Nga chế tạo tàu vũ trụ hạt nhân bay vào không gian

VIỆT PHƯƠNG (THEO RT) 02/05/2012 23:05 GMT+7

TTCT - Bất chấp các vụ phóng tàu vũ trụ không thành công trong năm 2011, Nga vẫn tiếp tục cuộc chinh phục không gian của mình với chiến lược chế tạo tàu vũ trụ hạt nhân và xây dựng căn cứ trên các hành tinh khác.

Phóng to
Phóng tàu vũ trụ Soyuz ở sân bay Baikonur

Có lẽ cũng cần nhắc lại rằng năm 2011 là một năm tồi tệ cho lịch sử ngành không gian của Nga. Ít nhất năm sứ mệnh không gian của Nga đã thất bại trong lúc phóng. Tàu thăm dò sao Hỏa Fobos-Grunt đã bị hỏng hệ thống định vị khi lên đến quỹ đạo và rơi xuống đại dương sau vài tuần trôi nổi trên không gian. Đây là lần thứ 17 nước Nga từ thời Liên Xô cho đến nay phóng tàu thăm dò lên sao Hỏa và chưa lần nào thật sự thành công.

So với Nga, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thành công hơn nhiều. Nhưng NASA cũng đã thông báo hủy hai sứ mệnh lên sao Hỏa dự định vào năm 2016 và 2018 để tiết kiệm tiền. Hai sứ mệnh này dự định nghiên cứu bầu khí quyển sao Hỏa và đem về mẫu đất đá trên hành tinh đỏ. Tuy nhiên, tất cả những bất lợi và thua thiệt trên không làm Nga ngừng tham vọng về những dự án không gian với một chiến lược khám phá vũ trụ đến năm 2030 với chi phí đắt đỏ.

Phóng to
Tên lửa Soyuz đang được đưa ra một bệ phóng ở sân bay vũ trụ Baikonur (Kazakhstan). Một tên lửa đẩy sử dụng năng lượng hạt nhân sẽ thay thế tên lửa cũ này để phục vụ các chuyến du hành xa hơn trong không gian - Ảnh: NASA

Tàu vũ trụ hạt nhân

Ngày 16-4, NASA cho hay SpaceX sẽ sớm trở thành công ty tư nhân đầu tiên đưa tàu vũ trụ đến Trạm vũ trụ quốc tế ISS trong một sứ mệnh vận chuyển hàng hóa không người lái. NASA cho biết mọi thứ đang rất thuận lợi cho ngày phóng tàu vũ trụ Dragon vào ngày 30-4. Theo AFP, tàu vũ trụ có thể tái sử dụng Dragon sẽ mang theo 521kg hàng hóa đến ISS và đem về lại Trái đất 660kg chất thải.

SpaceX thuộc sở hữu của đại gia Internet và nhà sáng lập PayPal Elon Musk. Công ty này đã làm nên lịch sử khi phóng tàu Dragon vào tháng 12-2010, trở thành công ty tư nhân đầu tiên đưa tàu vũ trụ vào quỹ đạo và trở về lại Trái đất.

Hiện SpaceX cùng nhiều công ty đang cạnh tranh để trở thành công ty tư nhân đầu tiên đưa phi hành gia và hàng hóa đến ISS sau khi NASA ngưng sử dụng các tàu không gian hồi năm ngoái. Đến nay, Nga là nước duy nhất đưa phi hành gia lên ISS và Mỹ đang phải phụ thuộc vào Nga trong chuyện này.

Vào năm 2017, Nga dự định sẽ hoàn thành hệ thống tên lửa đẩy hạt nhân cho các chuyến du hành không gian. Và để đi đầu trong cuộc chạy đua không gian, vào năm 2025 Nga dự định sẽ hoàn thiện tàu vũ trụ có khả năng di chuyển đến các hành tinh khác trong những sứ mệnh có thời gian dài.

Động cơ đẩy hạt nhân này được nói là có thể hoạt động tới ba năm và có thể sản sinh 100-150 kilowatt năng lượng ở công suất bình thường. Lò phản ứng của động cơ này có thể tạo ra năng lượng điện vừa đủ và không để những chất phóng xạ thừa thãi ô nhiễm ra bên ngoài. Xenon có thể sẽ được dùng làm nhiên liệu cho động cơ đẩy.

Động cơ đẩy hạt nhân được nghiên cứu và phát triển tại Skolkovo ở Nga. Hiện các nhà nghiên cứu đang thử nghiệm nhiều loại nhiên liệu khác và từ đó sẽ bắt đầu thiết kế các động cơ. Tuy nhiên, cũng phải đến năm 2017 động cơ này mới được hoàn thiện và phải chờ đến năm 2025 để một phi thuyền đi kèm theo nó được chế tạo xong. Các nhà khoa học dự định sẽ bắt đầu thử nghiệm động cơ này vào năm 2014.

Chính phủ Nga đã bắt đầu dự án tham vọng này hồi năm 2010 với một khoản đầu tư khoảng 17 triệu USD và dự định sẽ chi 247 triệu USD trong vòng năm năm tới để hoàn thành động cơ hạt nhân này. Ý tưởng về việc dùng động cơ đẩy hạt nhân cho tàu vũ trụ hoàn toàn không mới. Từ những năm 1960, không chỉ người Nga mà cả người Mỹ cũng đã nghĩ đến chuyện này. Tuy nhiên, khi ấy tất cả đều nghĩ đến chuyện chế tạo vũ khí hạt nhân hơn là chế tạo tàu vũ trụ.

Mặt khác, điều cản trở các nhà khoa học trong những năm qua là khi phi thuyền đi sâu vào trong không gian, rời xa những tia nắng Mặt trời, khi đó năng lượng lấy từ Mặt trời sẽ yếu đi và phi thuyền không thể sản xuất đủ năng lượng để vận hành các động cơ điện. Và năng lượng hạt nhân là một sự lựa chọn cho tàu không gian bởi đó là nguồn năng lượng đủ để đưa phi thuyền du hành qua các hành tinh. Trước đây NASA từng đưa ra dự án phát triển động cơ hạt nhân cho tàu vũ trụ nhưng chi phí cho nó đã bị cắt giảm vào năm 2003.

Phóng to
Tàu vũ trụ Soyuz của Nga kết nối với ISS trên quỹ đạo Trái đất. Roscosmos đang lên kế hoạch phát triển các tàu vũ trụ du hành được lâu hơn trong không gian và chở được nhiều phi hành gia hơn - Ảnh: NASA

Cuộc đua đến các hành tinh

Việc phát triển hệ thống đẩy hạt nhân cho phi thuyền được tiến hành cùng lúc với một kế hoạch chinh phục vũ trụ được Nga công bố gần đây. Tháng trước, Cơ quan Không gian liên bang Nga (Roscosmos) đã tiết lộ một chương trình tham vọng khám phá hệ Mặt trời trong những năm tới. Dưới tên Chiến lược phát triển không gian đến năm 2030, Nga nhắm đến việc gửi tàu thăm dò lên sao Hỏa, sao Mộc và sao Kim cũng như xây dựng một chuỗi căn cứ kiên cố trên Mặt trăng.

Theo kế hoạch này, đến năm 2020, tên lửa Angara được phát triển từ lâu sẽ trở thành phương tiện phóng chủ lực của Nga, thay cho tên lửa Soyuz và Proton đã được sử dụng từ giữa những năm 1960. Tên lửa mới cũng sẽ được dẫn đường bởi một tàu vũ trụ có thể chở được sáu phi hành gia, thay vì ba như hiện nay.

Việc phóng tàu vũ trụ sẽ được thực hiện ở sân bay vũ trụ Vostochny hoàn toàn mới ở phía đông của Nga, giúp nước này giảm bớt sự phụ thuộc vào cơ sở vật chất đã lỗi thời ở sân bay Baikonur tại Kazakhstan, nơi mà Nga phải thuê trong những năm qua. Việc xây dựng sân bay vũ trụ mới đã được Nga bắt đầu từ năm ngoái với chi phí lên đến 20 tỉ USD và dự định sẽ hoàn thành vào năm 2018.

Đến năm 2030, Nga sẽ đưa các robot tự hành công nghệ tinh vi lên Mặt trăng để thu thập các mẫu đất đá, xây dựng một loạt căn cứ Mặt trăng và có thể sẽ xây dựng một trạm vũ trụ bay quanh quỹ đạo “chị Hằng”. Đây sẽ là tiền đề cho việc đưa người lên Mặt trăng.

Không chỉ dừng ở Mặt trăng, Roscosmos còn lên kế hoạch trong 18 năm nữa sẽ hoàn thiện công nghệ để thực hiện các chuyến bay đến sao Hỏa. Cơ quan này và NASA đang xem xét một kế hoạch hợp tác để đưa người lên sao Hỏa và xây dựng một căn cứ trên bề mặt hành tinh đỏ. Theo giám đốc Roscosmos Vladimir Popovkin, chương trình này sẽ tiêu tốn 5-7 tỉ USD một năm. Chiến lược của Nga đã tính đến chuyện cho các nhà đầu tư tư nhân vào cuộc để gánh bớt chi phí.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận