Từ miếng đất của một hãng phim

HỮU NGHỊ 27/03/2023 10:01 GMT+7

TTCT - Những vấn đề ở Hãng phim truyện Việt Nam là di sản của một thời kỳ văn hóa quốc doanh.

Tin Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tìm giải pháp xử lý tình trạng đổ nát, hoang tàn của trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam cho thấy vấn đề hiện cấp bách ở khía cạnh cơ sở vật chất. 

Còn các vấn đề khác để sau, trong đó có chế độ với nhân sự, chính sách hoạt động, hay đầu tư nói chung cho điện ảnh, khi mà đã lâu không sản xuất được cuốn phim nào.

Từ miếng đất của một hãng phim - Ảnh 1.

Lối đi dẫn tới các dãy nhà chức năng tại Hãng phim truyện Việt Nam hư hỏng xuống cấp sau nhiều năm không được sử dụng. Ảnh: Nguyễn Khánh

Nhớ buổi giao thời

Có lẽ vấn đề ở chỗ cái cơ chế Nhà nước quản lý các rạp hát, rạp phim như những định chế, tổ chức hoạt động ngành nghề, đồng thời quản lý luôn nhân sự và cơ sở vật chất - một đặc trưng của nền quản lý và kinh tế "tập trung bao cấp". 

Khi kinh tế không còn bao cấp, tất cả trở thành vấn đề nan giải. Ở TP.HCM, các tụ điểm đó vốn từng là cơ sở tư nhân hoặc xã hội (hay dở tự thân, lời ăn lỗ chịu) từ cụm rạp Rex (Bến Thành) cho tới rạp Văn Cầm, rạp Cẩm Vân ở Phú Nhuận hay Kinh Thành, Moderne, Văn Hoa ở Tân Định. Có những nơi chiếu phim nước nhất, lại có những rạp chiếu lần hai, lần ba. Các gánh hát cũng tự chủ và tự sống.

Cũng may là đã gần 50 năm trôi qua, nên vấn đề nhân sự được giải quyết một cách "tự nhiên". Lớp nhân viên đầu tiên đã khuất bóng. Lớp sau cũng dễ giải quyết chế độ chính sách do không phải là những nghệ sĩ "có một không hai". 

Trong xã hội giao thời giữa bao cấp và kinh tế thị trường cuối những năm 1980, đầu 1990, các rạp chiếu bóng do Nhà nước quản lý dần chuyển mình, tư nhân hóa trên thực tế, tự lo rạp chiếu, tự trang bị, tự tuyển nhân viên, đào tạo, sử dụng và trả lương theo thị trường. 

Lâu lâu cũng có phim này phim kia ra mắt khán giả, giới tài tử, nhân viên cũng qua đó mà sống, có người sống khỏe nhưng cũng có người chật vật, như mọi ngành nghề khác.

Nhà nước nên có vai trò gì

Rồi lần hồi tình thế thay đổi, công nghệ mới, phim nước ngoài ùa vào, bản quyền chặt chẽ hơn, không ít rạp chiếu bóng nhà nước cũ tan tác vì không tự trang trải được. 

Vấn đề tất nhiên không phải là giữ lại các rạp đó bằng mọi giá, hay nhìn đó như những tài sản nhất định không thể rời. Đây là hiện tượng chung, không chỉ với ngành điện ảnh. Nhìn vào một loạt bộ ngành đều có "văn phòng đại diện phía Nam", thì sẽ thấy bức tranh rộng hơn. 

Có những văn phòng đại diện, mọi công việc ở tuốt trung ương, nhưng do địa thế tốt, "đất vàng" nên đã xây thành cao ốc cho thuê. Trong khi đất đai đó, nếu không sử dụng đúng mục đích, lẽ ra cần trả lại công thổ hay biến thành vốn của địa phương.

Trên một bình diện khác, với hoạt động của các ngành nghề nghệ thuật, vai trò của Nhà nước trong kinh tế thị trường không còn là quản lý hoạt động, thu chi, hay nhân sự như thời bao cấp. 

Song riêng với hoạt động văn hóa, Nhà nước cũng không thể buông hết, mà phải có trợ cấp, định hướng, và cả hỗ trợ hoạt động. Một ví dụ: Nhà hát quốc gia Pháp, gồm Nhà hát Opera Bastille và Nhà hát Garnier, mỗi năm ngân sách khoảng 200 triệu euro, trong đó 100 triệu là từ ngân sách.

Có vậy thì mới có cái để cân bằng với các lực thị trường, để mà "hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học vào việc xây dựng con người có thế giới quan khoa học, hướng tới chân - thiện - mỹ" được chứ. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận