Khi các nước Scandinavia kiểm tra biên giới…

QUẾ VIÊN (COPENHAGEN) 20/01/2016 23:01 GMT+7

TTCT - Tuần đầu năm 2016, các nước Scandinavia đồng loạt áp dụng các biện pháp kiểm tra giấy tùy thân và visa tại biên giới nhằm đối phó làn sóng người tị nạn. Biện pháp này đã đi ngược lại một trong những nguyên tắc cơ bản của khối EU không biên giới và khối Schengen có visa chung cho 26 nước thành viên.

 


Theo quy định của khối Schengen, trong những trường hợp nguy cấp, các nước thành viên được phép kiểm soát biên giới trong thời hạn tối đa 30 ngày. Pháp đã áp dụng biện pháp này sau vụ tấn công khủng bố ngày 13-11-2015. Tuy nhiên việc các nước Scandinavia đồng loạt kiểm soát biên giới, dù là tạm thời, có nguy cơ dẫn tới “hiệu ứng domino” trong cả khối.

Một EU có biên giới

Từ ngày 4-1-2016, Chính phủ Thụy Điển đã kiểm tra chứng minh nhân dân hoặc bằng lái xe EU của những người đến Thụy Điển bằng đường bộ hay đường thủy. Biện pháp kiểm tra này cũng được áp dụng với những hành khách đáp xe lửa tuyến Đức - Đan Mạch - Thụy Điển.

Đan Mạch cũng huy động cảnh sát kiểm soát 67km đường biên giới với Đức và kiểm tra chứng minh của những người đi phà từ Đức sang từ ngày 4-1. Phần Lan kiểm tra visa những hành khách đáp phà từ Travelmunde (Đức) tới Helsinki. Riêng Na Uy đã bắt đầu kiểm tra visa hoặc giấy tờ tùy thân các loại có dán hình tại các cửa khẩu từ tháng 11-2015.

Ngày 6-1, Ủy ban châu Âu đã triệu tập một cuộc họp khẩn với Bộ trưởng Nhập cư và hội nhập Đan Mạch Inger Stoejberg, Bộ trưởng Nhập cư Thụy Điển Morgan Johansson và Tổng thư ký Bộ Ngoại giao Đức Ole Schroder, nhưng Thụy Điển tuyên bố sẽ tiếp tục kiểm soát biên giới nước này tới ngày 7-2.

Vì có mức sống cao và chế độ phúc lợi cho mọi người nên các nước trong khối Scandinavia thu hút nhiều người tị nạn. Trong năm 2015 đã có hơn 160.000 người xin tị nạn tại Thụy Điển, chỉ riêng tháng 10-2015 đã là 39.196 người, trong khi dân số nước này chỉ là 9,5 triệu. Theo Bộ trưởng Hội nhập và di dân Na Uy Sylvi Listhaugh, năm 2015 có 30.110 người xin tị nạn tại Na Uy nhưng con số này sẽ lên đến 100.000 người trong năm 2016. Bà Listhaugh gọi đây là “một thách thức lớn lao” và tuyên bố sẽ thắt chặt các quy chế về tị nạn giống như Đan Mạch.

Người dân châu Âu nói chung vẫn ủng hộ việc viện trợ cho các nước thuộc thế giới thứ ba và cũng hiểu rằng đa số tín đồ Hồi giáo không ủng hộ những phong trào cực đoan hay khủng bố. Vấn đề là họ muốn duy trì một xã hội ổn định bởi mô hình xã hội đa chủng tộc, đa văn hóa như Anh, Pháp hay Bỉ đã bộc lộ những mâu thuẫn giữa các cộng đồng, đặc biệt trong các lĩnh vực có liên quan gần xa đến tôn giáo.

Đổi mới để tồn tại

Các chính khách nói về hội nhập, nhưng không có một chỉ dẫn nào cho thấy họ hiểu được mức độ thách thức phải đối mặt

Der Spiegel

 
 

 

Khách quan mà nói, vấn đề người tị nạn chỉ là giọt nước tràn ly, làm bộc lộ những bất mãn âm ỉ từ lâu trong khối EU. Khi Slovakia, Cộng hòa Czech, Romania, Hungary, các nước vùng Baltic như Estonia, Latvia, Lithuania đồng loạt phản đối mạnh mẽ kế hoạch phân bổ quota người tị nạn của EU vào tháng 7-2015 thì nguyên do không chỉ là kinh tế, mà còn vì họ không hài lòng với những quyết định mang tính áp đặt đối với các nước nhỏ.

Ví dụ, Đan Mạch cũng phản đối sự phân bổ dù chỉ tiêu họ tự đưa ra còn cao hơn quota của EU. Trước đây, nhiều nước cũng phản đối việc hai nước đông dân là Đức và Pháp chi phối các chính sách đối với Hi Lạp của EU.

Trong hai năm qua, những đảng phái theo chủ nghĩa quốc gia và hoài nghi EU phát triển rất nhanh, ví dụ như Đảng Tự do gây nhiều tranh cãi tại Hà Lan nay đã trở thành chính đảng được nhiều người ủng hộ nhất nước. Tại Tây Ban Nha, Đảng Podemos được thành lập để phản đối chính sách tiết kiệm mà EU buộc nước này tuân thủ đã nhanh chóng trở thành đảng lớn thứ ba sau kỳ bầu cử ngày 20-12-2015.

Đảng Người Phần Lan chân chính cũng vươn lên thành đảng lớn thứ nhì tại nước này. Tại Ba Lan, Đảng Luật và công lý trở thành đảng lớn nhất trong quốc hội sau bầu cử tháng 10-2015. Tại Anh, thắng thế của Đảng UKIP với khẩu hiệu “Brexit” (ghép chữ “Britain” hay “British” với “exit”) khiến Thủ tướng Anh David Cameron phải hứa sẽ trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU của Anh, chậm nhất vào cuối năm 2017.

Ông Cameron đã có cuộc họp sơ bộ với Ủy ban châu Âu ngày 19-12-2015 thảo luận về “gói cải tổ”. Theo ông Cameron, điều tốt nhất cho tương lai Anh là “một EU được cải tổ” và cũng nhắc tới “mô hình Đan Mạch” (Đan Mạch được hưởng chế độ miễn trừ (opt-out) của EU trong bốn lĩnh vực quốc phòng, tư pháp, nội vụ và đơn vị tiền tệ chung). Cuộc họp thứ hai sẽ diễn ra tháng 2-2016. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận