Từ ghế sau lên ghế trước

CHIÊU VĂN 06/10/2020 00:10 GMT+7

Ông Yoshihide Suga lên nắm quyền thủ tướng Nhật Bản trong vai trò một người lấp chỗ trống tạm thời, nhưng những kỳ vọng của chính quyền mới không chỉ là tiếp quản và gìn giữ các di sản lớn lao của người tiền nhiệm Abe Shinzo.

Vài giờ sau khi nội các mới của Nhật Bản tuyên thệ nhậm chức hôm 16-9, tân Thủ tướng Nhật Bản Suga đã gặp riêng 20 bộ trưởng của ông trong văn phòng của mình. Mỗi bộ trưởng lần lượt được ông động viên và đề xuất hai mục tiêu chính sách.

Ông Yoshihide Suga. Ảnh: Nikkei

Ông Suga lên làm thủ tướng theo một thỏa thuận hậu trường sau khi ông Abe tuyên bố từ chức vào ngày 28-8. Vị thủ tướng nắm quyền lâu nhất Nhật Bản trong thời hiện đại đã để lại một di sản lớn lao - và cả nặng nề - cho ông Suga, vốn là chánh văn phòng nội các của ông. Vị tân thủ tướng 71 tuổi, vốn là một “chiến lược gia sau màn trướng và một chuyên gia dàn xếp chính trị”, theo báo Nhật Bản Nikkei Asian Review, giờ trở thành nhân vật chính, dù có thể chỉ là tạm thời.

Làm chính trị như một kỳ thủ

Dự kiến ông Suga sẽ nắm quyền trong một năm cho tới cuộc bầu cử chủ tịch Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền. Nhưng những mục tiêu ông Suga vạch ra với nội các của mình không hề là nghị trình khiêm nhường của một người tạm quyền. Từ tăng chi tiêu quốc phòng tới số hóa hệ thống hành chính vốn vẫn dựa trên giấy tờ rối rắm của Nhật Bản, các dự án ưu tiên của ông - 40 cả thảy (tương ứng với 2 mục tiêu cho mỗi người trong 20 bộ trưởng) - là một cuộc đại cải cách thực sự. Lấy ví dụ, trong cuộc gặp Bộ trưởng Y tế và lao động Norihisa Tamura, mệnh lệnh của ông Suga là: “Hãy đảm bảo việc khám chữa bệnh trên mạng trở thành một lựa chọn lâu dài cho người dân”. Ngắn gọn, nhưng không hề đơn giản.

Việc khám bệnh trực tuyến đã được thông qua ở Nhật Bản trong bối cảnh dịch COVID-19, nhưng pháp luật nước này cũng yêu cầu bác sĩ phải gặp trực tiếp bệnh nhân. Điều luật đó không chỉ ghi cho có: nó thuộc về một nền tảng bất khả xâm phạm thể hiện sự nhượng bộ qua lại của giới tinh hoa chính trị và kinh doanh, điều đã định hình nước Nhật hiện đại. Điều luật giúp giới bác sĩ, một lực lượng cử tri đáng tin cậy và rất hùng mạnh của LDP, tránh được sự cạnh tranh và độc quyền hóa việc khám chữa bệnh theo “phân vùng lãnh địa”. Các chính quyền trước ông Suga, bao gồm cả chính quyền Abe, về cơ bản là tránh đụng chạm tới vấn đề khám chữa bệnh và kê toa trực tuyến, do giới bác sĩ là một nhóm lợi ích cực hùng mạnh, rất quyết liệt bảo vệ mô hình kinh doanh của họ.

Tìm cách bãi bỏ quy định đó đồng nghĩa sẽ phải đương đầu một nhóm lợi ích cốt lõi làm nên thành công cho LDP - và mệnh lệnh của Suga được ban bố chỉ hai tiếng đồng hồ sau khi ông chính thức nhậm chức.

Theo tiết lộ của Nikkei, ông Suga đã thu hút được sự ủng hộ trong quá trình tranh chấp quyết liệt trong nội bộ LDP khi thương thảo tìm người thay ông Abe nhờ tỏ ra là một người ôn hòa, ít tham vọng. “Tôi dự tính coi việc xử lý virus corona là ưu tiên số một; tôi cam kết tiếp tục các đường lối của chính quyền Abe”, ông nói trong cuộc họp mà các ứng viên thủ tướng trình bày đường hướng sắp tới với các nghị sĩ LDP.

Nhưng khi thực sự bắt tay vào việc, Suga không hề hành xử như thể ông chỉ là người tạm quyền. Ông ngay lập tức đề đạt nhiều ý tưởng cải cách can đảm, từ tái tổ chức các doanh nghiệp nhỏ và ngân hàng địa phương tới thiết lập chính sách số hóa toàn quốc, cải cách Bộ Y tế và nâng lương tối thiểu.

Tuy nhiên, “với những ai đã biết ông Suga, thì sự thay đổi đấy không có gì lạ”, Nikkei bình luận. Tờ báo cũng dẫn lời một quan chức cấp cao gần gũi với tân thủ tướng nói các cơ quan cấp bộ của Nhật Bản đều hiểu tư duy của ông sau gần 8 năm ông làm chánh văn phòng nội các. “Ngoại giao là địa hạt của Abe và chính sách đối nội là sân của Suga”, quan chức trên nói với Nikkei.

Hachiro Okonogi, chủ tịch Ủy ban An ninh công cộng quốc gia (tức Bộ Công an) trong nội các của ông Suga, đã biết tân thủ tướng từ thời ông ở tuổi đôi mươi, nói về Suga: “Tôi chưa bao giờ thấy ông ấy bỏ dở dang việc gì”. Với Okonogi, sự nghiệp chính trị của Suga giống một ván cờ shogi (cờ tướng kiểu Nhật), luôn đòi hỏi sự tính toán tỉ mỉ và lên kế hoạch trước nhiều nước. Kỷ luật công việc cũng là điều khiến Suga nổi tiếng. Thời còn làm chánh văn phòng nội các, một ngày bình thường của ông bắt đầu lúc 5h sáng, thức dậy đọc tất cả các báo lớn và tập cơ bụng 100 lần, rồi 40 phút đi bộ nhanh. Ông ăn 4 bữa mỗi ngày với các nhân vật của giới chính trị và kinh doanh, rồi 100 lần tập cơ bụng nữa trước khi về nhà vào buổi tối. Cuối tuần, ông sẽ có các lớp học với giới lãnh đạo hành chính và kinh doanh; nếu Triều Tiên bắn tên lửa hay có thiên tai thảm họa xảy ra, ông sẽ ngay lập tức có mặt ở văn phòng thủ tướng và họp báo sẽ bắt đầu, dù cho là nửa đêm.

Thách thức đối ngoại

Sức mạnh kinh tế tương đối suy giảm của Nhật Bản đã tác động đến ảnh hưởng của nước này trên trường quốc tế. Khi tổng thống Mỹ Bill Clinton thăm Trung Quốc năm 1998, vào giữa “thập niên mất mát” của người Nhật, ông đã gây nhiều tranh luận khi cố tình bỏ qua Nhật Bản trong lịch trình. Sự vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc càng đẩy nhanh quá trình đó, và giới quan chức ngoại giao Mỹ còn đùa nhau rằng khó mà nhớ được tên các nhà lãnh đạo Nhật Bản, khi chính phủ cứ thay đổi xoành xoạch vì những bất ổn liên miên của nền kinh tế: tính trung bình, nhiệm kỳ thủ tướng Nhật giai đoạn 1990-2010 là 821 ngày, tương đương chỉ hơn 2 năm. Suốt nửa sau thế kỷ 20, với chính sách đối ngoại chủ hòa và chi tiêu quốc phòng chỉ 1% GDP, nước Nhật về cơ bản né tránh những cuộc cạnh tranh ảnh hưởng ở châu Á.

“Vào thời điểm trọng đại này của lịch sử Nhật Bản, một nhà lãnh đạo có kinh nghiệm trong đối ngoại và quan hệ tốt với các nhà lãnh đạo trên thế giới có thể là một lợi thế, nhưng uy tín chính sách đối ngoại của ông Suga còn là điều đáng ngờ” - Nikkei bình luận. Có thể ước đoán tầm nhìn chính sách đối ngoại của ông Suga ít nhiều qua thời ông còn làm chánh văn phòng nội các. Trả lời những nghi ngờ về kinh nghiệm đối ngoại, ông Suga nhắc rằng ông từng có mặt trong gần như mọi cuộc điện đàm của sếp ông, Abe, và Tổng thống Mỹ Donald Trump, chính xác là 36/37 cuộc gọi như thế. Trong 7 năm 8 tháng làm chánh văn phòng, ông cũng có hai chuyến công du nước ngoài: tới Guam năm 2015 và Washington năm 2019. Ở Washington, ông đã gặp Phó tổng thống Mike Pence ở Nhà Trắng. Khi ông Suga gặp ông Toshimitsu Motegi, bộ trưởng ngoại giao mà ông giữ lại của nội các Abe, ngày 16-9, những chỉ thị của ông là rõ ràng: “Tôi muốn ngài củng cố mối liên minh Nhật - Mỹ, rường cột của chính sách đối ngoại chúng ta, và triển khai một cách chắc chắn “Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do (FOIP)””.

Chiến lược này của Nhật Bản có một lịch sử lâu dài. Nó manh nha từ một bài phát biểu trước Quốc hội Ấn Độ năm 2007, khi thủ tướng Abe nói ông muốn thúc đẩy “dòng hợp lưu” Ấn Độ - Thái Bình Dương để tạo thành một “vòng cung tự do và thịnh vượng”. Ý tưởng đấy được chính thức hóa vào năm 2016 với FOIP, được thiết kế để kết nối các lục địa Á và Phi, cũng như Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. “Mục tiêu là duy trì và củng cố trật tự trên biển dựa trên pháp luật và đảm bảo đại dương mở nhằm ngăn ngừa bất ổn và xung đột, cụ thể là tránh sự áp đặt của bất kỳ quốc gia nào trên vùng biển khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”, chiến lược nêu rõ. Ông Suga, qua những nhiệm vụ giao phó cho ông Motegi, đã cho thấy về đường lối đối ngoại, ông sẽ kế tục khá nhất quán người tiền nhiệm Abe ra sao.

Xử lý quan hệ với Trung Quốc cũng sẽ là thách thức hàng đầu với ông Suga. Theo bước ông Abe, ông không cam kết gì về ngày cụ thể cho cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nay đã bị hoãn lại, dù một số nhân vật chủ chốt của LDP đang kêu gọi hủy hoàn toàn cuộc gặp này. “Khi căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng, tầm quan trọng tương đối của Nhật Bản với Trung Quốc sẽ tăng lên - Yasuhiro Matsuda, giáo sư chính trị quốc tế ở Đại học Tokyo, nói với Nikkei - Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ tìm cách chia rẽ Nhật Bản và Mỹ”.■

Ba vấn đề kinh tế

Ông Suga sẽ phải đối mặt với ba vấn đề lớn mà Nhật Bản đã phải vật lộn trong ít ra là ba chục năm qua.

Thứ nhất là tình trạng già hóa và suy giảm dân số. Tỉ lệ sinh của Nhật Bản là 1,36 vào năm 2019, giảm năm thứ tư liên tiếp và với tốc độ này, dân số dự kiến sẽ giảm từ 127 triệu xuống còn 102 triệu trong giai đoạn 2015-2050.

Vấn đề thứ hai là tình trạng giảm phát, càng thêm trầm trọng vì dịch COVID-19 khiến sức cầu suy yếu.

Cuối cùng, ông Suga cần giải quyết vấn đề mức tăng năng suất thấp của Nhật Bản, mà ông dự định xử lý bằng việc số hóa dịch vụ công, cải cách doanh nghiệp nhỏ và ngân hàng địa phương.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận