Emmanuel Macron, kẻ khác người?

DANH ĐỨC 09/05/2017 01:05 GMT+7

TTCT - Một chương mới cho nước Pháp đã mở ra với một vị tổng thống đắc cử trẻ trung và mang đường hướng ủng hộ hội nhập, tư duy cởi mở...

Ông Emmanuel Macron -timedotcom.files.wordpress.com
Ông Emmanuel Macron -timedotcom.files.wordpress.com

 

Hôm thứ hai (17-4) tại Cung thể thao Bercy, trước hơn 20.000 người ủng hộ, ứng cử viên Emmanuel Macron nêu câu hỏi: “Chúng ta muốn nước Pháp nào trong 5 năm tới?”. Hỏi như thế tức là “sổ toẹt” các nhiệm kỳ tổng thống đã qua. Khó có thể hiểu tại sao ông Macron lại được cử tri đưa vào vòng hai, nếu không nhìn lại bối cảnh “ngao ngán” của nước Pháp hiện nay.

Cách đặt vấn đề “5 năm tới muốn thấy một nước Pháp như thế nào?” cho thấy ông Macron đã rút kinh nghiệm sâu sắc hai nhiệm kỳ 5 năm của trào tổng thống sắp mãn nhiệm François Hollande và của người tiền nhiệm Nicolas Sarkozy, cùng hai nhiệm kỳ 14 năm của trào François Mitterrand và một nhiệm kỳ 7 năm cộng 7 năm rút ngắn còn 5 năm sau đó của trào Chirac.

Tổng cộng 36 năm đó coi như đã “đi đoong”, trong mắt những người "kỹ tính" như ông Macron nay đang đặt vấn đề: muốn thấy nước Pháp vinh hiển hay lụn bại như thế nào, có phải dưới trướng một siêu cường nào khác không?

Tại sao lại “phi tả phi hữu”?

36 năm luân phiên thay thế nhau ở vị trí cầm quyền và rất nhiều khi phải sống chung trong tình trạng “đầu Ngô, mình Sở” - một thủ tướng cánh tả dưới trào một tổng thống cánh hữu hoặc ngược lại - đã dẫn đến tình trạng trì trệ mà ông Macron gọi là “chủ nghĩa đứng ì” (immobilisme).

Bắt đầu từ năm 1982, sau khi ông Mitterrand của Đảng Xã hội đắc cử vào tháng 5-1981, ở Mỹ nhiều người - kể cả các học giả - đã băn khoăn không biết nước Pháp có theo chủ nghĩa cộng sản hay không.

Câu trả lời là đạo luật quốc hữu hóa sớm được ban hành 9 tháng sau, ngày 13-2-1982, với nội dung chính là một thỏa hiệp từ năm 1972 giữa Đảng Xã hội, Đảng Cộng sản và Đảng Cánh tả triệt để Pháp.

Ấp ủ lý tưởng là một lẽ, song nếu cứ khư khư không tự cập nhật với thực tế đang biến đổi từng ngày, từng giờ lại là một lẽ khác!

Với đạo luật quốc hữu hóa trứ danh đó, tất cả đại công ty ưu tú nhất của công nghiệp Pháp bao gồm Thomson, Saint Gobain, Rhône-Poulenc, Pechiney-Ugine-Kuhlmann, Usinor và Sacilor, Suez cùng một loạt 39 ngân hàng và hai công ty tài chính được/bị trở thành công ty quốc doanh.

Tốc độ quốc doanh hóa cho đúng bài bản “tư liệu sản xuất - lực lượng sản xuất” nhanh như sao xẹt.

Kết quả là chỉ một năm sau, 1/4 những người làm công ăn lương ở Pháp trở thành “công nhân viên chức” với những phúc lợi xã hội chưa từng thấy, đồng thời tạo ra một giai tầng “không ai dám đụng” (intouchables): “vô biên chế” rồi là vĩnh viễn yên vị tới mãn đời…

Cái mề-đai đó có mặt phải “thiên đàng hạ giới” - người lao động Mỹ làm gì được nghỉ hè chừng đó tuần mà vẫn ăn lương đầy đủ, khiến đạo diễn người Mỹ đoạt Oscar tài liệu năm 2012 Michael Moore phải “nhỏ rãi” khi làm bộ phim tài liệu Where to Invade Next về các phúc lợi xã hội ở châu Âu (có trên YouTube). Song mặt trái là làm mất đi tính cạnh tranh và tạo ra sự chây ì.

Bốn năm sau cuộc "cách mạng quốc hữu hóa" đó, cánh hữu thắng bầu cử quốc hội, lãnh tụ của họ là Chirac lên giữ chức thủ tướng, bổ nhiệm ông Edouard Balladur làm bộ trưởng kinh tế, tài chính và… tư nhân hóa.

Chính phủ này chống đối quyết liệt kinh tế quốc doanh của phe tả, cụ thể bằng đạo luật tư nhân hóa ngày 6-8-1986. Thế là chỉ không đầy bốn năm sau khi trở thành “xí nghiệp quốc doanh”, một loạt đại xí nghiệp lại được tư nhân hóa (privatisation).

“Tư nhân hóa” mới là từ ngữ chuẩn xác, chính danh cho quá trình này, trong khi mỹ từ “cổ phần hóa” vô hình trung che đậy quá trình lợi dụng cảnh tranh tối tranh sáng của việc chuyển tài sản công thành tài sản riêng, để các vị chức sắc tha hồ vung tiền ra thu gom cổ phần từ những công nhân viên không dư dả gì nên “bán non” cổ phiếu ưu đãi ngay, rồi sau đó nắm đa số cổ phiếu, trở thành ông bà chủ thực sự mà chẳng ai hay!

Một phần nhờ chính danh gọi là “tư nhân hóa” chứ không phải “cổ phần hóa”, Pháp ít nhiều tránh được việc để tài sản công lọt vào túi một thiểu số có quyền thao túng như ở Nga sau thời Liên Xô...

Nhưng tất nhiên, lý do lớn hơn là gen “tư bản” đã ăn sâu bén rễ trong nền kinh tế và các nghiệp chủ ở Pháp, chưa kể luật pháp sẽ không nhắm mắt làm ngơ với những vụ tư nhân hóa nào khuất tất.

Nhưng chính trị lại là chuyện khác. Làn sóng tư nhân hóa ngay lập tức đụng chạm tới quyền lợi của lớp nhân viên thừa hành mới vừa được nếm các phúc lợi xã hội vô biên.

Nên khi ông Mitterrand thắng cử năm 1988, tình hình lại đảo ngược, cánh tả không chịu cho cánh hữu “sống chung” tiếp tục tư nhân hóa.

Thế là hai bên bước vào giai đoạn hưu chiến với “chính sách không - không”, tức “không quốc hữu hóa - không tư nhân hóa”. Đến năm 1993, sau cuộc bầu cử dồn đa số ghế cho cánh hữu, nguyên bộ trưởng kinh, tài và tư nhân hóa Balladur nay lên làm thủ tướng tiếp tục tư nhân hóa, đặc biệt là lĩnh vực dầu hỏa!

Hậu quả là những năm tháng “không - không” đó làm cỗ xe kinh tế tài chính Pháp về số “mo”, chẳng nhích lên được chút nào. Một ví dụ sinh động có thể nhìn thấy ở Việt Nam là hãng sản xuất tivi Thomson (từng làm mưa làm gió ở thị trường Việt Nam cùng với nhãn hiệu JVC của Nhật Bản) sau này phải bán lại cho Hãng TCL của Trung Quốc.

Trước tai họa “đứng ì một chỗ”, ứng cử viên vừa thắng vòng một Macron - sinh năm 1977, dù bị coi còn ít kinh nghiệm song có vốn liếng học vấn ở ENA (Trường quốc gia Hành chính nổi tiếng là “bệ phóng” hoạn lộ ở Pháp), rồi cả thời gian làm thanh tra tài chính và “sếp kinh doanh” ở Ngân hàng Rotschild, cũng tạm đủ để ngồi vào ghế bộ trưởng tài chính (tháng 8-2014) - từ những trải nghiệm đó đã xây dựng một thế giới quan mới, chủ trương “phi tả phi hữu” để làm cương lĩnh hành động cho phong trào “Tiến bước” của ông mới khai sinh năm ngoái.

Từ hơn 30 năm qua, chúng ta đã chẳng giải quyết nổi bài toán thất nghiệp hàng loạt cũng như vấn đề hội nhập (với thế giới)… Sự thu mình co rút của chúng ta, sự khước từ nhìn xem thế giới như thế nào… chẳng phải là giải pháp” - ông Macron tuyên bố.

Tâm tư, suy nghĩ, chính kiến “phi tả phi hữu” của ông không hẳn là mới mẻ, chẳng qua phản ánh đúng xu hướng thời cuộc. Thật vậy ngay từ năm 2012, ở thời điểm vài tháng trước cuộc bầu cử tổng thống bây giờ đã xuất hiện những bài xã luận “phi tả phi hữu”.

Atlantico.fr đặt vấn đề: “Cần phải chôn đi hẳn sự phân lập tả hữu”. Tờ Le Temps của Thụy Sĩ cùng nhận định: “Bên Pháp, sự phân lập tả hữu đã chấm dứt rồi!”.

Ứng cử viên Macron đã đủ thức thời và tri thức cùng sự mạnh dạn để hướng đến một sự tách ra khỏi các guồng máy cổ lỗ đó, dù vẫn từng tham chính dưới trào Tổng thống tân cử Hollande, để rồi khi thời cơ chín muồi tự tuyên cáo “ra riêng”, thành lập phong trào “Tiến bước”.

Ông Macron và vợ ăn mừng chiến thắng sau vòng 1 bầu cử tổng thống Pháp -ABC News
Ông Macron và vợ ăn mừng chiến thắng sau vòng 1 bầu cử tổng thống Pháp -ABC News

 

Bộ mặt nước Pháp 5 năm tới

Thành công tới giờ phút này của ông Macron một phần do tư duy cởi mở, ủng hộ hội nhập tối đa. Ông tin rằng “đó là cách thức duy nhất để tiến bộ mà vẫn giữ được mình là mình. Tôi đã luôn mong muốn nhìn xem mọi chuyện như thế nào ở nơi khác.

Ở nơi khác, tức là trong lĩnh vực tư nhân, khi mà tôi vẫn đang là một “đứa trẻ” trong bộ máy công. Đó chính là lý do khiến tôi đã bắt đầu dựng lên công ty riêng của tôi trước khi trở thành bộ trưởng.

Ở nơi khác còn là ở nước ngoài, khi tôi đã lớn lên, học hành ở Pháp và tôi cảm thấy thật “Pháp” từ trong tâm can… Nhìn xem ở nơi khác, xem làm thế nào để có thể làm tốt hơn trong nước chúng ta”.

Từ hành trang học vấn, kinh nghiệm làm việc và nhất là tính “mở mắt, mở đầu” phi giáo điều, “nhìn và thấy” thiên hạ làm gì, làm sao... ứng cử viên Macron đã gợi ý với cử tri Pháp:

Nước Pháp của chúng ta trong năm năm tới sẽ mang bộ mặt của thế hệ mới vừa nổi lên từ một năm qua, của tất cả những người cùng “tiến bước” đã quyết định viết nên lịch sử mới và xây dựng một dự án táo bạo có thể ngăn chặn được nạn đứng ì, không nhúc nhích”.

“Thế hệ mới nổi lên từ một năm qua” là thế hệ bao gồm chính ông Macron, mà theo ông sẽ dám “nối lại với dòng lịch sử và chấp nhận lãnh trách nhiệm”.

Macron trích lời triết gia Albert Camus trên trang Twitter của mình: “Ắt hẳn mỗi thế hệ tự ngỡ rằng mình có sứ mệnh gầy dựng lại thế giới. Công việc của thế hệ chúng ta có lẽ còn lớn hơn.

Đó là ngăn không để thế giới này tan rã”. Trích xong, ông chua thêm ít chữ: “Ngăn không cho thế giới văn minh tan rã và cho phép thế giới tự gầy dựng lại: đó là trách nhiệm của chúng ta”.

Làm thế nào để thực hiện mục tiêu tham vọng đó? Không gì bằng giáo dục và văn hóa mà ứng cử viên Macron đặt làm “công trường hành động” đầu tiên: “Đó chính là điều kiện cho sự gắn kết quốc gia, dân tộc”.

Một chính sách giáo dục quốc gia không chỉ là thi và thi hay nhồi nhét kiến thức mà là, theo lời ông Macron: “Tôi muốn đặt tâm điểm của dự án là cải tổ nhà trường và đại học, truyền đạt các kiến thức cơ bản, nền văn hóa cùng các giá trị của chúng ta”.

Chỉ mỗi việc xác định xem các kiến thức nào là cơ bản để đưa vào trong chương trình dạy và học, hay việc xác định văn hóa cùng những giá trị quốc gia, dân tộc là gì cũng đòi hỏi một “tầm nhìn” đâu ra đó rồi. ■

Một thí dụ của sự "đứng ì"

Tại Guyane, một tỉnh hải ngoại của Pháp ở Nam Mỹ, ứng cử viên cực tả Jean-Luc Mélenchon về đầu với 6.633 phiếu (24,72%), ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen về nhì, chỉ kém có 114 phiếu.

Ứng cử viên “phi hữu, phi tả” Emmanuel Macron, vốn về nhất toàn quốc, chỉ về ba. Kết quả nghiêng về hai phe cực đoan trên là tất yếu khi chỉ có 31.922 cử tri đi bỏ phiếu trên tổng số cử tri đăng ký là 92.935 người và khi tỉnh này vừa tạm ra khỏi một cuộc khủng hoảng kéo dài gần ba tháng qua, có lúc tê liệt bởi những cuộc xuống đường đông đến cả chục ngàn người (trên dân số 250.000 người)!

Dân địa phương đã đợi đến sát cuộc bầu cử để đòi chính phủ trung ương tăng ngân sách cho tỉnh này đến 2 tỉ euro, nhưng Nhà nước chỉ đồng ý 1 tỉ.

Mãi đến ngay trước bầu cử, chính phủ mới đồng ý chu cấp không chỉ 2 tỉ mà đến 3 tỉ euro... với hi vọng Guyane sẽ yên ổn trở lại để mọi người cùng đi bầu.

Song đã muộn, tờ báo địa phương France- Guyane, một ngày trước cuộc bầu cử, chạy tít: “Dân Guyane “lẫy” vòng một!”. Dân bản địa “lẫy” không đi bỏ phiếu thì dân cực đoan "độc chiếm" phòng phiếu, và ông Mélenchon, bà Le Pen về đầu là... đương nhiên!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận