Bẫy thu nhập trung bình trong "thế kỷ châu Á"

HỮU NGHỊ 21/09/2011 21:09 GMT+7

TTCT - Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) gần đây công bố một báo cáo dài 127 trang (1) dự báo một triển vọng khả thi là việc bảy nền kinh tế châu Á có khả năng trở thành cỗ máy kinh tế thế giới vào năm 2050, đồng thời cảnh giác một bất trắc khả dĩ là sự luẩn quẩn trong cái bẫy thu nhập trung bình.

Phóng to
Viện đại học Multimedia University đào tạo nhân lực cho Cyberjaya, một “thung lũng silicon” của Malaysia rộng 7.000ha được khánh thành năm 1999 - Ảnh: wordpress.com

Theo ADB, sự nổi lên về mặt kinh tế của châu Á trong 4-5 thập niên qua có thể được xem như những kinh nghiệm phát triển kinh tế thành công nhất thời nay. Trong lúc này, chính châu Á chứ không phải một châu lục nào khác đang ra sức lôi thế giới ra khỏi suy thoái.

Biến chuyển đó đo được qua thu nhập đầu người của châu Á có khả năng tăng gấp sáu lần hiện nay vào năm 2050, đạt đến mức thu nhập đầu người của châu Âu hiện nay. Đến lúc đó châu Á, từ chỉ đóng góp có 27% GDP thế giới (năm 2010), sẽ đóng góp đến 51% (trang 2 của báo cáo) và điều gọi là “thế kỷ châu Á” sẽ trở thành hiện thực.

Ba nhóm nền kinh tế

Căn cứ trên thành tích trong 25 năm qua, báo cáo của ADB thử phân loại các nền kinh tế châu Á thành ba nhóm. Nhóm thứ nhất gồm bảy nền kinh tế đã tăng trưởng nhanh từ thập niên 1950, tránh được bẫy thu nhập trung bình và trở thành các nền kinh tế phát triển có thu nhập cao trong một thế hệ. Đó là: Brunei, Hong Kong, Nhật, Hàn Quốc, Macau, Singapore và Đài Loan. Các nền kinh tế này có thu nhập đầu người trên 12.196 USD.

Nhóm thứ nhì gồm 11 nền kinh tế vốn đã tăng trưởng cao suốt từ năm 1990 đến nay và mới đạt ngưỡng thu nhập trung bình, song nay đang đối diện nguy cơ lớn nhất là rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Một số nền kinh tế đó có thể dễ dàng làm lật đổ toàn thể triển vọng mang tên “thế kỷ châu Á”. Nhóm này (theo thứ tự chữ cái) gồm: Ấn Độ, Armenia, Azerbaijan, Campuchia, Georgia, Indonesia, Kazakhstan, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam.

Cuối cùng là các nền kinh tế còn lại vốn chỉ đạt được tỉ lệ tăng trưởng khiêm tốn hoặc thấp thời gian dài. Cho dù như thế, đến năm 2050 ở châu Á sẽ không còn nước nào gọi là nghèo (thu nhập đầu người trung bình dưới 1.000 USD) nữa.

Đầu tàu của châu Á

Theo ADB, sự nổi lên của châu Á trong 40 năm tới sẽ được dẫn đầu bởi bảy nền kinh tế gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật, Hàn Quốc, Malaysia và Thái Lan. Vào năm 2010, bảy nền kinh tế trên có dân số gộp lại là 3,1 tỉ người, chiếm 78% dân số châu Á; có GDP gộp lại là 14,2 tỉ USD, chiếm 87% GDP châu Á.

Đến năm 2050, dân số gộp lại của bảy nước này sẽ giảm còn 73% dân số châu Á, song GDP gộp lại sẽ chiếm đến 90% GDP của châu Á! Bảy nền kinh tế đó sẽ góp đến 45% GDP thế giới. Thu nhập đầu người tính theo sức mua (PPP) sẽ là 45.800 USD, cao hơn tỉ lệ trung bình thế giới là 36.600 USD (trang 2).

Nhật và Hàn Quốc sẽ là đầu tàu kinh tế châu Á là chuyện đã đành rồi. Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và thậm chí Thái Lan (ít hơn) với dân số đông cũng thế. Song làm thế nào mà một nước Đông Nam Á ít dân như Malaysia sẽ có thể trở thành đầu tàu kinh tế?

Malaysia và Thái Lan đã trở thành các nhà máy sản xuất hàng Nhật từ thập niên 1980, rồi thì Việt Nam từ thập niên 1990. Song gần đây các dây chuyền lắp ráp hàng điện tử “đơn sơ” ở Việt Nam khựng lại, trong khi ở Malaysia, Thái Lan vẫn còn, nhất là ở các nhóm sản phẩm khá đắt tiền. Khác biệt phải chăng do ở Malaysia, Thái Lan có một số công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi một lớp người lao động có kỹ năng cao?

Ngay từ năm 1999, thủ tướng Malaysia lúc đó là ông Mohamad Mahathir đã khánh thành một “thung lũng silicon” mang tên Cyberjaya rộng 7.000ha, quy tụ các nhà máy thiết kế và sản xuất hàng điện tử cao cấp, trong đó phải kể đến nhà máy - phòng thí nghiệm khảo cứu lớn thứ nhì thế giới của Tập đoàn Nippon Telegraph and Telephone Corp (chỉ sau nhà máy ở Mỹ). Để phục vụ nhân lực cho “thành phố cyber” này, Malaysia đã huy động ba viện đại học tập trung vào dự án (2).

Tham khảo thêm về nền giáo dục đại học Malaysia, có thể thấy họ tập trung cho đào tạo tiến sĩ khoa học hơn là tiến sĩ triết học, mà kết quả là viện đại học truyền thông đa phương tiện mang tên Multimedia University đang đào tạo 20.277 sinh viên, trong đó 19% đến từ 80 nước (3).

Bẫy thu nhập trung bình và "made in Hong Kong"

Rất ít nước có thể duy trì tăng trưởng cao trong hơn một thế hệ, và càng ít nước tiếp tục đạt tỉ lệ tăng trưởng cao sau khi đã đạt ngưỡng thu nhập trung bình. Nay các điểm then chốt tạo nên khác biệt giữa “tăng trưởng thu nhập trên mức trung bình” với “tăng trưởng từ thu nhập thấp tiến đến thu nhập trung bình” đã là rõ ràng.

Để tăng trưởng, ngày càng cần thêm vốn và kỹ năng lao động hơn. Thị trường nội địa ngày càng mở rộng và trở thành một cỗ máy quan trọng hơn, đặc biệt đối với tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ. Lương bắt đầu tăng lên, tăng nhanh hơn cả là đối với người lao động có kỹ năng cao; thiếu hụt lao động có kỹ năng cũng có thể nổi lên.

Mô hình tăng trưởng dựa trên xuất khẩu các mặt hàng gia công lương thấp không thích hợp nữa đối với các nước thu nhập trung bình. Các nước này dường như bị dính bẫy vào trong chế độ tăng trưởng thấp, trừ phi thay đổi được chiến lược và nâng lên được chuỗi giá trị. Lợi thế chi phí trong các lĩnh vực cần nhiều nhân công (tỉ như gia công hàng xuất khẩu mà một thời đã là cỗ máy kéo tăng trưởng) bắt đầu suy giảm so với các nước nghèo có lương thấp hơn.

Bên cạnh đó, các nước thu nhập trung bình không có tác quyền (để mà hưởng), khối lao động có kỹ năng cao then chốt để có thể qua lọt được thách thức sáng tạo như các nước thu nhập cao đang có. Bị kẹt giữa hai nhóm này, các nước thu nhập trung bình có thể bị dính bẫy nếu như không có được một chiến lược tăng trưởng cao khả dĩ tồn tại được!

Một số đông nền kinh tế châu Á (trong đó có cả Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam) vẫn còn phải chứng minh được khả năng tránh rơi vào bẫy này, để rồi sau đó chỉ còn tăng thu nhập chậm mà thôi, như trường hợp đa số các nước Mỹ Latin (trang 33).

Đầu thập niên 1970, các áo sơmi hiệu Yves Saint-Laurent của Pháp đã bắt đầu dán nhãn “Made in Hong Kong”. Hơn 20, 30 năm sau, quần áo, giày dép “Made in Vietnam” bắt đầu xuất hiện trong các siêu thị châu Âu rồi Mỹ, Nhật... Sau này thêm “Made in Cambodia”. Rõ ràng cũng những nhãn hiệu quần áo đó trong 40 năm qua, song cái máy may và công ăn việc làm đã di chuyển từ Hong Kong (của những năm 1970), sang Trung Quốc rồi Việt Nam, Campuchia... Chẳng qua dây chuyền sản xuất cũng chỉ chừng đó công đoạn, chừng đó thao tác “máy móc”.

Cái bẫy thu nhập trung bình chính ở chỗ đó nếu như cứ gia công mãi và nền giáo dục không đột biến đào tạo ra những con người sáng tạo.

Những bất trắc và thách đố

ADB nhấn mạnh rằng triển vọng nổi lên của châu Á không hề là một điều gì đã được tiền định, trái lại đầy bất trắc và thách đố, đặc biệt như sau:

- Trong một số trường hợp càng làm gia tăng bất công trong các nước đó, phá vỡ sự đoàn kết gắn bó của xã hội và gây bất ổn định chính trị.

- Một số nước có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

- Sự gia tăng giành giật tài nguyên thiên nhiên tối thượng (như năng lượng, nước và đất trồng trọt) để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng nhằm thỏa mãn các chuẩn mực sống ngày càng cao hơn.

- Dị biệt giữa các nước và tiểu khu vực ngày càng tăng có thể gây bất ổn toàn khu vực và chặn đứng đà tăng trưởng.

- Sản xuất nông nghiệp bị đe dọa bởi việc trái đất nóng dần lên và sự thay đổi khí hậu (bao gồm cả các thảm họa thiên nhiên ngày càng tăng) cũng như bởi sự khan hiếm nước, gia tăng dân số vùng duyên hải cùng các khu vực thành thị.

- Thách đố vô cùng to lớn về mặt cai trị đất nước và đối với năng lực của các định chế nơi hầu hết các nước.

ADB lưu ý các thách đố này không (hoạt động) đơn lẻ, trái lại chúng có thể tác động lẫn nhau. Từ đó nhân rộng các mối căng thẳng, tình trạng bất an, các mối xung đột hiện có, thậm chí có thể tạo ra những điểm chịu sức ép mới trong nội bộ và trong suốt châu Á, đe dọa đến sự tăng trưởng, tính ổn định và nền an ninh của châu Á.

__________

(1) 2050: Realizing the Asian Century
(2) Mahathir opens Malaysia's 'Silicon Valley', Kyodo News, July 8 1999
(3) Cyberjaya, Wikipedia

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận