Giáo sư Ngô Vĩnh Long: Khác biệt về chính thể và ý thức hệ không còn quan trọng

TRẦN TRỌNG 28/05/2016 23:05 GMT+7

TTCT - Giáo sư Ngô Vĩnh Long, một học giả lâu năm về các lĩnh vực lịch sử Đông Nam Á, Đông Á và quan hệ châu Á - Mỹ, chia sẻ với TTCT một cái nhìn tổng quan về mối quan hệ chính trị Việt - Mỹ hiện nay.

Ông Obama tại buổi gặp gỡ thủ lĩnh trẻ YSEALI tại Gem Center  -Thuận Thắng
Ông Obama tại buổi gặp gỡ thủ lĩnh trẻ YSEALI tại Gem Center -Thuận Thắng

Việt Nam có vị trí ra sao trong chính sách đối ngoại của Mỹ kể từ khi bình thường hóa quan hệ, thưa giáo sư?

- Sau khi bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, chính sách của Mỹ dưới thời tổng thống Bill Clinton là tiếp tục giải quyết các vấn đề tồn tại của cuộc chiến tại Việt Nam. Một trong những vấn đề quan trọng với phía Mỹ, vì sự vận động của các thế lực chính trị ở Mỹ, là giải quyết thỏa mãn yêu cầu tìm lính Mỹ mất tích (Missing in Action, MIA) tại Việt Nam. 

Phía Việt Nam thì có các vấn đề như hậu quả của chất độc da cam và bom mìn chưa nổ vẫn gây chết chóc cho người dân nông thôn hằng ngày. Năm 2000, Mỹ và Việt Nam ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) và cuối năm đó Bill Clinton là tổng thống Mỹ đầu tiên sang thăm Việt Nam, đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ giữa hai nước.

Dưới thời tổng thống George W. Bush, chính sách trên của Mỹ vẫn tiếp tục, nhưng tốc độ bắt đầu tăng nhanh từ năm 2006 trở đi, một phần vì Trung Quốc bắt đầu thách thức Mỹ trong khu vực Đông Nam Á và gia tăng sức ép trên Biển Đông. 

Quan hệ quân sự giữa hai nước cũng bắt đầu gia tăng, một là để giải quyết các vấn đề tồn tại của chiến tranh tại Việt Nam, hai là để giúp bảo vệ an ninh ở Biển Đông và trong khu vực Đông Nam Á. 

Năm 2006 cũng là năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng rất nhanh.

Sau khi ông Barack Obama lên làm tổng thống thì Trung Quốc đòi Mỹ chia đôi Thái Bình Dương, Mỹ rút hải quân về đến Hawaii và để cho Trung Quốc kiểm soát toàn bộ Tây Thái Bình Dương. Trung Quốc tưởng cuộc khủng hoảng kinh tế tại Mỹ, ảnh hưởng liên hoàn đến cả các đồng minh của Mỹ, đã làm Mỹ suy yếu đến mức Trung Quốc có thể đẩy Mỹ ra khỏi khu vực. 

Nhưng Tổng thống Obama phản ứng với chính sách “xoay trục” - sau đó đổi tên thành “tái cân bằng” - về châu Á trên bình diện quân sự cũng như kinh tế và thương mại, bao gồm Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà các cơ quan nghiên cứu trên thế giới đều cho Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong 12 thành viên.

Quan hệ kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục đã được cải thiện rất nhiều trong thời gian qua, nhưng quan hệ chính trị vẫn còn dè dặt, đâu là những vướng mắc từ hai phía?

- Quan hệ chính trị một phần nào còn dè dặt là vì về phía Việt Nam, nhiều người còn nghĩ là Mỹ sẽ tìm cách “diễn biến hòa bình” ở Việt Nam, phía Mỹ cũng có những lực cản từ phía cánh hữu cho sự hợp tác toàn diện với VN. Nhưng tôi nghĩ chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, năm ngoái sang Mỹ và cuộc gặp Tổng thống Obama, cũng như chuyến đi của ông Obama lần này, đã chứng tỏ khác biệt giữa hai nước về ý thức hệ và chính thể không còn là điều quan trọng nữa. 

Những đòi hỏi về quyền con người, quyền tự do lập công đoàn… không phải là của riêng Mỹ, mà là của các hiệp ước mà Việt Nam đã ký, trong đó mới nhất là TPP. Những đòi hỏi này, suy cho cùng, đều có lợi cho Việt Nam trong việc đẩy mạnh quan hệ kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục và chính trị với nhiều nước trên thế giới.

Trong tương lai sau thời của Tổng thống Obama, chính sách đối ngoại của Mỹ ở Việt Nam liệu có thay đổi gì lớn, với hai kịch bản: Donald Trump hoặc Hillary Clinton lên làm tổng thống?

- Tương lai chính sách đối ngoại của Mỹ sau thời của Tổng thống Obama sẽ không có thay đổi gì lớn nếu Mỹ và Việt Nam xây dựng nền móng vững chắc ngay từ bây giờ. Do đó, việc giải quyết các vấn đề xung quanh việc cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, chính sách chung về Biển Đông, việc đưa TPP vào thực thi… trong chuyến thăm lần này của ông Obama hay trong nhiệm kỳ còn lại của ông là rất quan trọng.

Còn không, tôi chưa chắc nếu ông Donald Trump lên làm tổng thống thì quan hệ đối với Việt Nam sẽ không xấu đi. Bà Hillary Clinton là người ủng hộ chính sách “xoay trục” từ đầu và đã đẩy mạnh quan hệ với Việt Nam trong khi bà còn làm ngoại trưởng.

Trân trọng cảm ơn ông.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận