Mula Oma’r: bóng ma của Taliban

NGUYỄN NGỌC HÙNG 19/10/2009 04:10 GMT+7

TTCT - Tổng thống barack Obama đang cùng các cố vấn hàng đầu tập trung nghiên cứu báo cáo của tướng Stanley McChrystal đánh giá tình hình Afghanistan để xác định chiến lược phù hợp cho cuộc chiến nan giải này. Ngoài al-Qaeda do Bin Laden đứng đầu đang là đối thủ chính, thủ lĩnh Mula Oma’r của phiến quân Taliban cũng là một ẩn số.

Tổng thống barack Obama đang cùng các cố vấn hàng đầu tập trung nghiên cứu báo cáo của tướng Stanley McChrystal đánh giá tình hình Afghanistan để xác định chiến lược phù hợp cho cuộc chiến nan giải này. 

 Lực lượng an ninh trấn giữ địa điểm bị đánh bom tại tỉnh Shangla, Pakistan ngày 12-10 làm 41 người chết. Phe Taliban tại Pakistan nhận trách nhiệm vụ tấn công đoàn xe quân sự đang băng qua một khu chợ. Ảnh: Reuters

 

Ngoài al-Qaeda do Bin Laden đứng đầu đang là đối thủ chính, thủ lĩnh Mula Oma’r của phiến quân Taliban cũng là một ẩn số.

Sau khi chế độ Taliban bị Mỹ xóa sổ trong cuộc chiến ngắn ngày cuối năm 2001, Mula Oma’r - thủ lĩnh phong trào Hồi giáo cực đoan này - vẫn tồn tại như một bóng ma. 

Ông ta đã kịp dùng xe gắn máy tẩu thoát trong cuộc tấn công của quân đội Mỹ vào Qandahar trước khi chiến tranh kết thúc. 

Huyền thoại

Theo Raheemullah Yusufi - phóng viên tờ The News International của Pakistan, người được phỏng vấn Mula Oma’r trước chiến tranh năm 2001, “ông ta là người kín miệng, ít hiểu biết về các vấn đề quốc tế”. 

Nhưng tính khiêm nhường cùng huyền thoại trong thời chiến tranh chống quân đội Liên Xô thập niên 1980 (khiến ông ta bị thương mù một mắt) cộng với thành quả đạt được trong cuộc nội chiến tàn khốc giành chính quyền năm 2006 đã củng cố quyền lực cho ông ta. 

Alex Strick, cây bút người Hà Lan sinh ra và từng sống ở Qandahar, mô tả: “Nhiều người tìm hiểu về ông ta nhưng chỉ 4-5 người có thể tiếp cận trực diện. Ngoài ra có một nhóm người ở vòng ngoài để liên hệ với 4-5 người này”. 

Ngay đến tuổi đời của Mula Oma’r cũng là một ẩn số. Ông ta sinh năm 1950, 1959, 1960 hay 1962? Không ai dám chắc con số nào là chính xác. 

Trong báo cáo đánh giá tình hình mới nhất, tướng Stanley McChrystal mô tả Taliban là nhân tố quyết định tình trạng phiến loạn tại Afghanistan. 

Dù mất dạng nhưng danh xưng Mula Oma’r xuất hiện đều đặn trong các dịp lễ quan trọng nhất của Hồi giáo là lễ hiến tế (al-Adhha) và lễ Fitr (kết thúc tháng chay Ramadan) bằng các hình thức huấn thị hoặc lời kêu gọi, động viên.

Thủ lĩnh ẩn mình đầy quyền lực 

Trong tình trạng gần như biệt lập, Mula Oma’r vẫn thể hiện như một người có kiến thức rộng và nắm bắt kịp thời tình hình đất nước. 

Một lời kêu gọi ký tên ông ta gần đây có đoạn viết: “Chúng ta lên án cuộc bầu cử gian lận (ngày 20-8) và hỏi các lực lượng do Mỹ chỉ huy: họ đã đạt được gì trong tám năm qua?”. 

Chân dung Mula Oma

 

Giới phân tích tình báo và quân sự cho rằng Taliban hiện nay là một lực lượng “đánh thuê”, được tổ chức theo kiểu các mạng lưới, không tập trung. 

Họ gồm các chiến binh có mục tiêu khác nhau nhưng cùng chung kẻ thù là chính quyền Afghanistan và lực lượng nước ngoài, đồng thời họ trung thành với Mula Oma’r. 

Taliban triển khai lực lượng theo các nhóm nhỏ, tăng cường chiến thuật tấn công liều chết và sử dụng các loại bom mìn hiện đại. 

Nhờ chiến thuật này Taliban có thể bành trướng hoạt động vốn tập trung ở miền nam Afghanistan ra cả miền bắc và miền tây nước này, buộc lực lượng NATO phải dàn mỏng trên địa bàn rộng lớn. 

Một vài phó tướng của Mula Oma’r giúp thủ lĩnh đưa ra các quyết định hằng ngày, đặc biệt là Mula Abdu al-Gani Baradar. Ông này thường họp chỉ đạo các chỉ huy Taliban và “các quan quyền trong bóng tối” được Mula Oma’r chỉ định ở khắp nơi trong nước.

Từ khi rút sang thành phố Kuweita thuộc Pakistan năm 2002, Mula Oma’r đứng đầu cơ chế gọi là “Shura (hội đồng) Taliban” như hình thức một “bộ chính trị”. 

Trong báo cáo mới nhất của mình, tướng McChrystal viết: “Vào mùa đông hằng năm, Shura họp kiểm điểm hoạt động của Taliban. Sau đó, Mula Oma’r ra các chỉ thị và vạch kế hoạch cho năm sau”. 

Thực tài hay có trợ giúp?

Thomas Goter, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Afghanistan thuộc Đại học Nebraska tại Omaha (Mỹ), cho rằng Mula Oma’r chỉ là “một nhân vật đại diện có vai trò động lực thúc đẩy hoạt động của Taliban”, tương tự Bin Laden đối với al-Qaeda. 

Theo ông này, những thắng lợi của Taliban thời gian qua không phải nhờ tài quân sự của Mula Oma’r, mà là thành quả sự trợ giúp từ phía các cố vấn cao cấp của tình báo Pakistan và al-Qaeda. 

Một số nhà phân tích cho rằng việc Mula Oma’r nổi lên như một lãnh tụ của Taliban không hoàn toàn do tài năng gì đáng kể. Ông này không nổi tiếng như các thủ lĩnh chiến binh khác, cũng không có đồng minh hoặc kẻ thù nào đặc biệt. 

Một nhân vật chột mắt vừa ít học, vừa hầu như không tiếp xúc với thế giới ngoài Hồi giáo như Mula Oma’r thì không có cơ sở để lãnh đạo Taliban với đường hướng bài bản như hiện nay. 

Nguồn tin này cho rằng “bảo trợ” cho Mula Oma’r có thể là một quan chức trong Bộ Tình báo Pakistan mà quyền uy và hoạt động của nhân vật này vượt ngoài tầm kiểm soát của chính quyền Islamabad(?).

NGUYỄN NGỌC HÙNG

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận