Một tiểu sử chân thật về bệnh ung thư

TS.BS NGUYỄN DUY SINH 20/11/2018 22:11 GMT+7

TTCT - ​Ung thư đã luôn luôn tìm đến với chúng ta, nhưng không phải luôn luôn trong cùng một cách. Sự chăm sóc và quản lý của nó đã khác nhau theo thời gian, có danh tính, khả năng hiển thị và ý nghĩa khác nhau.

Bác sĩ Siddhartha Mukherjee
Bác sĩ Siddhartha Mukherjee

 

Lịch sử ung thư - Hoàng đế của bách bệnh (*) là một cuốn sách độc đáo, là “biên niên sử về một căn bệnh cổ xưa - một thời là bí mật - thành một thực thể biến hình chết người khả năng len lỏi vào tận các mặt chính trị, khoa học và y khoa và thường được mô tả chắc chắn như một bệnh dịch khủng khiếp trong thế hệ chúng ta” như tác giả cuốn sách này, nhà ung thư học Siddhartha Mukherjee viết trong phần giới thiệu.

Là một bác sĩ điều trị ung thư và nhà nghiên cứu ung thư, tôi đã đọc mải mê cuốn sách lần đầu trong những buổi tối tại Nhật Bản vào năm 2013 và tìm thấy sự đồng cảm sâu sắc với tác giả về ý nghĩa của sách trong suốt quá trình dịch cuốn sách này.

Mục đích cuối cùng của cuốn sách không chỉ là để hiểu quá khứ của bệnh ung thư mà còn nêu lên câu hỏi: liệu có thể loại bỏ căn bệnh này khỏi cơ thể và xã hội của chúng ta mãi mãi không?

Để cố gắng giúp độc giả đưa ra câu trả lời, cuốn sách 700 trang này bao gồm toàn bộ câu chuyện chống lại căn bệnh ung thư từ những ghi chép đầu tiên của Imhotep, một bác sĩ Ai Cập vĩ đại sống khoảng năm 2625 TCN, cho đến những chiến thắng đáng chú ý gần đây. Các bức ảnh lịch sử kèm theo sách có thể giúp độc giả thấy trong chớp mắt những thời khắc trọng đại nhất của căn bệnh ung thư.

Siddhartha Mukherjee đã nỗ lực mô tả bệnh ung thư trong suốt lịch sử dài thăm thẳm của nó, giải thích cách quản lý và chữa trị nó. Đó cũng là một câu chuyện cá nhân, một sự đồng hành của chính anh - một nhà ung thư học, hiểu rằng anh có thể làm nhiều hơn nữa cho bệnh nhân của mình so với các bác sĩ của quá khứ, nhưng cũng nhận ra mối tương giao của mình với các tổ sư trong ngành y, chia sẻ nhiều hi vọng và thất vọng của họ.

Đó cũng là hành trình đi đến nhận thức rằng ung thư là một thế giới tự tại, người bệnh là một phần của thế giới đó, anh cũng là một phần của nó. Thế giới ung thư dường như mở rộng đến toàn bộ những trải nghiệm của họ, như điều mà một bệnh nhân ung thư xương đã nói với anh: “Tôi đang ở trong bệnh viện ngay cả khi tôi ở ngoài bệnh viện”.

Sự hiện diện hiện đại của một căn bệnh cổ xưa

Ung thư đã luôn luôn tìm đến với chúng ta, nhưng không phải luôn luôn trong cùng một cách. Sự chăm sóc và quản lý của nó đã khác nhau theo thời gian, có danh tính, khả năng hiển thị và ý nghĩa khác nhau. Kinh nghiệm của bệnh ung thư đã luôn luôn khủng khiếp, nhưng cho đến thời hiện đại, dấu ấn của nó về văn hóa đã được dần phơi bày ra ánh sáng.

Trong quá khứ, người ta từng nghĩ ung thư là một “căn bệnh của nền văn minh”, tương tự chứng “suy nhược thần kinh” và bệnh tiểu đường. Trong thế kỷ 18 và 19, một số bác sĩ cho rằng ung thư - đặc biệt là vú và buồng trứng - có nguyên nhân tâm lý và hành vi.

Văn bản “Y học nội địa” nổi tiếng của William Buchan còn đánh giá ung thư có thể do “quá sợ hãi, đau buồn, sầu muộn tôn giáo”. Sự sợ hãi của loài người đông đặc lại xung quanh các bệnh truyền nhiễm và dịch bệnh (bệnh dịch hạch, bệnh đậu mùa, dịch tả, sốt phát ban, sốt thương hàn); đột quỵ và đau tim; và, đáng chú ý nhất trong thế kỷ XIX, là bệnh lao.

Ung thư do vậy, dẫu vẫn hiện diện nhưng nỗi sợ đó không nằm ở trung tâm trong tâm trí công chúng như bây giờ. Đó là một trong những lý do mà nhà sử học y học Roy Porter viết rằng ung thư là “sự hiện diện của bệnh hiện đại” và Mukherjee gọi nó là “sản phẩm tinh túy của tính hiện đại”.

Ung thư là “căn bệnh hiện đại” không chỉ vì chúng ta hiểu nó theo những cách hoàn toàn mới mà còn bởi vì có nhiều loại bệnh ung thư. Đối với một số bệnh ung thư, sự gia tăng tỉ lệ mắc phải được kết nối rõ ràng với những thứ xâm nhập vào cơ thể chúng ta nhiều lần: mối liên hệ nhân quả giữa hút thuốc và ung thư phổi là ví dụ điển hình nhất.

Nhưng sự gia tăng tỉ lệ tử vong do ung thư có ý nghĩa đơn giản: khi chúng ta sống lâu hơn, và nhiều bệnh truyền nhiễm và dịch bệnh đã không còn là nguyên nhân chính gây tử vong, thì chúng ta dễ bị tử vong do bệnh ác tính.

Một nguyên nhân khác của tính hiện đại là bây giờ chúng ta có quyền tiếp cận trực quan vào kẻ thù trong phạm vi mô bệnh học. Các công nghệ hiện đại - những tiến bộ về kính hiển vi, nhuộm mô học, sinh thiết, chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT) và chụp ảnh cộng hưởng từ (MRI) - cho chúng ta khả năng mới để hiểu ung thư, nhưng cũng sản sinh một nhóm từ vựng mới của sợ hãi.

Cuộc sống của ung thư là một sự tóm tắt về cuộc sống của cơ thể, sự tồn tại của nó là một tấm gương bệnh lý của chính chúng ta” - Mukherjee viết. Các nhà nghiên cứu không thể không ngưỡng mộ tế bào ung thư, như cách mà Sherlock Holmes ngưỡng mộ Moriarty - một đối thủ xứng đáng.

Một câu chuyện đặc biệt về truyền thông

Lịch sử ung thư cũng phản ánh một câu chuyện đặc biệt về những nỗ lực thu hút sự chú ý của công chúng và giới chính trị gia đối với vấn đề y khoa lớn này. Nó bắt đầu với sự gặp gỡ quan trọng giữa TS Farber vào năm 1940 với bà Mary Lasker, một nhà quản lý quảng cáo giàu có, đang cần một động cơ để làm từ thiện.

Mong ước xây dựng một chiến dịch gây quỹ kết nối toàn quốc quy mô lớn để hỗ trợ các nghiên cứu và giáo dục về ung thư của TS Farber được Mary Lasker và những người ủng hộ (sau đó được gọi là nhóm Laskerites) triển khai một cách phi thường.

Đó là điều được mô tả ấn tượng: “Chiến dịch chống lại ung thư, giống như một chiến dịch chính trị: nó cần các biểu tượng, linh vật, hình, ảnh, khẩu hiệu, các chiến lược quảng cáo nhiều như các công cụ khoa học. Đối với bất kỳ căn bệnh nào để làm nổi bật về mặt chính trị, nó cần phải được tiếp thị, giống như một chiến dịch chính trị cần tiếp thị. Một bệnh cần phải được chuyển đổi về mặt chính trị trước khi nó có thể được chuyển đổi về mặt khoa học”.

Kể từ đó, một cỗ máy gây quỹ mạnh mẽ, bền bỉ đã vận hành: số tiền quyên góp được tăng từ 832.000 USD năm 1944 lên hơn 12 triệu USD năm 1947... Và rồi, nó dẫn tới sự ra đời của những cơ quan khoa học quan trọng của nước Mỹ, thúc đẩy nghiên cứu cơ bản, tạo ra những mô hình mới về quản trị khoa học...

Làm việc cùng nhau trong hai thập kỷ, Farber và Lasker đã học cách huy động, tổ chức và tập trung khoa học và tài sản công nghệ. Chiến dịch đó có được một “thiên thời” tình cờ: Năm 1970, khi chiến tranh Việt Nam ăn mòn linh hồn và tài nguyên của Hoa Kỳ, tổng thống Richard Nixon nghĩ rằng một cuộc chiến tranh về ung thư được đánh giá cao có thể kết thúc trong chiến thắng rõ ràng hơn.

Năm 1971, các lực lượng kết hợp của Lasker, Farber và Nixon đã đẩy Đạo luật chống ung thư quốc gia được thông qua tại quốc hội, khai thác các nguồn tài nguyên khổng lồ của liên bang nhằm mục đích nghiên cứu và kiểm soát ung thư. Đó là câu chuyện đáng chú ý về sự liên kết giữa khoa học, chính trị và từ thiện gây quỹ.

Ảnh: M.N.

Một tương lai đang dần sáng tỏ

Cuốn sách của Mukherjee có tính sống động của người trong cuộc. Nó làm độc giả cảm thấy người kể chuyện như là người đi đầu trong y sinh học hiện đại, mang kiến thức và công nghệ mới thổi vào buồng bệnh.

Những mô tả chi tiết, sống động, cách Mukherjee triệu hồi kết cấu của các hệ thống hiểu biết trước đó... tất cả đã khiến cuốn sách có thể phục vụ cho một đối tượng chung trong bất kỳ lĩnh vực khoa học và công nghệ hiện đại nào với trí thông minh, khả năng tiếp cận và lòng từ bi giống nhau.

Với một thế giới nơi mà những yếu tố nguy cơ ung thư như “Thanh gươm của Damocles” treo lơ lửng trên đầu chúng ta, điều quan trọng là chúng ta cần nhiều nỗ lực hơn nữa đi sâu vào bản chất ung thư để tìm được cơ chế sinh bệnh, có cơ chế phòng bệnh tích cực và toàn diện hơn nữa.

Lịch sử ung thư - Hoàng đế của bách bệnh gồm sáu chương, mỗi chương tương đương với các sự kiện trung tâm theo tiến bộ lịch sử ung thư trong sàng lọc, chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa. Đó cũng là một hành trình tiến triển của phẫu thuật và gây mê, cũng như sự đồng bộ của lý luận căn bản trong việc loại bỏ khối u.

Trong các phần sau, cuốn sách này bao gồm một số cột mốc trong việc phát triển điều trị ung thư, bao gồm cả hóa trị liệu kết hợp và các tác nhân nhắm mục tiêu phân tử. Một phần khác mô tả lịch sử thăm dò của các nguyên nhân ung thư, trong đó bao gồm việc phát hiện các loại virút gây ung thư.

Từ quan điểm lâm sàng của một bác sĩ ung thư, tôi đặc biệt yêu thích chương 4 “Phòng ngừa là cách chữa trị”. Tác giả cung cấp lịch sử xét nghiệm Pap (phết mỏng cổ tử cung) và nhũ ảnh cũng như các chiến lược sàng lọc hiệu quả cho cổ tử cung và ung thư vú. Ngăn chặn hút thuốc được giới thiệu như là một phòng ngừa chính và hiệu quả của bệnh ung thư phổi.

Cuốn sách làm sáng tỏ tương lai của “cuộc chiến tranh chống ung thư” thông qua việc xem xét toàn diện lịch sử quá khứ của nó. Tôi tin rằng cuốn sách này sẽ cung cấp niềm hi vọng và động lực cho những người tìm cách chiến thắng căn bệnh này. Tôi đặc biệt khuyến khích bạn đọc trẻ đọc cuốn sách này. Nhưng cuốn sách không chỉ dành cho các bạn trẻ yêu khoa học, các nhà nghiên cứu trẻ mà còn cho các nhà hoạch định chính sách y tế, phụ trách kế hoạch ngân sách của chính phủ.■

(*) Lịch sử ung thư - Hoàng đế của bách bệnh được trao giải Pulitzer năm 2011 dành cho hạng mục sách phi hư cấu. Bản dịch do Omega Plus phát hành năm 2018.

Siddhartha Mukherjee ít nói đến những khía cạnh quan trọng của thế giới ung thư hiện đại. Điều trị ung thư hiện đại là một ngành kinh doanh lớn, các loại thuốc ung thư được dự tính là những con gà đẻ trứng vàng của ngành dược. Cuốn sách cũng ít nói về công tác phòng chống ung thư, ngoài chiến dịch chống thuốc lá.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận