Đầu năm "bói quẻ" xuất khẩu gạo

NGUYỄN ĐÌNH BÍCH 13/01/2013 01:01 GMT+7

TTCT - Năm 2012 có lẽ là một năm hiếm có khiến các “ông vua dự báo” thị trường gạo thế giới phải rất nhiều phen “toát mồ hôi hột” vật lộn với những con số.

Nhưng sang năm 2013, trong khi các “ông vua dự báo” khá điềm tĩnh thì có vẻ như các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của nước ta lại đang “cuống”. Vậy đây có phải là năm quá khó cho xuất khẩu những hạt vàng này của nước ta?

Phóng to
Cần một chiến lược xuất khẩu gạo khôn ngoan và bản lĩnh hơn để nụ cười thật sự nở trên môi người nông dân Việt Nam - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Bất ngờ lớn nhất của thị trường gạo thế giới năm 2012 chính là lượng xuất nhập khẩu đạt kỷ lục mới 38,5 triệu tấn (tính theo niên vụ của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ - USDA), hoặc 37,3 triệu tấn (tính theo niên lịch của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc - FAO). Trước đó, trong 11 tháng liên tục, USDA vẫn nhất mực dự báo lượng gạo xuất khẩu của thế giới giảm mạnh chỉ còn 32-33 triệu tấn và cả FAO thì đến tháng 7-2012 cũng vẫn còn đưa ra một con số rất khiêm tốn.

Việt Nam "mừng hụt ngôi vương" 2012

Có thể nói bí mật khiến các cơ quan này liên tục bị “việt vị” thời gian dài như vậy không phải là cường quốc xuất khẩu gạo số 1 thế giới Thái Lan, mà là “người khổng lồ” Ấn Độ. Trước đó, dù đã sớm điều chỉnh dự báo giảm mạnh lượng xuất khẩu của Thái Lan, và liên tục điều chỉnh dự báo tăng lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ nhưng đến tháng 4-2012, USDA cũng chỉ dừng ở con số 7 triệu tấn (ngang bằng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam). Riêng FAO thì “bảo thủ” hơn khi vẫn dự báo trật tự sẽ không có gì thay đổi.

Nhưng rồi thực tế cho thấy với 10 triệu tấn, cao gấp hơn bốn lần dự báo ban đầu của USDA (tính theo niên vụ), hoặc 9 triệu tấn (tính theo niên lịch), cao gần gấp rưỡi so với dự báo ban đầu của FAO, Ấn Độ lần đầu tiên đẩy Thái Lan xuống vị trí thứ ba vốn là của mình, còn Việt Nam cũng tạo ra bất ngờ nho nhỏ với kỷ lục 7,7 triệu tấn để yên vị ở “ngôi phó vương”.

Ở phía nhập khẩu, bất ngờ lớn nhất chính là cường quốc số 1 thế giới về sản xuất và tiêu dùng gạo Trung Quốc (chứ không phải là Nigeria như nhiều dự báo) lần đầu tiên trở thành quốc gia nhập khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Năm vừa qua, cho dù đạt kỷ lục nhập tới 3,2 triệu tấn nhưng lượng nhập này của Nigeria vẫn không cách xa dự báo ban đầu của hai cơ quan nói trên là bao. Trong khi đó, những dự báo ban đầu về lượng gạo nhập của Trung Quốc vẫn bình bình ở mức 400.000 tấn, lại đột ngột tăng lên 2,6 triệu tấn, thậm chí có thể còn cao hơn.

Trong bối cảnh như vậy, dựa vào nguồn thông tin có lẽ không đủ độ tin cậy mà Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vẫn thường xuyên sử dụng (The Rice Trader), tổ chức này cho rằng từ hạ tuần tháng 8 đến trung tuần tháng 11 vừa qua, lượng xuất khẩu của chúng ta đã vượt qua Ấn Độ. Vì vậy, không ít người đã vội vã nói như đinh đóng cột rằng với 7,7 triệu tấn, Việt Nam đã chiếm “ngôi vương”, thậm chí còn “mơ mộng” trở thành trung tâm gạo của toàn cầu.

Hạt gạo Việt có cần phải hồi hộp?

Theo dự báo của FAO, tổng lượng gạo xuất khẩu của thế giới năm 2013 sẽ vẫn không khác gì so với năm 2012, còn theo USDA thì giảm không nhiều. Điểm nhấn quan trọng nhất sẽ là việc hoán đổi vị trí trở lại giữa Ấn Độ và Thái Lan. Đó là niên vụ này Ấn Độ sẽ bị Thái Lan đẩy trở lại vị trí thứ ba như cũ do tăng tốc xuất khẩu trở lại để đạt 8 triệu tấn. Với 7-7,6 triệu tấn (theo dự báo USDA và FAO), năm nay Việt Nam sẽ vẫn “yên vị” ở vị trí cường quốc xuất khẩu số 2 thế giới.

Trong bối cảnh chung của thị trường thế giới như vậy, có ba căn cứ chủ yếu sau đây để cho rằng xuất khẩu gạo của nước ta năm 2013 sẽ không quá khó nếu tính về lượng:

- Thứ nhất, trên bình diện tổng thể, sự hoán đổi vị trí giữa Thái Lan và Ấn Độ sẽ ít ảnh hưởng đến xuất khẩu của nước ta, nếu như không muốn nói là sẽ thuận lợi hơn.

Kể từ khi chính phủ của Đảng Pheu Thái áp dụng chương trình can thiệp mua lúa gạo từ các nhà sản xuất tại 31 tỉnh thành, tổng lượng lúa Chính phủ Thái Lan mua được sau 15 tháng thực hiện chính sách mới đạt quy mô khổng lồ tương ứng với khoảng 17 triệu tấn.

Số gạo này hầu như vẫn còn nguyên trong kho, nhưng với giá mua cao ngất ngưởng tương ứng với giá xuất khẩu khoảng 750-800 USD/tấn (gạo trắng 5% tấm) mới không bị lỗ, không dễ gì để hạ giá xuống dưới mức giá thị trường 568 USD/tấn mà các nhà xuất khẩu nước này đã đạt được 10 tháng đầu năm 2012. Điều này đồng nghĩa với việc Thái Lan dù có tăng tốc xuất khẩu năm nay cũng không thể ảnh hưởng lớn đến khả năng cạnh tranh của gạo Việt Nam (giá bán bình quân cả năm 2012 chỉ ở mức 447 USD/tấn).

Trong khi đó, do xuất khẩu của đối thủ cạnh tranh lớn nhất Ấn Độ sẽ “rơi tự do”, trong đó gạo trắng có thể giảm hơn một nửa, nên sức ép cạnh tranh với gạo Việt Nam ở thị trường châu Phi, đặc biệt là ở thị trường châu Á, gần như chắc chắn sẽ giảm.

- Thứ hai, nếu theo tuyên bố từ các quan chức ở một số thị trường quan trọng nhất nhì khu vực châu Á của chúng ta thì xuất khẩu của Việt Nam năm 2013 sẽ không khác gì “đi vào ngõ cụt”. Nhưng kinh nghiệm cho thấy đó vẫn chỉ là những “chiêu” ép giá.

Thuộc nhóm này, trước hết là Philippines đã từ lâu và không ít lần tuyên bố năm 2013 sẽ chỉ nhập “tượng trưng” 100.000 tấn, đồng thời sẽ xuất khẩu gạo thơm chất lượng cao với tên gọi “gạo cổ truyền cao nguyên Cordillera” hay “gạo hoang dã” có thể sánh với gạo basmati nổi tiếng của Ấn Độ và gạo hữu cơ.

Đây có thể vẫn chỉ là “chiêu” mà người Philippines đã quen dùng từ hai năm nay. Họ từng tuyên bố với thế giới năm 2011 chỉ nhập 800.000 tấn, nhưng đã thực nhập 1,2 triệu tấn. Sang năm 2012, họ lại hùng hồn tuyên bố tiếp tục giảm mạnh xuống chỉ còn 500.000 tấn, nhưng trong 11 tháng đã nhập của riêng Việt Nam gần 1,1 triệu tấn (còn ước tính của USDA là 1,5 triệu tấn và dự báo năm 2013 vẫn là con số này).

Bên cạnh đó, “bài” của quốc gia vạn đảo Indonesia tuy khiêm tốn hơn nhưng cũng cùng một môtip. Trong khi tuyên bố năm 2012 sẽ hạn chế nhập khẩu ở mức 770.000 tấn, nhưng 11 tháng họ đã nhập của Việt Nam 790.000 tấn, nhập từ Thái Lan hơn 300.000 tấn chỉ trong 10 tháng đầu năm và cũng đã đàm phán để mua một khối lượng không nhỏ của Ấn Độ... Vì vậy, USDA ước tính cả năm người Indonesia sẽ nhập khoảng 1,7 triệu tấn. Năm nay, tuy Indonesia tuyên bố sẽ “nối gót” Philippines không nhập, nhưng USDA và FAO dự báo quốc gia này sẽ vẫn nhập khoảng 1,5 triệu tấn.

- Thứ ba, nếu cho rằng việc các doanh nghiệp của nước ta phải hạ giá xuất khẩu là để cạnh tranh với Pakistan ở thị trường Trung Quốc thì điều này cũng cần xem xét lại.

Pakistan có chung biên giới với vùng cực tây của Trung Quốc nên dù có “ưu ái” nhập từ thị trường này thì gạo cũng không thể vượt qua “nóc nhà của thế giới” muôn trùng xa cách để đáp ứng nhu cầu của các tỉnh cực nam chung biên giới với Việt Nam.

Một khía cạnh khác không nên bỏ qua, đó là cả con số ước tính 2,6 triệu tấn nhập khẩu của Trung Quốc năm 2012 lẫn con số dự báo giảm xuống 2-2,3 triệu tấn năm 2013 do USDA và FAO đưa ra đều là những con số hết sức đáng ngờ. Chỉ trong 11 tháng đầu năm 2012, Trung Quốc đã nhập 1,9 triệu tấn của Việt Nam. Nếu nhập khẩu 800.000 tấn của Pakistan, 250.000 tấn của Myanmar và gần 100.000 tấn của Thái Lan như họ cho biết thì tổng khối lượng cũng đã ngang ngửa với kỷ lục nhập khẩu của Nigeria.

Nói cách khác, là một quốc gia khổng lồ phải nuôi số miệng ăn lớn nhất thế giới như họ, nhu cầu gạo giá rẻ ở các vùng ven biên Trung Quốc là “đặc quyền” của từng quốc gia có chung biên giới. Do vậy, rất có thể thông tin về việc Trung Quốc chuyển sang nhập gạo của Pakistan thay vì Việt Nam chỉ là “chiêu” nhằm kéo giá gạo của chúng ta xuống mà thôi.

Nếu vậy, việc các doanh nghiệp nước ta ồ ạt giảm giá để chuẩn bị cho năm 2013 có thể là bước đi sai lầm.

Các số liệu thống kê của Hãng thông tấn Reuters cho thấy từ giữa tháng 11 vừa rồi, giá chào xuất khẩu gạo 5% tấm đã có lần giảm nhẹ đầu tiên và tháng 12 vừa qua đã ồ ạt giảm rất mạnh xuống chỉ còn 413 USD/tấn. Đây là mức giá tuy có thể vẫn chưa thấp nhất thế giới, nhưng chí ít cũng thấp nhất trong năm quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Tất cả những điều nói trên có nghĩa là nếu các dự báo của USDA và FAO là xác thực, xuất khẩu gạo của nước ta năm 2013 tuy sẽ không quá khó, nhưng cần phải có ngay những giải pháp thích hợp để khắc chế những “chiêu” ép giá đã và chắc chắn còn tiếp tục xuất hiện, trong đó có cả những ảnh hưởng của tâm lý “thần hồn nát thần tính” của chính các doanh nghiệp trong nhà. Để thoát khỏi “bẫy giá rẻ” và vượt qua những chiêu thức “làm giá” mà người chịu thiệt chính là nông dân Việt Nam, xuất khẩu gạo Việt Nam cần đến những bài toán khôn ngoan và bản lĩnh hơn nữa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận