VAMC: những chuyện oái oăm

VĂN THỊNH - DUY HOÀNG 08/09/2014 20:09 GMT+7

TTCT - Từng được kỳ vọng rất nhiều vào việc xử lý nợ xấu cho hệ thống ngân hàng nhưng có lẽ VAMC đã không hoạt động hiệu quả. Chuyện gì đang xảy ra?

Thông tin nợ xấu của một số ngân hàng tăng lên được Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng xác nhận tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8-2014. Các chuyên gia tài chính đều cho rằng phải giải quyết cục nợ xấu ở các ngân hàng mới khai thông được tín dụng.

Mọi quan tâm càng đổ dồn vào Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC). 

Sau hơn một năm thành lập, VAMC từng được kỳ vọng rất nhiều vào việc xử lý nợ xấu cho hệ thống ngân hàng có lẽ đã không hoạt động hiệu quả. Vậy kỳ thực công ty này đang gặp phải những vấn đề gì? 

VAMC, vì sao?

VAMC chính thức thực hiện hoạt động mua bán từ ngày 1-10-2013, đến nay đã ngót nghét một năm. Theo như lời tự giới thiệu, VAMC là “công cụ đặc biệt của Nhà nước nhằm góp phần xử lý nhanh nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính, giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý nền kinh tế”. 

VAMC được thành lập vào thời điểm nền kinh tế Việt Nam đang trên đường tái cơ cấu sau cuộc suy thoái 2007-2009. Con đường này vốn dĩ đã quá gập ghềnh lại trở nên gian nan hơn bởi gánh nặng nợ xấu mà hệ thống ngân hàng phải đèo bồng.

Có thể nói nợ xấu cũng giống như loài đỉa, một khi đã bám vào vật chủ thì rất dai dẳng, muốn dứt ra thường phải đổ máu. Để giải quyết được vật ký sinh này, có ba hình thức thông dụng sau: (i) giải pháp thị trường tự do: tự chịu trách nhiệm, (ii) chuyển nợ xấu từ các ngân hàng thương mại sang một công ty quản lý tài sản đặc biệt (kiểu VAMC), và (iii) xóa nợ. 

Giải pháp một và ba là những giải pháp rất đau đớn nếu nợ xấu đã trầm trọng hoặc trở thành có tính hệ thống. Bởi nếu để các ngân hàng tự chịu trách nhiệm tức là khiến các ngân hàng phải tự mất vốn, sẽ tốn kém thời gian và thậm chí khiến ngân hàng phá sản.

Giải pháp thứ ba xóa nợ thường thấy trong trường hợp khoản nợ giữa các ngân hàng thương mại nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước. Việc này cũng lợi bất cập hại vì sẽ ảnh hưởng lớn đến uy tín của nhà nước đối với thị trường, và việc xóa nợ cũng đồng nghĩa nhà nước phải in tiền bơm vốn vào thị trường để bù khoản mất đi của ngân hàng.

Đây là mầm mống của méo mó, bất ổn thị trường cho tương lai. 

Trong các biện pháp, việc tạo ra một công ty mua bán nợ kiểu VAMC là một lựa chọn hứa hẹn vì sẽ tạo điều kiện để tống cục nợ ra khỏi hệ thống thông qua các giao dịch với quốc tế. Các khoản nợ xấu có thể được gộp lại thành gói để bán sỉ hoặc bán lẻ cho các tổ chức nước ngoài.

Việc đàm phán “bán sỉ” sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài hơn nhiều so với đàm phán mua bán từng khoản nợ một. 

Những trở ngại 

Kể từ khi được thành lập và chính thức tham gia hoạt động mua bán nợ xấu từ tháng 10-2013, VAMC đã mua gần 59.000 tỉ đồng nợ xấu, tuy nhiên công ty này chỉ mới xử lý được 300 tỉ đồng trong số nợ xấu đã mua này.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, với tỉ lệ nợ xử lý thành công còn thấp, số lượng nhà đầu tư nội và ngoại tham gia thị trường còn ít, dường như VAMC mới chỉ tạo cơ chế giãn nợ và chuyển nợ từ khu vực ngân hàng sang cho Nhà nước nắm giữ. Việc VAMC hoạt động kém hiệu quả, theo quan sát, nảy sinh từ một số vấn đề sau:

Thứ nhất, tuy đã ra đời hơn một năm song công ty này vẫn phải chờ hành lang pháp lý rõ ràng hơn để hoạt động. Cho tới ngày 12-8, Ngân hàng Nhà nước mới ban hành thông tư số 20/2014/TT-HNN quy định về khoản thu, tạm ứng VAMC đối với các khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt.

Theo quy định, thông tư này đến ngày 30-9 mới chính thức có hiệu lực, tức là sau khi thành lập 15 tháng, VAMC mới có cơ chế rõ ràng về các khoản thu để áp dụng thực hiện. 

Thứ hai, VAMC mua bán nợ cho cả hệ thống ngân hàng nhưng không có nguồn tiền mặt đủ lớn. Tất cả giao dịch mua nợ xấu của VAMC với các ngân hàng cho tới nay đều được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt chứ không phải bằng tiền.

TS Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia - đã cho rằng sự thiếu thốn tiền mặt là nguyên nhân đầu tiên cản trở VAMC. Theo ông, công ty phải có ít nhất 20% lượng “tiền tươi thóc thật” trên tổng số nợ xấu hiện nay mới đủ nguồn lực để có thể xử lý được nợ xấu. 

Thứ ba, VAMC có mục đích giải quyết nợ xấu nhanh chóng nhưng lại chịu những quy định gây khó khăn cho việc tiếp cận thị trường. Thật vậy, trong dự thảo thông tư hướng dẫn việc bán đấu giá tài sản bảo đảm của VAMC đang được Bộ Tư pháp lấy ý kiến chỉ cho phép VAMC được bán đấu giá khoản nợ có tài sản dưới 10 tỉ đồng.

Trước đó trong khoản 4, điều 8 thông tư 19 của Ngân hàng Nhà nước về việc mua bán nợ của VAMC còn quy định VAMC chỉ có thể bán từng khoản nợ hoặc từng khách hàng vay. Các quy định này ngăn cản việc “bán sỉ” khoản nợ xấu cho các đối tác trong và ngoài nước và khi triển khai trong thực tế sẽ gây tốn kém nhiều thời gian, chi phí giao dịch cho các bên mua bán nợ xấu.

Các quy định này được ban hành ngoài lý do tránh rủi ro cho công ty thì còn có thể vì lo ngại cơ quan nhà nước không đủ khả năng quản lý, giám sát thị trường. Thực tế ảm đạm của thị trường thời gian gần đây là bằng chứng cho thấy cơ chế này đang lợi bất cập hại. 

Hãy đi sát mặt đất

“Khi điều tồi tệ nhất đã xảy ra rồi thì mọi sự sẽ tốt lên” - với câu châm ngôn ưa thích này của mọi nhà đầu cơ, triết lý của nó kỳ thực chỉ là việc người ta sẽ chờ thời điểm thị trường xuống thấp nhất rồi mua vào và từ đó kéo thị trường lên.

Gắn với câu chuyện của VAMC, triết lý này khiến nhiều người tin rằng cứ chờ thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế Việt Nam tiến triển khả quan thì thị trường mua bán nợ xấu sẽ tự nhiên hấp dẫn, sôi động. Nhưng do luôn tâm niệm rằng chúng ta nên đi sát mặt đất chứ không nên kỳ vọng quá vào những điều bất định trong tương lai, có thể dùng tới hai giải pháp có thể chủ động thực hiện được ngay. 

Giải pháp đầu tiên chính là loại bỏ những bất cập trong khung pháp lý của VAMC. Với một cơ chế chậm chạp, cản trở việc thị trường hóa như hiện tại, VAMC rất khó chủ động và quyết liệt hành động.

Trong lĩnh vực này, kinh nghiệm quốc tế của Hàn Quốc, Indonesia cho thấy quyết liệt và chủ động là yếu tố quyết định thành công của các công ty mua bán nợ.

Để làm được điều đó, VAMC cần được tạo những cơ chế đặc biệt, ví dụ cơ chế mua theo giá thị trường bằng nguồn tiền mặt thanh khoản bên cạnh thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt không có tính thanh khoản.

Thứ nữa, cần bỏ ngay các quy định cản trở việc “bán sỉ” gói nợ, đơn giản hóa thủ tục hành chính và các quy định làm khó nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, VAMC cũng nên chỉ chuyên môn hóa các hoạt động trong khuôn khổ mua và bán nợ xấu chứ không nên tham gia tái cơ cấu các tổ chức này, bởi một số nghiên cứu quốc tế đã cho thấy việc này sẽ không giúp ích. 

Giải pháp thứ hai là cần tăng tính minh bạch, giải trình trong việc công khai nợ xấu của quốc gia cũng như tình hình hoạt động của VAMC.

Việc Việt Nam cũng như các quốc gia khác thiếu nhất quán trong công bố số liệu về nợ xấu là chuyện bình thường, nhưng cũng cần nhìn nhận việc này đã và đang làm suy giảm lòng tin của nhà đầu tư trong nỗ lực giải quyết vấn đề nợ xấu của Việt Nam.

Khi không tin được con số về nợ xấu của Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài sẽ không thể tính toán được khả năng lợi nhuận khi đầu tư vào đây và vì vậy sẽ không dại gì bỏ tiền vào. 

Hiện nay đã hơn một năm thành lập mà trên website chính thức của VAMC vẫn chưa có một báo cáo chính thức nào tới công chúng về kết quả hoạt động. Tính giải trình như vậy khó thể coi là nghiêm túc.

Để giải quyết vấn đề công khai, minh bạch này, chính phủ các nước trong khu vực châu Á đã thành lập các cơ quan chuyên trách theo dõi và đánh giá hiệu quả hoạt động của các AMC thông qua những tiêu chí như: mức độ phục hồi của nợ xấu, số lượng và chất lượng các khoản vay được tái cấu trúc...

Việt Nam cũng nên thành lập cơ quan độc lập tương tự. Cơ quan này có thể chính là tổ chức chi phối VAMC, ví dụ Ngân hàng Nhà nước, miễn là đáp ứng được việc công khai thông tin thường kỳ cho công luận.

Tạo được sự minh bạch cũng là tạo được lòng tin và sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư, cũng là điều dễ nhất mà chúng ta có thể và nên làm trong lúc này. 

Để đưa ra các giải pháp có tính hệ thống nhằm cải thiện hiệu quả cho VAMC, chúng tôi áp dụng phương pháp phân tích SWOT về các điểm mạnh, điểm yếu, thách thức.

Ðiểm mạnh

Ðiểm yếu

- Ðã thiết lập được hạ tầng vật chất và khuôn khổ pháp lý cho việc mua bán nợ.

- Ðã thực hiện được bước đầu việc mua nợ, sắp xếp, phân loại nợ và các khách hàng.

- Hệ thống pháp lý cho mua bán nợ xấu chưa rõ ràng, chậm ban hành.

- Nguồn lực ngân sách về tiền mặt thiếu.

- Thủ tục hành chính phức tạp.

- Quá phụ thuộc vào thị trường bất động sản.

- Tính trì trệ của cơ quan công.

- Kém minh bạch, công khai hoạt động của VAMC.

Cơ hội

Nguy cơ

- Xây dựng được cơ chế hoàn chỉnh từ kinh nghiệm quốc tế.

- Triển vọng kinh tế tốt lên.

- Thị trường bất động sản ấm dần.

- Nguồn FDI, ODA lớn.

- Sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài và cơ hội mà công ty sẽ đối mặt.

- Không hấp dẫn nhà đầu tư quốc tế.

- Không đẩy được nợ xấu ra khỏi nền kinh tế.

- Bị thua lỗ do mua nợ xấu với giá cao.

- Lạm phát.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận