Ăn tiền và ở tù

SÁNG ÁNH 02/01/2021 21:00 GMT+7

12 giờ đêm ngày 22-12-2020, Quốc hội Israel tự giải tán vì không thông qua được ngân sách quốc gia cho năm 2021. Bầu cử được ấn định vào ngày 23-3-2021. Chuyện này cũng không quá lạ. Việc Quốc hội Israel không hoàn tất nhiệm kỳ định lệ 4 năm không hiếm: từ lập quốc và bầu cử 1949 đến giờ mới có… 10 lần, đây cũng đã là lần thứ 4 phải tổ chức bầu cử chỉ trong 2 năm sau bầu cử lần trước.

Quốc hội Israel gồm 120 ghế đại biểu. Đảng nào có 61 ghế đa số sẽ cầm quyền, nhưng từ 1949, chưa từng có một đảng đơn lẻ nào kiếm đủ số ghế đó - nhiều nhất là 56 ghế. Tất cả các chính phủ cầm quyền tại Israel đều là liên minh giữa nhiều đảng khác nhau. Chuyện này âu cũng là thường tình, cho đến nay.

Thế giằng co không lối thoát

Tháng 4-2019, số ghế của hai đối thủ chính Benjamin Netanyahu (hữu khuynh) - Benny Gantz (trung hữu) là 35-35. Việc này dẫn đến bầu cử lại vào tháng 9-2019, tức chỉ 5 tháng sau, thay vì hết nhiệm kỳ 48 tháng. Kết quả mới là Netanyahu 33, Gantz 32. Đành phải bầu cử nữa vào tháng 3-2020. Kết quả chót là Netanyahu 36 và Gantz 33! Hai vị đành phải ôm nhau vì đại sự, nhưng Netanyahu bị truy tố về tội tham nhũng. Theo ông Gantz thì ông Netanyahu bám trụ chỉ để khỏi ở tù và không thể vừa ra tòa vừa làm thủ tướng được. Như vậy có nghĩa ông Gantz làm thủ tướng. Tòa thì chưa biết sẽ xử thế nào và trước mắt lại có bầu cử Quốc hội mới.

Ảnh: The New York Times

Đây là lần đầu tiên thủ tướng đương nhiệm chính thức bị truy tố ở Israel. Thủ tướng Ariel Sharon từng bị điều tra khi đang tại chức hồi năm 2005, nhưng kết luận cuối cùng là không đủ bằng chứng nên không truy tố. Người kế nhiệm Sharon là Ehud Olmert cũng bị điều tra trong khi tại chức, nhưng chỉ bị truy tố sau khi đã từ chức (2009). Kết quả mà ông Netanyahu muốn tránh là số phận của người tiền nhiệm này. 5 năm sau khi từ chức, ông Olmert khăn gói quả mướp vào trại với mức án 6 năm. Ông chỉ nằm ấp 18 tháng, có lẽ nhờ mặt mũi sáng sủa, nhưng thế cũng mất vui. Đây là gương tối hù mà ông Netanyahu quyết không theo và mong rằng cử tri có thể cứu ông. Một gương tối khác là chủ tịch nước Moshe Katsav, bị tố cáo hãm hiếp thuộc cấp trong khi tại chức năm 2006. Ông Katsav bị truy tố và kết án 7 năm tù về ba tội hiếp dâm và hai tội quấy rối tình dục. Ông thụ án 5 năm rồi được chủ tịch nước Reuven Rivlin thả sớm.

Ngoài lề những chuyện tòa án và bất chính về tiền bạc, tại sao không có đảng nào tại Israel nắm được đa số 61 ghế Quốc hội, mà cứ phải lập chính phủ liên minh, lắm lúc chéo cẳng ngỗng và rất phiền phức?

Đó phần lớn là tại cách thức bầu cử ở quốc gia này. Mỗi đảng tham gia tranh cử sẽ đưa ra một liên danh 120 ghế và cử tri bỏ phiếu cho liên danh toàn quốc này. Liên danh nào được 10% phiếu thì được 10% ghế và lúc đầu, năm 1949, mức tối thiểu là 1%. Thể thức này có cái lợi là công bằng, thể hiện được nguyện vọng cử tri, nhưng bất lợi là khiến rất nhiều đảng phái có ghế trong Quốc hội, khiến việc lập liên minh cầm quyền đôi khi rất khó khăn, nhiều lúc ba đại biểu thích râu dài gây với hai đại biểu đòi râu ngắn là đủ để lật đổ chính phủ. Năm 1988, mức tối thiểu để có đại biểu tại Quốc hội tăng lên 1,5%, rồi 2% năm 2003, và mới nhất là 3,25% năm 2014, nhưng vẫn chỉ là cải cách nhỏ giọt, chưa thể tạo ra đa số ổn định như mong đợi.

Một thử nghiệm khác là bầu trực tiếp thủ tướng cùng Quốc hội. Biện pháp này được sử dụng ba lần, 1996, 1999 và 2001, nhưng rồi cũng phải bỏ vì không giải quyết được vấn đề bấp bênh cố hữu.

Nhân khẩu học bầu cử

Từ năm 1949 đến giờ, thành phần dân số Israel cũng trải qua nhiều biến đổi. Lúc lập quốc chủ yếu là thành phần di dân lập ấp từ Âu châu sang Palestine. Đây là thành phần Zion chủ nghĩa, được gọi là Ashkenaze. Sau Thế chiến II, thành phần này được tăng cường thêm người Do Thái khuynh tả về xã hội và chính trị, chống phát xít. Các phong trào cấp tiến, Đảng Lao động, Đảng Cộng sản Israel rất mạnh trong thời gian này, trong khi thành phần tôn giáo không có ảnh hưởng mấy. Trong chiến tranh lập quốc, Liên Xô là nguồn ủng hộ quyết định, cung cấp vũ khí qua Tiệp Khắc, là nơi thành lập, trang bị và huấn luyện lữ đoàn không quân đầu tiên của quốc gia Israel. Liên Xô cũng là nước đầu tiên công nhận Israel.

Người Do Thái Đông phương, tức người Sefardi-Mizrahi, lúc đó vẫn sống rải rác ở nhiều nước Hồi giáo Trung Đông. Chiến tranh với Ai Cập 1956 và 1967 khiến nhiều người rời các nước Ả Rập và Bắc Phi để sang Israel định cư, ngày nay thành phần này trở thành đa số về mặt dân số ở Israel, cũng là bộ phận xã hội nghèo khó, thu nhập thấp, và học thức kém hơn, đồng thời cổ truyền và bảo thủ hơn về mặt tôn giáo so với thành phần gốc Âu. Họ hội nhập khó khăn, kể từ ngôn ngữ trở đi. Tiếng Do Thái hiện đại là phát minh của người Ashkenaze. Người Do Thái Sefardi-Mizrahi vẫn sử dụng tiếng Do Thái cổ khi đi lễ, như Phật tử dùng kinh Phạn hay tín đồ Công giáo dùng tiếng Latin. Về mặt chính trị, họ lép vế hơn.

Thập niên 1990 trở đi, Israel gặp một biến cố mới về nhân khẩu học. Khối Liên Xô tan rã khiến người gốc Do Thái từ Nga và Đông Âu di cư ồ ạt sang Israel. Dân số Israel năm 1990 là 4,5 triệu và 15 năm tiếp theo đón thêm 1 triệu di dân từ Liên Xô cũ. Đợt di dân này có nhiều người học thức. Năm 1989, Israel có 30.000 kỹ sư và 15.000 bác sĩ. Riêng giai đoạn 1990-1993 đã có 57.000 kỹ sư và 12.000 bác sĩ từ Nga di dân sang. Về văn hóa, họ xa vời tôn giáo Do Thái và những cấm cản truyền thống, vẫn thích ăn thịt heo chẳng hạn. Về chính trị, họ chống tất cả những gì xa gần với xã hội chủ nghĩa. Về ngôn ngữ, nhiều người Do Thái Nga ngang nhiên không cần hội nhập và vẫn nói tiếng Nga. Về xã hội, họ nhanh chóng đạt địa vị cao hơn thành phần Sefardi-Mizrahi.

Như vậy, chính trường Israel đang trải qua mâu thuẫn giữa ba nguồn gốc dân tộc Do Thái này, rất khác biệt về xã hội, tôn giáo, văn hóa, và quan điểm chính trị. Thành phần Nga, đại diện là ông Avigdor Lieberman, gây khủng hoảng khi rời liên minh Netanyahu vì vấn đề giáo sĩ được miễn nghĩa vụ quân sự. Đối với thành phần Nga, nghĩa vụ quân sự là trên hết, không thì ai bảo vệ tổ quốc? Với thành phần tôn giáo bảo thủ, không có Do Thái giáo thì cũng không có quốc gia Israel, nên mấy đứa ăn xúc xích heo lậu (hàng quốc cấm) từ Nga mới sang làm sao hiểu! Chuyện này không có lối thoát. Hai chính đảng lớn ngang ngửa số ghế, hai đảng nhỏ - phe cực hữu Lieberman và phe thiên tả (Đảng Lao động) - chẳng khác, kỳ nào cũng 5-7 ghế.

Đại kỵ tham nhũng

Ông Netanyahu, 71 tuổi, là lãnh đạo lâu đời nhất hiện nay tại Israel, lần đầu làm thủ tướng 24 năm về trước, khi đối thủ hiện giờ của ông là tướng Gantz, 61 tuổi, mới là đại tá cấp chỉ huy lữ đoàn. Mấy năm qua, ông Netanyahu được sự ủng hộ chưa từng thấy từ chính quyền Mỹ của Tổng thống Donald Trump. Hoa Kỳ lần lượt công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, việc chiếm đóng cao nguyên Golan (thuộc Syria), rồi việc chiếm đóng các vùng thuộc Palestine từ năm 1967. Mới đây, nhờ Saudi Arabia - đồng minh thân thiết của Mỹ - ngấm ngầm thúc đẩy, UAE, Sudan, Bahrain và Morocco đều đã thiết lập bang giao chính thức với Israel. Đây được coi là thành tích của “phò mã” Jared Kushner. Nói qua, cậu Kushner lúc còn tuổi đi dự dạ hội trường cấp III (17 tuổi) từng phải nhường phòng ngủ cho ông Netanyahu lúc ông ghé thăm nhà cậu ở New Jersey hồi những năm 1990 - cha cậu là một doanh nhân Do Thái có tiếng ở Mỹ.

Cựu tướng Benny Gantz hiện nắm tạm quyền thủ tướng Israel. Ảnh: The Times of Israel

Nhưng cũng trong những năm chót này, cá nhân ông Netanyahu gặp nhiều vấn đề. Tuy ông không hiếp dâm ai, nhưng bà vợ thứ ba của ông, Sara, là người nhiều tai tiếng. Nghe đâu bà khó tính, hay mắng chửi và sai vặt nhân viên thuộc quyền chồng. Chuyện này khiến bà từng bị kiện và phải bồi thường cho một thuộc cấp 42.000 đôla. Bà đặt cơm giao đến nhà 100.000 đôla trong khi dinh có đầu bếp. Bà mang thân phụ đến dinh ăn ở và dùng tiền nhà nước để chu cấp. Bà còn dùng quỹ nhà nước để nuôi một cậu chó tên là Kaiya. Vào dịp tết Do Thái Hannukah 2015, cậu này không biết điều cắn hai vị khách, nên chuyện cậu được nuôi bằng quỹ quốc gia đổ bể! Bà cũng dùng tiền chính phủ để sắm bàn ghế cho nhà nghỉ mát riêng tại Caesarea.

Nhưng đó là chuyện của bà, và chuyện cũng nhỏ, chẳng nhằm nhò gì khi ví với chuyện của ông. Ông Netanyahu bị tố cáo có nguồn rượu và xì gà riêng vô tận từ một đại gia Israel và một tỉ phú Úc, lên đến mấy trăm ngàn đôla. Trầm trọng hơn chuyện hút sách lẻ tẻ là ông dùng quyền thủ tướng để giúp đỡ nhóm truyền thông Wallal, giá trị lên đến vài trăm triệu đôla. Ngược lại, nhóm này ủng hộ ông trong sự nghiệp tiếp tục làm phụ mẫu chi dân của Israel. Nội vụ thế nào thì chưa biết, chỉ biết là từ bị điều tra, ông Netanyahu nay bị truy tố, giờ phải đáo tụng đình, còn chờ kêu án, rồi kháng án… phải mất mấy năm mới có kết quả cuối cùng.

Trong khi chờ đợi thì biến cố bên ngoài là chính quyền Trump đã thất cử ở Hoa Kỳ, ông Netanyahu mất một chỗ dựa lớn. Có thể chắc chắn là chính quyền Biden sẽ tiếp tục ủng hộ Israel, nhưng có lẽ không nhiệt tình hết cỡ như thời Trump!■

Bản thân nội bộ Đảng Likud cũng đang chia rẽ vì ông Netanyahu, nửa chống và nửa ủng hộ. Đại biểu Gideon Saar của đảng này đã bỏ ghế ra đi ngày 8-12, tuyên bố không thể chấp nhận “chủ nghĩa tôn thờ cá nhân” nữa. Cựu chánh văn phòng của ông Netanyahu 12 năm trước và là người nhiều lần giữ chức bộ trưởng trong chánh quyền của ông Naftali Bennett thì mới tuyên bố sẽ ra tranh ghế của Likud. Theo lời ông Bennett, cả nước Israel đã đội ơn ông Netanyahu nhiều rồi, giờ ông nên về vườn nhà ở Caesarea giữ chó cho vợ, kẻo nó lại cắn khách, thì hơn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận