Nền kinh tế thế giới và thái độ “xóa bài làm lại”

XÊ NHO 24/11/2021 02:10 GMT+7

TTCT - Đôi lúc chúng ta phải tự hỏi liệu thế giới này có tự điều chỉnh được không, để xóa đi các sai lầm từng mắc phải? Câu trả lời của người lạc quan là có, dù cơ chế “xóa bài làm lại” này chưa hiện rõ.

 
 Minh họa

Nguyên nhân thực của đứt gãy chuỗi cung ứng

Lấy ví dụ chuyện nhiều nước đang thiếu hàng hóa đủ loại, nếu chỉ đọc các lập luận giải thích trấn an đăng trên các báo thì chúng ta sẽ thấy chúng rất hợp lý nhưng không đủ. Tình hình đứt gãy chuỗi cung ứng dẫn đến thiếu hụt hàng hóa quả thực là đang trầm trọng ở nhiều nước.

Người tiêu dùng ở Mỹ, vốn đã quen lên mạng bấm nút rồi đợi hàng chở đến tận nhà, nay bị sốc khi không mua được ngay cả những món hàng thiết yếu, từ giấy vệ sinh đến máy tính xách tay, từ bột nổi làm bánh đến xe hơi, xe đạp... Thiếu đến nỗi dân xứ lạnh Alaska không có đủ áo ấm để mua, nhiều chuyến bay phải trì hoãn để chờ xe chở bữa ăn phục vụ khách trên chuyến bay.

Lý giải đầu tiên thường được đưa ra là đổ lỗi cho đại dịch COVID-19 gây tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu, từ khâu sản xuất đến vận chuyển rồi tới các khâu hậu cần, để đưa hàng đến tay người tiêu dùng. Tất cả bị con virus SARS-CoV-2 tác động làm xáo trộn, gây khan hiếm và đẩy giá tăng cao. 

Ở hướng ngược lại, dịch COVID-19 cũng thay đổi lối sống của nhiều người: làm việc từ nhà buộc họ phải mua sắm máy móc, thiết bị, từ máy tính đến camera để họp hành, kể cả dụng cụ tập thể dục ở nhà và gia vị, thực phẩm để tự nấu nướng. Rảnh rỗi sinh “nông nổi”, họ mua sắm đủ thứ dụng cụ để sửa sang nhà cửa, nâng cấp gara, mở rộng chái hiên... Tất cả làm nhu cầu tăng, trong khi nguồn cung ngày càng bị bóp nghẽn. 

Câu hỏi đặt ra là vì sao các công ty không tăng công suất, cứ sản xuất thêm hàng để bán? Vấn đề là, với hệ thống sản xuất hiện nay, không nhà máy nào tự làm được mọi chi tiết của một sản phẩm. Ví dụ với chiếc laptop, nhà máy đóng tại Trung Quốc sẽ nhập chip từ Đài Loan hay Malaysia, màn hình từ Hàn Quốc và hàng loạt linh kiện khác từ hàng chục nước khác. Chỉ cần một khâu trong chuỗi cung ứng này bị đứt gãy, toàn bộ dây chuyền sẽ bị tắc nghẽn. Hàng làm ra rồi còn khâu vận chuyển, hiện cũng đang thiếu từ container chứa hàng đến xe nâng, nhất là tài xế xe tải chở hàng đi phân phối. Tiền vận chuyển một container từ Thượng Hải đến Los Angeles trước dịch chỉ có 2.000 USD, nay lên đến 25.000 USD mà thời gian giao hàng không được bảo đảm đúng lịch. 

Đâu là nguyên nhân thật sự khiến hệ thống sản xuất hàng hóa của thế giới rơi vào tình huống này? Một số giải thích có nói đến nguyên tắc sản xuất tinh gọn, tức là các công ty trước đây có thói quen duy trì một mức nguyên vật liệu tối thiểu đủ để sản xuất theo lịch giao hàng nhằm tiết kiệm chi phí. “Một đôla mà một hãng ôtô chi ra để mua chip về dự trữ phòng lúc hàng khan hiếm là một đôla hãng đó không thể dùng để chi cho việc khác, như thưởng cho ban giám đốc hay chia cổ tức cho cổ đông” - The New York Times viết. Bài báo này tiên đoán tình trạng thiếu hụt hàng hóa sẽ kéo dài qua năm 2022 và có thể lâu hơn nữa.

“Toàn cầu hóa” hiện nguyên hình

Tuy nhiên, nếu nhìn vấn đề dưới lăng kính “thế giới đang tự điều chỉnh để sửa sai” thì có thể lý giải ngắn gọn: hàng hóa thiếu hụt, đứt gãy chuỗi cung ứng là do thế giới này đã khước từ cái gọi là toàn cầu hóa từng được ca tụng như cách tối ưu hóa quy trình sản xuất trong khi thực chất chỉ là tối đa hóa lợi nhuận cho các tập đoàn sản xuất đa quốc gia. Nay thế giới này phải đi tìm cách thức khác để thay thế, nếu không muốn chứng kiến các đợt thiếu hụt hàng hóa triền miên trong tương lai.

Ngay cả những người dân bình thường cũng đã nhận ra. Một độc giả bình luận dưới bài báo của The New York Times dẫn ở trên đã nhận xét: đại dịch không phải là nguyên nhân mà chỉ thứ thúc đẩy, làm bộc lộ vấn đề nhanh hơn, rõ hơn. Mấy chục năm qua, nước Mỹ và nhiều nước phương Tây khác hối hả chuyển nhà máy sản xuất sang Trung Quốc hay Mexico để tận dụng giá nhân công rẻ, điều kiện bảo vệ môi trường còn dễ dãi ở những nước này. Quá trình này làm lợi cho chủ doanh nghiệp nhưng đẩy hàng triệu công nhân ở các nước giàu vào chỗ thất nghiệp, nhiều cộng đồng trở nên tiêu điều hoang vắng. Người tiêu dùng lúc đó cũng không phàn nàn gì vì hàng hóa rẻ hơn, chất đầy các kệ trong siêu thị.

Sự phản bác toàn cầu hóa đã bùng lên từ lúc người dân bất mãn vì bị bỏ rơi đã bầu cho Donald Trump với hy vọng công ăn việc làm sẽ quay trở lại và nay trở thành phong trào “bỏ việc quy mô lớn” (The Great Resignation) khi kỳ vọng đó không trở thành hiện thực. 

Trong lúc đó, các đại công ty công nghệ lại bồi thêm những nắm đấm làm choáng váng giới lao động Mỹ, như Amazon xóa sổ hàng trăm ngàn cửa hàng bách hóa nhỏ lẻ, thay thế nhiều công nhân bằng robot chuẩn bị hàng để giao cho khách. Một bài điều tra cũng của The New York Times cho thấy Amazon ăn gian lương của nhân viên trong một thời gian dài, sa thải công nhân vì máy móc nhầm ngày nghỉ bệnh của họ thành nghỉ không lý do... 

Thử tưởng tượng 1,3 triệu nhân viên hiện nay của Amazon, tức một phần rất quan trọng của chuỗi cung ứng hàng hóa khắp nước Mỹ, mà đình công đòi cải thiện môi trường làm việc, lúc đó nào ai dám nói chuỗi cung ứng gãy đổ vì COVID-19?

Những bình luận được nhiều người tán thưởng nhiều nhất đều cho rằng vì lợi nhuận mà để năng lực sản xuất trong nước giảm đến mức bị triệt tiêu là một sai lầm lớn của nhiều nước. Đại dịch càng thúc đẩy suy nghĩ cần đưa các dây chuyền sản xuất hàng hóa thiết yếu, nhất là thuốc men, trang thiết bị y tế về lại nội địa. Có thể suy đoán nếu đa số người dân chia sẻ ý nghĩ này thì họ sẽ buộc các chính trị gia nước họ có những chính sách hỗ trợ sản xuất trong nước, chấm dứt việc phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng toàn cầu hóa.

Tương tự, hiện tượng nhiều người nghỉ việc ở khắp các nước có thể lý giải bằng nhiều lý do dài dòng nhưng ngày càng thấy rõ nên nhìn nhận nó như một cách người lao động “mặc cả” để thương lượng lại điều kiện làm việc, tiền lương, ngày nghỉ ốm...

 
 Minh họa

Cơ chế “xóa bài làm lại” như chuyện bác bỏ toàn cầu hóa hay nghỉ việc quy mô lớn không xuất phát từ giới chính khách hay các nhà tư tưởng lập thuyết. Nhưng ở một số trường hợp khác, đúng là có những nỗ lực sửa sai từ giới làm chính sách như chuyện đánh thuế lên các tỉ phú.

Tỉ phú Warren Buffett từng gây xôn xao dư luận khi “than” rằng ông ta bị đánh thuế ở mức thuế suất còn thấp hơn cô thư ký của ông. Tuy nhiên, chuyện này còn chưa “động trời” bằng thông tin ấn phẩm ProPublica tiết lộ về mức thuế cực thấp của các tỉ phú Mỹ trong 15 năm qua: tỉ phú Jeff Bezos của Amazon không nộp đồng xu thuế thu nhập liên bang nào trong năm 2007, nhà sáng lập hãng xe điện Tesla là Elon Musk cũng không chịu mức thuế thu nhập nào trong năm 2018...

Đa số các tỉ phú không nhận lương trực tiếp hoặc nhận một mức tượng trưng rất thấp, nên thuế thu nhập đánh trên lương là không đáng kể. Thu nhập khổng lồ của họ đến từ cổ phiếu thưởng mà theo quy định dù giá cổ phiếu có tăng cao bao nhiêu đi nữa, chừng nào họ để yên không bán thì họ không phải nộp thuế. Các tỉ phú chi tiêu thoải mái bằng cách dùng cổ phiếu này thế chấp với ngân hàng rồi vay tiền để tiêu.

Nay Quốc hội Mỹ, nói đúng hơn là các thượng nghị sĩ Dân chủ, đang tìm cách đánh thuế lên tài sản của những người giàu nhất nước Mỹ, trong một kế hoạch táo bạo nhưng tính khả thi cho đến nay vẫn còn rất bấp bênh, nhằm có tiền thực hiện các chương trình an sinh xã hội và giải quyết vấn nạn biến đổi khí hậu. Điểm khác biệt lớn nhất trong kế hoạch này là thuế sẽ đánh lên tài sản (wealth) chứ không phải lên thu nhập (income). Thuế sẽ ảnh hưởng đến 700 người giàu nhất nước Mỹ có tài sản trên 1 tỉ USD hay có thu nhập trên 100 triệu USD mỗi năm trong ba năm liên tiếp.

Theo đề xuất của đảng Dân chủ, mức thuế đánh lên chênh lệch giữa giá gốc các tài sản như cổ phiếu, trái phiếu so với giá thị trường hiện nay là 23,8% cho dù người sở hữu chúng không bán, cứ để nguyên thế. Với các tỉ phú là nhà sáng lập ra công ty của họ như Mark Zuckerberg (Facebook), Jeff Bezos (Amazon) hay Elon Musk (Tesla), mức thuế phải nộp là một con số khổng lồ vì giá gốc cổ phiếu họ đang sở hữu là zero. Họ sẽ có 5 năm để nộp thuế và sau đó hằng năm lại phải nộp thuế lãi vốn kiểu như thế nếu giá cổ phiếu vẫn tăng.

Cho dù kế hoạch đánh thuế này không đi đến đâu vì ngay chính trong nội bộ đảng Dân chủ vẫn có người phản đối, nó vẫn là một khởi đầu cho xu hướng tìm cách xóa bỏ hố sâu giàu nghèo ngày càng lớn đang gây bất mãn xã hội ở nhiều nước. Rất có thể đấy là cách xã hội đang tự điều chỉnh để sửa sai.

Cựu Bộ trưởng Lao động Mỹ, ông Robert Reich, hiện là giáo sư chính sách công tại Đại học Berkeley, viết trên tờ The Guardian: Liệu có phải nước Mỹ đang chứng kiến một cuộc tổng đình công? Ông cho rằng hiện tượng mỗi tháng có chừng 4 triệu người Mỹ rời bỏ lực lượng lao động không thể xem là chuyện thiếu hụt lao động mà phải là lời cảnh báo cho xã hội phải nhanh chóng tăng lương, cải thiện môi trường làm việc và tôn trọng người lao động. Chẳng lạ gì báo chí nay lại nói tới nỗ lực của người lao động muốn thành lập công đoàn ở Amazon!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận