Để người dân yên tâm

HỮU NGHỊ 07/08/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Cả nước đang trong đại dịch - một thực tế khỏi cần nhắc cũng biết. Song, không phải cùng chung những “biểu hiện” giống nhau, mà khác nhau về cường độ, tính chất, phương tiện, nhân vật lực, kết quả và hậu quả...

Có thể tóm tắt như trên bảng số liệu hằng ngày của Bộ Y tế (https://ncov.moh.gov.vn/).

Tỉ như sáng thứ hai 2-8. TP.HCM: tổng số ca là 96.028 ca, thêm +1.997 ca, tử vong 989 ca. Bình Dương kế cận với: 17.343 ca, +496 ca, tử vong 7. Long An: tổng 6.012 ca, +0, tử vong 57 ca. Bắc Giang: tổng 5.816 ca, +0, tử vong 13...

 
 Tiêm chủng cho người cao tuổi ở TP.HCM. Ảnh: TTO

 Phải nói là sự phân bố về địa lý hậu quả của COVID-19 rất khác biệt, mà nặng nề nhất là TP.HCM. So với tất cả các tỉnh thành khác, cái giá mà thành phố lớn nhất nước phải trả là quá lớn. 

Việc nói người dân “thiếu ý thức” hay “thiếu cảnh giác” là cách nhìn nhận chủ quan với nguy cơ làm mờ đi những trách nhiệm của nhà nước. 

Thực tế là nguồn vật lực, nhân lực đúng và đủ so với quy mô dân số của một đô thị đã đón nhận dân chúng từ bao tỉnh thành khác như TP.HCM đã thiếu thốn từ bao lâu nay, để rồi bây giờ bị đại dịch vạch rõ, và phải tăng viện từ trung ương.

Trong bối cảnh ngày càng tăng ca nhiễm mới và cả tử vong, lại đang bị giãn cách theo chỉ thị 16+, không đi đâu hỏi được, dân chúng chỉ có thể tự hỏi nhau, và tự an ủi nhau, như trong đoạn đối thoại rất điển hình sau của nhóm Zalo một chung cư gồm 1.200 hộ gia đình:

“- Các cụ trên 65 tuổi đăng ký cũng được 20 ngày rồi không biết có cụ nào được tiêm chưa nhỉ [chúng tôi ghi lại nguyên văn ngôn ngữ điện thoại].

- Chưa có thông tin luôn nhe MN ơi.

- Phường Tân Hưng lực lượng mỏng, thiếu y bác sĩ, dân đông để đến lượt khó lắm. Thấy mấy phường khác tiêm ầm ầm.

- Mình góp ý với các bạn vậy nè, theo thông tin hiện nay thì vaccine xịn cần điều kiện bảo quản khó, việc đó đồng nghĩa với đội ngũ tiêm cũng phải chuyên nghiệp nữa, chỉ cần sơ sẩy thì coi như bỏ. 

Chưa kể xử lý phản ứng sau tiêm cũng phải có chuyên môn nữa, không may có 1 ca sốc phản vệ thì lúc đó lôi ai ra chịu trách nhiệm? 

Mình nghĩ mọi người cứ bình tĩnh đi, nghèo thì cũng nghèo rồi, đói thì cũng đói rồi, chờ thêm 1 thời gian nữa cũng không sao đâu”.

Rất nhiều nơi rơi vào hoàn cảnh bất an này, khi dân chúng chủ yếu tự kiềm chế, an ủi và ủy lạo nhau! Nghe thấy nay chích cả cho mọi người từ 18 tuổi trở lên, càng vui vì thấy mọi người cùng được chích, song cũng càng nóng ruột hơn khi không thấy được kêu chích.

Cuộc khủng hoảng dịch tễ không chỉ cần được xử lý bằng các biện pháp phòng chống, mà còn bằng truyền thông. Từ gần đây đã thôi công bố hàng đầu các số liệu lây nhiễm nữa, thay vào đó là số ca chữa khỏi cho xuất viện.

Với cá nhân một người dân trong tình hình hiện tại, không mấy người thích nghĩ rằng (1) sẽ được “thu dung” cho nhập viện (có cần dùng chữ “thu dung” không cho nặng nề ân sủng?); (2) sẽ được “theo dõi” theo từng tầng trong hệ thống 4 hay 5 tầng của y tế; (3) nếu đổ nặng sẽ lên tầng trên để được cứu chữa; (4) và ra viện, nếu được chữa khỏi. Cái mà dân chúng đông đảo thích nghe là chừng nào được chích, ở đâu!

Tâm lý đám đông đang nhốn nháo này là một thực tế có thật, không thể tránh né. Một cặp vợ chồng được chích theo con trai làm cho một ngân hàng, chích xong thở phào trên nhóm Zalo gia đình: “Coi như sẽ không chết rồi!”. 

Nhà chức trách cần nhạy cảm cảm nhận những gì đang đè nặng người dân để có chính sách chống dịch và cả truyền thông cho thích đáng.

Những người trên 65 tuổi, từ cảm giác bị gạt sang một bên khi nghe một ông thứ trưởng nói: “Đối với người trên 65 tuổi mà TP.HCM dự định tiêm đợt này, cần xin ý kiến chỉ đạo để đảm bảo quy định về mặt pháp lý”. 

Sau đó lại đọc thấy chinhphu.vn lúc 10 giờ 05 ngày 17-6: “TP.HCM huy động tổng lực thực hiện chiến dịch tiêm chủng 800.000 liều vaccine COVID-19... Ngoài các đối tượng ưu tiên theo nghị quyết 21, TP.HCM dự kiến tiêm cho người cung cấp dịch vụ thiết yếu, giáo viên, người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính, người trên 65 tuổi, công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất”, đã hết sức ngạc nhiên và thắc mắc.

Do lẽ họ đã có trong danh mục ưu tiên theo nghị quyết 21 đó rồi, sao bây giờ lại có cái vụ “ngoài các đối tượng ưu tiên theo nghị quyết 21” chi nữa! 

Nhóm trên 65 tuổi này, đã biểu đăng ký từ hơn 3 tuần nay rồi, nghe nói có nơi đã có người được chích, song thông tin quá thiếu thốn và không được rõ ràng, dẫn tới người dân chủ yếu phải nháo nhào ơi ới hỏi nhau.

Trong công việc “bán hàng” ngày nay, chuyện “hậu mãi” là bắt buộc, huống hồ là trong đại dịch, đừng tạo ra những hy vọng rồi để dân chúng chờ đợi khắc khoải, rồi so sánh thiệt hơn với đây, với đó. 

Số hóa trong thu thập và xử lý dữ kiện không chỉ để các cơ quan chức năng tham khảo, mà còn để người dân tham khảo. Một miếng đất hay một căn nhà bán rồi hay chưa, đâu chỉ sở thuế hay công chứng cần và có quyền tham khảo, mà cả dân chúng nữa.

Tiêm chủng cũng thế và còn hơn thế: để tránh những thắc mắc so bì, và khi không có gì không công khai, sẽ không còn phân bổ, chích ngoài luồng, hay nài nỉ “chia sẻ vaccine”. Mà quan trọng nhất, là để dân chúng được yên tâm chung sức chống dịch. 

 “Nguồn vật lực, nhân lực đúng và đủ so với quy mô dân số của một đô thị đã đón nhận dân chúng từ bao tỉnh thành khác như TP.HCM đã thiếu thốn từ bao lâu nay, để rồi bây giờ bị đại dịch vạch rõ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận