Lạm phát tăng: Lo và không đáng lo

GS.TS TRẦN NGỌC THƠ 09/10/2012 23:10 GMT+7

TTCT - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9-2012 tăng vọt 2,2% so với tháng 8 và tăng 5,13% tính từ đầu năm đến giờ. Đâu là những điểm đáng lo và không đáng lo về con số này?

Mua bán vàng tại cửa hàng vàng trên đường Lê Lợi, Q.1, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

CPI tháng 9 tăng ở mức cao nhất kể từ tháng 6-2011. Trong tám tháng trước đó, CPI chỉ tăng bình quân mỗi tháng 0,2%. Nếu so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 9 tăng gần 6,5%. 

Tất cả thông số này đều cao hơn dự báo của hầu hết chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước.

Bất ngờ

Trong 11 nhóm hàng hóa tính trong rổ chỉ số CPI, có bốn nhóm giá cả tăng bất thường là thuốc và dịch vụ y tế tăng 17,02%; giáo dục tăng 10,5%; giao thông tăng 3,83%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 2,28%.

Giá cả dịch vụ y tế tăng đột biến do điều chỉnh giá viện phí. Giá cả dịch vụ giáo dục tăng ào ạt do điều chỉnh học phí trong tháng tựu trường. Giá cả hàng hóa giao thông, chất đốt, vật liệu xây dựng tăng có nguyên nhân lớn điều chỉnh giá xăng dầu. Bảy nhóm hàng hóa còn lại giá cả chỉ tăng khoảng 0,07%.

Chỉ số CPI tăng bất ngờ trong bối cảnh các doanh nghiệp độc quyền xăng, dầu, điện, than liên tục đòi tăng giá. Một số nhà hoạch định chính sách và chuyên gia kinh tế bắt đầu có tâm lý phơi phới nhận định CPI cả năm 2012 hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu 7% để phát đi tín hiệu nới lỏng tiền tệ và tài khóa. 

Đứng trước việc số lượng doanh nghiệp phá sản ngày càng cao, tín hiệu nới lỏng tiền tệ xuất hiện với tần suất nhiều hơn từ các nhà hoạch định chính sách dù các thông điệp vẫn theo điệp khúc “linh hoạt”, “thận trọng” để đề phòng lạm phát trở lại.

CPI tháng 9 tăng mạnh như thế nhưng một số chuyên gia kinh tế cho là không đáng lo. Sự không đáng lo này về cơ bản dựa trên các luận cứ:

(1) giá cả bốn nhóm hàng hóa tăng bất thường trong tháng 9 sẽ không tăng trong những tháng còn lại của năm, chỉ giá xăng dầu là ẩn số khó đoán nhưng các chuyên gia nhận định nếu giá xăng dầu có tăng thì lạm phát cả năm 2012 vẫn ở mức 8-9%, tức một con số.

(2) Cho dù có những quan ngại về nới lỏng lãi suất và đầu tư công, nhưng nhìn chung chính sách tài khóa và tiền tệ đến cuối năm vẫn không có gì thay đổi lớn nên lạm phát vẫn không đáng lo.

(3) Thủ tướng đã có yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và đào tạo, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo giãn thời gian điều chỉnh giá một số hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước định giá và kiểm soát.

Lạm phát liên quan trực tiếp đến cuộc sống hằng ngày của người dân và kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, nên người dân và giới kinh doanh ở VN rất nhạy bén trong những cảm nhận về lạm phát. 

Bất chấp khuyến cáo lạc quan từ một số chuyên gia kinh tế và các nhà hoạch định chính sách, có thể nhận thức từ người dân và doanh nghiệp trong cuộc sống thực lại không giống với nhận định của các nhà hoạch định chính sách. Đây được gọi là kỳ vọng lạm phát.

Kỳ vọng lạm phát ở VN chỉ được nghiên cứu và định lượng trong môi trường học thuật. Cho đến giờ người dân chưa thấy bất kỳ cơ quan quản lý nhà nước nào công bố yếu tố kỳ vọng lạm phát. Dù vậy, nếu được, có lẽ tốt hơn hết kỳ vọng lạm phát nên được công bố bởi những tổ chức nghiên cứu độc lập thay vì từ những cơ quan hưởng lương từ Nhà nước.

Đối với người dân và doanh nghiệp, mùi lạm phát đâu đó và không biết khi nào xuất hiện khiến họ thắt chặt chi tiêu hơn, tiết kiệm nhiều hơn và phòng thủ nhiều hơn.

Tâm lý e ngại rủi ro còn được khuếch đại thêm trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn khá u ám. Điều này làm dòng tiền bơm ra thị trường qua việc liên tục nới lỏng lãi suất dồn dập và đầu tư công - bất chấp khuyến cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Thế giới và các chuyên gia kinh tế - chỉ khiến tiền chảy lòng vòng đâu đó mà không chảy nhiều vào sản xuất và tiêu dùng.

Đây có thể là yếu tố ẩn vẫn chưa được nhận diện thấu đáo về chỉ số CPI tháng 9 vừa qua và từ nay đến cuối năm. Nếu như yếu tố ẩn này chưa được phân tích một cách khoa học và khách quan thì việc nới lỏng dần chính sách tiền tệ và tài khóa có thể dẫn đến hậu quả. Đó là lạm phát cao có khả năng rất lớn xuất hiện trở lại vào năm 2013.

Quán tính dai dẳng của lạm phát

Quán tính dai dẳng của lạm phát cũng là một yếu tố dẫn đến giá cả tăng vọt ngoài dự kiến khi có bất kỳ sự kiện nhạy cảm nào xuất hiện. Người dân ở các nền kinh tế có ngân hàng trung ương điều hành chính sách tiền tệ một cách độc lập thì quán tính của lạm phát ít dai dẳng hơn.

Do tin tưởng ngân hàng trung ương chỉ chuyên tâm vào nhiệm vụ kiểm soát lạm phát nên người dân ít có ký ức về lạm phát cao trong quá khứ. Hơn nữa, lạm phát cao trong quá khứ cũng không nhiều và không đáng ngại nên ký ức của người dân ở các quốc gia này dễ bị phôi phai, họ phản xạ với các cú sốc giá cả không mang tính cực đoan.

Ngược lại, lạm phát ở VN có quán tính rất dai dẳng. Chống lạm phát ở VN rất khó và quá tốn kém. Để đưa lạm phát từ mức hai con số liên tục những năm trước đây về mức lạm phát một con số năm 2012 đòi hỏi một cái giá phải trả quá lớn là sản xuất đình đốn, doanh nghiệp phá sản hàng loạt. 

Các nhóm lợi ích cũng nhanh nhạy đánh hơi cơ hội từ việc Chính phủ áp dụng một số biện pháp hành chính kiểm soát lạm phát trong lĩnh vực tài chính tiền tệ để tiến hành trục lợi. Cái giá phải trả của chống lạm phát ở nước ta còn lây lan sang cả lĩnh vực rất nhạy cảm là ngân hàng.

Nói như thế để thấy sự hi sinh của cả nền kinh tế là quá lớn nhằm có thể đưa lạm phát trở về một con số. Tuy nhiên, để lạm phát nhảy vọt từ một con số lên hai con số thì lại rất nhanh và rất dễ dàng. 

Đây là điều chúng ta gọi là quán tính dai dẳng của lạm phát: chống lạm phát rất khó nhưng để lạm phát quay đầu trở lại với hai con số lại rất nhanh và rất dễ. Điều này đòi hỏi Chính phủ cũng phải kiên trì và quyết liệt chống lạm phát tới cùng và luôn quán triệt trong mọi tình huống một tầm nhìn dài hạn trong công cuộc chống lạm phát.

Chính phủ phải luôn đặt câu hỏi bài toán lợi ích và chi phí. Chúng ta sẽ nhận được bao nhiêu bằng việc liên tục nới lỏng lãi suất, bằng việc nới lỏng đầu tư công, bằng việc liên tục các doanh nghiệp độc quyền đòi tăng giá? Và chúng ta phải trả cái giá bao nhiêu cho cuộc chiến trường kỳ chống lạm phát, nhiều đến mức đôi khi không thể đo lường hết vì có cả yếu tố niềm tin?

Về mặt lý thuyết, cách nay vài tháng, ai cũng có thể mường tượng lạm phát cả năm 2012 chỉ 7-8% và cũng từ đó Ngân hàng Nhà nước bắt đầu có dấu hiệu chủ quan bằng việc dồn dập hạ lãi suất và nới lỏng tiền tệ. 

Ai cũng có thể dễ dàng nói được câu, rằng “nới lỏng” nhưng phải “thận trọng” và “chặt chẽ”. Nhưng điều quan trọng nhất mà ít ai để ý là việc một ngân hàng trung ương tham gia vào chính sách nới lỏng tiền tệ thì dễ nhưng thoát ra rất khó.

Trong môi trường quán tính dai dẳng cao của lạm phát ở VN, việc thoát ra khỏi chính sách nới lỏng tiền tệ càng khó khăn gấp bội phần vì phải thắt chặt tiền tệ mạnh mới đủ liều. 

Các doanh nghiệp mà chủ yếu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước và các tập đoàn kinh tế, các ông chủ bất động sản và chứng khoán từ lâu có căn bệnh nghiện dòng tiền rẻ từ lãi suất thấp. Nếu bất thình lình thắt chặt mạnh tiền tệ để chống lạm phát, đổ vỡ sẽ rất lớn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận