Từ thiện: Minh bạch và kiểm soát

DANH ĐỨC 23/09/2024 09:43 GMT+7

TTCT - Ở một số xã hội, làm từ thiện và sử dụng nguồn lực từ thiện khi thiên tai đã được đúc kết thành quy định, cơ chế tổ chức, nhằm đảm bảo thu, chi công khai và minh bạch, nhất là khi ở đó các hội đoàn chủ yếu là tư nhân và xã hội.

Từ thiện: Minh bạch và kiểm soát - Ảnh 1.

Ảnh: iStock

Dù trong xã hội nào, cơ bản là yêu cầu thông tin công khai, minh bạch. Lấy thí dụ nước Bỉ từ lâu đã có một tổ chức tư nhân có tên rất rõ ràng là Donorinfo (Thông tin cho người tài trợ) mà tôn chỉ được minh định như sau: 

"Bằng cách xóa bỏ những nghi ngờ thông qua việc phổ biến thông tin rõ ràng về các hội đoàn, Donorinfo sẽ kích thích lòng trắc ẩn, tình đoàn kết và trách nhiệm của mọi người trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng".

Chứng nhận minh bạch

Donorinfo hoạt động như thế nào? Họ phân tích các tài khoản hằng năm gần đây nhất của các hội đoàn có hoạt động quyên góp, xem xét kỹ lưỡng các báo cáo, thậm chí các nhà quản lý hội đoàn phải trả lời tất cả các câu hỏi của Donorinfo về tài chính và quản trị. 

Kết quả của sự cộng tác này là các hội đoàn đã được Donorinfo phân tích sẽ chèn logo Donorinfo vào các thông tin kêu gọi quyên góp của họ cùng dòng chữ "Các tài khoản của chúng tôi được phân tích, diễn giải, công bố một cách hoàn toàn minh bạch và độc lập bởi Donorinfo", như một lời bảo chứng rằng quý vị hãy yên tâm, tiền từ thiện của quý vị sẽ được kiểm tra một cách chính trực và đường hoàng, bởi một tổ chức chuyên nghiệp và uy tín.

Hay nữa, Donorinfo hoạt động hoàn toàn trên cơ sở tự nguyện: các hội đoàn tự tìm đến họ để đăng ký được giám sát, đổi lại, các khoản đóng góp của họ được công nhận là minh bạch. 

Chưa hết, các hội đoàn có số thu vượt quá 100.000 euro còn phải được kiểm toán tài khoản bởi một cơ quan bên ngoài được phê chuẩn (thường là các kiểm toán viên có chứng chỉ chuyên nghiệp). 

Sau khi phân tích việc phân bổ thu - chi, kết quả được công khai trên donorinfo.be. Qua danh sách này, các nhà tài trợ có thể dễ dàng so sánh số liệu từ các hội đoàn quyên góp khác nhau.

Donorinfo chỉ là một thí dụ từ xã hội Bỉ. Còn ở Pháp thì từ tháng 8-1991, việc kêu gọi lòng hảo tâm của công chúng được quy định bởi điều 3 của luật số 91-772 ngày 7-8-1991. 

Theo đó, các hoạt động này chịu sự kiểm soát bởi IGAS (Tổng thanh tra các vấn đề xã hội, cơ quan liên bộ thực hiện các nhiệm vụ kiểm tra và đánh giá các chính sách xã hội) và IGAENR (Tổng thanh tra các vấn đề xã hội trong lĩnh vực giáo dục, thể thao và nghiên cứu). 

Có thể mở ngoặc đơn ở đây: do ở Pháp, các lĩnh vực giáo dục, thể thao và nghiên cứu thường được kêu gọi đóng góp tiền hảo tâm hơn, với định nghĩa là khoản cho đi mà không mong muốn nhận lại gì.

Từ thiện cần rộng rãi

Tuy có tới hai cơ quan kiểm tra, ở Pháp không hề có chuyện tập trung nguồn lực thiện nguyện vào chỉ một đầu mối trung ương, dù là của nhà nước hay tư nhân: năm 2022, có đến 155 hội đoàn làm công việc quyên góp, trong đó nổi tiếng nhất là các hội nhóm Hội Chữ thập đỏ, Quán cơm tình thương, Cứu tế Công giáo, Hiệp hội bệnh tim, Thầy thuốc không biên giới, Hành động chống đói…

Trong việc thể hiện lòng hảo tâm của người Pháp, việc quyên góp tiền và hiện vật không phải là hình thức đóng góp duy nhất, mà còn có thể đóng góp bằng sức lao động.

Tóm lại trên nguyên tắc tất cả các tổ chức đều có thể kêu gọi quyên góp, nhưng trên thực tế, chủ yếu chỉ các hội đoàn và tổ chức được công nhận là công ích mới có thể và phải được kiểm tra tài chánh độc lập. Các cá nhân không thể kêu gọi quyên góp.

Bối cảnh xã hội và pháp lý ở Pháp tất nhiên khác ở Việt Nam. Nhưng không vì thế mà không thể có những tham khảo cần thiết, nhất là khi chuyện cứu tế đang trở thành "vấn đề" có thể gây tranh cãi. Có thể thấy, khác biệt cơ bản là ở Việt Nam, việc tiếp nhận cứu trợ đang được cố gắng quy về một mối.

Ngay cả như vậy, yêu cầu công bố thu chi, kiểm tra, kiểm toán độc lập vẫn phải là yêu cầu cơ bản: thu bao nhiêu và chi bao nhiêu, cho những khoản gì? 

Còn khi công bố, nếu có thể thì càng gần với "thời gian thực" càng tốt - thời buổi 4.0, chuyện đó thiết tưởng cũng không phải quá xa vời. 

Ngoài ra, cần mở rộng hơn nữa để huy động được tối đa không chỉ các đoàn thể nhà nước, mà cả bên ngoài nhà nước (như các tổ chức tôn giáo hay hội nhóm đồng hương) giúp đỡ tại chỗ. Người đóng góp càng có nhiều chỗ "chọn mặt gửi vàng" thì họ sẽ càng gửi nhiều vàng thôi.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận