ở đó cho đến 5h chiều. Ngược lại, một freelancer sẽ có toàn bộ thời gian trên thế giới này và toàn quyền quyết định lúc nào thì làm, lúc nào thì nghỉ. Chẳng hạn, từ khi làm tự do có khi tôi bắt đầu ngày làm việc của mình vào lúc 2h chiều, sau khi đã ngủ trưa đẫy giấc. Cũng có khi tôi làm việc vào cuối tuần và đi chơi vào đầu tuần. Khi mọi người xung quanh than thở về cơn ác mộng mang tên “thứ hai”, tôi chỉ mỉm cười nghĩ xem mình nên đặt lịch chăm sóc da vào sáng thứ hai tới ở đâu thì tiện. Khi mọi người phải dành dụm từng ngày phép để đi chơi với gia đình, người yêu thì tôi có thể đi lúc nào tùy thích vì ngày nào mà chẳng là ngày phép. Sự tự do thứ hai là về mặt nơi chốn. Phải rồi, giờ thì ta không còn ụp mặt vào màn hình máy tính ở góc bàn quen thuộc nữa, thay vào đó ta sẽ... ụp mặt vào laptop riêng ở nhà, ở quán cà phê, ở bãi biển, ở nông trại, trên các phương tiện giao thông công cộng (với những freelancer làm công việc cần đến máy tính như thiết kế, đồ họa, viết phần mềm, làm website, viết lách, bán hàng online, đầu tư tài chính crypto, bitcoin, chứng khoán...). Còn với những freelancer làm việc liên quan đến vận động, chân tay, kỹ thuật, thủ công, dạy học, nhiếp ảnh... thì họ cũng sẽ luôn thay đổi môi trường làm việc của mình tùy theo từng khách hàng khác nhau. Riêng bản thân tôi là người viết lách tự do, tôi thường đến những quán cà phê có cửa sổ lớn, không gian yên tĩnh, nhạc nhẹ nhàng và cà phê ngon, vậy là đủ điều kiện để có một buổi chiều làm việc hiệu quả rồi. Sự tự do tiếp theo là về yếu tố con người. Từ khi nghỉ việc ở cơ quan cũ, tôi cũng “nghỉ chơi” luôn với vô số các cuộc họp triền miên đủ các kiểu, đủ các lý do diễn ra mỗi tuần. Tôi chưa bao giờ thích họp hành, nó khiến tôi thấy áp lực và mệt mỏi khi phải tranh luận, giải thích, chứng minh với nhiều người khác để bảo vệ ý kiến của mình. À, tôi không hề nói họp hành là xấu, ngược lại nó là một phần quan trọng của team-work (làm việc nhóm) để đưa ra phương cách làm việc hợp lý nhất cho cả tập thể, chỉ là tôi không hợp với nó mà thôi. Và sự tự do cuối cùng là tự do chọn lựa làm gì và không làm gì. Hay còn gọi là quyền “nói không” một cách tự tin, vì giờ đây ta không còn một người sếp nào trên đầu nữa. Quan hệ với khách hàng là quan hệ đối tác bình đẳng chứ không phải kiểu cấp trên - cấp dưới. Tôi có quyền từ chối những khách hàng không thích, những dự án tôi không có hứng thú. Với kinh nghiệm và vị trí của mình hiện tại, tôi chỉ nhận những lời mời cộng tác, đơn đặt hàng mà tôi thấy phù hợp với thời gian, kiến thức, quan điểm và khả năng của bản thân. Chấp nhận đối mặt sự bất ổn Tuy nhiên, hẳn là hội những freelancer trên thế giới này sẽ nhướng mày khi tôi chỉ ba hoa một chiều cuộc sống làm việc lý tưởng kia. Đúng vậy, cái gì cũng có hai mặt của nó, và cái giá phải trả cho sự tự do đáng mơ ước này là sự bất ổn có thể đoán trước. Bất ổn lớn nhất chính là không có thu nhập ổn định. Quả thật, việc bỗng nhiên không còn nghe thấy tiếng bíp bíp của điện thoại báo lương về vào mỗi cuối tháng khiến tôi có phần hụt hẫng. Lương cứng hàng tháng là một cái gì đó có thể khiến ta thấy an lòng, nhất là trong bối cảnh vật giá leo thang và việc thanh toán các hóa đơn ngày càng khó khăn. Một freelancer sẽ có nguồn thu nhập từ các công việc được khách hàng thuê. Nguồn thu này sẽ khác nhau tùy theo ngành nghề, kinh nghiệm, số lượng công việc, đối tượng khách hàng... Vậy nên thu nhập của mỗi freelancer sẽ khác nhau tùy theo giá của từng người, đồng thời thu nhập mỗi tháng cũng khác nhau tùy theo công việc nhiều hay ít. Chẳng hạn, nếu tháng đó một người thiết kế web nhận được nhiều hợp đồng, người bán hàng online bán được nhiều hàng hơn, người chơi tài chính thắng đậm, người dạy ngoại ngữ hay yoga có nhiều học trò hơn... thì thu nhập chắc chắn sẽ tăng lên. Và ngược lại. Tuy nhiên, sự không ổn định này ở một khía cạnh nào đó cũng là một động lực để các freelancer phấn đấu cho công việc của mình, trau dồi thêm kỹ năng, kinh nghiệm và mạnh dạn “quăng” mình ra thị trường. Ngoài chuyện không có lương, làm việc tự do cũng khiến ta không có thưởng nốt. Đã ba năm nay tôi không biết thưởng lễ, tết là gì. Nhớ hồi còn làm ở cơ quan cũ, tuy lương thì không cao nhưng các chế độ thưởng và bổng lộc rất tốt. Một năm có vài đợt được thưởng như thế vào các ngày lễ lớn, ngày thành lập cơ quan, ngày tết âm lịch... như một sự khích lệ lớn mà ai cũng mong chờ. Giờ thì không được vậy nữa nên cũng có chút tủi thân. Thêm một sự bất ổn nữa khiến những freelancer lo lắng (nhất là với những ai đã từng có thời gian làm việc trong một tổ chức) chính là không có chế độ bảo hiểm về sức khỏe, thất nghiệp, hưu trí. Tất cả những điều này, nếu muốn có một tương lai đảm bảo và tránh rủi ro, các freelancer đều phải tự lo. Giờ thì tôi đã quen với việc tự mua bảo hiểm sức khỏe, tự đến bệnh viện khám định kỳ, tự đi làm thủ tục thuế, và tự để dành tiền để lo cho tương lai hưu trí sau này. Ngoài những điều bấp bênh trên thì để có thể tồn tại được với tư cách là một freelancer, tôi còn phải đối mặt với những áp lực khác như: mở rộng ra các mối quan hệ, đảm bảo được nguồn khách hàng và số đầu việc mỗi tháng, chạy deadline (bảo đảm đúng tiến độ), giữ uy tín với khách hàng... Vậy tóm lại thì tự do trị giá bao nhiêu? Tôi vẫn chưa tính được con số chính xác bởi tôi không quan tâm lắm đến số tiền mình kiếm được và số tiền mình mất đi khi làm việc tự do. Nhưng nhìn chung thì tôi thấy mình vẫn sống ổn sau hơn ba năm “ra riêng”. Tuy nhiên nếu có một lời khuyên cho các bạn trẻ mới ra trường, tôi nghĩ các bạn nên đi làm thuê cho một công ty/ông chủ nào đó một thời gian rồi hãy tính chuyện làm tự do, bởi người trẻ thường thiếu kinh nghiệm, mối quan hệ, thiếu vốn, chưa “biết người biết ta” sẽ dễ gặp thất bại và nản chí. Tất nhiên nếu bạn nào có đủ bản lĩnh và tài chính thì hoàn toàn có thể tự mình khởi nghiệp. Thỉnh thoảng tôi cũng có nhớ về những ngày còn đi làm ở công sở, nhớ đồng nghiệp cũ hay cái không khí của một tập thể, nhưng sự tự do này là điều mà tôi yêu quý, nó đáng giá bao nhiêu giấc mơ và sợ hãi, vậy nên tôi chưa bao giờ hối hận.■ Khi không ở trong một tập thể nữa, tôi cũng để mình tránh xa được toàn bộ những “bi kịch” của môi trường công sở như người này nói xấu người kia, chuyện phe nhóm, chuyện được lòng hay làm phật ý cấp trên... Môi trường công sở ở đây không chỉ là cơ quan nhà nước mà cả ở khu vực doanh nghiệp tư nhân hay công ty nước ngoài. Khi chủ động ở xa những mối quan hệ này, tôi cũng tiêu trừ những nguồn năng lượng tiêu cực trong cuộc sống và tập trung hơn vào công việc của mình. Tags: Tự làm chủXu hướng tự làm chủTự doTự do giá bao nhiêu
Tiết lộ doanh thu khủng của 'đế chế chăn nuôi' C.P. Việt Nam BÌNH KHÁNH 24/11/2024 Báo cáo tài chính của Charoen Pokphand Foods, công ty mẹ của C.P. Việt Nam, cho biết doanh thu 9 tháng đầu năm nay ở Việt Nam đạt gần 68.000 tỉ đồng.
Các bên vào cuộc xem xét việc Đàm Vĩnh Hưng hát ở hải ngoại khi đang bị cấm diễn HOÀI PHƯƠNG 24/11/2024 Ông Tạ Quang Đông - thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cho biết đang làm việc với các bên liên quan đến việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bị cấm biểu diễn trong nước và đi diễn ở nước ngoài.
Đội tuyển Việt Nam bắt đầu lắp ghép bộ khung đá chính HOÀNG TÙNG 24/11/2024 Trong buổi tập chiến thuật mới nhất, HLV Kim Sang Sik bắt đầu lắp ghép các nhân sự cho bộ khung đội tuyển Việt Nam chuẩn bị ASEAN Cup 2024.
Nhật Bản và Mỹ lập kế hoạch phóng tên lửa phòng Đài Loan ‘có biến’ MINH KHÔI 24/11/2024 Nhật Bản và Mỹ đang hướng tới việc xây dựng một kế hoạch quân sự chung nhằm ứng phó với tình huống khẩn cấp tại Đài Loan, bao gồm việc phóng tên lửa.