Tuổi 20 không vô vị

TRANG THI 08/09/2012 00:09 GMT+7

TTCT - LTS: Chọn lựa được mục tiêu của đời mình, ta sẽ sống những năm 20 tuổi không nuối tiếc. TTCT trích đăng tâm sự của hai độc giả, một trung niên và một vừa qua tuổi 20.


Phóng to
Minh họa: Bích Khoa


1. Tôi không nuối tiếc quá khứ.

Tôi mất cha từ nhỏ. Năm tôi lên lớp 5, mẹ lấy dượng, một người chạy xe lôi ít nói, chỉ suốt ngày làm việc quần quật. Nhà nghèo, từ ngày dượng về, chạy xe được đồng nào dượng đều đi mua lá, mua tre để cơi nới thêm chỗ ở. Chạy xe ngang những chỗ có đống xà bần là dượng hỏi xin rồi chở về đổ nền nhà cho cao lên, rộng ra. 

Sáng chạy xe, tối dượng đốt đèn hì hụi san lấp những nơi đất thấp, tù đọng. Dần dần nhà tôi từ 30m2 thành 50m2 rồi 70m2 và cao ráo sạch sẽ.

Dượng là người cực kỳ nghiêm khắc và kỷ luật. Thỉnh thoảng dượng cũng xem tập chị em tôi. Nếu chị em tôi có điểm 10 dượng sẽ thưởng, điểm thấp thì dượng đánh. Roi mây chấp đôi, dượng quất nát lưng. Phụ mẹ buôn bán kiếm sống, mỗi khi chúng tôi ham chơi, bán ế cũng bị dượng đánh. 

Thậm chí trời mưa, hàng họ chẳng ai mua, không có tiền mang về nhà chúng tôi cũng bị đánh. Ghét dượng, nhiều lần chúng tôi bỏ nhà đi đều bị dượng bắt về cho no đòn. Có những đêm chúng tôi lang thang mãi ngoài phố chợ chẳng dám về nhà nữa. Mẹ luôn nhu nhược và phó mặc chúng tôi cho dượng dạy bảo.

Rồi thì chị Hai tôi lấy chồng xa, đám cưới quấy quá, sơ sài. Ngày ra đi, chị vui lắm. Chị ôm tôi bảo: “Chị sẽ không trở về đâu, em cố gắng học và tìm cách làm chủ đời mình”. Hai năm sau anh Ba tôi bỏ nhà đi làm thuê tận Sài Gòn, không thấy liên lạc về với mẹ. 

Người bạn thân của anh thỉnh thoảng ghé qua, bí mật đưa tôi ít tiền, bảo của anh gửi. Thư anh viết cho tôi đầy nước mắt: “Ở chỗ anh ăn uống kham khổ lắm, làm việc quần quật suốt ngày, khuân gạo khuân cám. Vậy mà anh thấy như thoát khỏi địa ngục, nghĩ thương em quá”.

Tôi là con thứ tư, từ nhỏ đã ham học. Tôi đã từng bước, từng bước dọn con đường đào thoát khỏi “nhà tù” của dượng thật thuyết phục, đó là cố gắng học. Năm 18 tuổi, tôi đậu vào đại học sư phạm và khăn gói ra đi.

2. Tuổi 18, tôi biết thế nào là tự do, là chính mình, là sống không sợ hãi, không lo âu, không uất ức. Mỗi sáng ngủ dậy, tôi tự nhủ: “Bất kể một việc tốt nào cần làm và trong khả năng mình sẽ làm ngay. Mỗi ngày sống nơi đây là một ngày hạnh phúc”. Mỗi tối trước khi ngủ, tôi lại ghi nhật ký và thấy hài lòng vì đã sống trọn vẹn từng ngày.

Tôi luôn đến giảng đường sớm nhất, ghi chép bài giảng đầy đủ, tìm đọc những tài liệu liên quan tới bài giảng để mở rộng kiến thức. Tôi tự kiếm sống bằng nghề vẽ áo và có khi giúp bạn bè khi bạn gặp khó khăn. 

Tôi tham gia các hoạt động ngoại khóa của trường, của lớp một cách tích cực, hào hứng. Tôi có nhiều bạn và thường quan tâm tới cuộc sống tinh thần của bạn cùng lớp, cùng phòng. Tôi biết lắng nghe và an ủi như một người làm công tác tư vấn tâm lý... chuyên nghiệp.

Tôi bỏ qua tất cả hiềm khích và ganh ghét để đến với tất cả bạn bè. Tôi không ngại ngần chia sẻ với những người bạn đẹp hơn tôi, giàu có hơn tôi và thông minh hơn tôi. Tôi luôn là người “bày trò” rủ cả lớp đi chơi xa, đi dã ngoại để cả lớp gần nhau hơn, hiểu nhau hơn.

Tôi luôn là người chủ xướng hay đạo diễn cho các vở kịch của lớp tuy biết rằng giữ vai trò này mình gặp bao cực nhọc rắc rối, hao tâm tổn trí. Tôi còn làm vô số chuyện mà bạn bè hay gọi đùa là “vác tù và hàng tổng”. 

Cũng có khi bạn thân tôi thắc mắc sao mà tôi “khờ” thế, cứ làm công không cho thiên hạ hết lần này đến lần khác không chán. Tôi bảo thôi thì đừng suy tính thiệt hơn, chúng mình sẽ có một thời sinh viên “rực rỡ”. Bạn tôi cười ngất.

3. Tôi đã sống như ngày mai tôi sẽ chết bởi tôi hiểu giá trị của từng ngày, từng giờ tôi đang sống. Tôi đã bao năm tháng “nếm mật nằm gai”, đã nỗ lực biết bao, khó nhọc biết bao để “vượt ngục” và để trở về với chính tôi.

Ngày hôm nay, khi đã bước vào tuổi trung niên, những khi rảnh rỗi, đọc lại những dòng nhật ký cũ, tôi vẫn có cảm giác hài lòng. Cái tổ nhỏ của chị em tôi vì dượng mà tan tác nhưng cũng nhờ dượng chúng tôi như những chú chim non bay vào dông bão cuộc đời với tất cả sự kiên cường, sống có trách nhiệm hơn với cuộc đời mình và những người xung quanh.

Dẫu có “ôm” một số thiệt thòi về mình, nhưng nhìn lại tôi vẫn thấy tuổi 20 của mình không trôi qua một cách nhàn nhạt và vô vị.

____________

Tôi chẳng có gì hối tiếc khi tuổi 20 đã qua. May mắn nhất có lẽ vì tôi đã không để ai có quyền cản trở mình khi theo đuổi ước mơ của tuổi 20.

Khi tôi hỏi mẹ tôi: “Nếu con rớt đại học, mẹ có buồn không?”, mẹ tôi bảo mẹ sẽ buồn, nhưng tôi có thể làm bất cứ gì tôi thấy cần với đời tôi. Tôi đã thi vào một trường đại học mà nhiều bạn bè của mẹ đều không đồng tình khi nghe nhắc đến. Họ bảo con gái thi cái nghề ấy vừa không giàu, vừa khổ thân ra, rồi ế chồng mất. Còn mẹ thì bảo: “Con làm điều gì con thấy đúng với con”.

Biết yêu chính bản thân mình


Nếu một người trẻ 20 tuổi không thể yêu chính bản thân mình, yêu ước mơ của mình thì đến 40 tuổi, chẳng ai có thể thông cảm cho những gì họ đã vứt bỏ hoặc đánh mất. Ai có thể học thay bạn một nghề? Ai có thể yêu thay bạn một ước mơ? Và quan trọng nhất, đến khi chọn lựa một người bạn đời, ai có thể can đảm yêu bạn mãi mãi nếu như bạn còn không thể yêu chính lựa chọn của bạn?

Đã bảy năm sau ngày thi đại học, tôi đã nhìn thật kỹ lại những ngày tháng đó, và biết chính mẹ đã làm tôi không phải hối tiếc gì. Tôi không thi một ngành mà hàng xóm tôi muốn, ông bà hay họ hàng, anh chị em họ tôi muốn. Tôi thi đại học vì tôi muốn học một cái nghề cho bản thân và cuộc sống mình sau này.


Năm nào đọc báo cũng thấy những em học sinh tự tử vì rớt đại học, hoặc loay hoay sau bốn năm học không biết nên làm nghề gì, hoặc những người lớn tuổi than rằng mình đã bỏ lỡ ước mơ. Ước mơ của cuộc đời mình liệu có thể là cái gì thiêng liêng hơn là chính bản thân mình?

Mọi thứ tiền của, tình thương của cha mẹ đổ cho một đứa con là để đứa con đó được lớn lên, có một cái nghề và tự nuôi sống được bản thân mình trong cuộc đời này. 

Nếu tất cả các mục đích đó đều bị đổ vỡ, khi người trẻ đó học bốn năm xong bảo rằng: “Tôi không biết giờ mình phải làm gì” thì đó là một nỗi đau khủng khiếp. Nhưng có ai biết rằng vào ngày đi thi đại học hay cao hơn là chọn lựa một điều quan trọng cho cuộc đời, nhiều người tự buộc mình chọn điều gì đó theo ước muốn của cha, vì mẹ mong mỏi hay đơn giản hơn là để giữ thể diện cho gia đình.

Với tôi, vào năm 20 tuổi, người ta phải học cách yêu chính mình: có nghĩa là sống trách nhiệm với chính chọn lựa cuộc đời của mình, rồi mới có thể bảo bọc hay yêu thương một ai khác, ngoài bản thân cái tôi này.

Làm việc, làm việc, làm việc

Giống như một anh thợ mộc, sau khi có ý nghĩ về cái ghế rồi, người ta còn cần phải ngồi đó và đóng cho ra từng cái chân ghế nữa. Chẳng có gì quan trọng hơn sự làm việc.

Ít ra, vào tuổi 20, khi làm việc, tôi biết mình đã bớt kiêu căng hơn. Càng tập làm một thứ gì đó, tôi càng thấy chúng thật khó. Có một ai đó làm tinh tế hơn, giỏi hơn và đầy kỹ năng, tôi phải học theo. Cứ thế, khi đẩy mình vào guồng máy làm việc với những người khác, tôi thấy ước mơ càng hiện hình rõ nét hơn.

Thật đáng sợ nếu sau một thời gian dài làm việc, bạn có thể nhận ra mình đã chọn sai con đường, hoặc ước mơ đó không phù hợp chút nào. Nhưng như thế cũng may là rất tốt, sự nhận diện và đối thoại với bản thân làm người ta lớn lên, chín chắn hơn trong chọn lựa, còn hơn là cứ ngồi đó mơ mơ ước ước và chẳng thực hiện cái gì hết.

Có một khoảng thời gian tôi đánh mất định hướng cho con đường của mình. Thật khủng khiếp. Lúc đó, cái sự làm việc đã cứu tôi. Khi làm mệt mỏi quá thì các ý nghĩ lại xuất hiện, tôi được vận hành và suy nghĩ, cân nhắc nhiều hơn về chính bản thân mình. 

Nếu lúc đó tôi cứ ngồi quán xá suốt ngày hay rúc về quê ngủ trong sự chăm sóc của mẹ, có lẽ tôi đã biến thành một con sâu yếu mềm và vô dụng - ngay giữa tuổi 20 của mình.

Mọi người thầy dạy nghề của tôi đều dặn tôi phải làm việc liên tục, đều đặn, đó là cách để cứu cuộc sống của mình thoát khỏi những vũng lầy của ảo tưởng và sự nghi hoặc. Bạn không đố kỵ ai nếu bạn làm việc, bởi vì bạn quá bận. Bạn không thèm khát cái danh tiếng của người khác nếu bạn làm việc, bởi vì dù sao thì mọi thành quả cũng tự đến, miễn là cứ làm thôi.

Và để chẳng hối tiếc bất cứ điều gì, ở độ tuổi trẻ trung nhất của cuộc đời mình, tôi đang làm việc cho chính ước mơ của đời mình.

Tự tay thực hiện ước mơ, đó cũng là một hạnh phúc rất lớn.

____________

Tin bài liên quan:

Để đời không hối tiếc...Không hối tiếc cũng là một cách họcTôi muốn thêm vào những tình yêu thương. Một chuyện "điên rồ" của tôi Tuổi 20 của mỗi người. Thưở đôi mươi lặng thầm của tôi

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận