Hiện sinh không bằng hiện… điền

TRUNG TRẦN 13/04/2021 01:00 GMT+7

TTCT - Nếu có một ít tiền tiết kiệm và có thể vay mượn, chúng ta sẽ làm gì để sinh lợi? Nếu cho 100 người Việt cùng viết vào mảnh giấy, có thể một vài tờ sẽ ghi mua Vietlott hay trồng lan đột biến, tuyệt đại đa số còn lại hẳn là “mua đất”.

Từ nông thôn đến thành thị, từ triền núi đến bờ biển, đi dọc Việt Nam đâu đâu cũng bắt gặp biển rao bán đất và môi giới bất động sản. 

Có cả cao ốc lộng lẫy cùng dàn tư vấn viên xinh đẹp ngọt ngào: “Bên em thuộc tập đoàn quốc tế với quy trình kinh doanh chuẩn mực, pháp lý đầy đủ” lẫn quán nước bên đường với ấm trà xanh cùng cây điếu cày: “Mua đất đồi hả, cần mấy sào, hỏi đúng chỗ rồi đấy!”.

Chứng đãng trí xã hội

Khủng hoảng nhà đất năm 2008, khi ngân hàng siết chặt chính sách cho vay kinh doanh bất động sản kiểu mua cọc sang tay, làm nền kinh tế chao đảo hơn nửa thập kỷ kế tiếp và làm hàng loạt ông lớn ngân hàng dính vòng lao lý, đã là quá vãng xa xôi không ai thèm nhớ.

Ảnh: Time.com

 

Cơn sốt đang quay lại với tốc độ và cường độ lớn hơn. Năm 2007, cơn sốt chủ yếu là ở thị trường căn hộ các đô thị lớn, với hình ảnh tiêu biểu là cảnh xếp hàng từ 1 giờ sáng mua quyền đóng cọc căn hộ The Vista ở quận 2, TP.HCM, ai đến lượt mà vẫn còn quyền mua cọc đồng nghĩa có lời tối thiểu 50 triệu tiền... sang cọc.

Còn bây giờ, cơn sốt lan khắp chốn, chỗ nào cắm được biển bán đất thì chỗ đấy người ta cắm cả rồi. Đất đồi Bảo Lộc, Đạ Tẻh ở Lâm Đồng, bước chân trên một con dốc bất kỳ ở thành phố lâm viên, đếm được không dưới 100 biển bán đất “view” đồi chè. 

Đất biển Phan Rang, Kê Gà, bây giờ không cần cả biển rao bán nữa - vì đã có chủ F3-F4 (người mua thứ ba, thứ tư) rồi. Rồi Lương Sơn, Hòa Bình, những con đồi có suối bao quanh lên giá từng tháng.

Ở những thành phố trẻ, giá đất gần nội thành, nơi máy ủi đang san lấp, tăng 10-20% mỗi tuần. Người viết về quê đợt rồi, ngồi uống cà phê buổi sáng, thấy xung quanh rất nhiều bạn công chức săm soi sổ đỏ copy. 

Những cuộc gọi vội vã về cọc, về công chứng... “Chỉ cần cọc, tuần sau sang tay, tệ cũng 50-70 triệu, ngon là vài trăm đấy anh”. Thậm chí mua rồi sang tay xong, không biết mảnh đất thực tế nó nằm ở đâu. “Mình phải nhanh chứ soi kỹ quá, mất cơ hội anh ơi”.

Cả thành phố xinh đẹp nằm bên dòng sông Nhật Lệ thơ mộng đi đâu cũng thấy nhân viên kinh doanh bất động sản chính thức lẫn bán thời gian. Chia sẻ của một người bạn làm ngân hàng: “Công chức ở đây, không buôn đất, biết làm gì ra tiền?”. Vậy tiền đâu mà mua, giả dụ là mua chắc chắn có lời?

Một miếng đất, bèo bọt lắm cũng phải tiền tỉ. Lương công chức đâu ra mà mua? Ông ở đâu về, hỏi như thằng ngáo vậy. 

Dân mình, tiền ăn không có, nhưng tiền mua đất, kiểu gì cũng sẵn, tiền ky cóp của người thân xuất khẩu lao động, hợp pháp lẫn trồng cần sa. Bà mẹ ở quê không dám đi chợ nhưng nếu cần, vẫn có thể móc dưới gầm giường một mớ nhẫn vàng để hùn với con cái mua đất ở. Người đẻ chứ đất có đẻ?

Với lại, tiền mua đất thì ngân hàng bao giờ cũng sẵn, dù phải lắt léo tí. Vay cho sản xuất kinh doanh phải thẩm định tài sản, giá trị tồn kho, phương án kinh doanh..., phức tạp lắm, vay cho mua nhà đất dễ hơn nhiều, vì đám đất là thứ mà giá bao giờ cũng tăng, ngân hàng kiểu gì cũng có tài sản đảm bảo. 

Giá đất tăng thì có lúc cũng phải dừng, rồi bong bóng nổ chứ? Sao mọi người toàn giỏi giang thông minh, biết rõ chuyện đấy và bài học nhãn tiền thì không thiếu, vẫn cứ lao vào? Ờ thì ai cũng biết thế, ai cũng thông minh, quyết đoán, nên đều nhảy vào để nhảy ra thật nhanh, để mình không phải là người đứng dây cuối. 

Ai đó sẽ là người nhận lãnh hậu quả, nếu chậm chân, chậm tiền. Ai cũng được, miễn không phải là mình! Câu chuyện Đà Nẵng, thị trường bất động sản của toàn quốc vẫn còn nguyên giá trị khi nhịp sống của thành phố năng động này vẫn phập phồng theo chu kỳ lên xuống của giá nhà đất, hình ảnh đại diện là khu phức hợp Đa Phước, nửa hiện đại - nửa hoang tàn cả thập kỷ nay vẫn không lối thoát.

Camus cũng không hiện sinh bằng

Là loại hàng hóa đặc biệt có khả năng sinh lợi cao do tính khan hiếm, bất động sản, nhất là đất nền, luôn có sức hút khó cưỡng với những nhà đầu tư, bất kể là chuyên gia hay nghiệp dư. 

Mua để đó thôi vài năm là có lời, ít nhất cũng gấp đôi lãi suất ngân hàng. Đấy là suy nghĩ chung, rất hợp lý của tất cả những ai manh nha định xuống tiền. Tuy nhiên, bởi là hàng hóa đặc biệt nên việc kinh doanh nó cũng phải có những điều kiện, tiêu chí đặc biệt.

Nó không phải là cuộc chơi của những tay mơ. Ai từng bước vào phòng kinh doanh của một công ty địa ốc để công chứng cọc mới thấy, tất cả những cân nhắc lo sợ trước đấy là vô nghĩa khi hàng trăm người sáng láng học thức ngang và hơn mình, tài sản gấp nhiều lần mình, chen chúc nhau để ký và đóng cọc. 

Việc đọc và hiểu rõ các điều khoản hợp đồng lúc đấy là bất khả vì “anh chị ơi mình nhanh lên một tí đi ạ, hợp đồng này bên em có tư vấn luật sư mãi rồi, không lo có sai sót về mặt pháp lý đâu, anh chị chắc lần đầu làm bên em nên còn ngại chứ anh chị thấy đấy, cả trăm khách hàng đang ký phà phà, có người cả chục nền đó ạ!”.

Tất cả chỉ còn trông chờ chủ đầu tư hay công ty môi giới là đối tác thật, không gian dối. Nghĩa là đa số người mua đều khó có một vị thế cân xứng về thông hiểu luật lệ, thị trường... so với người bán sơ cấp. 

Không ít trường hợp may mắn và nhạy bén trở nên giàu có, nhưng làm gì có “ai chiến thắng mà không hề chiến bại, ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”. 

Tỉ suất lợi nhuận không đồng nghĩa với tỉ lệ thành công, nếu không nói là ngược lại. Thị trường nhà đất lợi nhuận cao một phần quan trọng bởi sự thiếu minh bạch của thông tin thị trường. Khi đã không đủ minh bạch thì tỉ lệ thắng tất nhiên không thuộc về số nhiều nhà đầu tư không chuyên.

Thậm chí kể cả khi bán có lời, khoản lời đấy nếu tiếp tục đầu tư vào nhà đất thì không đủ mua đúng cái mảnh đất mình vừa bán, nên nó chỉ thực sự là khoản lời, khi đầu tư học hành cho con cái, phát triển trồng lan đột biến hay mua máy đan chổi chít tự động... Liệu rằng bao nhiêu nhà đầu tư thành đạt, dám chuyển hướng kinh doanh?

Hậu quả của cơn say mua bán đất lần này chưa đến, nhưng đó là việc không chóng thì chầy. Không thể không chua xót khi thấy những người trẻ, năng động, ăn học đàng hoàng chỉ tập trung năng lực của mình vào buôn đất. 

Nếu thành công, họ có thể kiếm được số tiền đi làm thuê vài chục năm cũng khó có. Thật khó để họ, khi đã lao vào cơn say đấy, có thể quay lại với quan niệm cần phải chăm chỉ và yêu thích một công việc mà nếu làm tốt 3-5 năm thì cũng chỉ có thể tăng thêm thu nhập 20-30%.

Còn những cò đất trẻ tuổi và thất bại, ai sẽ cho họ khả năng tỉnh ngộ để bắt đầu một công việc khác, tẻ nhạt, lặng lẽ, và không biết bao giờ mới có thể mua được một đám đất mà họ từng tung tẩy trong tay? 

Bao nhiêu nguồn lực xã hội đã lãng phí vào cơn say không ai muốn tỉnh kia, và rồi những hậu quả gì nữa sẽ đến khi bong bóng nổ? Những câu hỏi tối hậu đó từng được hỏi và được trả lời, để rồi nhanh chóng được... quên lãng.

Không thể trộn lẫn cơ hội kinh doanh và triết lý sống, nhưng cũng không thể thực hiện chiến lược phát triển đất nước thành một quốc gia công nghiệp hiện đại bằng chiến thuật phân lô bán nền.

Một lần nữa, câu hỏi về giá trị và căn tính được đặt ra: Con người Việt Nam có quý trọng lao động? 

Có tư chất làm sản xuất? Văn hóa, truyền thống dân tộc có cổ súy sự chăm chỉ siêng năng, sự căn cơ bài bản hay vẫn ca ngợi ăn khế trả vàng, khắc nhập khắc xuất. 

Chủ nghĩa hiện sinh của Albert Camus bị hiểu lầm trở thành biện giải cho lối sống vị kỷ, sống vội, sống gấp ở phương Tây thuở nào đang được tái hiện dưới một hình thức khác: chủ nghĩa hiện... điền! ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận