BOT và thể chế

NGUYỄN VŨ 24/01/2018 22:01 GMT+7

TTCT- Thể chế lại trở nên thời sự khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018, đã nhấn mạnh “thể chế, thể chế và thể chế” khi trả lời câu hỏi “có giải pháp nào để tăng cường khả năng chống chọi của nền kinh tế trước các cú sốc từ bên ngoài?”.

MH

Giả thử chúng ta lấy quyết sách này để ứng với bài toán BOT đang gây nhức đầu cho nhiều người, thử xem thể chế có thể giúp tìm ra giải pháp khả dĩ mang lại kết quả khá nhất với chi phí thấp nhất?

Nhận diện thể chế

Khi nhắc đến thể chế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết ông trích dẫn khuyến cáo của hai tác giả cuốn Vì sao các quốc gia thất bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói (Why nations fail - The origins of power, prosperity, and poverty).

Trong tác phẩm này, hai tác giả James A. (giáo sư quản lý nhà nước, Đại học Harvard) và Daron Acemoglu Robinson (giáo sư kinh tế học, MIT) dựa vào khái niệm thể chế để giải thích vì sao có nước giàu lên, lại có nước cứ lụi tàn.

Khi mọi người cùng nhau ngồi lại để luận bàn và cùng nhau giải quyết các vấn đề của xã hội - đó là thể chế dung nạp (inclusive economic institution), giúp đất nước hưng thịnh.

Còn trong một thể chế loại trừ (hoặc thể chế tước đoạt - extractive economic institution), giới lãnh đạo cứ ôm đồm mọi việc về cho nhà nước mà thực chất lại đưa ra những quyết sách có lợi cho một nhóm nhỏ, trước sau gì đất nước đó sẽ suy vong.

Như vậy, với phép thử đầu tiên đã thấy ngay những dự án BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) trong lĩnh vực giao thông đang bị dân chúng phản ứng đều thuộc loại “thể chế loại trừ”.

Ở mức độ tệ hại nhất, đó có thể là sự bắt tay giữa quan chức và các sân sau để vẽ ra dự án, nghe qua thì cải thiện được tình hình giao thông ở một địa phương nào đó nhưng thực chất là lợi dụng công sản có sẵn và sự dễ tính của người sử dụng dịch vụ để hưởng lợi lâu dài.

Ở bình diện chung, đó có thể là giải pháp giúp giảm gánh nặng xây dựng cơ sở hạ tầng cho ngân sách khi tiền cho đầu tư ngày càng cạn kiệt nhưng vì thiếu khảo sát, nghiên cứu nên đã chuyển gánh nặng đó cho người dân và nền kinh tế.

Nói là loại trừ vì người dân, người phải trả tiền để sử dụng dự án BOT, đã bị gạt qua một bên - ít nhất là cho đến khi họ phản ứng.

Nếu có thể chế dung nạp ngay từ đầu, ắt tiếng nói của người dân đã được coi trọng; các bên liên quan, chẳng hạn hiệp hội các doanh nghiệp vận tải, các doanh nghiệp có hàng thủy sản phải vận chuyển từ đồng bằng sông Cửu Long lên TP.HCM để xuất khẩu... đã có cơ hội phản đối khi tất cả còn trên bản vẽ, dễ dàng điều chỉnh.

Nói đến thể chế, điều đầu tiên mọi người nghĩ đến là hệ thống luật lệ, quy định, phép tắc, tập quán. Thế nhưng với các dự án BOT cho đến bây giờ vẫn chưa có luật riêng để giải quyết các vấn đề do thực tế đặt ra.

Thử hỏi nếu có khung pháp lý hoàn thiện thì làm gì có chuyện Thanh tra Chính phủ kết luận 27 dự án BOT giao thông có sai sót như tính lố thời gian thu phí đến cả trăm năm...

Làm BOT có nghĩa đại diện nhà nước và chủ đầu tư đi đến một số thỏa thuận dưới dạng hợp đồng. Nếu không có sự bắt tay dưới gầm bàn, có chủ đầu tư nào chịu để một bên đơn phương thay đổi các thỏa thuận đã ký như thay đổi thời gian thu phí hay giảm phí. Một khi đã không tuân thủ luật lệ, quy định thì xung đột, rối loạn sẽ xảy ra.

Áp dụng thể chế

Đó là chuyện đã qua. Để giải quyết các điểm nghẽn BOT hiện nay, một cách gián tiếp, thể chế đóng vai trò quan trọng. Với khái niệm dung nạp, không chỉ đơn giản là lắng nghe mọi đề xuất của người dân và giải quyết triệt để nếu đề xuất hợp lý.

Đó còn là đặt mình vào vị trí của người dân để hiểu phản ứng của họ. Ví dụ, với BOT Cai Lậy, chính Bộ GTVT lập luận rằng đặt trạm thu phí trên quốc lộ 1 chứ không đặt trên đường tránh là để đảm bảo thời gian hoàn vốn và hiệu quả tài chính cho dự án.

Lập luận như thế là bộ đã giành thuận lợi về cho mình và cho chủ đầu tư, đẩy hết khó khăn, thiệt thòi về cho người dân.

Đặt mình vào vị trí người dân không chỉ là người dân đang phản ứng mà còn là người dân bị tác động tiêu cực từ việc giao thông bị tắc nghẽn.

Thử hình dung một xe chở cá tươi lên phố bị kẹt lại, người chủ hàng sẽ còn bức xúc hơn người bị trấn lột tiền phí.

Vì thế việc giải quyết bế tắc của một số trạm BOT không thể để cho một mình chủ đầu tư với cánh tài xế. Thử hỏi thiệt hại của cả nền kinh tế một khu vực rộng lớn so với thiệt hại của chủ đầu tư dự án BOT thì ai lớn hơn ai?

Bài học thể chế là bài học đặt ra luật lệ phản ánh lợi ích chung của cả xã hội rồi có cơ chế áp dụng triệt để luật lệ này cũng cho cả xã hội. Dù luật riêng cho BOT chưa có nhưng hệ thống luật lệ, quy định hiện hành cũng đủ để tạm thời giải quyết mọi điểm nghẽn BOT hiện nay nếu áp dụng một cách công tâm.

Chẳng hạn, một khi đã xác định trạm thu phí T2 dự án BOT quốc lộ 91 đặt bất hợp lý bị không chỉ người dân mà còn chính quyền các tỉnh An Giang, Kiên Giang phản ứng thì Bộ GTVT đừng chỉ thừa nhận “còn nhiều bất cập, không công bằng...” nữa mà phải có giải pháp hợp lý ngay.

Bộ GTVT từng kết luận sẽ không làm BOT trên đường hiện hữu bằng cách nâng cấp nữa mà chỉ làm trên tuyến đường mới. Vậy sao không áp dụng nguyên tắc đó cho các dự án BOT có vấn đề và Nhà nước phải bỏ tiền ra cho những dự án đã làm sai nguyên tắc trong quá khứ?

Không nói đâu xa, đó chính là khái niệm thể chế mà hai tác giả cuốn Vì sao các quốc gia thất bại... đề cập. ■

“Dung nạp hay loại trừ - cũng thật khó mà dán nhãn cho những quy tắc, luật lệ, tập quán làm nên thể chế.

Nhưng hình ảnh xắn tay áo lên cùng nhau làm chính là hình ảnh xã hội nào cũng muốn hướng đến, bằng không giỏi lắm là thái độ kẻ bề trên ban ơn cho người nghèo, người thất thế trong xã hội nếu không phải là lối sống ngồi trên đầu trên cổ kẻ khác.

Muốn cùng nhau làm, phải có dân chủ; muốn loại trừ việc áp chế người khác bằng quyền lực hay tiền bạc, phải có pháp quyền. Đó là nguyên lý đơn giản”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận