Khi di cư trở thành vũ khí

TƯỜNG ANH 25/11/2021 18:00 GMT+7

TTCT - “Vũ khí hóa di cư” hay “vũ khí di cư hàng loạt” là lý thuyết được nhắc tới vào những ngày mà biên giới Belarus - Ba Lan và Belarus - Litva nóng lên vì dòng người nhập cư ồ ạt đổ về.

Theo nhà khoa học chính trị Mỹ Kelly M Greenhill, thời gian gần đây thế giới đã chứng kiến hiện tượng các chính phủ hoặc con người “vũ khí hóa việc di cư”, tức thao túng hoặc khai thác việc di chuyển của người dân để đạt được mục tiêu chiến lược. 

Bà Greenhill đơn cử một trường hợp minh họa cho lý thuyết của mình: Tháng 5-2021, Morocco “mở ra làn sóng di cư vào Tây Ban Nha” để trả đũa việc Tây Ban Nha quyết định nhận Brahim Ghali, lãnh đạo của Mặt trận Polisario, đến Tây Ban Nha điều trị y tế. (Mặt trận Polisario là phong trào ly khai đòi độc lập cho vùng lãnh thổ Tây Sahara hiện do Morocco kiểm soát). 

Lực lượng vũ trang Ba Lan được triển khai ở biên giới với Belarus, hàng rào dây kẽm gai cũng mới được dựng lên để đối phó làn sóng di dân. Ảnh: NBC News

 

Căn nguyên cuộc khủng hoảng

Vì vậy, báo Thụy Điển Svenska Dagbladet số ngày 10-11 bày tỏ nghi ngờ liệu có phải Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đang sử dụng chiến lược tương tự để trả đũa chính sách thù địch của EU với Minsk? 

Trong khi đó, tuyên bố chung của Hoa Kỳ, Anh và một số nước EU, được thông qua sau các cuộc tham vấn kín tại Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 13-11, khẳng định: “Belarus đã tạo ra một cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới với Ba Lan và đang sử dụng nó như một nhân tố gây bất ổn trong khu vực”.

Mùa hè năm 2020, Litva, Ba Lan cùng các nước EU khác không công nhận kết quả cuộc bầu cử tổng thống Belarus, theo đó Tổng thống đương nhiệm Lukashenko được tuyên bố là người chiến thắng, còn phe đối lập khẳng định kết quả ngược lại. 

EU áp đặt các biện pháp trừng phạt với ông Lukashenko và tuyên bố ủng hộ thủ lĩnh phe đối lập Belarus, bà Svetlana Tikhanovskaya (hiện cư trú chính trị tại Litva).

Tới tháng 6, ngay trước khi EU đưa ra các lệnh trừng phạt cụ thể hơn với Belarus, ông Lukashenko nói: 

“Hôm nay họ [các nước phương Tây] gào thét: Ối, người Belarus không bảo vệ chúng tôi, để hàng nghìn, hàng vạn người di cư bất hợp pháp đổ xô đến Litva, Latvia và Ba Lan... Tôi chỉ muốn hỏi các người có điên không? Các người đã mở ra một cuộc chiến hỗn hợp chống lại chúng tôi, rồi yêu cầu chúng tôi vẫn bảo vệ các người như trước đây sao?”.

Cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới Belarus và các nước Baltic, Đông Âu được nói đến từ mùa xuân 2021. Litva, Latvia và Ba Lan bắt đầu thông tin về sự gia tăng số lượng người di cư bất hợp pháp từ Trung Đông và Bắc Phi, vốn trước kia bị chặn lại ở biên giới Belarus. Tình hình sau đó ngày một trầm trọng.

Chỉ riêng biên giới Belarus - Ba Lan đã có hàng ngàn người di cư (các bản tin đưa ra ước tính khác nhau, từ 4.000 đến 6.000 người), khiến Tổng thống Ba Lan Andrej Duda ngày 2-9 phải ban bố tình trạng khẩn cấp ở biên giới với Belarus. 

Cùng lúc, Warsaw tăng cường 15.000 binh lính đối phó với những người di cư đang cố phá vỡ vòng vây. Litva từ 10-11 cũng ban bố tình trạng khẩn cấp ở vùng biên giới với Belarus.

Lộ trình di cư

Tìm hiểu lộ trình của dòng người đổ về biên giới với Ba Lan và Litva, các phương tiện truyền thông phỏng vấn họ ngay tại biên giới Belarus. 

Nhà hoạt động nhân quyền Alena Chekhovich thuộc Tổ chức nhân quyền Belarus Human Constanta chuyên đấu tranh cho quyền của người tị nạn nói với tờ Moskovsky Komsomolets 10-11 về lộ trình của dòng người tị nạn.

Người Iraq đến Belarus chủ yếu qua các đường bay trung chuyển tại Damascus, Istanbul, Dubai, Matxcơva, theo visa du lịch, một số đi theo visa du học. 

Tới được Minsk, họ tìm cách đến biên giới với Ba Lan hoặc Litva để vào các nước thành viên EU này. Hiện dòng người chủ yếu đổ về Ba Lan. 

Họ trú tạm trong các túi ngủ ở những bãi đất trống hoặc vùng rừng gần biên giới, chờ ở đó một thời gian, rồi lại quay trở lại các thành phố lớn của Belarus để nghỉ ngơi (họ thuê các phòng trọ giá rẻ hoặc trú trong các trung tâm mua sắm, các lối đi dưới lòng đất).

Đôi khi biên phòng Belarus không cho họ trở vào thành phố, nhưng cho phép trẻ em lưu lại các lán trại của biên phòng qua đêm để chúng không phải ngủ ngoài trời. 

Gần đây Belarus đã cung cấp thức ăn, nước uống cho người tị nạn tạm lánh tại các lán trại này, mà theo Chekhovich, chỉ được thực hiện “để truyền thông chụp ảnh, [trong khi] những người bảo vệ nhân quyền không được tiếp cận người di cư”.

Một số hãng tin Belarus như Rerform.byMediaZona Belarus đã phỏng vấn những người đổ vào Litva. Reform dẫn lời một người Kurd ở Iraq, Amin (không phải tên thật) cho biết suốt nhiều ngày, truyền hình Iraq đã phát đi tuyên bố của tổng thống Belarus rằng Minsk sẽ không cản trở người tị nạn vào EU. 

Truyền thông Iraq thường xuyên nhắc tới Belarus, các phòng “chat” kín trên mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều thông tin về việc dễ dàng vào Litva thế nào từ Belarus. Nhiều người nhìn nhận đây là một cơ hội để “đổi đời” ở châu Âu.

Theo Amin, hiện ở Iraq đường đến EU qua Belarus được coi là nhanh và an toàn nhất. Những kẻ buôn người yêu cầu từ 5.000 đến 15.000 đôla để chuyển họ qua biên giới Belarus - Litva. 

Để so sánh, nhập cảnh bất hợp pháp vào châu Âu bằng cách băng qua biển Aegea có giá 8.000 đến 9.000 euro, qua biên giới ở Balkan 8.000 euro, và qua biển Địa Trung Hải là từ 3.000 đến 5.000 euro.

Theo những kẻ buôn người, những “chuyến du lịch trọn gói” này bao gồm xin thị thực du lịch Belarus, bay từ Iraq đến Belarus, lưu trú vài ngày trong khách sạn Minsk và thậm chí là vài chuyến du ngoạn. 

Tiếp đó là từ biên giới Belarus tới Litva, và cuối cùng là từ Litva đến Đức - nơi hầu hết những người di cư muốn đến. Các nhà báo điều tra cho biết ở Belarus, việc vận chuyển người nhập cư bất hợp pháp do dân địa phương đảm nhiệm.

Hãng thông tấn Nga RIA Novosti phỏng vấn một người Yemen đang ở biên giới Belarus - Ba Lan về cách anh ta tới Belarus: 

“Đầu tiên chúng tôi đến văn phòng của công ty du lịch ở Yemen, họ đưa chúng tôi giấy mời đến Belarus, được lãnh sự quán ở Minsk chứng nhận, chúng tôi thanh toán tiền đặt phòng khách sạn và bảo hiểm y tế. Sau đó, chúng tôi bay đến Ai Cập và với giấy mời chúng tôi đến Minsk, nơi chúng tôi nhận thị thực tại sân bay. Chúng tôi đến Belarus như những du khách bình thường”.

Cuộc chiến của những thuyết âm mưu

Trong khi Ba Lan, Litva và EU nói chung cáo buộc Belarus tạo ra cuộc khủng hoảng di cư với ý đồ chính trị, Belarus một mực đổ cho EU cũng như Hoa Kỳ, Anh đã tạo ra làn sóng di cư bởi các thất bại chính sách của họ ở Trung Đông. 

Cuộc tranh luận kiểu con gà quả trứng này đã kéo dài một thời gian. Nga và Belarus cho rằng chính sách đối ngoại của Mỹ và phương Tây ở Libya, Syria, Afghanistan, Iraq... đã gián tiếp làm tăng làn sóng người tị nạn do sự bất ổn ở khu vực này. Tuyên bố của Thủ tướng Đức Angela Merkel năm 2015: 

“Chúng tôi xoay xở được” trong cao điểm khủng hoảng Syria càng khuyến khích họ hơn, khiến hơn 1 triệu người đổ sang Đức tìm kiếm nơi tị nạn giai đoạn 2015-2016. Khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ từng sử dụng “vũ khí người di cư” để yêu sách EU chi cho Istanbul 3 tỉ euro nhằm ngăn dòng người tị nạn vào Hy Lạp.

Trong cuộc khủng hoảng người di cư ở Belarus hiện nay, EU cho rằng ông Lukhashenko đã sử dụng “vũ khí lai” dưới hình thức trẻ em người Kurd gào khóc ở biên giới, và gần như che đậy hoạt động kinh doanh người tị nạn. Nhà báo Kots của tờ Sự thật Komsomols nói: 

“Cứ cho là nhà chức trách Belarus đã làm cho con đường di cư từ Baghdad hoặc Erbil đến biên giới với Ba Lan và Litva thoải mái nhất có thể. Nhưng họ có nghĩ ra điều gì mới mẻ hơn [Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ] Recep Erdogan từng làm trước đây không?”.

Vladimir Shapovalov, phó giám đốc Viện lịch sử và chính trị của Đại học Sư phạm quốc gia Matxcơva, trong một cuộc phỏng vấn với Đài RT nhấn mạnh: Để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư, cần tạo điều kiện cho hòa bình và an ninh của những người tị nạn ở quê nhà của họ. 

Ông Shapovalov cho biết thêm Ba Lan đang sử dụng tình huống này cho các mục tiêu chính sách đối ngoại của họ. Theo ông, giới lãnh đạo Ba Lan đang cố gắng chứng minh “tầm quan trọng” và “ý nghĩa” của nước này như một lá chắn bảo vệ châu Âu.

Trước đó, Belarus đã đề nghị EU một lối thoát: cùng hợp tác tạo ra một lộ trình hỗ trợ người di cư. 

Phó chánh văn phòng tổng thống Belarus Olga Chupris nói trên kênh truyền hình ONT ngày 12-11 rằng chỉ có đối thoại giữa Belarus và EU mới giải quyết được vấn đề, đồng nghĩa gián tiếp buộc Brusells thừa nhận chính quyền Lukashenko. 

Ngày 10-11, trong cuộc điện đàm với bà Merkel, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đề nghị giải quyết cuộc khủng hoảng bằng “đối thoại trực tiếp giữa các đại diện EU và Minsk”. Liệu EU có nhượng bộ? Hay người di cư tiếp tục là quả banh trên bàn bóng bàn cân não giữa Minsk với Brussels?■

Tin mới nhất của RIA Novosti cho biết từ ngày 12-11, hàng không Belarus Belavia sẽ không chấp nhận vận chuyển công dân Iraq, Syria và Yemen từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Belarus. 

Đồng thời, một trại lớn dành cho người di cư đã bắt đầu được Minsk cho dựng lên ở biên giới Belarus - Ba Lan, theo thông báo ngày 12-11 trên trang Twitter của Bộ Nội vụ Ba Lan.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận