Một lăng kính khác cho kinh tế phi chính thức

HẢI MINH 12/03/2019 05:03 GMT+7

TTCT - Lĩnh vực kinh tế phi chính thức là động năng rất quan trọng của nhiều nền kinh tế đang phát triển, bao gồm Việt Nam. Những người làm công tác quản lý nhà nước cần nhìn nhận lĩnh vực kinh tế phi chính thức đầu tiên từ lăng kính đó, trước khi nghĩ đấy là những đối tượng để tận thu cho ngân sách.

Lĩnh vực kinh tế không chính thức từ lâu đã là một bộ phận thiết yếu của tổng thể nền kinh tế Thái Lan. Ảnh: Lonely Planet
Lĩnh vực kinh tế không chính thức từ lâu đã là một bộ phận thiết yếu của tổng thể nền kinh tế Thái Lan. Ảnh: Lonely Planet

Khi nói kinh tế phi chính thức là động năng quan trọng của nền kinh tế, vấn đề không chỉ là những đóng góp thuần túy vào giá trị gia tăng và năng suất chung của lĩnh vực này vào nền kinh tế.

Nó còn là động năng về sáng tạo và cách tân (cửa hàng trên mạng), lưới an sinh xã hội - cũng phi chính thức, nhưng cực kỳ hiệu quả và giảm bớt rất nhiều gánh nặng cho ngân sách nhà nước (những người ngoài độ tuổi lao động chính thức hoặc người khuyết tật vẫn có thu nhập đủ để trang trải cuộc sống nhờ tham gia vào lĩnh vực này, không cần sự hỗ trợ từ nhà nước - chẳng hạn lực lượng bán vé số), động lực cân bằng giới (nhiều cửa hàng, cửa tiệm, quán ăn ven đường thuộc sở hữu hoặc do phụ nữ điều hành), thúc đẩy kinh tế xanh (những người thu gom ve chai chẳng hạn)...

Quyền năng phi chính thức

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong báo cáo “Nền kinh tế phi chính thức” năm 2018, nhận định: “Lĩnh vực phi chính thức đại diện cho một phần quan trọng của nền kinh tế, và chắc chắn là của thị trường lao động, ở nhiều nước, đóng một vai trò lớn trong việc tạo ra công ăn việc làm, sản lượng và thu nhập.

Ở các nước với tỉ lệ đô thị hóa nhanh, lĩnh vực phi chính thức có xu hướng hấp thu phần lớn lực lượng lao động dôi dư ra ở vùng nông thôn. Lao động phi chính thức mang tới một chiến lược sinh tồn cần thiết ở các quốc gia thiếu mạng lưới an sinh xã hội, như bảo hiểm thất nghiệp, hay nơi lương và lương hưu quá thấp, nhất là trong lĩnh vực công”.

ILO định nghĩa một thực thể kinh tế phi chính thức thỏa mãn các điều kiện: “Một thực thể không phải doanh nghiệp - tức không có pháp nhân chính thức, không có bản cân đối kế toán, báo cáo hoạt động kinh doanh chính thức, thuộc sở hữu của một cá nhân hoặc hộ gia đình; là một thực thể thị trường - tức có bán hàng hóa dịch vụ do mình làm ra; và có một số lượng lớn nhân công không đăng ký chính thức”.

Một báo cáo khác của ILO năm 2018, “Phụ nữ và nam giới trong nền kinh tế phi chính thức: một bức tranh thống kê”, cho biết có tới 2 tỉ người trên toàn cầu - tức hơn 61% dân số trong độ tuổi lao động - đang làm việc trong lĩnh vực kinh tế phi chính thức, hầu hết ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.

Nếu không tính lĩnh vực nông nghiệp, một nửa dân số thế giới có việc làm hiện ở khu vực không chính thức, báo cáo cho biết. Trong đó ở châu Phi, 85,8% lao động là phi chính thức, châu Á - Thái Bình Dương là 68,2%, các nước Ả Rập 68,6%, 40% ở châu Mỹ và 25,1% ở châu Âu và Trung Á.

Trình độ học vấn là yếu tố then chốt ảnh hưởng tới mức độ phi chính thức của nền kinh tế. Báo cáo thấy rằng có tương quan nghịch đảo giữa trình độ giáo dục nói chung và tỉ lệ của nền kinh tế phi chính thức. Những người đã học xong cấp III và đại học ít có khả năng làm việc phi chính thức hơn so với các nhân lực có giáo dục thấp. Dân nông thôn có khả năng tham gia nền kinh tế phi chính thức nhiều gấp đôi so với thành thị.

Những ví dụ thực tế

Trong cuốn sách in năm 2016, The Informal Economy in Developing Nations: Hidden Engine of Innovation? (tạm dịch: Nền kinh tế phi chính thức ở các nước đang phát triển: Động cơ ẩn giấu của sáng tạo?), các biên tập viên Sacha Wunsch-Vincent và Erika Kraemer-Mbula đã tìm hiểu những ví dụ cụ thể ở 3 quốc gia châu Phi: công nhân ngành luyện kim phi chính thức ở Nairobi, Kenya; ngành thuốc truyền thống ở Ghana; và việc sản xuất các sản phẩm chăm sóc nhà cửa và cá nhân ở Nam Phi.

Ở Kenya, các tác giả nhận thấy “có nguyên một ngành phi chính thức mà các công nhân lành nghề sản xuất ra đủ loại mặt hàng kim khí. Chỉ riêng sự đa dạng các sản phẩm của họ thôi cũng thật ấn tượng rồi, từ những đồ gia dụng hữu ích như hộp đựng và xe cút kít, tới các tác phẩm điêu khắc tinh tế trưng bày ở những khách sạn lớn”.

Ở Ghana, y học cổ truyền đã có tuổi đời nhiều thế kỷ, rất lâu trước khi có nền kinh tế chính thức. Các trường đại học có cả ngành bác sĩ y học cổ truyền và bệnh viện nhà nước cũng kê các toa thuốc này cho người bệnh. Chính quyền cố gắng tận dụng kiến thức y học cổ truyền đó và tích hợp nó vào chiến lược y tế quốc gia. Đi kèm là một nền kinh tế y học cổ truyền gần như hoàn toàn thuộc lĩnh vực phi chính thức.

Trong nghiên cứu tình huống thứ ba, Nam Phi, một trong những nước khá giả nhất vùng hạ Sahara, có tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng, và nhiều người phải sống với thu nhập rất thấp, khiến kinh tế phi chính thức trở nên cực kỳ quan trọng. Đội ngũ được chú ý ở quốc gia này là những người sản xuất các sản phẩm chăm sóc giá rẻ như xà bông, nước rửa tay, mỹ phẩm...

Chắc chắn sự sáng tạo ở các doanh nhân và doanh nghiệp này là rất lớn, với nhiều hình thức khác nhau - tác giả Kraemer-Mbula nói trong một bài phỏng vấn với wipo.int - Với các thợ kim khí ở Nairobi, họ thường tái chế các sản phẩm công nghiệp hoặc tìm cách làm ra các sản phẩm thay thế rẻ hơn từ nguyên liệu sẵn có...".

Ở Nam Phi, những nhà sản xuất phi chính thức sáng tạo không chỉ về các sản phẩm mới, mà cả cách đưa chúng ra thị trường, với bao bì hấp dẫn và cảm giác hàng làm thủ công. Còn tại Ghana, những người sản xuất dược phẩm truyền thống suy nghĩ rất sáng tạo để đưa sản phẩm ra thị trường, bao gồm việc cho nguyên liệu vào các con nhộng hiện đại”.

Wunsch-Vincent chỉ ra hai điểm chung của các ví dụ đó: “Trước hết, chúng tôi thấy rằng trong nền kinh tế chính thức, sự tập trung về mặt địa lý là rất đáng chú ý. Các hoạt động kinh tế chủ yếu tập trung ở những khu vực mà ta gọi là các cụm sáng tạo, các hoạt động kinh tế phi chính thức thì phân bổ đồng đều hơn. Thứ hai, chúng tôi thấy rằng trong bản thân nền kinh tế phi chính thức cũng có những cơ chế lan truyền tri thức và công nghệ riêng rất đáng chú ý”.

Trường hợp Thái Lan

Được coi là một trong những quốc gia có nền kinh tế phi chính thức vào loại lớn nhất thế giới, Thái Lan có rất nhiều điểm gần gũi với Việt Nam. Những xe đẩy bán đồ ăn, quầy hàng ở chợ truyền thống, và các cửa hàng chạp-pô đủ kiểu vào ban ngày biến thành tiệm giải khát, quán bar đường phố, và cả các khu mại dâm vào buổi tối.

Hầu hết các hoạt động kinh doanh đó là không chính thức, thậm chí là bất hợp pháp, được hãng tin tài chính Bloomberg gọi là “nền kinh tế trong bóng tối” (shadow economy). Không ai đóng thuế, không ai có giấy phép, và không ai có giấy tờ gì. Họ đơn giản chi một khoản tiền “hụi chết” cho chính quyền sở tại để có một chỗ bán hàng và đảm bảo việc làm ăn ổn định, không bị quấy nhiễu.

Lĩnh vực phi chính thức rất rõ ràng này thậm chí chỉ là phần nổi của tảng băng bao gồm hàng chục nghìn doanh nghiệp tỏa khắp đất nước: các cơ sở không chính thức ước tính chiếm 90% ngành công nghiệp tình dục ở Thái Lan, ngành có giá trị kinh tế vào năm 2018 là vào khoảng 260 tỉ baht (8,1 tỉ USD), theo Sanook Money.

Friedrich Schneider, kinh tế gia ở Đại học Johannes Kepler (Áo), đã thực hiện nhiều nghiên cứu với các nền kinh tế ngầm trên toàn thế giới, ước tính nền kinh tế bóng tối của Thái Lan chiếm 40,9% GDP nước này trong năm 2014, tương đương hơn 155 tỉ USD. Đó cũng là thực trạng chung với nhiều nước Đông Nam Á. Bloomberg Business nói trong khi Thái Lan đứng đầu, các nước Đông Nam Á khác đều có tỉ trọng nền kinh tế phi chính thức trong GDP rất cao, chẳng hạn Campuchia 54,2%, Philippines 48,4%.

Schneider phân tích rằng nền kinh tế ngầm ở Thái Lan có động lực chính không phải ở việc trốn thuế, nên các chính sách hướng tới thu thuế lĩnh vực này thường không có tác dụng, thậm chí là phản tác dụng. Động lực chính của nền kinh tế ngầm là việc hấp thu lực lượng lớn người trẻ Thái Lan, nhất là thanh thiếu niên vùng nông thôn với trình độ giáo dục thấp, cũng như lách qua các quy định lao động thường rất cứng nhắc của chính quyền nếu họ phải đăng ký chính thức.

Để kết luận, xin lắng nghe ý kiến của các tác giả Valeria Gelman và Jillian Du viết trên trang chủ của Viện Tài nguyên thế giới (wri.org): “Các thành phố và quốc gia cần tìm hiểu những chính sách và cách làm với quan điểm trao thêm quyền cho những người lao động phi chính thức. Điều đó đồng nghĩa ngừng các hoạt động ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế không chính thức, như quấy nhiễu, loại trừ, bắt di dời. Thứ hai, các thành phố cần tích cực cung cấp cho người lao động không chính thức quyền tiếp cận các hàng hóa và không gian công cộng, sự bảo trợ về mặt xã hội, và cải thiện việc phục vụ họ. Cuối cùng và quan trọng nhất, cần trao cho các tổ chức của giới doanh nghiệp không chính thức một chỗ trong bàn đối thoại chính sách, nhằm thúc đẩy công bằng xã hội”.■

Theo một nghĩa nào đó, chính quyền Thái Lan có vẻ chấp nhận loại hình “kinh tế ngầm”. Một ví dụ rõ ràng về sự chấp nhận lẫn nhau này là câu chuyện của HomeNet Thailand, một tổ chức của nhiều người lao động không chính thức sản xuất và cung ứng nhiều loại hàng hóa và dịch vụ tại nhà ở Bangkok.

Hoạt động của họ đã đủ hiệu quả để thuyết phục được chính quyền thành phố, cụ thể là Cơ quan Vận tải công cộng Bangkok, mở thêm hai tuyến xe buýt từ nơi có đông các thương nhân tại gia này tới một khu chợ chính ở địa phương - một ví dụ thú vị về việc chính quyền có thể hỗ trợ, thay vì cản trở, kinh tế phi chính thức, để tất cả cùng có lợi ra sao.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận