Tuấn Anh - diễn viên "tay ngang"

HOÀNG ĐIỆP 10/06/2010 18:06 GMT+7

TTCT - Bắt đầu làm quen với màn ảnh từ những năm cuối thập niên 1970 qua những bộ phim: Trở về Samxon, Cha và con khi mới 9 tuổi, nhưng lớn lên Tuấn Anh nhất quyết không theo nghiệp diễn vì không thích và vì “nhà có bố làm nghệ thuật là đủ rồi”.

Phóng to
Tuấn Anh vào vai Khoèo trong Loa phường thời chứng khoán - Ảnh: Thế Toàn

Vì nhất quyết ấy mà Tuấn Anh phiêu du năm năm trời ở CH Czech, khi trở về Việt Nam thì nào mở nhà hàng, nào mở tiệm matxa chân... và cuối cùng vào nhà hát làm ở phòng tổ chức biểu diễn. Duyên trời đưa đẩy. Một buổi trà dư tửu hậu, danh hài Chí Trung “phán”: “Cậu có cái mặt đẹp thế mà không lên sân khấu... cũng phí!”.

Từ anh chị đến ma cô, đồng bóng

Thế là vai diễn đầu tiên của sân khấu hài kịch đến với Tuấn Anh lại là vai một tay anh chị trong tù của tiểu phẩm Tù nhân thi văn nghệ. Có thể là cái duyên, cái tố chất sẵn có của con nhà nòi đã khiến Tuấn Anh tung hứng trên sân khấu, biến tấu hài hước tất cả các tình huống khiến khán giả cười nghiêng ngả. Danh hài Chí Trung nói: “Hi vọng của tôi và cũng là nỗi hoảng sợ của tôi!”.

Không phải năm năm lang thang ở trời Âu cùng những ngày chìm nổi trên thị trường đối với Tuấn Anh là vô bổ. Đi nhiều, tiếp xúc nhiều người không phải ở cương vị diễn viên mà của một người làm công tác tổ chức cho Tuấn Anh kinh nghiệm để “thuộc” khán giả cũng như vai diễn. Thông qua những buổi khảo sát, để ý khán giả mà rút ra khán giả cần gì ở một diễn viên nên khi có vai Tuấn Anh chỉ việc “áp” những gì mình thấy, mình cảm... vào vai diễn. Bởi vậy khán giả thấy Tuấn Anh diễn trên sân khấu rất thật, cái hài hước cũng từ đời thật chứ không phải bịa tạc nhạt nhẽo. Đó là những kinh nghiệm quý báu mà chẳng phải diễn viên nào cũng có được.

Nhìn mặt Tuấn Anh thì khó nói lắm, tí anh chị, tí tay chơi, tí nghệ sĩ, một tí già, một tí đứng đắn, lại có cả một tí nhắng nhít õng ẹo kiểu mới lớn cộng với chất giọng rất riêng làm cho những vai diễn của Tuấn Anh trở nên đặc biệt khác khiến khán giả phải nhớ qua các tiểu phẩm: Sợ ma, Tù nhân thi văn nghệ... Nhưng khán giả nhớ nhất và ấn tượng nhất đó là anh chàng Khoèo trong tiểu phẩm Loa phường thời chứng khoán của đoàn kịch 2 Nhà hát Tuổi Trẻ.

Đó là một vai diễn ban đầu chỉ có vỏn vẹn sáu câu thoại, nói về một anh chàng hay ngồi trên bancông mơ mộng. Một hôm đang “làm thơ” thì chiếc loa phường hát. Giật mình, cậu rơi xuống đường, thế là vừa khoèo vừa dở người. Thế nhưng khi Tuấn Anh nhận vai, về nhà nằm đọc lại thấy mình có thể bịa một số chi tiết. Đạo diễn xem thấy hay quá, bảo cứ “phăng” tiếp đi. Cuối cùng, Khoèo, một nhân vật phụ, đã trở thành nhân vật chính nhờ những biến tấu của chàng diễn viên... tay ngang.

Bây giờ thì Tuấn Anh trở thành diễn viên “chốt” của đoàn kịch 2 rồi, nghệ sĩ Chí Trung bảo thế. Chốt là thế nào? Là ma cô, đồng bóng, tay chơi, anh chị... giao tuốt cho Tuấn Anh, miễn là biết tung hứng. Còn Tuấn Anh chia sẻ: “Khán giả thông minh lắm, ăn mãi một món là họ chán ngay. Cũng phải thử nhiều kiểu vai khác nhau xem mình thế nào chứ”...

Triển vọng... tuổi 40!

Thế nhưng có một người lại không mấy hài lòng về việc Tuấn Anh nhận vai loạn xì ngầu. Ấy là NSƯT Đức Trung, bố của Tuấn Anh. Ông thường phàn nàn khi anh không nhận những vai chính diện mà cứ nhận vai phản diện trong phim hay những vở chính kịch. Bởi vì NSƯT Đức Trung luôn luôn gắn liền với những vai diễn đạo mạo, tử tế. Có lần Tuấn Anh mời bố đi xem một vai diễn mới. Diễn xong chạy xuống hỏi bố ơi thấy thế nào, ông cụ chỉ hừ hừ mà không tỏ ra hài lòng hay phản đối. Về nhà ông cũng chỉ bảo: phải biết chọn vai chứ. Thế nhưng Tuấn Anh nghĩ khác, đạo diễn giao cho vai nào thì diễn vai ấy, với lại cũng phải thử thì mới biết mình phù hợp với vai diễn như thế nào.

“Cứ quen với một kiểu vai, ví như một số diễn viên hài ấy, cứ nhìn thấy diễn viên ấy là người ta nghĩ đến hài rồi, dù diễn viên có khóc nức nở người ta cũng cười ầm ĩ thì khó mà chọn được những vai khác. Như vậy có phải thiệt không?”.

Thật ra không chỉ Tuấn Anh là diễn viên tay ngang của Nhà hát Tuổi Trẻ, mà Đức Khuê hay Tùng Dương đều khởi nghiệp ở nhà hát không từ biên chế diễn viên. Tuy thế, nhờ học hỏi, nhờ diễn xuất, nhờ cái duyên với sân khấu mà những cái tên ấy đã trở thành những thương hiệu được khán giả yêu mến.

Tuấn Anh rất cẩn thận nghiên cứu lối diễn của các anh chị diễn viên đi trước và cũng không nề hà học hỏi những diễn viên trẻ nhưng già dặn kinh nghiệm hơn. Thế nên anh có thể tự tin tuyên bố: học trong trường chỉ là một phần thôi, theo đoàn kịch và học hỏi các đồng nghiệp mới khẳng định được phong cách diễn.

Nói như vậy có vẻ “ngụy biện” nhưng quả thật Tuấn Anh chưa từng, chưa hề có một tấm bằng nào ra hồn vì vài lần học đều dang dở. Có lần anh tâm sự: “Vừa qua nhà hát có thi biên chế, tôi chẳng được thi vì không có bằng đại học. Các đàn anh an ủi bảo có biên chế mà diễn không ra gì thì cũng nghỉ hưu sớm, còn diễn tốt thì dù không biên chế cũng chả ảnh hưởng gì đến thu nhập và vai diễn”.

Tự tin thế đấy. Vì thế: “Cứ nghỉ một tuần không được đứng trên sân khấu là rồ người lên rồi” - Tuấn Anh kết thúc cuộc nói chuyện.

Đó là một gương mặt mới và triển vọng, dù tuổi của anh đã xấp xỉ 40!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận