Liệu có thể “nhanh, nhiều, tốt, rẻ”?

CẢNH CHÁNH 24/12/2020 22:10 GMT+7

TTCT - Người dân Trung Quốc đang rất mong chờ nước này sẽ sớm tiêm chủng vaccine COVID-19 đại trà vào cuối năm nay.

Một tình nguyện viên tham gia thử vaccine ở Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: The New York Times

Đại dịch COVID-19 bùng phát từ cuối tháng 1-2020 ở Vũ Hán, Trung Quốc và tính đến ngày 12-12, nước này đã có hơn 95.000 ca nhiễm với 4.757 ca tử vong. Báo chí Trung Quốc nói ngay từ những ca bệnh đầu tiên, việc nghiên cứu vaccine đã được tiến hành và virus corona chủng mới được phân tách thành công vào ngày 7-1.

Nghiên cứu thần tốc

Nhiều loại vaccine của Trung Quốc đã đi vào thử nghiệm lâm sàng trên người giai đoạn 1 ngay từ tháng 3, 4 như vaccine Ad5-nCoV của Công ty CanSino Biologics (phối hợp với Viện Khoa học quân sự nhà nước) thử nghiệm giai đoạn 1 vào 16-3 với 108 tình nguyện viên trưởng thành, khỏe mạnh; giai đoạn 2 ngày 12-4 với 500 người. Hai loại vaccine của Sinopharm (Tập đoàn Dược phẩm quốc gia Trung Quốc) và một của Sinovac (Công ty Dược phẩm sinh học) cũng đã thử nghiệm trên người hai giai đoạn cho tới tháng 7. Các báo cáo đánh giá kết quả thử nghiệm giai đoạn 1 và 2 của CanSino Biologics và Sinopharm cũng được công bố trên tạp chuyên ngành chí uy tín The Lancet. 

Đến đầu tháng 12, Trung Quốc có tất cả 14 loại vaccine đang thử nghiệm lâm sàng ở người bằng 5 công nghệ gồm vaccine bất hoạt, vaccine protein tái tổ hợp, vaccine adenovirus vector, vaccine virus cúm suy yếu và vaccine axit nucleic. Trong đó có 5 loại vaccine đã bước vào giai đoạn 3, được triển khai sử dụng tiêm chủng khẩn cấp, bao gồm của Sinopharm (hai loại), Sinovac, CanSino Biologics và phòng vi sinh Viện Khoa học Trung Quốc hợp tác với Công ty sinh phẩm Trí Phi An Huy. Đến 25-11, Sinopharm tuyên bố họ đã xin được cấp phép lưu hành vaccine.

Thử nghiệm lâm sàng vaccine CanSino Biologics trên người giai đoạn 1 vào giữa tháng 3 chỉ tuyển tình nguyện viên ở Vũ Hán, tuổi từ 18-60; chia làm 3 nhóm: liều lượng thấp, trung bình và cao; mỗi nhóm 36 người. Sau khi tiêm phải cách ly theo dõi 14 ngày. Tình nguyện viên được theo dõi định kỳ 6 tháng sau khi tiêm, xem có phản ứng phụ hay không và để kiểm tra kháng thể.

Tình nguyện viên Trần Khải tham gia nhóm thử nghiệm liều lượng thấp cho biết ngày thứ hai ngủ dậy sau khi tiêm anh thấy đau vùng tiêm, thân nhiệt tăng lên một chút. Mỗi tình nguyện viên đều được dùng băng keo dán cặp nhiệt độ dưới nách, điện thoại di động tải app theo dõi nhiệt độ liên tục. Sau khi ăn sáng, anh thấy hơi chóng mặt, cảm giác ê ẩm và cơn đau lan đến vùng lưng, tinh thần mệt mỏi nên đi ngủ. Anh và những tình nguyện viên khác trong nhóm đều có phản ứng giống nhau là thân nhiệt hơi cao, tinh thần uể oải, chóng mặt. Đến tối thì tình hình ổn hơn, thân nhiệt bình thường. Trong vòng 6 tháng sau khi tiêm, anh phải lấy máu xét nghiệm 7 lần để kiểm tra kháng thể. Tình nguyện viên lớn tuổi nhất trong đợt thử nghiệm giai đoạn 1 đó là 58 tuổi. Thử nghiệm giai đoạn 1 chủ yếu thử nghiệm tính an toàn, giai đoạn 2 là thử nghiệm tính hiệu quả. Tình nguyện viên giai đoạn 2 không phải cách ly theo dõi 14 ngày, theo Chinanews.

Vẫn chưa suôn sẻ

Mặc dù chưa hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, nhưng ngày 22-7, Trung Quốc đã phê chuẩn tiêm chủng khẩn cấp cho các đối tượng ưu tiên như nhân viên y tế, nhân viên làm việc tại các trung tâm kiểm dịch, cán bộ làm việc ở biên giới, cửa khẩu, những nơi có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao, cán bộ ngoại giao, nhân viên doanh nghiệp nhà nước công tác ở nước ngoài và du học sinh.

Theo Hoàn Cầu Thời Báo thì giữa tháng 6, Sinopharm đã thông báo nhân viên doanh nghiệp nhà nước đi công tác nước ngoài có thể tham gia làm tình nguyện viên thử nghiệm vaccine. Trang web của Sinopharm xác nhận kể từ khi triển khai tiêm chủng khẩn cấp đến tháng 11, họ đã sử dụng gần 1 triệu liều vaccine tiêm cho các đối tượng nêu trên, cho đến nay không ai báo cáo xuất hiện phản ứng nghiêm trọng, dù có một số phản ứng nhẹ, cũng không có ai dương tính với COVID-19, trong đó số người tiêm chủng xong xuất ngoại là 56.000 người. Cũng theo thông tin từ Sinopharm, một công ty đa quốc gia Trung Quốc có 81/99 nhân viên sử dụng vaccine của họ, sau đó trong 18 người chưa tiêm chủng thì có 10 người nhiễm virus corona.

Hồi giữa tháng 11, khi tham dự Hội nghị cấp cao Tài Tân lần thứ 11, ông Lầu Kế Vĩ, nguyên bộ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc, tiết lộ ông đã được tiêm 2 liều vaccine, với hiệu quả 99%. Từ đó có thể suy ra có lẽ lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đều đã được tiêm chủng. Trên mạng xã hội Trung Quốc vào đầu tháng 10 từng xuất hiện thông tin Sinopharm tổ chức đăng ký tiêm chủng miễn phí cho học sinh chuẩn bị du học, thời gian từ tháng 11-2020 đến tháng 1-2021, thu hút hàng chục ngàn học sinh đăng ký, nhưng sau đó thông tin này đã bị xóa. Thật ra du học sinh quả có được tiêm chủng, nhưng phải nộp tiền, như sinh viên Trung Quốc Evelyn Ngô (20 tuổi) mới quay lại Anh - đã tiêm vaccine với giá 456 tệ (gần 1,6 triệu đồng), theo Đài Sky của Anh. Hiện sức khỏe cô Ngô bình thường.

Các tập đoàn Trung Quốc cũng mang việc thử nghiệm ra nước ngoài. Thử nghiệm giai đoạn 3 của Sinopharm được thực hiện ở nhiều nước, như UAE từ tháng 6; Bahrain, Ai Cập, Jordan và Morocco từ đầu tháng 8; Peru và Argentina từ 20-8… Số người tiêm chủng thử nghiệm đã lên đến trên 50.000 trong kế hoạch thử nghiệm quy mô 60.000 người.

Vaccine của Sinovac cũng đang thử nghiệm giai đoạn 3 ở Indonesia, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 9-11, một tình nguyện viên thử nghiệm vaccine này ở Brazil đã tử vong, khiến Bộ Y tế Brazil tuyên bố dừng thử nghiệm ngay lập tức. Nhưng sau khi điều tra, nước này công bố cái chết của tình nguyện viên không liên quan đến vaccine và cho phép tiếp tục thử nghiệm lâm sàng trên 9.000 người, theo China Daily.

Mới đây, Peru cũng tạm ngừng thử nghiệm lâm sàng vaccine của Sinopharm sau sự cố liên quan đến một tình nguyện viên. Trưởng nhóm nghiên cứu của Chính phủ Peru German Malaga nói: “Vài ngày trước, chúng tôi đã thông báo với các cơ quan quản lý rằng một trong những người tham gia thử nghiệm xuất hiện các triệu chứng thần kinh tương ứng với tình trạng gọi là hội chứng Guillain-Barre [chứng rối loạn hiếm gặp và không lây lan, ảnh hưởng đến cử động của cánh tay và chân]”.

Kết quả thử nghiệm vaccine của Sinopharm với 31.000 người ở UAE lại khả quan. Chính phủ UAE tuyên bố ngày 10-12 rằng hiệu quả vaccine Trung Quốc đạt 86% và nhiều lãnh đạo nước này đã tiêm vaccine công khai, theo Reuters.

Khi được hỏi về chất lượng vaccine, ông Chu Tố, cố vấn pháp lý của Sinophram, trả lời trên CCTV nói 7 ngày sau khi tiêm liều đầu tiên sẽ sản sinh kháng thể, 28 ngày sau khi tiêm liều thứ 2 cách 2-4 tuần, tỉ lệ xét nghiệm âm tính đạt 100%; và kháng thể có thể tồn tại khoảng 1-3 năm. Chuyên gia vaccine Đào Lê Na chia sẻ trên trang 21CBH cũng cho rằng vaccine của Sinopharm có thể ngừa bệnh 2-3 năm. ■

Sẵn sàng phân phối quy mô lớn

Đầu tháng 12, bà Tôn Xuân Lan, phó thủ tướng Trung Quốc, trong chuyến làm việc với các đơn vị nghiên cứu sản xuất vaccine COVID-19 cho biết trong năm nay nước này sẽ hoàn thành việc tiêm chủng cho cán bộ nhân viên các cửa khẩu và nhân viên tuyến đầu chống dịch và sẽ sẵn sàng phân phối vaccine ở quy mô lớn. Cụ thể, Sinopharm nói nếu được cấp phép thì sản lượng năm nay của họ là 610 triệu liều, còn sang năm sẽ tăng lên 1 tỉ liều.

Chính quyền các địa phương Trung Quốc cũng đang tích cực chuẩn bị hậu cần cho vaccine. Chẳng hạn ngày 15-10, thành phố Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang đã công bố tiêm chủng khẩn cấp cho các đối tượng đặc biệt. Ngày 23-11, tỉnh Tứ Xuyên bắt đầu đặt hàng mua vaccine, sau khi tiêm chủng cho đối tượng ưu tiên, kế hoạch là sẽ tiêm đại trà vào đầu năm 2021, với giá hiện là 400 tệ/2 liều (hơn 1,4 triệu đồng) cách nhau 14-28 ngày. Chính quyền tỉnh Giang Tô gần đây cũng cho biết đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine của các hãng Sinovac và Sinopharm, theo AP ngày 6-12.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận