Tưởng niệm của đá…

LÊ ĐỨC DỤC 26/07/2016 17:07 GMT+7

TTCT - Được biết đến như một nghệ sĩ điêu khắc tên tuổi của Việt Nam, hàng chục tác phẩm nghệ thuật của ông đã có mặt từ Hà Nội đến Sài Gòn, nhưng lần trở lại Quảng Trị này với Phạm Văn Hạng lại nặng trĩu một trời ký ức.

Tác phẩm điêu khắc
Tác phẩm điêu khắc "Nụ cười" đang được hoàn thiện -Nhật Linh


Những đám bụi trắng phun tóa ra phủ mờ mịt lên chòm râu trắng và bám lên mái tóc cũng bạc trắng của điêu khắc gia Phạm Văn Hạng lòa xòa dưới vành mũ “cao bồi”, khi phiến dao của chiếc máy mài miết lên thớ đá của pho tượng.

46 năm trước, từ thành cổ Quảng Trị này, nhặt nhạnh gom góp xương xóc thịt da của nạn nhân chiến cuộc, chàng trai 28 tuổi Phạm Văn Hạng đã làm nên tác phẩm “Chứng tích” từ những xương người và thịt người nát tan giữa bom đạn chiến tranh, làm một cú “địa chấn” tại triển lãm giữa Sài Gòn vào năm 1970.

Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng đang hoàn thành tác phẩm “Mẹ”-Lê Đức Dục
Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng đang hoàn thành tác phẩm “Mẹ”-Lê Đức Dục

 

Miền ký ức dưới cỏ...

Báo chí miền Nam bấy giờ đã viết về tác phẩm của Phạm Văn Hạng như là một tiếng nói tố cáo sự ghê rợn và phi nghĩa của chiến tranh.

Tác phẩm bị cấm nhưng sự vang động của nó đã bay ra thế giới. Dài theo con đường lao động nghệ thuật mà ông theo đuổi với tất cả niềm đam mê và sự hành xác, Phạm Văn Hạng đã nhiều lần về lại Quảng Trị, để lại dấu ấn nghệ thuật của mình trên đất này như cụm tượng đài ở di tích nhà đày Lao Bảo, tượng đài những trái tim người lính trung đội Mai Quốc Ca với hình tượng những giọt máu - trái tim treo trên vai thép phía đầu cầu bờ bắc sông Thạch Hãn...

Nhưng lần này, ở trại điêu khắc “Thành cổ Quảng Trị - hồi sinh và bất tử”, tác phẩm mà Phạm Văn Hạng gửi gắm mọc lên giữa cỏ non thành cổ là bức tượng có tên “Mẹ”. Ông bảo tên ban đầu là “Mẹ xin”, nhưng rồi cuối cùng chỉ giữ lại một từ: “Mẹ”. Một bà mẹ Việt ôm chéo khăn trên đôi tay gầy đang đi giữa ngổn ngang gạch đá thành xưa để xin nhúm xương cốt con cái mình còn sót lại sau ngót nửa thế kỷ bầu trời im tiếng súng.

Quệt vội những dòng mồ hôi chảy lem nhem quyện với bụi đá trên gương mặt, ông bảo: “Mẹ Việt chỉ một mà thôi, đi qua chiến tranh có bà mẹ nào lại không khắc khoải mong ngóng đứa con mình về, dù chỉ về trong nhúm tro xương lẫn cùng cát bụi”.

Tôi nhìn bức tượng của Phạm Văn Hạng, và nghe trên đôi tay người mẹ ấy, trong chiếc khăn nâng niu xương cốt ấy rơi ra những âm vọng đẫm buồn của Trịnh: “Khi đất nước tôi không còn chiến tranh/mẹ già lên núi tìm xương con mình...”.

Làm sao mà diễn đạt hết nỗi đớn đau của hàng bao nhiêu bà mẹ Việt đã khắc khoải và ngậm ngùi về đàn con nằm lại đâu đó nơi cuối bể đầu non? Ngay trong những ngày diễn ra trại điêu khắc này, khi đào 22 hố móng để dựng bệ đặt tượng trong khuôn viên thành cổ, những người thợ đào móng đã phát hiện thêm một bộ hài cốt liệt sĩ dưới hố móng.

Không ai biết còn thêm bao nhiêu nữa những hài cốt đang nằm lặng im dưới miên man cỏ xanh của mảnh đất này. Con số cuối cùng về những liệt sĩ hi sinh ở đây trong mùa hè 1972 vẫn chưa được công bố cụ thể, nhưng từ non nửa thế kỷ qua không tháng nào ở đây không tìm thấy thêm những hài cốt khi người dân đào móng xây nhà, khi canh tác vườn tược, cả khi mưa lũ xói lở đôi bờ sông Thạch Hãn lộ ra xương cốt các anh.

Phạm Văn Hạng là một trong 22 nghệ sĩ của cả nước về Quảng Trị, trần thân giữa gió Lào bỏng rát từ mấy tháng nay để kịp cùng nhau dựng lên những tác phẩm trĩu nặng niềm tưởng niệm trong khuôn viên thành cổ Quảng Trị. Mỗi nghệ sĩ, mỗi tác phẩm là một câu chuyện, một nỗi niềm khác nhau nhưng có chung niềm tha thiết với những người lính đã nằm lại trên mảnh đất này.

Điêu khắc gia Nguyễn Hiền - nguyên trưởng khoa điêu khắc ĐH Mỹ thuật Huế, người đã có công kết nối để trại điêu khắc “Thành cổ Quảng Trị - hồi sinh và bất tử” được tổ chức tại đây - nói rằng từ năm 1997 đến nay, cả nước đã tổ chức 25 trại điêu khắc thì ông đã tham gia 23 trại với tư cách vừa là nghệ sĩ vừa là người tổ chức, nhưng “trại điêu khắc thành cổ” này quả là một món nợ quê nhà mà đến giờ ông mới nghĩ là mình góp được một chút ân tình bé nhỏ.

Bởi tác phẩm từ các trại điêu khắc trước nay trong cả nước hầu như đều được đặt ở những công viên mang tính giải trí, riêng với thành cổ - tác phẩm để dựng được ở đây lại khác, phải có thông điệp về sự tưởng niệm thiêng liêng và thấu thị hiển linh trong đất đai cây cỏ thành cổ.

Cái “đề bài” cho những nghệ sĩ dự trại khó, vì thế trong số gần 60 mẫu tác phẩm gửi về, chỉ có 22 mẫu được chọn. Chất liệu chính của trại điêu khắc lần này là đá.

Điêu khắc của đạn bom -Lê Đức Dục
Điêu khắc của đạn bom -Lê Đức Dục

 

Ký thác tin yêu cùng tượng đá

Hơn hai tháng nay, ở góc đông thành cổ (cửa Tả), một xưởng điêu khắc dã chiến được dựng lên. Tiếng máy cắt đá ầm ào khua động sự yên tĩnh cố hữu nơi này. Những phiến đá granit được đục đẽo bắt đầu cựa quậy hình hài. Và những ngày này, các tác phẩm điêu khắc đã bắt đầu dựng lên trên những lối đi ngang dọc trong khuôn viên khu di tích.

Tôi nhớ đến câu nói của điêu khắc gia Nguyễn Hiền về sự thấu cảm giữa nghệ sĩ - tác phẩm và sự hiển linh của những tấc đất thấm đẫm máu khi bắt gặp nghệ sĩ Phan Trọng Văn đang miệt mài bên tác phẩm của mình vừa được yên vị trên bệ. Tác phẩm của Phan Trọng Văn là “Chiến sĩ vô danh”.

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi diễn ra ngay bên tác phẩm vừa hoàn thành của Văn. Nếu Phạm Văn Hạng, ở tuổi 74, là nghệ sĩ cao niên nhất của trại điêu khắc này thì Phan Trọng Văn lại là nghệ sĩ trẻ nhất. Văn sinh vào tháng 8-1972, trong 81 tờ lịch làm bằng đồng đánh đấu 81 ngày đêm khốc liệt (từ ngày từ 28-6 đến 16-9-1972) viền quanh đài tưởng niệm thành cổ có một tờ trùng với ngày sinh của anh.

Người nghệ sĩ đến từ Ninh Thuận được sinh ra đúng vào những ngày thành cổ đỏ lửa 44 năm trước ấy đã nghĩ về tác phẩm của mình theo cách riêng. Khi biết tin về trại điêu khắc này, Văn có ý nghĩ sẽ tham dự, dù chuyên ngành trước đây anh học ở ĐH Mỹ thuật TP.HCM là sơn dầu.

Anh nhảy xe đò ra Quảng Trị, lang thang trong thành cổ để tìm ý tứ cho tác phẩm của mình. “Tôi nghĩ tác phẩm dựng lên ở thành cổ thì nghĩa là nó chỉ có thể được dựng lên ở đây, ngay chính đây chứ không thể dựng được ở một nơi nào khác” - Văn nói.

Tác phẩm “Chiến sĩ vô danh” của Văn là một khối cổng của thành cổ Quảng Trị được cách điệu trong dáng vẻ thương tích ôm trọn hình hài một người lính “âm” giữa cổng thành.

Cái khối rỗng chứa đựng dáng vóc người lính ấy có sức biểu đạt đến vô cùng về sự hi sinh và dâng hiến của hàng ngàn người con đất Việt đã lẫn chìm vào đất đai cây cỏ nơi đây, chỉ còn lại di vật là đôi dép cao su lặng im trên bệ đá. Bên kia khối tượng chính là một tạo hình tối giản hình ảnh ba người - là hiện thân của nhân dân - đang nghiêng mình mặc niệm.

Trong số những nghệ sĩ dự trại có cả cựu binh thành cổ như điêu khắc gia Trần Luân Tín với tác phẩm “Bất tử”. Với ông, tác phẩm “Bất tử” cũng là một ký thác tin yêu ân nghĩa với chính đồng đội mình đã nằm lại mảnh đất thành cổ này.

Cũng đẫm chất “cựu binh” là điêu khắc gia Phạm Hồng - nguyên chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Đà Nẵng - với tác phẩm “Những thiên thần giải phóng” hay Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên với tác phẩm “Nụ cười”... Hai nữ nghệ sĩ trong số 22 người tham dự trại điêu khắc này là Nguyễn Kim Liên với “Sức sống” và Mai Thu Vân với “Mầm” lại là những hình khối mang tính biểu tượng và giàu suy tưởng…■

Điêu khắc gia Phan Trọng Văn và tác phẩm “Chiến sĩ vô danh”-Lê Đức Dục
Điêu khắc gia Phan Trọng Văn và tác phẩm “Chiến sĩ vô danh”-Lê Đức Dục

 

Cùng với 22 tác phẩm điêu khắc như sự tưởng niệm của đá dành cho những người đã ngã xuống ở Thành cổ, dọc theo đổ nát của tường thành vẫn đột khởi nhô lên những hình khối được tạo nên bởi mảng tường thành sót lại sau trùng trùng đạn bom của mùa hạ 1972. Màu gạch đỏ au như máu, màu của gạch hay màu của máu thấm vào từng viên gạch đó? Ngót nửa thế kỷ rồi vẫn rực lên nhắc nhớ với người còn sống không được lãng quên. Những tác phẩm điêu khắc hôm nay cũng minh chứng lời nhắc ấy, không một ai và không điều gì bị lãng quên trong tâm khảm nhân dân!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận