TTCT - BNT162b2, ký hiệu này thoạt tiên không nói lên điều gì, song nó có thể cứu cả nhân loại. Đằng sau nó là hai vợ chồng người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ với phương châm nhất quán: “Việc của chúng tôi là nghiên cứu dược phẩm trị bệnh chứ không phải tranh cử tổng thống hộ Donald Trump”. Ozlem Tureci và Ugur Sahin. Nguồn: BioNTechNhững ngày này tinh thần con người luôn đượm chút hoang mang: bão ở Biển Đông gây thảm cảnh cho hàng vạn người, nước Mỹ đợi làn sóng COVID-19 thứ ba, Pháp đóng cửa một nhà nguyện của người Hồi giáo sau vụ giáo viên Samuel Paty bị sát hại, EU cân nhắc chế tài đối với Moscow và Minsk... Nhưng ít nhất từ nay đã có một vài tia sáng le lói cuối đường hầm.Dự án Lightspeed“Hôm đó là 24-1-2020, tôi đọc trong tạp chí chuyên ngành The Lancet về chủng virus mới ở Vũ Hán và có một linh cảm rõ rệt là sự cố này sẽ không dừng lại trong nội bộ Trung Quốc, mà có khả năng trở thành đại dịch toàn cầu. Đó là khoảnh khắc thúc đẩy tôi phác ra một chương trình tổng thể nhằm phát triển một loại thuốc tiêm phòng - và cung cấp cho toàn thế giới”.Người tâm sự điều ấy với tạp chí Business Insider là giáo sư Ugur Sahin, bác sĩ ung bướu và chủ tịch Công ty BioNTech, Đức.Linh cảm của ông không chỉ đến từ một bác sĩ thông thường: từ năm 2000 ông đã cùng vợ, bác sĩ Ozlem Tureci, và một số cộng sự nghiên cứu điều trị ung thư theo con đường riêng, không nhất thiết chỉ giải phẫu, hóa trị và xạ trị, mà làm ra chế phẩm chứa kháng nguyên hỗ trợ cơ thể tự tăng sức đề kháng để tự diệt tế bào ung thư.Người Nhật mua lại Công ty Ganymed Pharmaceuticals của hai vợ chồng ông với giá nửa tỉ USD. Với số tiền đó và sự trợ giúp từ EU, năm 2018 họ cùng một số cộng sự Đức thành lập BioNTech để theo đuổi công nghệ “lập trình điều trị ung thư”, tức là cá thể hóa phác đồ điều trị cho từng căn bệnh và bệnh nhân cụ thể.Năm 2018, Quỹ Bill & Melinda Gates góp vốn để mở rộng chương trình phát hiện và điều trị tiền lâm sàng HIV và lao.Hôm nay, 10 tháng sau khi thế giới đảo điên vì COVID-19, đại dịch này vượt mặt tất cả các dịch bệnh trong lịch sử nhân loại, vì nó không dừng lại ở một khu vực địa lý và chủng virus biến hóa khôn lường. Không chỉ BioNTech (hợp tác với Pfizer của Mỹ) mà khoảng 150 nhóm nhà khoa học Trung Quốc, Nga, Cuba, Triều Tiên, Thụy Điển, Anh… tham gia cuộc chạy đua với tử thần (theo nghĩa đen) này, toàn các tên tuổi lớn: AstraZeneca, Đại học Oxford, Johnson & Johnson, Moderna, Novavax, CureVac...Cũng không thể coi thường các công ty trẻ mà tài năng như Sinovac, Sinopharm và Cansino Biologics của Trung Quốc. Nhưng theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ở thời điểm này, 97% các ứng viên chắc chắn sẽ gục ngã trước vạch đích.“Tôi đặt tên dự án này là Lightspeed (tốc độ ánh sáng) để đưa ra thông điệp: không được phí thời gian”, bác sĩ Sahin nói. Trước đây chỉ mấy năm, từ lúc phân tích virus cho đến khi chế ra vaccine tiêm phòng là 15-20 năm, theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất dược phẩm VFA.Nhưng trước sức tàn phá khủng khiếp của virus corona, không ai có thể và muốn giữ tốc độ đó. Sputnik-V của Nga nhờ đi tắt mà lấy giấy phép của Nga, song có vẻ ngoài Venezuela, ít nước nào mặn mà với thuốc chích ngừa từ Nga, khi chưa qua thí nghiệm lâm sàng giai đoạn III, và cũng chỉ vì Caracas tìm được 2.000 ứng viên tình nguyện tiêm thử thuốc.Tất cả bốn chế phẩm hiện tại trên thế giới đã vào giai đoạn III chỉ được cấp phép từng chặng kiểu “cuốn chiếu” để đốt cháy thời gian chờ.Chế phẩm BNT162b2 của BioNTech được coi là ứng viên sáng giá nhất của châu Âu sau giai đoạn thử II hồi tháng 7 và đi vào giai đoạn II/III với hơn 37.000 tình nguyện viên, trong đó 28.000 người tiêm lần hai. Nếu kết quả tốt, đơn xin phép bán ra thị trường sẽ được nộp trong tháng 10 này.Một cuộc đua khácTrong cuộc chạy đua này, khó có thể mong đợi nhiều ở thế giới loài người - ngoài miệng vẫn “tứ hải giai huynh đệ” nhưng cũng không thể trách bản năng ham sống trỗi dậy lúc nguy nan.Do BioNTech không chỉ là công ty thuần Âu, mà còn có cổ đông ở Milford và đối tác nặng ký Pfizer (đều từ Mỹ) nên ông chủ có thời hạn (?) của tòa Bạch Ốc dùng hết trọng lượng chính trị để hối thúc bác sĩ Sahin.Mà dù thời điểm có sản phẩm thương mại vào lúc nào thì Mỹ cũng đã đặt trước 100 triệu liều vaccine với giá 1,95 tỉ USD kèm quyền ưu tiên chen ngang mua thêm 80 triệu liều khi hết thuốc ở thị trường riêng. Sau Mỹ là đơn đặt cọc của Canada, Đức, Nhật, Singapore. Mấy cái tên đó nói lên điều gì? Toàn các nước giàu hoặc có cổ phần trong BioNTech!Ngày 3-11 tới, nước Mỹ sẽ quyết định ai lãnh đạo họ trong bốn năm tới và Donald Trump đang ngồi trên đống lửa như bốn năm trước đối mặt với Hillary Clinton, vì trong các lần thăm dò ý kiến gần đây nhất ông đang thua điểm Joe Biden sát nút.Vaccine BNT162b2. Nguồn: Getty ImagesVậy thì phải có gì thêm lên bàn cân của ông, và trước thiệt hại khủng khiếp vì đại dịch ở Mỹ, không có cứu tinh nào sáng giá hơn liều thuốc chích ngừa mà tổng thống đương nhiệm giành về cho nước mình trong nỗ lực “Nước Mỹ là trên hết”. Tổng thống hằng ngày gây áp lực với Cơ quan dược phẩm liên bang FDA để ban hành giấy phép khẩn cấp. Nhưng nền dân trị Mỹ cũng có “điểm yếu” của nó: ngay cả tổng thống cũng không có quyền lực vô biên.Chủ tịch hội đồng quản trị Albert Bourka của Tập đoàn Pfizer trả lời tổng thống bằng văn bản chính thức hôm 16-10: kể cả khi tận dụng hết khả năng pháp lý thì giấy phép khẩn cấp với lý do nhân đạo cũng không được xuất trước tuần thứ ba của tháng 11.Bác sĩ Sahin tuyên bố: “Đi tắt là vô đạo đức, vì nếu thuốc chích ngừa chỉ cải thiện tình trạng chứ không thực sự bảo vệ người được tiêm thì xã hội sẽ sinh ra chủ quan, mất đề phòng và hậu quả sẽ thảm khốc hơn”.Chưa kể đến khả năng FDA có quyền luật định là đợi thêm ít nhất hai tháng để có kết quả chắc chắn từ các tình nguyện viên cuối cùng tham gia tiêm thử.Chưa ai nói trước được điều gì. Ngay cả BioNTech từng sửng sốt vì không có trục trặc hay thất bại duy nhất nào trong quá trình thí nghiệm cũng chưa có đảm bảo thành công 100% trong tay. Trong lúc chờ giấy phép, họ xây dựng cơ sở sản xuất sẵn sàng ra xưởng 100 triệu liều BNT162b2 cho năm nay và 1,3 tỉ liều cho năm 2021.Vị cứu tinh (tiềm năng)Vợ chồng bác sĩ Ugur Sahin và Ozlem Tureci, những người đồng sáng lập BioNTech, đều là con các gia đình ngoại kiều nhập cư từ Thổ Nhĩ Kỳ, làm công nhân băng chuyền nhà máy ôtô Ford của Đức hoặc bác sĩ của bệnh viện nhà thờ.Ngay cả khi không nói đến thuốc chích ngừa BNT162b2, họ đã là người tiên phong trong công cuộc chế ra thuốc ngừa ung thư trong trung hạn. Nhờ các nghiên cứu về triết lý kích hoạt cơ thể tự trị ung thư mà họ sớm quyết định áp dụng sang chế tạo BNT162b2 lần này.Thay vì 15-20 năm, công nghệ mRNA giúp tạo nhanh thứ vaccine hiệu quả chống lại loại virus lây lan nhanh chưa từng thấy như SARS-CoV-2. Nên biết là nhóm nghiên cứu của bác sĩ Sahin chỉ cần một lò phản ứng sinh học với dung tích 50 lít và vài tuần lễ sau hầu như đã có vaccine như ta đang chờ đợi vào cuối năm nay, thời gian còn lại chỉ để tiêm thử và đánh giá kết quả!Cộng hòa liên bang Đức đại bại và tan hoang sau Thế chiến II, phải kêu gọi công nhân từ nước ngoài (Ý, Hy Lạp, Nam Tư, Thổ Nhĩ Kỳ) vào và chính họ đóng góp phần lớn tạo ra kỳ tích kinh tế của thập niên 1960 trở đi.Sau thời kỳ phát triển nóng, số ngoại kiều sinh sống ở Đức đông nhất là người Thổ hoặc gốc Thổ, chừng 3 triệu trong tổng dân số 83 triệu. Thần dân của đế chế Ottoman lẫm liệt ngày nào nay tỏa đi tứ xứ làm thuê (1 triệu ở Pháp, 800.000 ở Bulgaria, nửa triệu ở Anh...) và Thổ Nhĩ Kỳ nhẫn nhục từ nhiều năm nay chầu chực xin gia nhập EU mà chưa xong.Nhưng cộng đồng người Thổ phát triển rất mạnh ở nước ngoài, nếu không bỏ qua các xung đột sắc tộc nội bộ và vị thế đạo Hồi đang có vấn đề ở châu Âu. Bất kể trong giới hàn lâm, nghệ thuật hay thương mại, người Thổ được coi là hòa nhập tốt và thành công nhưng giữ được bản sắc văn hóa riêng.Lạ một điều là báo chí Thổ cũng như của cộng đồng Thổ ở Đức không nhắc nhiều đến sự kiện này. Dường như họ tuy có kiêu hãnh về những thành viên sáng giá, song... “biết thân biết phận” ở xứ lạ? Cũng có thể vì người Hồi giáo ít muốn đả động đến chủ đề vật chất?Dĩ nhiên, người về đầu cuộc đua tìm thuốc ngừa COVID-19 sẽ có ngay tiền tỉ trong tay, khi cả thế giới xếp hàng mua thuốc của họ.Nhưng vợ chồng bác sĩ Sahin có vẻ không màng tới chuyện đó. Báo Welt am Sonntag cuối tuần qua xếp vợ chồng giáo sư Sahin vào bậc 93 trong những người giàu nhất ở Đức: trong vòng một năm, tài sản 650 triệu euro của họ tăng lên tới 2,4 tỉ.Thomas Strüngmann, một cổ đông lớn của BioNTech, nói với tạp chí Handelsblatt: “Tôi chưa thấy bác sĩ Sahin chú trọng đến mặt kinh tế của dự án bao giờ, ước mơ của ông là tạo ra một cái gì đó bền vững, trường tồn, và phát triển các trị liệu pháp hoàn toàn mới”. ■ Tags: COVID-19VaccineLươngCải cách tiền lương
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
Phim chiếu rạp Kính vạn hoa tung poster và teaser, nhìn vừa lạ vừa quen THƯỢNG KHẢI 22/11/2024 Kính vạn hoa phiên bản điện ảnh đánh dấu sự tái ngộ của bộ ba Quý Ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh, mang đến một không khí tươi vui nhưng không kém phần kịch tính.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Giữa lúc xung đột leo thang, Nga - Ukraine đạt thỏa thuận đưa 46 dân thường trở lại Kursk THANH HIỀN 22/11/2024 Hàng chục cư dân từ khu vực biên giới Kursk của Nga đã được đưa trở lại quê hương từ Ukraine sau các cuộc đàm phán 'khó khăn' giữa hai bên.