Chúng ta đang lãng phí

QUANG KHẢI THỰC HIỆN 18/03/2014 20:03 GMT+7

TTCT - “Thủy điện khai thác gần cạn kiệt, nguyên liệu than phục vụ nhiệt điện dự báo đến năm 2015 cũng hết và có thể phải nhập khẩu than, trong khi đó nguồn năng lượng sinh khối (bã mía, rơm rạ, trấu, phế thải gỗ) rất lớn có thể dùng để phát điện lại đang bị đốt bỏ ở nhiều nơi”.

Ông Nguyễn Đức Cường, giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo và cơ chế phát triển sạch - Viện Năng lượng (Bộ Công thương), trao đổi với TTCT.

Điện bã mía chờ cơ chế
Làm điện từ bã mía, trấu cho ĐBSCL

Bãi chứa bã mía sau khi ép của Nhà máy đường Bourbon Tây Ninh - Ảnh: Trần Mạnh

Ông Cường cho biết theo quy hoạch của tổng sơ đồ điện 7 được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020 tổng công suất điện đạt 75.000 MW (hiện 28.000 MW). Trong đó, ngoài việc khai thác các nguồn thủy điện, nhiệt điện thì ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo từ 3,5% (năm 2010) lên 4,5% năm 2020 và 6% vào năm 2030 (tương đương công suất 500 MW đến năm 2020 và 2.000 MW năm 2030).

Hiện nay, điện từ nguồn năng lượng tái tạo chỉ chiếm 3,7%...

* Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng nguồn năng lượng sinh khối ở VN?

- Theo các khảo sát, VN có nguồn sinh khối lớn và đa dạng với khoảng 118 triệu tấn mỗi năm được tạo ra. Cụ thể là khoảng 40 triệu tấn rơm rạ, 8 triệu tấn trấu, 6 triệu tấn bã mía, vỏ cà phê, vỏ đậu, phế thải gỗ... Với nguồn nguyên liệu ổn định này đủ để xây dựng nhiều nhà máy phát điện với công suất lớn.

Nhưng như mọi người vẫn thường thấy ở khu vực đồng bằng Bắc bộ hay khu vực đồng bằng sông Cửu Long, vào cuối mùa vụ người dân đem rơm rạ, trấu rải ra đồng đốt bỏ vừa lãng phí, gây ô nhiễm môi trường mà còn có thể gây tai nạn giao thông.

Sự lãng phí này thật ra chúng ta đã thấy rồi, đã có nhiều dự án xây dựng các nhà máy sử dụng năng lượng sinh khối phục vụ cho công nghiệp (làm lò hơi), phục vụ phát điện.

Kể từ sau năm 2015, VN nhiều khả năng trở thành một nước nhập khẩu than để phát điện. Vì vậy nhu cầu sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo trong đó có nguồn năng lượng sinh khối là nhu cầu bức thiết. Nó không chỉ tạo ra nguồn năng lượng sạch cùng với các nguồn năng lượng khác đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội mà còn tạo ra được công ăn việc làm, cải thiện thu nhập của người nông dân vì bán được các phế phẩm thay vì phải đốt bỏ.

Thời gian qua đã có tới 40 dự án phát triển điện từ bã mía với công suất dự kiến lên đến 150 MW nhưng mới có được năm nhà máy bán điện lên lưới. Hai dự án sản xuất điện từ trấu (một ở Trà Nóc - Cần Thơ, một ở Long An). Tuy nhiên dự án ở Trà Nóc chỉ mới lắp đặt nồi hơi cung cấp hơi cho Khu công nghiệp Trà Nóc chứ chưa sản xuất điện. Còn dự án ở Long An sau thời gian phát điện cũng đã tạm ngưng do không hiệu quả kinh tế.

Mười dự án phát điện từ trấu khác chỉ mới dừng lại ở nghiên cứu khả thi. Ngoài ra cũng có một dự án xin chủ trương trồng và đốt cỏ voi để sản xuất điện với công suất khoảng 30 MW, còn các loại sinh khối khác như vỏ cà phê, vỏ hạt điều, gỗ phế thải... chưa có dự án xin đầu tư.

* Vì sao đến nay các nhà máy phát điện từ nguồn nguyên liệu sinh khối chỉ đếm trên đầu ngón tay, không ít dự án hoạt động một thời gian rồi ngưng, phải chăng chính sách của Nhà nước chưa kích thích nhà đầu tư?

Ông Nguyễn Đức Cường

- Mấu chốt ở đây là cơ chế giá. Suất đầu tư dự án sử dụng năng lượng sinh khối cũng giống như nguồn năng lượng tái tạo điện gió, cao hơn nhiều so với suất đầu tư thủy điện hay nhiệt điện. Trong khi điện gió hiện nay đã có cơ chế hỗ trợ giá, cũng như được hỗ trợ đầu ra. Dự án điện gió nào sản xuất ra điện bao nhiêu thì Chính phủ yêu cầu Tập đoàn Điện lực VN mua lại với giá 7,8 cent/kWh.

Điện từ nguồn sinh khối được mua chỉ với giá khoảng 4 cent/kWh. Chính vì vậy nhiều dự án không thương thảo được giá bán nên chỉ mới dừng lại ở việc sản xuất hơi quy mô bán công nghiệp. Dự án của Công ty Mía đường Lam Sơn là một ví dụ. Hay dự án điện trấu ở Long An (công suất 50 kW) phải dừng hoạt động do không đạt hiệu quả kinh tế tài chính.

* Bộ Công thương đã trình Chính phủ xem xét phê duyệt cơ chế hỗ trợ điện sinh khối, làm sao để khai thác hiệu quả nguồn năng lượng sinh khối?

- Nội dung cơ bản của cơ chế hỗ trợ điện sinh khối quy định thế nào là nhà máy điện sinh khối đúng tiêu chuẩn, đáp ứng các quy định hiện hành cũng như vấn đề quy hoạch. Riêng vấn đề về giá, cơ chế trình Chính phủ xem xét mức giá cho điện sinh khối, trong đó đối với trấu là 7,3 cent/kWh, còn đối với bã mía là thấp hơn chút ít.

Nếu cơ chế này được thông qua sớm thì sẽ giúp cởi trói cho việc phát triển năng lượng tái tạo từ điện sinh khối ở nước ta trong thời gian tới.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận