Một chiến dịch vaccine ở châu Phi

HOA KIM 24/03/2021 20:10 GMT+7

TTCT - Triển khai tiêm chủng toàn quốc để ứng phó đại dịch thế kỷ chắc chắn là trách nhiệm chính của nhà nước, nhưng câu chuyện thực tế tại đất nước châu Phi Nigeria cho thấy đôi khi một sự hợp tác công-tư có thể khỏa lấp những hạn chế mà hậu cần và chuỗi cung ứng công chưa thể một sớm một chiều khắc phục.

 
 Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: Sunday Aghaeze

Đầu tháng 3-2021, một chuyến bay chở gần 4 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của Oxford/AstraZeneca hạ cánh xuống thủ đô Abuja, Nigeria.

Đây là quốc gia thứ ba ở châu Phi nhận vaccine thông qua chương trình COVAX, một sáng kiến toàn cầu nhằm đảm bảo công bằng trong khả năng tiếp cận vaccine của các nước thu nhập thấp và trung bình. Với dân số hơn 200 triệu người (đông nhất châu Phi) và hơn 160.000 ca mắc COVID-19 (nhiều thứ 6 châu lục tính đến nay), Nigeria đủ điều kiện nhận 16 triệu liều vaccine miễn phí thông qua COVAX, được chuyển giao dần trong nhiều tháng.

Trong một phát biểu đầy lạc quan với báo giới nhân sự kiện đặc biệt, Peter Hawkins, đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) ở Nigeria, gọi lô vaccine đầu tiên là “con số lớn” và là “một bước tiến tuyệt vời cho Nigeria và cho cả châu Phi”. “Người dân [Nigeria] sẽ được tiêm vaccine. Đó là điều chắc chắn” - ông nói chắc nịch.

Một kế hoạch rối rắm

Giữa kỳ vọng và thực tế là một khoảng cách khá xa. Dù Cơ quan phát triển chăm sóc sức khỏe ban đầu quốc gia Nigeria (NPHCDA) đã sớm công bố cổng điện tử cho phép người dân tự đăng ký lịch tiêm vaccine nhằm giảm tải cho hệ thống y tế, cuộc triển khai tiêm chủng quy mô lớn vẫn vấp phải những thách thức to lớn về an ninh và hậu cần. 

“Các bang không có sân bay đang hoạt động sẽ nhận vaccine theo đường bộ được chuyên chở bằng xe tải đông lạnh từ sân bay gần nhất” - Đài Al Jazeera dẫn lời giám đốc NPHCDA Faisal Shuaib.

Trong bài phỏng vấn với trang The Conversation, nhà virus học, tiến sĩ Solomon Bakarey gọi việc Chính phủ Nigeria cho đến giờ vẫn chưa có một kế hoạch rõ ràng và nhất quán cho việc phân phối vaccine thuộc chương trình COVAX là “một vấn đề lớn” đang khiến người dân Nigeria hồ nghi về tính hiệu quả của nỗ lực tiêm chủng cũng như của chính vaccine. 

“Điều này có thể dẫn đến sự thờ ơ ngay cả khi vaccine được phân phối rộng rãi, không những không giúp gì cho đất nước mà còn khiến hình ảnh Nigeria xấu đi trong mắt cộng đồng quốc tế” - tiến sĩ Bakarey lo lắng.

Nigeria dự định chích ngừa COVID-19 cho 40% dân số từ nay đến cuối năm 2021 và tăng lên 70% dân số đến hết năm 2022. Tuy nhiên, Chính phủ đến nay chưa đưa ra một kế hoạch hành động cụ thể để đạt được mục tiêu này, trong khi thông tin về đợt triển khai vaccine hiện nay còn khá nhỏ giọt.

Theo Tolu Ogunlesi, trợ lý đặc biệt của tổng thống Nigeria, vaccine nước này tiếp nhận từ chương trình COVAX sẽ được triển khai đến người dân trong 4 giai đoạn dựa vào độ ưu tiên. Những người được tiêm chủng đầu tiên sẽ là nhân viên y tế tuyến đầu và cán bộ lãnh đạo chủ chốt, tiếp theo là người từ 50 tuổi trở lên, rồi đến người từ 18 đến 49 tuổi có bệnh lý nền, và cuối cùng là phần còn lại của dân số.

Trong khi Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) Nigeria chịu trách nhiệm xét nghiệm, truyền thông và giám sát, nhiệm vụ điều phối vaccine lại thuộc về NPHCDA. Và dù kế hoạch tiêm chủng đã được phân thành 4 giai đoạn rõ ràng, phóng viên của trang tin Devex khi thử đặt lịch tiêm vaccine trên trang web của NPHCDA ghi nhận thực tế người dân muốn đăng ký tiêm ngày nào cũng được mà không bị giới hạn gì. Việc phân loại đối tượng cũng là do người đăng ký tự khai báo mà không có biện pháp nào để xác minh thông tin này trong quá trình thao tác online.

Như làm tăng thêm sự hoang mang của người dân, một tuần trước khi đợt triển khai đầu tiên bắt đầu, lãnh đạo một số cơ sở y tế được liệt kê là điểm tiêm chủng COVID-19 trên trang web của NPHCDA cho biết họ không hề hay biết cơ sở của mình có chức năng đó. 

Đơn cử như Trung tâm y tế ban đầu Monatan ở thành phố Ibadan, một trong các điểm tiêm chủng theo trang web của Chính phủ. Nhưng khi phóng viên Devex liên hệ vào đầu tháng 3, lãnh đạo cơ sở nói rằng họ không biết gì về bất kỳ kế hoạch tiêm chủng COVID-19 nào diễn ra tại đây.

“Không nghe ai nói gì, nhưng sẽ không ngạc nhiên nếu ngày mai họ [Chính phủ] mang vaccine đến và yêu cầu chúng tôi bắt đầu tiêm cho mọi người ngay trong ngày hôm đó” - một lãnh đạo trung tâm y tế đề nghị giấu tên nói với Devex.

Samuel Eleko (46 tuổi), một giảng viên đại học, sau khi thử đặt lịch hẹn qua NPHCDA đã bày tỏ lo ngại rằng quy trình đăng ký như hiện nay có thể tước đi cơ hội của những người thật sự cần được ưu tiên và khiến mục tiêu đảm bảo cơ hội tiếp cận vaccine một cách công bằng của Chính phủ bị đổ vỡ.

Việc những người trẻ rành công nghệ giành mất suất của nhóm cao tuổi theo cách đăng ký như hiện nay là hoàn toàn có thể xảy ra. “Với hình thức đăng ký trực tuyến, Chính phủ Nigeria đang phân phối số lượng vaccine ít ỏi nhận được cho nhóm ít bị tổn thương hơn trong xã hội và vấn đề bắt đầu từ đó. Khi các quốc gia khác đánh bay COVID-19, Nigeria sẽ vẫn phải tìm kiếm sự giúp đỡ” - Eleko nói với Devex.

Tận dụng nguồn lực tư

Theo TS Bakarey, không sớm thì muộn Nhà nước Nigeria cũng sẽ phải kêu gọi hỗ trợ từ tư nhân, vì rõ ràng Chính phủ không thể triển khai vaccine toàn quốc một mình. “Bất kỳ chiến dịch nào cũng phải được thực hiện với sự giúp sức của nhiều tổ chức. Để cứu hệ thống y tế đất nước khỏi vỡ trận trước COVID-19 cần sự chung sức của tất cả” - ông khẳng định.

Một sự hợp tác như vậy trên thực tế đã tồn tại ở một số khâu. Ví dụ, Chính phủ Nigeria mới đây thông báo đã thuê dịch vụ tư nhân để đảm bảo có đủ kho bảo quản siêu lạnh phục vụ việc lưu trữ và phân phối vaccine.

Đây không phải lần đầu tiên các cơ sở tư nhân Nigeria cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Trước đó, các cơ sở y tế tư nhân từng tham gia đắc lực trong các chương trình tiêm chủng mở rộng phòng chống bại liệt và bệnh sởi ở trẻ em ở quốc gia châu Phi.

Một nhóm các doanh nghiệp lớn nhất Nigeria đã có kế hoạch huy động số tiền lên tới 100 triệu USD nhằm giúp Chính phủ mua vaccine COVID-19. Nhóm mang tên Liên minh chống COVID-19 (CAC) do người giàu nhất châu Phi Aliko Dangote và Herbert Wigwe, CEO Access Bank, dẫn đầu cam kết bỏ tiền túi mua 42 triệu liều vaccine trong tiêu chuẩn phân bổ cho Nigeria thuộc chương trình mua vaccine chung của Liên minh châu Phi. Dự kiến đợt đầu tiên gồm 1 triệu liều trị giá 3,45 triệu USD sẽ sẵn sàng để giao hàng trong vòng hai tuần sau khi một khoản tiền đặt cọc được thanh toán, nhóm cho biết trong tuyên bố hồi tháng 2.

Liên minh châu Phi đã đại diện đặt mua khoảng 670 triệu liều vaccine COVID-19 do nhiều nhà sản xuất cho các quốc gia thành viên, trong đó Ngân hàng Xuất nhập khẩu châu Phi (Afreximbank) cam kết trả trước 2 tỉ USD cho các hãng Pfizer, Johnson & Johnson và AstraZeneca để giữ phần.

Năm ngoái, nền kinh tế lớn nhất châu Phi rơi vào suy thoái sau khi đại dịch bùng phát, gây ra đợt suy thoái thứ hai trong vòng 4 năm tại Nigeria. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo chậm triển khai các chiến dịch tiêm chủng có thể khiến nền kinh tế Nigeria trật bánh dù được dự báo tăng trưởng 1,5% trong năm nay. Trước tình hình đó, các doanh nhân nổi tiếng nhất của Nigeria đã tình nguyện tham gia CAC như một cách để “ích nước, lợi mình”.

CAC năm ngoái huy động được khoảng 30 tỉ naira (75 triệu USD) để bổ sung giường bệnh cho các cơ sở y tế trên khắp đất nước và phân phát thực phẩm cho người nghèo. Thống đốc ngân hàng trung ương Godwin Emefiele, tỉ phú Femi Otedola và chủ tịch Zenith Bank Jim Ovia là một số gương mặt tiêu biểu khác trong danh sách khá dài các thành viên CAC.■

Vấn đề lòng tin

Dù dành lời khen ngợi cách phản ứng của Nigeria đối với COVID-19, Ifeanyi Nsofor, CEO Công ty tư vấn sức khỏe EpiAFRIC, cho biết các chi tiết xung quanh kế hoạch tiêm chủng toàn quốc rất mơ hồ, đồng thời kêu gọi Chính phủ cởi mở hơn trong việc thông tin đến người dân.

“Tôi nghĩ thẳng thắn với người dân Nigeria là một phần trách nhiệm của Chính phủ và cũng là của bộ trưởng [y tế] và người đứng đầu NPHCDA. Nếu họ gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung vaccine hay trong việc tiếp nhận và triển khai, họ nên cho người dân biết” - Nsofor gợi ý.

Còn theo TS Bakarey, lòng tin của người dân Nigeria đối với chiến dịch vaccine ngừa COVID-19 đang lung lay, một phần xuất phát từ hoài nghi về năng lực của Chính phủ sau cách ứng phó thiếu hiệu quả trước dịch bệnh. Số khác không biết rõ về độ hiệu quả của vaccine Oxford/AstraZeneca, cũng như tỏ ra lo ngại khi vaccine này được hoàn thiện quá nhanh từ khâu thử nghiệm đến sản xuất. “Chính phủ sẽ có nhiều việc cần làm nếu muốn giành được lòng tin của người dân” - ông nói.

Một trong những việc đó là củng cố niềm tin vào vaccine bằng cách cho các quan chức cấp cao tiên phong chích ngừa để nêu gương. Ngày 5-3, bác sĩ Cyprian Ngong của Bệnh viện quốc gia Abuja là người Nigeria đầu tiên được tiêm ngừa COVID-19, sau đó đến một số nhân viên y tế của bệnh viện, tổng thống, phó tổng thống Nigeria và nhiều bộ trưởng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận