Tuyển sinh đại học - một kinh nghiệm cần tham khảo

TS PHẠM THỊ LY 28/03/2004 04:03 GMT+7

TTCN - Cho đến nay, sau nhiều thay đổi, cải cách không năm nào giống năm nào, đại học Việt Nam vẫn tuyển sinh dựa trên một phương thức duy nhất: thi tuyển.

Phóng to
TTCN - Cho đến nay, sau nhiều thay đổi, cải cách không năm nào giống năm nào, đại học Việt Nam vẫn tuyển sinh dựa trên một phương thức duy nhất: thi tuyển.

Chưa nói đến thủ tục rườm rà, chỉ cần nói đến nội dung thì cách thi tuyển đại học Việt Nam thật sự là một cơn ác mộng đối với rất nhiều thí sinh, bởi vì phần lớn dựa trên những kiến thức vượt xa chương trình học phổ thông, khiến những học sinh không có điều kiện học thêm tại các trung tâm hoặc tự học thêm qua tài liệu tham khảo khó có cơ may thi đậu.

Đầu vào thì như vậy, nhưng đầu ra như thế nào? Nói riêng trong ngành công nghệ thông tin, hiện nay cả nước đào tạo hằng năm khoảng vài chục ngàn cử nhân công nghệ thông tin, nhưng trong số sinh viên tốt nghiệp đó có bao nhiêu người có đủ năng lực làm việc theo đúng nghề được đào tạo?

Vừa qua, có những công ty nước ngoài tuyển hàng ngàn kỹ sư phần mềm đi làm việc tại Singapore và Ân Độ, nhưng tìm mỏi mắt không ra người đạt đủ yêu cầu về năng lực chuyên môn và về ngoại ngữ. Điều đó có nghĩa là cần xem lại cách tuyển sinh của đại học Việt Nam trong tương quan so sánh với giáo dục đại học của các quốc gia phát triển trên thế giới.

Tham quan các thư viện, các trường đại học, các viện bảo tàng của nước Mỹ có thể thấy rất rõ giáo dục đại học ở Mỹ có một sức hút vô cùng mạnh mẽ đối với mọi quốc gia khác trên thế giới: không phải chỉ những nước đang phát triển mà cả ở những nước tiên tiến như Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức người ta cũng muốn theo đuổi việc học tập và nghiên cứu tại Mỹ. Giáo dục đại học ở Mỹ trở thành một nguồn lực kinh tế có đóng góp quan trọng cho đất nước: năm 2002-2003 có 586.323 sinh viên quốc tế theo học ở Mỹ, mang lại cho nước Mỹ 12,9 tỉ đôla (nguồn: Institute of International Education, Press Briefing 17 Nov 03). Kết quả đó dĩ nhiên là do chất lượng đào tạo của giáo dục đại học Mỹ. Vậy nước Mỹ tuyển sinh đại học như thế nào?

Tuyển sinh đại học ở Mỹ là một quá trình phi tập trung hóa. Mỗi trường đại học có những chiến lược và tiêu chuẩn xét chọn khác nhau, nhưng tuyệt đại đa số đều dựa trên kỳ thi chuẩn gọi là SAT (Scholastic Aptitude Test) hoặc American College Test (ACT). Kỳ thi này do hội đồng đại học (College Board), một cơ quan độc lập với mọi trường đại học, tổ chức nhiều lần trong năm cho bất kỳ ai muốn dự thi. Thông thường học sinh Mỹ đăng ký thi SAT vào năm giữa hoặc năm cuối của bậc trung học.

Điểm khác biệt cơ bản giữa đề thi SAT và đề thi tuyển sinh đại học Việt Nam là đề thi tuyển sinh đại học Việt Nam nhằm kiểm tra khối lượng kiến thức mà thí sinh đã tích lũy được, trong lúc đề thi SAT nhằm kiểm tra khả năng tiếp nhận kiến thức của thí sinh, hay nói cách khác, kiểm tra khả năng suy luận hợp lý.

Tuy đề thi chỉ dựa trên những kiến thức cơ bản của trung học cơ sở, đạt được điểm tối đa là rất khó. Mặt khác, đề thi đã được thiết kế rất chuyên nghiệp để trở thành một thứ thước đo đáng tin cậy: bằng cách tính điểm âm, nó loại trừ khả năng đoán mò của thí sinh.

Tại một thời điểm nhất định nào đó, hãy thử làm vài ba bài thi SAT, bạn sẽ thấy tổng điểm của mình là một con số không xê xích là bao, đó là con số phản ánh đúng năng lực thực của bạn. Bài thi SAT 1 gồm hai phần: ngôn ngữ và toán. Phần thi ngôn ngữ không chỉ nhằm kiểm tra kỹ năng đọc và vốn từ vựng của thí sinh mà nhằm xác định xem sau khi đọc một đoạn văn thí sinh có hiểu được những gì tác giả nói và có rút ra được những kết luận hợp lý căn cứ trên bài đọc hay không. Phần thi toán không phải kiểm tra trình độ toán học mà là khả năng của thí sinh trong việc sử dụng những kiến thức toán học sẵn có để suy ra lời giải cho bài toán.

Chính vì vậy bất cứ đại học nào, bất cứ chuyên ngành đào tạo nào cũng có thể xem xét kết quả thi SAT 1 như một thông số cơ bản nhằm đánh giá khả năng ngôn ngữ và suy luận định lượng của thí sinh, những phẩm chất tư duy cần để tiếp thu kiến thức và tiến tới sáng tạo trong bất cứ lĩnh vực nào.

Ngoài điểm thi SAT, các trường đại học Mỹ còn yêu cầu thí sinh viết một hai bài tự luận về một chủ đề cho trước, và một hoặc vài thư giới thiệu của thầy giáo; có những trường còn yêu cầu cả thư giới thiệu của thầy hiệu trưởng hoặc bạn đồng học. Sau khi xét vòng sơ tuyển dựa vào bảng điểm, bài viết và thư giới thiệu, nhiều trường - nhất là những trường danh tiếng - còn phỏng vấn trực tiếp từng thí sinh.

Mục đích của những bài viết, thư giới thiệu và phỏng vấn là giúp nhà trường hình dung được một cách đầy đủ nhất về những phẩm chất và năng lực tinh thần của từng thí sinh, qua đó có thể đánh giá được liệu thí sinh đó có phù hợp với tôn chỉ, mục đích và phương pháp đào tạo của mình hay không, liệu thí sinh đó có thể tận dụng được tất cả những cơ hội giáo dục của nhà trường để phát huy năng lực của mình theo mục tiêu của nhà trường hay không.

Trở lại với cách tuyển sinh của đại học Việt Nam. Với cách ra đề thi hiện nay, thí sinh buộc phải nhớ một khối lượng kiến thức khổng lồ, và kết quả thi của từng người phụ thuộc khá nhiều vào chỗ liệu đề thi có rơi vào những gì mà mình đã được luyện hay không. Điều này giải thích vì sao tuy cửa vào đại học rất hẹp nhưng chất lượng đào tạo ở đại học vẫn còn nhiều bất cập. Vì đại học của chúng ta tuyển chọn những người biết nhiều và nhớ nhiều, chứ không phải là những người có năng lực suy luận hợp lý, một tiền đề không thể thiếu để sáng tạo và đạt đến đỉnh cao của tri thức.

Tuyển những người biết nhiều và nhớ nhiều để làm gì khi mà trong kỷ nguyên tri thức hiện nay, sự gia tăng số lượng kiến thức có nghĩa là, như Michael Gibbons (1998) nhận định, bất kể bạn đang ở đâu, hơn 99% kiến thức mà bạn cần đến đang nằm đâu đó ở một nơi nào khác. Không một ai có thể nhớ hết những kiến thức cần thiết cho công việc của mình, vả lại việc đó là thừa khi những công cụ tìm kiếm đã trở thành quá dễ dàng cho mọi người.

Một câu chuyện tiêu biểu cho cách tuyển sinh của đại học Việt Nam: học sinh lớp 12 chuyên Anh của một trường chuyên có tiếng trong TP được tổ chức “thi thử” theo đề thi đại học năm trước. Kết quả gây sốc cho cả lớp: điểm cao nhất mà một học sinh giỏi của lớp đạt được: 6,5 điểm! Sở dĩ gây sốc là vì các em học ở một ngôi trường mà một phần ba học sinh là có giải học sinh giỏi từ cấp thành phố đến quốc gia và quốc tế, và hầu hết các em khi dự thi TOEFL đều đạt 600 điểm trở lên! Khi “tỉnh” lại, dò đáp án thì mới biết đề thi có một câu với thang điểm 3: cho trước các từ sau đây: a,b,c, x, y, z..., hãy ghép lại thành câu có nghĩa. Tất tật các em đều bị điểm 0 bởi vì các em đã ghép được một câu đúng nhưng không giống với đáp án: đáp án là một câu trong sách giáo khoa!

Thay đổi cách tuyển sinh cho đại học Việt Nam là một quá trình lâu dài, nhưng thiết nghĩ để chất lượng đào tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế thì đầu vào cũng cần tuân thủ những tiêu chuẩn quốc tế. Mong ước của nhiều người Việt Nam là đem lại cho thế hệ trẻ một nền giáo dục thật sự có hiệu quả. Một chương trình giáo dục được đóng dấu chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế có thể góp phần ngăn chặn khả năng chảy máu chất xám. Một nền giáo dục chất lượng cao xây dựng trên một nền tảng rộng rãi phóng khoáng ở đất nước mình sẽ giúp cho số đông khỏi phải chi phí tốn kém cho việc học tập ở nước ngoài.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận