Tương lai của dòng chảy FDI

NAM MINH 23/08/2022 06:37 GMT+7

TTCT - Quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục căng thẳng dưới thời Tổng thống Joe Biden khiến các tập đoàn đa quốc gia phải tính lại phương án đa dạng hóa rủi ro - điều tác động không nhỏ tới một quốc gia tăng trưởng dựa vào đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều như Việt Nam.


Tương lai của dòng chảy FDI - Ảnh 1.

Ảnh: ft.com

Hãng điện tử Samsung gần đây loan báo kế hoạch đầu tư một nhà máy chip bán dẫn tại Việt Nam thuộc gói đầu tư thêm trị giá 3,3 tỉ USD. Nhà máy đang chạy thử nghiệm, dự kiến sẽ chính thức vận hành từ đầu năm sau. Như vậy, Việt Nam sẽ có hai nhà máy sản xuất chip hàng đầu thế giới, sau nhà máy 1 tỉ USD của Intel tại TP.HCM.

Đón sóng

Hiện các cơ sở sản xuất ở Việt Nam đóng góp tới 60% sản lượng điện thoại thông minh hằng năm của Samsung. 

Trong khi đó, Apple bắt đầu đón nhận các sản phẩm iPad và linh kiện "Made in Vietnam" đầu tiên - dấu hiệu cho thấy công ty tiếp tục rời khỏi trung tâm sản xuất chính Trung Quốc. Tập đoàn đồ chơi Lego của Đan Mạch vừa đầu tư nhà máy trị giá 1 tỉ USD ở Bình Dương để phục vụ châu Á, vốn là thị trường tăng trưởng quan trọng nhất của hãng.

Thậm chí chính các tập đoàn Trung Quốc cũng đang tìm cách đa dạng hóa rủi ro. Hãng Xiaomi mới đây giới thiệu lô hàng điện thoại thông minh đầu tiên do DBG Technology gia công ở Khu công nghiệp GNP Yên Bình 1 (Thái Nguyên). Các tập đoàn Alibaba và JD.com đã nhảy vào thị trường kho bãi và logistics Việt Nam từ lâu với các dự án triển khai ở Long An và Đồng Nai.

Dù gặp khó khăn do dòng vốn đầu tư thế giới có xu hướng quay lại Mỹ vì lãi suất đồng USD tăng lên, theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, vốn thực hiện các dự án FDI trong 7 tháng đầu năm lên đến 11,6 tỉ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái (dù vốn đăng ký mới giảm 7%, còn 15,5 tỉ USD). 

"Việt Nam hưởng lợi từ việc các công ty đa quốc gia theo đuổi chiến lược "Trung Quốc + 1" và đa dạng hóa vào Việt Nam do chi phí lao động cạnh tranh, gần Trung Quốc và sự ổn định chính trị. Chúng tôi dự báo vốn FDI thực hiện năm 2022 sẽ tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi vốn đăng ký giảm 3-5%", chứng khoán VnDirect nhận định.

Các tập đoàn phụ thuộc nguồn cung ứng hay thị trường tiêu thụ của Trung Quốc đang lo lắng vì căng thẳng địa chính trị chưa có dấu hiệu dừng lại, nhất là sau sự kiện chủ tịch Hạ Viện Mỹ thăm Đài Loan. 

Ví dụ Hãng xe điện Tesla được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn tại thị trường Trung Quốc do các biện pháp trả đũa thương mại. Ngân hàng Morgan Stanley vừa công bố một báo cáo ước tính hơn 30% doanh thu và gần 50% lợi nhuận của Tesla là đến từ Trung Quốc.

Những năm gần đây, lương nhân công tăng càng khiến Trung Quốc kém hấp dẫn với các ngành nghề gia công giá rẻ. Mức lương trung bình hằng năm ở Trung Quốc đã tăng từ khoảng 5.120 euro vào năm 2010 lên 13.670 euro năm 2020, tức 165%, theo Moody’s Analytics. 

Các biện pháp kiểm soát dịch cứng rắn và kéo dài của Bắc Kinh càng gây mất điểm và khiến nhiều nhà sản xuất cân nhắc chuyển sang các nước châu Á khác để giảm rủi ro cung ứng.

Ông Daniel Müller, giám đốc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương của Đức, cho biết ngày càng nhiều công ty quy mô vừa nỗ lực gia nhập thị trường Việt Nam hoặc đưa hoạt động khỏi Trung Quốc trên phạm vi rộng hơn. 

"Nếu căng thẳng địa chính trị gia tăng hơn nữa trong tương lai, các công ty sẽ không thể tránh khỏi việc tìm kiếm giải pháp thay thế cho Trung Quốc. Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc này", ông Müller nhận định.

Vấn đề năng lực hấp thu

Trong khi cơ hội cho Việt Nam là có, việc nắm bắt được cơ hội lại là chuyện khác. So với công xưởng thế giới Trung Quốc, vốn có quy mô khổng lồ, cơ sở hạ tầng đầy đủ, lực lượng lao động dồi dào và chất lượng cao, cùng ngành công nghiệp phụ trợ hùng hậu, Việt Nam vẫn còn một khoảng cách khá xa.

Lãnh đạo KCN Vietnam, công ty chuyên đầu tư khu công nghiệp, cho biết họ ghi nhận số lượng doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất ở Việt Nam tăng mạnh giai đoạn hậu COVID-19. 

Nhưng không ít nhà đầu tư buộc phải trì hoãn quyết định vì cả bất ổn vĩ mô lẫn hệ thống hạ tầng chưa kết nối, nhất là ở vùng kinh tế trọng điểm miền Nam, chi phí vận chuyển tăng cao, thủ tục phê duyệt kéo dài, hay thiếu nguồn nhân lực có tay nghề.

Công nghiệp sản xuất là trái tim của sự phát triển kinh tế, và năng lực sản xuất nội địa là thước đo chuẩn xác nhất năng lực quốc gia. 

Theo bà Huỳnh Bửu Trân, giám đốc điều hành KCN Vietnam, xét về lâu dài, sức khỏe một nền kinh tế tỉ lệ thuận với hiệu quả của hệ thống chuỗi cung ứng. 

"Việt Nam do đó cần gấp rút phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao và lực lượng doanh nghiệp cung ứng vừa và nhỏ để giúp tăng tính cạnh tranh với các nước trong khu vực", bà Trân nhận định. ■


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận