Khi “luật rừng” hữu hiệu hơn

ĐỨC HOÀNG 25/10/2016 19:10 GMT+7

TTCT - Khi người ta nói nhiều đến lũ lụt, xói mòn và việc những cánh rừng đang biến mất, có một thực tế quan trọng đang diễn ra nơi các thôn bản bên rừng: ở đây, trong việc bảo vệ rừng, thì luật pháp đang tỏ ra không hiệu quả bằng... luật rừng - luật lệ linh thiêng của những người đã sinh ra và lớn lên trong rừng.

Một phụ nữ Dao Đỏ ngồi bên nửa căn nhà còn lại sau trận sạt lở đá tháng 8-2016 ở xã Phìn Ngan, Bát Xát (Lào Cai) -Đỗ Mạnh Cường
Một phụ nữ Dao Đỏ ngồi bên nửa căn nhà còn lại sau trận sạt lở đá tháng 8-2016 ở xã Phìn Ngan, Bát Xát (Lào Cai) -Đỗ Mạnh Cường

Những bức tranh tương phản

Trên mạng hỏi đáp Quora, có một người hỏi: “Bức ảnh ấn tượng nhất về biên giới giữa hai quốc gia là gì?”. Câu trả lời được bình chọn nhiều nhất là một bức ảnh biên giới của Haiti và Cộng hòa Dominica.

Nó được chia thành hai màu rõ ràng: màu nâu nằm bên phía Haiti và màu xanh phía Dominica. Nơi ấy đã từng là một cánh rừng. Nhưng sự khác biệt về chính sách bảo vệ rừng đã biến nó thành hai thế giới: màu nâu của đất trống đồi trọc, và màu xanh ngát của những cánh rừng nguyên sơ.

Bức ảnh ấy không chỉ là một phong cảnh đặc sắc, trong nó còn là một thông điệp cốt lõi và duy nhất về vấn đề giữ rừng: chính sách.

Không có một bức ảnh tương phản đến như thế để so sánh chính sách giữ rừng tại Việt Nam. Nhưng nếu bạn đến xã Phìn Ngan, Bát Xát, Lào Cai những ngày này, bạn cũng sẽ bắt gặp một khung cảnh tương phản.

Phía dưới thung lũng, cơn lũ hồi tháng 8 vừa rồi đã biến nơi này thành một dòng sông đá. Những tảng đá lớn, to bằng cả một ngôi nhà, bị cơn lũ tàn bạo cuốn đi từ các sườn núi xuống thung lũng như một dòng thác, phủ kín thung lũng một màu trắng tang thương. Dòng sông đá nằm đó như biểu tượng phô diễn sức mạnh tàn nhẫn của thiên nhiên.

Bên cạnh dòng sông đá, một người phụ nữ Dao Đỏ ngồi thẫn thờ trong nửa căn nhà còn lại của mình, nhìn xuống vực. Bà không nói được tiếng Kinh để trả lời phỏng vấn, nhưng cứ ngồi đó rất lâu. Núi rừng của bà có lẽ chưa bao giờ chứng kiến khung cảnh gì tàn khốc tới mức độ đó.

Ở một vài chỗ khác, người ta đang san nền để bắt đầu xây những căn nhà tái định cư. Phía ngoài xã, một vài cánh đồng đã bị vùi trong màu xám của cát - bà con loay hoay trồng khoai lang lên những nơi từng là ruộng lúa xanh ngát.

Ở Phìn Ngan có một thôn duy nhất không bị lũ quét. Có người nói rằng bởi vì thôn ấy ở trên cao. Nhưng cũng có người nói rằng bởi vì thôn ấy còn rừng. Đó là Sải Duần. Tẩn Duần Chẳn, già làng của Sải Duần, không giấu được sự tự hào khi chỉ vào những thân cây. Phần lớn chúng có tuổi đời gần 30 năm. Đó là quãng thời gian mà người dân trong thôn quyết định rằng họ sẽ giữ rừng.

Trước đó, trong nhiều năm, những cánh rừng vô chủ. Người dân ở các xã khác cứ hồn nhiên kéo về, lúc thì kéo đi cây gỗ, lúc thì chặt cây vầu. Người trong thôn lên đồi, tiện tay cũng ném mồi lửa, cháy một khoảng rừng để làm nương. Cả vùng Sải Duần khi ấy, theo lời già làng, chỉ thấy đồi trọc.

Nhưng rồi già làng Chẳn nghĩ, nếu cứ như thế này thì chẳng còn rừng. Không còn rừng thì có rất nhiều chuyện. Đầu tiên là chính con cái trong thôn lớn lên cũng không có cây gỗ mà xây nhà. Sau là lũ quét. Ông quyết định họp người trong thôn lại. Họ lập một đội tuần tra. Họ sẽ giữ tất cả những người vào chặt cây trong rừng, và bắt nộp phạt.

Hỏi già làng rằng lúc ấy Nhà nước có khuyến khích gì mình trong việc giữ rừng không, ông lắc đầu. Đó là năm 1988. Phải đến tận hơn 20 năm sau, là năm 2014, thì Nhà nước mới thực hiện chính sách giao rừng cho thôn bản. Còn khi ấy rừng gần như vô chủ.

Thôn Sải Duần quyết định giữ người, bắt nộp phạt, thật ra là chẳng nằm trong khung pháp luật nào. “Trái pháp luật đấy - già làng nói thẳng - Nhưng mình không giữ thì ai giữ?”.

Già làng sử dụng kiến thức về tự nhiên của mình để đề ra những nguyên tắc rất khoa học. Không ai được phun thuốc diệt cỏ, vì phun thuốc diệt cỏ thì làm chết cả bộ rễ của những cây dưới đất. “Đất lúc ấy cứ như là tro bếp ấy - ông Chẳn tả - Mưa xuống là sạt ngay thôi”.

Đó là những phân tích vi mô mà người ta sẽ không thể tìm thấy trong những chính sách của Nhà nước. Những cánh rừng tái sinh sau 30 năm đã rậm rạp. Nhưng không phải nơi nào trong huyện Bát Xát này, hay ở tỉnh Lào Cai này, cũng có được cái hương ước như thế. Nó chỉ là một quyết định tự phát của một cộng đồng yêu rừng.

Tương phản xanh ở biên giới hai nước Haiti - Dominica -lenta.co
Tương phản xanh ở biên giới hai nước Haiti - Dominica -lenta.co

 

Ai chống biến đổi khí hậu?

Sự tương phản trong chính sách có thể nhìn thấy ngay cả trong việc thôn bản giữ rừng. Ở Quan Thần Sán, Si Ma Cai, có hai dòng họ lớn của người Mông: họ Tráng và họ Cư. Nhà nước giao rừng cho hai cộng đồng này, mỗi dòng họ một cánh rừng.

Nhưng họ Cư, dưới sự chỉ huy của già làng Cư Seo Phú, một người có nhiều năm làm công tác dân vận với huyện, rất nhanh chóng họp mặt lại để cùng đưa ra một bản hương ước với những nguyên tắc rất ngặt nghèo, thì dòng họ Tráng lại không.

Già làng Cư Seo Phú lập luận rất chắc chắn: “Một cái nhà của người Mông như thế này, làm đơn giản cũng mất mấy chục cây gỗ. Cứ để bà con chặt thì chẳng mấy mà hết rừng”. Thế nghĩa là người trong họ cũng không được tùy tiện lấy cây. Đội tuần tra được lập.

Khác với Sải Duần, họ Cư không phạt người chặt gỗ lậu bằng tiền mà quy ra gà và rượu - để cho chính đội tuần tra ăn uống luôn! Họ chỉ cần giữ rừng. Lý do? Là nguồn nước, và chống lũ quét, già làng Seo Phú bảo.

Còn những cánh rừng bên phía họ Tráng thì cứ thế trọc dần. Trọc mãi, đến khi họ Tráng nhìn sang bên kia đồi, thấy một màu xanh biếc của họ Cư, mới ngừng. Già làng Cư Seo Phú bảo bên ấy họ mới nhận ra được vấn đề đôi năm nay, bây giờ cũng đã có hương ước rồi. Cũng không ai được chặt cây nữa.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia nhạy cảm nhất với biến đổi khí hậu (đứng thứ 10 thế giới), và theo một nghiên cứu gần đây thì trong thế kỷ tới, 25% dân số sẽ nằm trong vùng có nguy cơ chịu lũ nặng.

Nhưng nếu hỏi bất kỳ một già làng trưởng bản nào ở vùng rừng núi này, cho dù là những người chưa từng được đi học, họ sẽ phân tích được hai điểm: thứ nhất, rừng bảo vệ được ruộng nương và nhà cửa; thứ hai, rừng giao cho cộng đồng giữ thì hiệu quả hơn của ban quản lý.

Thậm chí, ở Lùng Sui, Si Ma Cai, già làng còn chủ động bảo vệ cả những cánh rừng phòng hộ vốn nằm ngoài địa bàn quản lý của mình. “Ban quản lý thì một năm nó vào đây được mấy lần” - ông lầm bầm.

Ở đó, họ canh chừng được mọi hoạt động nhỏ nhất. Một chiếc máy xúc lấy cớ vào làm đường nông thôn mới để đào lên một gốc cây lớn, họ nhận ra, giữ lại. Nộp phạt cả chục con gà mới được đi. Nhất cử nhất động trong cánh rừng này, người Mông và người Dao Đỏ biết hết.

Vì đấy không chỉ là sinh kế, là nơi bao bọc, nó còn là rừng thiêng: trong rừng của thôn Sải Duần có một vùng đất thờ mà không người lạ nào được phép bước chân vào.

Nghĩa là chống thiên tai và biến đổi khí hậu nên bắt đầu từ chính những cộng đồng coi rừng là sinh mệnh này. Luật pháp đang không tỏ ra hiệu quả bằng... luật rừng. Nhưng làm thế nào để người dân giữ rừng? Có hai điểm: đầu tiên là việc giao rừng cho họ.

Luật bảo vệ và phát triển rừng hiện nay vẫn đang rất mập mờ quy định về việc rừng như thế nào thì sẽ giao lại cho cộng đồng quản lý. Khoản 2, điều 29 Luật bảo vệ và phát triển rừng 2004 quy định sẽ giao “Khu rừng hiện cộng đồng dân cư thôn đang quản lý, sử dụng có hiệu quả”.

Nhưng đáng tiếc là cách định tính này khiến cho người triển khai không hiểu được loại rừng gì sẽ giao. Nó không thuộc về phân loại nào của ngành lâm nghiệp hay theo phân loại truyền thống của bà con. Thế nào là hiệu quả?

Điểm thứ hai, quan trọng hơn, là cho bà con hưởng lợi ích từ những cánh rừng mình được giao để họ có cam kết tự nhiên với rừng. Lợi ích thuần túy hiện nay theo chính sách (quyết định 07/2012/QĐ-TTg ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng) thì chỉ hỗ trợ 100.000 đồng/ha/năm để tổ chức quản lý bảo vệ rừng đối với diện tích rừng do UBND cấp xã trực tiếp quản lý.

Ở nơi này, họ nhận tiền chế độ 200.000 đồng/năm với mỗi hecta rừng được giao, một số tiền quá nhỏ bé. Lợi ích thật sự phải là việc được khai thác giá trị của cánh rừng ấy theo luật. Trên thực tế, khi được giao rừng, bà con hoàn toàn có thể trồng thêm những cây dưới tán rừng - như là thảo quả, sa nhân tím, thuốc nam... Hoặc họ có thể tỉa cành cây lấy gỗ theo luật. Nhưng hiện nay các quy định của luật gần như không có không gian cho những việc này. Không thể trông chờ họ đồng lòng dốc sức vì 200.000 đồng/ha/năm.

Đó không phải là một thực tế mới. Nhưng nó trở nên bức thiết khi nhìn lại những thiên tai. Mất rừng được chỉ ra là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất trong các trận lũ lớn ở Lào Cai và ở miền Trung mới đây. Con sông đá của xã Phìn Ngan chắc chắn sẽ còn tồn tại hàng chục năm nữa trước khi nước suối có thể làm mòn nó, như một lời cảnh báo về một tương lai xám, nếu rừng không được giữ ngay hôm nay.■

Hương ước thôn bản Lào Cai về giữ rừng

Đây là một số điểm chung nổi bật từ một số hương ước của cả người Dao và người Mông tại Bát Xát và Si Ma Cai (Lào Cai):

- Mỗi cây gỗ chặt trong rừng, tùy độ lớn nhỏ, sẽ bị phạt từ 50.000 - 200.000 đồng. Số tiền này được dùng để đưa vào quỹ của thôn, phục vụ đội tuần tra và công tác bảo vệ rừng.

- Nếu không có tiền nộp phạt sẽ được quy thành lợn, gà để đội tuần tra cùng ăn uống.

- Mỗi người dân bị phát hiện phun thuốc diệt cỏ sẽ bị phạt đến 200.000 đồng.

- Phần nương rẫy đã ổn định không được xâm phạm vào rừng. Không được đốt nương.

- Mỗi nhà có việc cần dùng gỗ phải xin phép, trả một khoản phí tượng trưng (cho quỹ của bản) để “mua ưu đãi” tối đa là 5 cây gỗ trồng. Phần còn lại phải tự mua bên ngoài.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận