Bầu cử Thái Lan: Dân chủ không chỉ là công cụ

DANH ĐỨC 25/03/2019 21:03 GMT+7

Cuối cùng thì cuộc bầu cử Quốc hội từng 5 lần bị hoãn trong 5 năm qua ở Thái Lan cũng diễn ra hôm 24-3 và kết quả bầu cử cho tới ngày 25-3 vẫn trong những trì hoãn ngột ngạt. Cử tri Thái Lan ở đâu trong cuộc bầu cử này và nó sẽ đem lại gì cho hơn 68 triệu người Thái?

Đã một thập kỷ người Thái mới lại có một cuộc bầu cử đúng nghĩa. Ảnh: Nikkei Asian Review
Đã một thập kỷ người Thái mới lại có một cuộc bầu cử đúng nghĩa. Ảnh: Nikkei Asian Review


Chưa hết, việc chỉ có 3 đảng đến tham dự, 2 đảng Palang Pracharath (PPRP - Quyền lực bởi nhân dân và nhà nước) và Bhumjaithai không dự là câu trả lời cho chính câu hỏi “(làm sao) để nền dân chủ đừng lại sụp đổ?”.Chủ đề của cuộc hội luận “Làm thế nào để nền dân chủ đừng lại sụp đổ?” tổ chức hôm thứ hai đầu tuần (18-3) với “khách mời” là 5 đảng lớn (Dân chủ, Pheu Thai, Bhumjaithai, Phak Anakhot Mai (PAM - Tiến đến tương lai) và Palang Pracharath) có thể là câu trả lời ngắn gọn nhất cho các câu hỏi nêu trên.

Đại mặc cả

Cuộc hội luận 5 đảng trên có thể được xem như một dịp để mặc cả về một tương lai hậu bầu cử, không có gì là chính thức cả do lẽ chưa có kết quả bầu cử, song hãy thử dàn xếp trước một cách thức vận hành Quốc hội sắp được bầu lên giữa 5 đảng được đánh giá là hàng đầu.

Điểm trớ trêu song không bất ngờ ở cuộc hội luận là 3 đảng có mặt (Dân chủ, Pheu Thai và PAM) không cùng phe với nhau nay lại đứng cùng bên, còn bên kia là chế độ quân sự cầm quyền, để cùng “mặc cả” tương lai.

Trớ trêu nhất là hai đảng Dân chủ và Pheu Thai, vốn là đại kình địch trong quá khứ với hình ảnh biểu tượng là “áo vàng” (Đảng Dân chủ) và “áo đỏ” (Đảng Pheu Thai của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra), thậm chí từng đổ máu vì tranh đấu với nhau trong các cuộc biểu tình bạo động, nay lại “cùng mâm”. Còn PAM là một đảng mới có hi vọng thu hút lớp cử tri mới, nên chọn đứng cùng hai đảng phi quân đội này.

Thế cho nên không lấy làm lạ là PPRP và Bhumjaithai (Hãnh diện là người Thái) lại không tham dự: PPRP của cánh quân đội ủng hộ Thủ tướng tạm quyền Prayut Chan-o-cha sao có thể hạ mình “mặc cả” với đối phương, còn Bhumjaithai là một đảng dân túy bậc trung thì đang... chờ thời.

Theo Bangkok Post 19-3, đại diện 3 đảng có tham dự hội luận - Dân chủ, Pheu Thai và PAM - cùng bày tỏ quan điểm: (1) cuộc bầu cử ngày tới phải trung thực và (2) Hạ viện mới được bầu phải có quyền chọn ứng viên thủ tướng trước khi Thượng viện tham gia bỏ phiếu bầu ra thủ tướng.

Xét tình hình hiện tại, một ứng viên thủ tướng cần ít nhất một nửa trong 750 thành viên của cả hai viện Quốc hội để đắc cử, trong đó toàn bộ 250 thành viên Thượng viện là do quân đội chỉ định.

Lãnh đạo Đảng Dân chủ bao năm qua Abhisit Vejjajiva (54 tuổi, thủ tướng giai đoạn 2008-2011) nhấn mạnh rằng làm theo cách mới này sẽ phản ánh ước nguyện của người dân, do lẽ các dân biểu Hạ viện được bầu trực tiếp.

Ông Pokin Polakul, nhân vật chủ chốt của Đảng Pheu Thai thân Thaksin, đề xuất Thượng viện nên để lại việc chọn thủ tướng cho 500 dân biểu Hạ viện do lẽ “nếu một đảng ủng hộ chế độ quân sự, với chỉ khoảng 200/500 ghế ở Hạ viện, vẫn có thể thành lập một chính phủ với sự hỗ trợ của 250 nghị sĩ Thượng viện” (ông Pokin Polakul ám chỉ PPRP).

Ông Chamnan Chanrueng của PAM thì hô hào các dân biểu tương lai phải bỏ phiếu áp đảo để ngăn chặn ứng cử viên thủ tướng của phe quân sự, và để gây áp lực cho Thượng viện không tán thành một ứng cử viên thủ tướng không theo “dân nguyện”.

Có thể tóm tắt thỏa thuận chung của 3 đảng trên như sau: (1) kỳ này bầu cử “hồn ai nấy giữ”; (2) có kết quả rồi sẽ phân cao thấp, đảng nào đóng vai chính, vai phụ trong một liên minh tiềm năng để đối phó với PPRP của cánh quân đội cùng các đảng nhỏ có thể theo phò quân đội; và (3) liên minh đó sẽ giữ “kỷ luật bỏ phiếu” tuyệt đối để bầu chọn ứng cử viên của liên minh cho vị trí thủ tướng hòng ngáng đường ứng viên của quân đội, song điều kiện tiên quyết là các đảng phải hội đủ số phiếu quá bán trong tổng số 750 phiếu lưỡng viện Quốc hội. Nếu được như thế, lúc đó mới có thể tạm cho rằng cánh dân sự sẽ định đoạt được “ngày mai” sau bầu cử.

Những người ủng hộ đảng Pheu Thai reo hò trước thông tin rò rỉ nói rằng đảng họ đã giành được tới 7 triệu phiếu bầu trên toàn quốc. (Ảnh: Straits Times)


Vẫn háo hức đi bỏ phiếu

Nhật báo The Nation 18-3 giật tít: “Người dân nhiệt tình cao đi bầu cử” cùng tựa nhỏ “75% số người đăng ký bỏ phiếu sớm đã đi bầu trên toàn quốc, bất chấp nắng nóng và xếp hàng dài”.

Bài báo tường thuật: “Một số lượng lớn cử tri hôm qua đã thực hiện các quyền của họ tại các điểm bỏ phiếu trước trên toàn quốc. Người dân xếp hàng dài bất chấp cái nóng buổi chiều để bỏ phiếu trong cuộc bầu cử quốc gia đầu tiên sau 8 năm.

Ủy ban bầu cử hôm 17-3 ước tính ít nhất 2,6 triệu, tức 75% cử tri đăng ký bỏ phiếu trước, đã đi bỏ phiếu tại 395 điểm bỏ phiếu trên toàn quốc...

Các nhà quan sát tin rằng sự nhiệt tình của quần chúng là vì đất nước đã không tổ chức bầu cử trong gần một thập kỷ. Cuộc bầu cử thành công cuối cùng của Thái Lan diễn ra vào tháng 7-2010, và Đảng Pheu Thai giành thắng lợi để thành lập một chính phủ liên minh.

Một cuộc bầu cử khác diễn ra dưới chính quyền Đảng Pheu Thai năm 2014 sau khi Quốc hội bị giải tán, nhưng đổ vỡ giữa chừng và không đi tới kết quả do bất ổn chính trị và bị biểu tình cản trở. Tòa án Hiến pháp Thái Lan sau đó phán quyết cuộc bầu cử vô hiệu về mặt pháp lý”.

Sự nhiệt tình của quần chúng phản ánh nhu cầu dân chủ của người dân Thái Lan và thực tế rằng ngoài việc là công cụ để lựa chọn chính quyền, nguyên lý mỗi người dân một lá phiếu bản thân nó cũng là một mục tiêu, ngay cả khi họ đã không ít lần bị lôi vào những đấu đá chính trị hay lừa dối từ giới chính trị gia - nếu có thể nói như thế. Đấu đá chính trị cũng là điều bình thường trong mọi chế độ, bao gồm các chế độ dân cử, có khác chăng là cách thức cũng như trình độ của xã hội và giới tinh hoa cùng sự lâu đời của một chế độ như thế.

Những xã hội nào có lịch sử dân cử càng dài, trình độ dân trí càng cao, giới tinh hoa càng thực chất thì phương thức đấu đá sẽ càng ít bạo lực hơn, tuy vẫn không kém phần mưu mô, sát phạt. Ngay cả trong một xã hội có “thâm niên dân cử” như Pháp (năm nay là 230 năm Cách mạng Pháp thiết lập nền cộng hòa) cũng có những chính khách rất “xấu xí”, từ cả ngôn từ và cử chỉ đến xảo thuật chính trường. Ở Mỹ lúc này cũng thế.

Nhưng không vì vậy mà người dân Thái Lan lại nghĩ rằng lá phiếu của họ là tờ giấy lộn. Chính quyền Shinawatra dù có bị cáo buộc tham nhũng, trục lợi, gia đình trị thì trong một góc nhìn nào đó, tối thiểu cũng đã mang tới cho một bộ phận dân chúng Thái Lan hi vọng và tiếng nói.

Bầu cử để làm gì?

Grigoris Markou và Phanuwat Lasote của Đại học Aristotle ở Thessaloniki, Hi Lạp đã đưa ra một số giải thích trong tham luận “Chủ nghĩa dân túy tại châu Á: Trường hợp của Thaksin tại Thái Lan” ở hội nghị quốc tế về “Chủ nghĩa dân túy và dân cử” từ ngày 26 đến 28-6-2015 tại ngôi trường mang tên triết gia tác giả “Chính trị học” như sau:

Giả thuyết chính của chúng tôi là mặc dù chủ nghĩa dân túy của Thaksin đã gây ra bất ổn chính trị nghiêm trọng, song đồng thời nó cũng góp phần vào sự tham gia và huy động quần chúng rộng lớn vào sân khấu chính trị. Chủ nghĩa đó mang lại những ý tưởng mới về dân chủ và một phong trào xã hội (áo đỏ) đòi hỏi phải loại bỏ sự can thiệp của giới quân sự vào chính trị”.

Sau khi nêu ra hai mặt của tấm mề-đay Thaksin, các tác giả tham luận vạch rõ: “Kẻ thù đối với Thaksin là giới tinh hoa tham nhũng và các thể chế chống lại con đường đi tới dân chủ và bầu cử, vốn phản đối các chính phủ được bầu chọn hợp pháp. Cụ thể, kẻ thù của Thaksin là Đảng Dân chủ, giới kinh doanh, các định chế tham nhũng, quân đội, Hội đồng Cơ mật hoàng gia... Đặc biệt, Đảng Dân chủ luôn bị Thaksin buộc tội là cố gắng thay đổi chính trị bằng những phương cách bất hợp pháp... Theo quan điểm của Thaksin, họ đã không tôn trọng quyết định của người dân”.

Hai tác giả kết luận: “Không hồ nghi gì nữa, thông điệp của Thaksin được tổ chức theo một lược đồ đối kháng, phân biệt giữa “chúng ta” (tức người dân, người nghèo, không có đặc quyền đặc lợi) và “bọn họ” (giới tinh hoa, các cơ quan tham nhũng, doanh nhân bảo thủ, quân đội, Hội đồng Cơ mật, quý tộc...) Thaksin, bằng thông điệp dân túy (cần lưu ý, ông không phải là một chính trị gia dân túy ngay từ đầu), đã thuyết phục được phần lớn xã hội, đặc biệt là tầng lớp nghèo và thấp, đi theo mình một cách trung thành”. Còn câu hỏi “Thaksin, công hay tội?”, hai nhà nghiên cứu Hi Lạp bỏ ngỏ.

Thật ra, toàn bộ chính đề Thái Lan không phải là “Thaksin hay không Thaksin?”, mà là với người Thái, bất chấp biết bao cuộc bầu cử, bao nhiêu chính quyền, đảo chính, chính thể quân sự, rồi lại bầu cử tiếp... gần một thế kỷ qua, họ vẫn cứ háo hức ứng cử, bỏ phiếu - vì một chế độ dân cử.■

Hai kịch bản chính

Nếu như hai đảng Dân chủ và Pheu Thai đắc thắng, đủ để thành lập được liên minh cầm quyền mới (đồng nghĩa họ giành 376/500 ghế ở Hạ viện) thì kịch bản “bể khổ” vẫn chưa qua. Lý do là trong quá khứ, hai đảng chống và ủng hộ Thaksin này nghịch nhau như nước với lửa, với không biết bao cuộc biểu tình và bạo động “áo đỏ - áo vàng” suốt bao năm trường.

Với một lịch sử đẫm máu như thế, tới đây làm sao họ có thể cùng nhau quyết định các vấn đề chính trị đại sự, tỉ như việc có cho ông Thaksin hồi hương và tham chính hay không? Còn nếu không thắng được thì sẽ là một chính phủ quân sự trá hình, dù không mặc quân phục, với thành phần cốt cán ở Hạ viện là PPRP của quân đội cùng một số dân biểu các đảng “chờ thời”, và ở Thượng viện là 250 thượng nghị sĩ do quân đội chỉ định.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận