​Từ tủ sách của con...

CAM LY 28/09/2014 05:09 GMT+7

TTCT - 1. Hôm rồi nhà có khách. Một gia đình bạn đi ngang qua vùng để đến một nơi ở mới, chỉ nghỉ lại đúng một đêm.

Ảnh: Ngọc Hà
Ảnh: Ngọc Hà

Cô bé con đầu của gia đình bạn, vừa vào tuổi mới lớn, đi ngang qua kệ sách trong nhà khựng lại khi nhìn thấy một vài đầu sách dành cho tuổi thiếu niên. “Ôi, ai đọc sách này trong nhà ạ?” - cô bé hỏi.

Nghe tôi bảo tôi đang đọc để tìm sách hay lập một tủ sách cho con bé nhà tôi vừa lên 8, cô bé tươi hẳn lên, kéo ghế ngồi tán chuyện. Hai cô cháu gặp nhau lần đầu mà thảo luận hết đầu sách này đến đầu sách kia, thời gian trôi qua lúc nào không biết.

2. Ý tưởng lập tủ sách và đọc sách cùng con tôi có được là nhờ một lần đi hiệu sách một mình. Hôm đó, đang cắm mặt vào một trang sách, tôi nghe bên cạnh giọng nói trẻ con: “Ba ơi, con tìm được mấy cuốn sách con muốn rồi. Ba tìm được cuốn nào chưa?”.

Ngẩng lên thấy một cậu bé khoảng 10 tuổi đang ôm một chồng chừng 4-5 cuốn sách. Cha của cậu bé, tay cầm chiếc điện thoại bấm lách tách, trả lời hờ hững: “Ba xong rồi. Con mua hết chồng sách này à? Chọn hai cuốn thôi, rồi ba trả tiền”.

Cậu bé xịu mặt hẳn. Tần ngần một lúc, cậu chọn hai cuốn sách đưa cho cha rồi phàn nàn: “Sao chẳng bao giờ con được mua hết những cuốn con muốn đọc? Ba thì thậm chí chẳng đọc cuốn sách nào. Con có thể dùng số tiền mà ba lẽ ra có thể mua sách cho ba để mua thêm vài cuốn”.

Tôi thấy người cha khựng lại rồi nói vội: “Thôi được rồi, chúng ta mua hết nhé”. Có lẽ ông nhận ra trong một tích tắc lơ đãng, ông đã để con trượt đi rất xa khỏi mình.

Vài câu đối thoại vô tình nghe được làm tôi băn khoăn thật lâu. Tôi vẫn thường đưa con đi hiệu sách, thậm chí có thời gian còn đi hàng tuần. Nhưng nghĩ lại hầu như không mấy khi tôi để ý xem con đọc gì trong sách. Bạn bè trong lớp có sách gì, con về hỏi xin, tôi đưa đi mua cuốn đấy.

Thỉnh thoảng đọc trên các tờ báo uy tín thấy danh sách dài những cuốn đang được bọn trẻ thích, tôi lại dẫn con đến khu vực sách bán chạy, lôi ra vài cuốn rồi bảo xem thử đi. Con bé bướng, có lúc lật vài trang rồi bảo: “Con không thích loại này. Mà mẹ có biết sách này nói về cái gì không?” là tôi cáu, bỏ đi.

Những lúc như thế con không vui mà tôi cũng cáu kỉnh, buổi đi tìm sách coi như hỏng.

3. Tôi nói chuyện với một cô giáo tiểu học. Cô bảo không gì quan trọng hơn là cho bọn trẻ thấy người lớn đã đọc cuốn sách của chúng nó rồi. Thói quen của các bậc phụ huynh nói chung là thích con đọc sách, thích con “nói chữ” nhưng lại không để tâm tìm hiểu xem con đọc gì và nói gì từ sách.

“Tìm hiểu xem trẻ con đọc gì không phải là nhìn danh sách chúng đọc mà đọc cả cuốn sách để biết chúng đọc gì trong đó. Sai lầm của người lớn chúng ta là không chui vào thế giới của trẻ con mà lại cứ đòi phải hiểu thế giới đó” - cô nói.

Cô cũng kể ngày xưa mẹ cô hay dúi cho cô vài cuốn sách của anh trai, và đưa sách của cô cho anh trai cô đọc. Ban đầu cả hai đều phản ứng theo kiểu “sao lại phải đọc sách trái giới tính thế này!”.

Nhưng mẹ cô đặt ra luật nếu cả hai đều đọc được sách của nhau thì mới được mua thêm sách mới. Nhờ đó, ký ức thời thơ ấu của cô tràn đầy những lúc hai anh em trêu chọc, chế giễu truyện của nhau, nhưng nhờ đó mà gần gũi và chia sẻ được nhiều với nhau khi cả hai bước vào tuổi thanh thiếu niên.

Còn mẹ cô thì “duyệt” hết sách của hai anh em trong nhà, thậm chí còn nhớ hơn cả chính cô về những nhân vật trong các bộ truyện dài...

4. Tủ sách của con đang dần đầy đặn hơn, những cuốn sách thú vị mà tôi đọc được và dành cho con cũng ngày càng nhiều hơn. Những cuốn sách tưởng “trẻ con” thật ra dạy cho người lớn như tôi được bao nhiêu điều mà đôi khi tôi tưởng mình đã biết.

Còn con gái, từ lúc được mẹ cùng đi lang thang qua những trang sách của mình, đã vui hẳn lên và chịu khó đọc hơn.

Tám tuổi, con bắt đầu vừa đọc vừa nghĩ, đôi khi đem câu chuyện ra hỏi han về đời thực và nằm nghe mẹ giải thích dông dài. Có hôm con đem cuốn truyện hơi “quá tuổi” xin: “Mẹ đọc cho con đi, con xem qua mà không hiểu”. Rồi con nằm gối đầu lên vai mẹ, vừa nghe vừa cười rúc rích ở những đoạn “trưởng thành”.

Một lúc nào đó tôi sẽ nói cho con bé biết tủ sách của con đã dạy cho một người lớn như mẹ những điều lớn lao như thế nào...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận