Uống một ly, ăn một món và selfie trong nhà vệ sinh

BÌNH MINH 16/03/2023 06:55 GMT+7

TTCT - Công ty chuyên bán toilet QS Supplies đưa ra bảng xếp hạng về nhà vệ sinh giúp khách du lịch chọn “điểm đến một cách thận trọng”, còn một số nơi lại chủ ý trang nhà vệ sinh để thu hút thực khách.

Báo Nikkei Asia vừa dẫn một bảng xếp hạng từ Công ty QS Supplies cho thấy Paris và Sydney là hai thành phố có điều kiện sử dụng nhà vệ sinh tốt nhất, còn Hà Nội và TP.HCM nằm trong số các thành phố có điều kiện sử dụng nhà vệ sinh công cộng tồi tệ nhất. QS Supplies cho biết họ đưa ra khảo sát này nhằm giúp du khách chọn "điểm đến một cách thận trọng" và "làm nổi bật vấn đề quan trọng nhưng kém hấp dẫn".

Trong nhà vệ sinh ở nhà hàng Mad ở Houston. Ảnh: NYT

Trong nhà vệ sinh ở nhà hàng Mad ở Houston. Ảnh: NYT

Cái gì cũng có, trừ... nhà vệ sinh

Theo Nikkei Asia, TP.HCM cung cấp mọi thứ từ thức ăn ngon, lịch sử in dấu trên từng kiến trúc, cuộc sống địa phương sôi động, náo nhiệt...ngoại trừ nhà vệ sinh. Theo bảng xếp hạng, hai thành phố lớn của Việt Nam chỉ xếp trên Johannesburg và Cairo về chỉ số nhà vệ sinh công cộng tính trên mỗi km2.

Năm 2022, Việt Nam chỉ đón 3,6 triệu du khách, là một trong những điểm đến ít được ghé thăm nhất tại châu Á, dù có rất nhiều cảnh quan nổi tiếng thế giới như vịnh Hạ Long, hang Sơn Đoòng... Có rất nhiều lý do cho sự kém hấp dẫn này, nhưng có một thực tế là sau khi uống cà phê trứng và tản bộ trên những vỉa hè của Hà Nội trong một giờ, du khách khó tìm thấy nhà vệ sinh công cộng nào.

Cẩm nang chuẩn bị trước chuyến đi nhắc du khách mang theo ngoại tệ, lưu các số điện thoại khẩn cấp nhưng lại không nói gì đến nhu cầu rất cơ bản này. QS Supplies nhấn mạnh sự lo lắng khi một người có nhu cầu đi vệ sinh vào lúc họ đang ở rất xa nhà vệ sinh hay ở một vùng đất xa lạ đều khó chịu như nhau.

"Lo lắng này hoàn toàn chính đáng vì việc sử dụng nhà vệ sinh không chỉ là nhu cầu và quyền mà đó là vấn đề về nhân phẩm, hòa nhập và tôn trọng", nhà bán lẻ của Anh cho biết.

Các thành phố có mật độ nhà vệ sinh (số lượng nhà vệ sinh công cộng/m2) tệ nhất và tốt nhất. Nguồn: QS Supplies

Các thành phố có mật độ nhà vệ sinh (số lượng nhà vệ sinh công cộng/m2) tệ nhất và tốt nhất. Nguồn: QS Supplies

Theo Nikkei Asia, mật độ nhà vệ sinh phản ánh vấn đề kinh tế - xã hội của một đô thị. 10 thành phố có mật độ nhà vệ sinh dẫn đầu hầu hết là các thủ đô giàu có ở châu Âu (Paris đứng thứ nhất).

Ở nhiều đô thị, nhà vệ sinh trở thành biểu tượng của sự hòa nhập hoặc công bằng xã hội. Ở Mỹ còn nảy ra tranh luận về việc các cửa hàng như Starbucks có nên cho những người không uống cà phê được sử dụng nhà vệ sinh hay không, ở một số bang thì điều này là bắt buộc.

Ngược lại, 10 thành phố đứng bét về mật độ nhà vệ sinh chủ yếu ở châu Phi, châu Á và các khu vực đang phát triển như Thượng Hải, Bắc Kinh. Ở Việt Nam và các quốc gia đang phát triển, kinh phí được ưu tiên cho giao thông công cộng, xử lý nước hay đào tạo kỹ năng, nhà vệ sinh dành cho du khách nằm cuối danh sách ưu tiên.

Selfie trong nhà vệ sinh

Nhiều nhà hàng ở Mỹ đã tạo nét riêng bằng cách biến nhà vệ sinh thành nơi khách hàng có thể khám phá văn hóa và tạo dáng chụp hình hệt như trong một studio. Wenwen, một nhà hàng Đài Loan, trang trí phòng vệ sinh như một vũ trường với dàn loa phát các bài nhạc pop bằng tiếng Quan Thoại, Quảng Đông và Đài Loan, ánh đèn nhảy múa trên các bức tường, một quả bóng disco xoay tròn trên trần nhà và tấm áp phích của ngôi sao nhạc pop Đài Loan Feng Fei-fei được treo đối diện cửa vào. Eric Sze, chủ quán Wenmen, cho biết thực khách đăng ảnh selfie trong nhà vệ sinh nhiều hơn đăng ảnh về đồ ăn.

Nhà vệ sinh tại Wenwen treo chân dung của ngôi sao nhạc pop Đài Loan, Feng Fei-fei. Ảnh: NYT

Nhà vệ sinh tại Wenwen treo chân dung của ngôi sao nhạc pop Đài Loan, Feng Fei-fei. Ảnh: NYT

Mission Chinese Food, nhà hàng do Danny Bowien làm chủ ở trung tâm thành phố Manhattan, khai trương năm 2014 với phòng tắm tên "Twin Peaks", sử dụng nhạc chủ đề ma quái của loạt phim truyền hình và chân dung của nhân vật Laura Palmer. Tuy nhiên, giống như số phận của nhân vật Palmer, nhà hàng này sau đó đã không còn tồn tại. 

Canlis, một nhà hàng cao cấp ở thành phố Seattle, có phòng vệ sinh mô phỏng một khu vườn theo phong cách Zen của Nhật Bản với sàn đá và tre. Nhà hàng Mad theo phong cách Tây Ban Nha ở thành phố Houston có tường và trần phòng tắm được ốp bằng các tấm gương, có đèn LED neon đổi màu. "Một số khách đến để "uống một ly, ăn một món tapa rồi chụp ảnh trong phòng vệ sinh và sau đó rời đi" - ông Bruce, chủ nhà hàng, nói.

Ở nhiều nhà hàng, nhà vệ sinh không chỉ là nơi để thư giãn mà còn mang lại nhiều cảm xúc tích cực, sinh động qua cách sử dụng xà phòng, nến thơm cao cấp và các loại đồ trang trí theo chủ đề. Thoạt nhìn, đây có vẻ là những ý tưởng kỳ quặc và không mấy cần thiết, nhưng thực tế một số nhà vệ sinh đã mang lại cho khách hàng trải nghiệm vượt xa dự định, làm hài lòng và hấp dẫn thực khách không thua gì các món ăn.

Thomas Kemeny - giám đốc sáng tạo tự do ở Austin, thủ phủ của tiểu bang Texas, người đã chụp ảnh phòng vệ sinh ở hàng loạt nhà hàng để tạo nên các tác phẩm nghệ thuật trực tuyến có tựa đề "Xin lỗi, đây là phòng vệ sinh" - cho biết kiểu sáng tạo này đã trở nên phổ biến hơn trong những năm gần đây. Thực khách cũng chú ý hơn đến những xu hướng mới này.

Hàng chục người chen chúc vào phòng vệ sinh ở nhà hàng Mad để chụp ảnh selfie vào cuối tuần. Ảnh: NYT

Hàng chục người chen chúc vào phòng vệ sinh ở nhà hàng Mad để chụp ảnh selfie vào cuối tuần. Ảnh: NYT

Joe Romano - một kỹ sư phần mềm tại Tập đoàn Meta, đang điều hành một trang Instagram thường xuyên đưa ra đánh giá phòng vệ sinh tại các nhà hàng mang tên @peebeforeyouleave - cho biết giờ đây các bức ảnh "tự sướng" được chụp trong phòng vệ sinh ở các nhà hàng xuất hiện còn nhiều hơn hình ảnh các món ăn.■

Đầu tư bao nhiêu là đủ?

Về cơ bản, việc đặt dấu ấn cá nhân vào nhà vệ sinh có thể rất tốn kém. Sean Spurlock, người sáng lập Two Cities Pizza, nơi phục vụ pizza kiểu New York và Chicago, cho biết ông đã chi khoảng 30.000 USD để làm cho phòng vệ sinh ở chi nhánh Ohio trông giống như một tàu điện ngầm ở thành phố New York. Nơi đây có bản đồ tàu điện ngầm, quảng cáo giả, tay cầm treo và thậm chí cả loa thông báo rằng các cửa sắp đóng. "Khách hàng yêu thích phong cách trang trí này - ông nói - Nếu phải đầu tư gấp đôi, chúng tôi vẫn sẽ làm".

Tuy nhiên, hai ông chủ Jeremy Alben và Tony Montagnaro của nhà hàng pizza Pinyon ở thành phố Ojai (bang California) chỉ tốn khoảng 500 USD để trang trí cho phòng vệ sinh của nhà hàng một cách đầy ảo giác. Phong cách trang trí bao gồm áp phích ếch, đèn đen, đèn hình nấm và loa phát tiếng ếch kêu. "Có cần phải chi tiền cho tất cả những thứ dư thừa và cắt cổ chỉ để làm cho trải nghiệm ở phòng vệ sinh trở nên vui vẻ và thú vị hơn không? Bất kể số lượng đồ đạc cao cấp, phòng vệ sinh sẽ luôn chỉ phục vụ một mục đích rất cơ bản", họ lập luận.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận