EU và Mỹ kiện Trung Quốc ra WTO

MINH THƯ 23/06/2009 07:06 GMT+7

TTCT - Tờ The Wall Street Journal (WSJ) số ra ngày 12-6 cho hay: Ủy hội châu Âu và Mỹ trong tháng này sẽ cùng đưa một đơn kiện chung chống lại Trung Quốc (TQ) ra Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).


Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc đầu tư khai thác tài nguyên dầu tại Ndjamena, CH Chad - Ảnh: biyokulule

Đơn kiện sẽ đề nghị cấm TQ thu gom các khoáng sản chủ chốt, mà theo WSJ, có thể tạo một tiền lệ cho cách hành xử đối với những nhà sản xuất nguyên liệu lớn của thế giới.

WSJ cho biết hai năm qua TQ sử dụng thuế xuất khẩu cao đối với những nguyên liệu công nghiệp như kẽm, thiếc và silicon. Cùng lúc, TQ đẩy mạnh thu mua số lượng lớn khoáng sản từ những quốc gia giàu loại tài nguyên này ở châu Phi.

Các quốc gia phương Tây cho rằng chính sách này sẽ tạo cho các công ty hóa chất, các nhà chế tạo thép và những nhà sản xuất TQ những ưu thế bất bình đẳng. 

Vì thế, các nhà đàm phán EU và Mỹ đã chuẩn bị danh sách 20 chất, chủ yếu là hóa chất và kim loại, mà họ tin đang là đối tượng của các hạn chế xuất khẩu bất hợp pháp, mặc dù người ta chưa rõ bao nhiêu trong số này sẽ nằm trong đơn kiện nói trên. 

Đặc biệt, WSJ dẫn lời một nhà ngoại giao giấu tên cho biết một hạn chế của TQ đang khiến EU và Mỹ phản đối mạnh mẽ là thuế xuất khẩu đối với phôtpho vàng. Hiện TQ áp đặt thuế suất tới 95% đối với nguyên liệu được sử dụng để làm nhiều hóa chất công nghiệp này. 

Mức thuế cao, theo nhận định của phương Tây, là “vi phạm thô bạo các nghĩa vụ của Bắc Kinh với tư cách là thành viên WTO”.

Ngoài ra, bài báo cũng cho biết TQ hiện không phải là nước vi phạm duy nhất các nguyên tắc thương mại quốc tế mà WTO đề ra. 

Nằm trong xu thế mà tờ báo này gọi là “tranh giành” tài nguyên kiểu cũ còn có Nga, Ukraine, Argentina, Nam Phi và Ấn Độ, những nước cũng sử dụng biện pháp thuế quan hoặc một số hình thái hạn chế xuất khẩu những mặt hàng như gỗ, hóa chất và quặng sắt. 

Mặc dù cơn bùng nổ kinh tế dẫn tới việc tranh giành tài nguyên đã qua đi nhưng thuế quan vẫn giữ cao như mức cũ, một điều khiến thế giới phát triển nhưng nghèo tài nguyên không thể hài lòng.

Năm ngoái Ủy hội châu Âu ở Brussels (Bỉ) đã cảnh báo “việc thiếu một số khoáng sản đang đe dọa tính cạnh tranh của công nghiệp châu Âu”. Báo cáo chỉ ra việc thiếu tantali, một thành phần để chế tạo điện thoại di động, như một thí dụ cho thấy tính dễ tổn thương của khối và đề nghị “củng cố đối thoại” với TQ và Nga. 

Một quan chức nói đây là một đe dọa ngầm của EU sẽ đưa vụ việc lên WTO.

Liên quan đến TQ, WSJ nói các nhà ngoại giao TQ không bất ngờ trước tin này mà chỉ ngạc nhiên trước thời điểm của vụ kiện. 

Một quan chức Bộ Ngoại thương TQ làm việc ở Brussels nói: “Châu Âu đã than phiền việc này hai năm qua nhưng chúng tôi nghĩ nó (vụ kiện) chỉ tới cuối năm nay”. 

Quan chức này xác nhận TQ đã áp đặt thuế quan tới 100% với một số sản phẩm, nhưng cho rằng thuế suất này là hợp lý do “một số tình hình đặc biệt liên quan đến các yếu tố trong nước của chúng tôi”.

Đưa tin này, WSJ cũng dự báo: sự phức tạp của hệ thống hành chính WTO khiến cần ít nhất hai năm nữa trước khi một phán quyết nào sẽ xuất hiện liên quan đến thuế quan TQ!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận