Cuộc chuyển giao khổng lồ

HẢI MINH 14/11/2016 20:11 GMT+7

TTCT - Ngày 8-11, cuộc marathon vận động tranh cử Mỹ kéo dài 18 tháng cuối cùng đã kết thúc. Nhưng chỉ vài giờ đồng hồ sau đó, một cuộc đua mới bắt đầu.

Tổng thống đương nhiệm B. Obama tiếp Tổng thống đắc cử D. Trump tại nhà trắng. Ảnh AFP
Tổng thống đương nhiệm B. Obama tiếp Tổng thống đắc cử D. Trump tại nhà trắng. Ảnh AFP

 

 

Cuộc nước rút đó ngắn hơn nhiều: 73 ngày để chuẩn bị cho cuộc chuyển giao quyền lực được coi là quan trọng nhất thế giới, và cũng là cực nhọc nhất.

Cứ mỗi 4 hoặc 8 năm, nước Mỹ phải đảm bảo một cuộc chuyển giao quyền lực tổng thống êm thắm, tối thiểu hóa khả năng xảy ra những thảm họa an ninh quốc gia ở thời điểm dễ tổn thương nhất và tối đa hóa cơ hội cho nhà lãnh đạo mới đắc cử làm đúng như lời hứa của mình ở Nhà Trắng.

Cho “ngày đổ bộ”

Trong 8 năm qua, nhiều cải cách đã âm thầm diễn ra với cuộc chuyển giao đó, để đảm bảo rằng ngày 8-11, dù ai có trở thành chủ nhân Nhà Trắng, người mới sẽ không phải bỡ ngỡ.

Nước Mỹ luôn tự hào với truyền thống chuyển giao hòa bình từ chính quyền này sang chính quyền khác dù đảng phái nào chiến thắng đi nữa, nhưng hòa bình không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với hiệu quả.

Trước mắt bạn là cuộc chuyển giao quan trọng nhất trong lịch sử với bất kỳ tổ chức nào, và cách thức tiến hành có thể đầy rủi ro và tệ hại” - The Atlantic dẫn lời Max Stier, chủ tịch Tổ chức Đối tác vì dịch vụ công (PPS).

Dễ hiểu là cuộc chuyển giao đã được lên kế hoạch nhiều tháng trước cuộc bầu cử. Một đạo luật mới đã đòi hỏi chính quyền sắp mãn nhiệm phải đảm bảo điều đó, và Tổng thống Barack Obama đã bổ nhiệm trợ lý cấp cao của ông chuyên về điều phối cuộc chuyển giao.

Không khác gì chuẩn bị cho ngày D (ngày quân đồng minh đổ bộ lên bờ biển Normandie nước Pháp trong Thế chiến thứ hai) - Chris Lu, người đảm nhiệm việc chuyển giao của chính quyền Obama 8 năm trước, nhận xét - Chuẩn bị cho cuộc chiến phải diễn ra rất lâu trước khi cuộc chiến thật sự tới”.

Joshua Bolten là một chuyên gia khác trong lĩnh vực này. Ông là chánh văn phòng tổng thống ở nhiệm kỳ thứ hai của George W. Bush và làm việc ở Nhà Trắng trong cả hai lần kết thúc nhiệm kỳ của tổng thống Bush cha và con.

Thật đáng kinh ngạc vì trên tường không có gì, trên kệ sách không có gì, máy tính vẫn ở trên bàn nhưng ổ cứng đã được thay - Bolten nói đầy cảm thán khi ông nhớ lại cuộc chuyển giao ở cánh Tây Nhà Trắng ngày 19-1-1993, từ Bush cha sang Bill Clinton - Vào thời đó, đội ngũ mới ở Nhà Trắng về cơ bản bắt đầu từ trang giấy trắng”.

Tới năm 2001, khi Bolten đã là phó chánh văn phòng Nhà Trắng, tình hình vẫn chưa thay đổi mấy. “Không hề có kế hoạch trước cho việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng - Bolten nói - Nhóm của Clinton rất tử tế, nhưng không có gì đảm bảo hiệu quả vào ngày thứ nhất của nhiệm kỳ mới. Chúng tôi đơn giản là bắt tay vào việc”.

Không đầy 8 tháng sau đó, ngày 11-9-2001, kịch tính của cuộc chuyển giao được bộc lộ khi nước Mỹ hứng chịu vụ tấn công khủng bố tồi tệ nhất trên lãnh thổ họ trong lịch sử hiện đại. Bolten nhận được một cuộc gọi ở bàn làm việc của ông ngay sau vụ tấn công, ở đầu dây bên kia là Steve Ricchetti, cựu phó chánh văn phòng thời Clinton. “Anh biết về hầm trú ẩn cho tổng thống chưa nhỉ?” - Ricchetti hỏi.

May mà nhóm của Bush (con) đã biết rồi. Đó là căn phòng họp khẩn cấp ở cánh Đông Nhà Trắng, nơi tổng thống sẽ tiến hành cuộc họp an ninh của ông để đáp trả vụ 11-9.

Nhưng việc đó cũng chỉ là tình cờ. Joe Hagin, một phó chánh văn phòng khác của Clinton, đã dẫn các cố vấn cấp cao của Bush đi giới thiệu loanh quanh Nhà Trắng khi họ đảm nhiệm công việc. Với Bolten, riêng việc người tiền nhiệm ông không rõ người kế nhiệm của mình có biết một thông tin quan trọng như thế không 8 tháng sau khi tổng thống mới nhậm chức là đủ khó hiểu rồi.

Năm 2008, tổng thống Bush thấy không thể tiếp tục như thế. Trải qua vụ 11-9, ông nhận xét rằng “quy trình chuyển giao tổng thống hiện giờ là lúc nước Mỹ rất dễ tổn thương” và ra lệnh cho Bolten đưa việc lập quy trình chuyển giao trở thành ưu tiên số một của ông. Nhiều năm sau, quy trình đó là một trong những điểm hiếm hoi mà chính phủ Obama nói tốt về người tiền nhiệm.

Phải khen ngợi Nhà Trắng của Bush, chúng tôi chưa có đối tác nào tốt như thế” - Chris Lu, giám đốc phụ trách chuyển giao của Obama và hiện là thứ trưởng Bộ Lao động, nói.

Cuộc chuyển giao 2008 là mẫu mực” - Martha Joynt Kumar, nhà nghiên cứu về các cuộc chuyển giao tổng thống Mỹ, và năm 2015 đã in cuốn Before the Oath (tạm dịch: Trước lời tuyên thệ), nói.

Trong những tháng trước cuộc tuyển cử 2008, chính quyền Bush đã chủ động gặp lãnh đạo tranh cử của cả hai bên và giao cho họ một phần mềm quản trị nhân sự của riêng Nhà Trắng, hối thúc ông Obama và đối thủ của ông, John McCain, nêu trước tên những người có thể đóng vai trò trong nhóm phụ trách an ninh quốc gia để họ có thể bắt tay ngay vào việc ở tuần lễ đầu tiên sau tuyển cử.

Hiểu rằng phe Dân chủ không muốn tiết lộ các thông tin nhân sự như thế cho một chính phủ Cộng hòa, Bolten nói hệ thống được thiết lập sao cho không ai khác ngoài các nhân vật chóp bu của nhóm an ninh quốc gia biết ông Obama định bổ nhiệm người nào.

Điều trớ trêu là phe Dân chủ lại thực hiện điều đó tích cực và sớm hơn so với phe Cộng hòa. Thật ra, viễn kiến của Tổng thống Obama đã được thể hiện ngay từ khi đó.

Ông đã lặng lẽ yêu cầu Lu đảm nhận việc chuyển giao từ tháng 5-2008, tức là ngay cả trước khi ông đánh bại bà Hillary Clinton ở vòng sơ bộ của phe Dân chủ. “Chúng tôi không nói với ai, chỉ hai chúng tôi biết là phải chuẩn bị và bắt tay vào việc” - Lu nói.

Sau tuyển cử, chính quyền Bush tập trung toàn lực cho việc bàn giao, nhất là lĩnh vực an ninh quốc gia.

Bolten đã thuyết phục Rahm Emanuel, chủ tịch hội đồng tham mưu liên quân sắp được bổ nhiệm, triệu tập tất cả thành viên cấp cao (cũng sắp được bổ nhiệm) của nội các mới tới Washington ngay từ tháng 1 để gặp Bộ An ninh nội địa, tham gia cuộc diễn tập giả lập một vụ tấn công khủng bố nổ ra khi nước Mỹ đang chuyển giao. Bolten cũng yêu cầu bộ trưởng an ninh nội địa Michael Chertoff ở lại Washington cho tới hết lễ tuyên thệ của tân tổng thống.

Nhưng những va vấp của một cuộc chuyển giao lớn như thế là không thể tránh khỏi.

Dù cho bạn có chuẩn bị tốt tới đâu, bạn không thể chuẩn bị cho những điều không thể lường trước, và tôi nghĩ đó là vấn đề” - Lu nói. Nhiều cơ quan của chính phủ mới, bao gồm Bộ Tài chính, đã gặp vấn đề lớn về nhân sự sau khi chính quyền mới tiếp quản, Lu cho biết.

Quốc hội Mỹ thông qua gói kích thích kinh tế 800 tỉ USD chỉ một tháng trước khi ông Obama lên nắm quyền. Rất nhiều vị trí đảm nhiệm những dự án của số tiền khổng lồ đó chưa hề có người nắm giữ, trên khắp cả nước, và phải một thời gian khá dài chính quyền mới mới tìm đủ người. “Người ta quên mất rằng ở cấp độ chính quyền liên bang, chúng tôi khá neo người” - Lu nói.

Giống như nhiều tổng thống trước mình, ông Obama gặp khá nhiều trục trặc trong việc thành lập nội các.

Đề cử bộ trưởng tài chính của ông, Timothy Geithner, gặp rắc rối ở quốc hội vì các vấn đề thuế má cá nhân. Hai đề cử khác, Tom Daschle và Bill Richardson, buộc phải rút lui. Nhưng nhờ có quy trình chuyển giao rất khoa học của Bush, ông Obama đã có thể điền vào các ghế bộ trưởng và người đứng đầu các cơ quan liên bang sớm hơn nhiều so với những người tiền nhiệm.

Từ trái sang: George W. Bush, Barack Obama và Bill Clinton. Họ là những đối thủ chính trị cạnh tranh khốc liệt, nhưng khi cuộc chuyển giao tới, chỉ có lợi ích của nước Mỹ là quan trọng nhất -govexec.com
Từ trái sang: George W. Bush, Barack Obama và Bill Clinton. Họ là những đối thủ chính trị cạnh tranh khốc liệt, nhưng khi cuộc chuyển giao tới, chỉ có lợi ích của nước Mỹ là quan trọng nhất -govexec.com

 

Không đổi vị trí các công chức quản trị

Hiện giờ, với sự hỗ trợ của PPS, một tổ chức phi lợi nhuận ở Washington D.C., chính quyền Obama và quốc hội đang nỗ lực chính thức hóa toàn bộ quy trình, chuẩn hóa những gì đã hiệu quả vào năm 2008.

Đạo luật chuyển giao vị trí tổng thống trước bầu cử được thông qua năm 2010, cung cấp ngân sách chính thức cho việc chuyển giao, và lần đầu tiên trao quyền cho Tổng cục Hành chính quản trị chính quyền liên bang (General Services Administration) cung cấp nơi làm việc cho các ứng viên của những đảng lớn để lập kế hoạch cho chính phủ mới của họ nhiều tháng trước bầu cử.

Luật cũng trao quyền rộng rãi hơn cho hội đồng chuyển giao do chính quyền cũ lập, cơ quan mà Bush thành lập bằng một sắc lệnh tổng thống năm 2008.

Nhờ những quy định mới, năm 2012 ứng viên Cộng hòa Mitt Romney - dù thất cử - đã có thể lên một danh sách hơn 600 vị trí quan trọng trong chính phủ sẽ được bổ nhiệm và trình quốc hội thông qua từ lâu trước khi bầu cử.

Chúng tôi về cơ bản đã thành lập một phiên bản thu nhỏ chính quyền liên bang” - Mike Leavitt, cựu thống đốc bang Utah và là trợ lý cấp cao của Romney trong chiến dịch tranh cử, nhớ lại.

Có tất cả hơn 4.000 vị trí là của các chính trị gia trong chính quyền liên bang, tức những vị trí sẽ thay đổi theo kết quả bầu cử. Những vị trí công chức quản trị không đổi dù cho tổng thống là người của đảng nào.

Chúng tôi đã đóng được một con tàu tuyệt diệu - Leavitt nói vẫn còn đầy tiếc nuối - Tiếc là nó không bao giờ được ra khơi. Điều đó đáng thất vọng, nhưng mỗi 4 năm lại có những người được trải nghiệm cảm giác đó”.

Rốt cuộc, những điều như cuộc chuyển giao phi thường đó, hiệu quả, không đổ máu, không tranh cãi, và hoàn toàn phi đảng phái, mới là điều khiến nước Mỹ vĩ đại, chứ không phải việc Hillary Clinton hay Donald Trump lên làm tổng thống!■

Chính quyền Obama nói họ đã chuẩn bị cho cuộc chuyển giao sao cho tương xứng tiền lệ tốt đẹp dưới thời Bush. Denis McDonough, chánh văn phòng Nhà Trắng đương nhiệm, đã bổ nhiệm một trong những người phó dày dạn kinh nghiệm nhất của ông, Anita Decker-Breckenridge, vào vai trò giám sát chuyển giao.

“Tổng thống rất biết ơn thời gian rộng rãi và sự chăm lo kỹ lưỡng của cuộc chuyển giao dưới thời tổng thống Bush và quyết tâm đảm bảo sự chuyển giao suôn sẻ và thông suốt tương tự cho chính phủ tới” - người phát ngôn Nhà Trắng Brandi Hoffine nói.

Kỳ bầu cử này cũng sẽ diễn ra một cuộc chuyển giao chưa từng có tiền lệ: các tài khoản mạng xã hội của tổng thống. Theo đó, tân tổng thống Mỹ sẽ bắt đầu với lượng người theo dõi Twitter tương tự thời ông Obama, nhưng với dòng trạng thái và tin nhắn trống hoàn toàn.

Tài khoản Twitter chính thức của ông Obama @POTUS sẽ được chuyển giao cho người kế nhiệm. Những gì thuộc về thời Obama sẽ được chuyển giao sang một tài khoản khác, có thể là @POTUS44, do Cục Lưu trữ và hồ sơ quốc gia Hoa Kỳ đảm trách. Điều tương tự cũng sẽ được áp dụng với tài khoản Facebook của ông.

Nhà Trắng nói họ cần đảm bảo 3 mục tiêu của cuộc chuyển giao mạng xã hội: (1) Mọi thông tin đã được đăng tải sẽ được lưu trữ trong Cục Lưu trữ và hồ sơ quốc gia; (2) Dữ liệu có thể được tiếp tục tiếp cận trên các nền tảng mạng xã hội trong thời gian thực; và (3) Tân tổng thống sẽ tiếp tục được sử dụng và phát triển các tài sản số để tương tác trực tiếp với người dân.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận