Người lớn đang tập hư cho trẻ con

NGUYỄN VẠN PHÚ 23/08/2015 17:08 GMT+7

TTCT - Bộ GD-ĐT đang phá vỡ mọi nỗ lực hướng nghiệp cho học sinh mà không ý thức được điều mình làm. Hệ lụy của đợt tuyển sinh đại học năm nay có thể rất nghiêm trọng đối với chuyện chọn ngành nghề của các em, mà phải một thời gian nữa mới lường hết được.

Minh họa: DAD
Minh họa: DAD

Quan sát tường thuật của báo chí trong tuần qua chúng ta thấy nổi lên điều gì? Đó là việc thí sinh và phụ huynh bị cuốn vào cái vòng nộp - rút, rút - nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học. Vì sao nói việc đó phá vỡ mọi nỗ lực hướng nghiệp lâu nay?

Rõ ràng với một học sinh đứng trước ngưỡng cửa đại học, những cân nhắc nghề nghiệp tương lai mà các em theo đuổi là rất quan trọng. Dù ảnh hưởng của gia đình vẫn còn nặng nề trong xã hội VN, ít nhất các em và cha mẹ cũng phải trăn trở, cân nhắc, chọn lựa rất lâu trước khi chọn cho mình một ngành để theo học, một trường để mưu cầu tri thức, một nghề để gắn bó.

Thế nhưng cách tuyển sinh năm nay của Bộ GD-ĐT đã phá vỡ hết mọi băn khoăn, trăn trở, thao thức đó. Chỉ còn lại sự “tháu cáy” nộp vào rút ra bất kể trường nào, ngành nào, chỉ làm sao để bước chân vào ngưỡng cửa đại học trên nền điểm số!

Chúng ta có thể dễ dàng đổ lỗi cho học sinh và phụ huynh không kiên định với những lựa chọn trước đó. Nhưng con người hành xử như thế nào thường do hoàn cảnh tạo nên, nếu tạo ra hoàn cảnh tốt thì họ sẽ ứng xử hợp lý, tạo ra hoàn cảnh phi lý thì họ sẽ ứng xử phi lý theo.

Còn nhớ những năm trước, các tờ báo lớn như Tuổi Trẻ, Thanh Niên... đều liên tục tổ chức các buổi hướng nghiệp, giúp học sinh chọn đúng ngành nghề, chọn đúng trường để nộp hồ sơ. Có rớt đại học, các em cũng sẵn sàng theo học ngành đó ở mức cao đẳng hay trung học chuyên nghiệp. Nay mọi hoạt động như thế hóa ra công cốc. Chưa bao giờ có sự nháo nhào chuyển ngành, chuyển trường lộn xộn như năm nay.

Cái dở của cách tuyển sinh năm nay không phải là sự khó nhọc của phụ huynh hay tâm lý căng thẳng của thí sinh - chuyện đó rồi sẽ qua. Cái dở nhất là tâm lý “luồn lách” bằng mọi cách để vào bằng được trường đại học các em mong muốn.

Mong muốn đó không có gì là xấu cả, nhưng nếu cách tuyển chọn đừng đẩy các em phải so đo, tính toán, kể cả dìm hồ sơ đợi đến phút chót mới nộp thì sẽ hay hơn nhiều, sẽ đúng với tâm lý lứa tuổi của các em hơn nhiều.

Nhìn từ phía nhà trường, mọi nỗ lực chọn đúng sinh viên tương lai có đam mê ngành nghề được đào tạo cũng bị vô hiệu hóa. Các trường đại học danh tiếng trên thế giới thường đổ công sức nhiều vào việc tuyển sinh hòng chọn đúng các sinh viên tương lai phù hợp nhất cho mình.

Bằng không đã không có các cuộc triển lãm giáo dục, các buổi thuyết trình về trường. Các trường đại học ở VN bước đầu cũng đã có những hoạt động theo hướng đó.

Nhưng phương cách tuyển sinh năm nay đang triệt tiêu tác động tốt của việc quảng bá này - chỉ còn lại cuộc đua đầy may rủi, dùng đòn cân não để tự sàng lọc nhau, chen nhau vào hay chen nhau rút ra!

Rồi đây mọi chuyện cũng sẽ kết thúc “tốt đẹp” hiểu theo nghĩa các trường sẽ tuyển được đúng con số chỉ tiêu mong muốn.

Nhưng liệu cái đọng lại là gì: có thể đa số các em vẫn chọn đúng ngành nghề và trường mình yêu thích. Có thể đa số các em “hài lòng” vì chiếm được một chỗ ở trường tốt hoàn toàn nhờ vào công sức “nộp vào và rút ra” trong mấy tuần qua.

Nhưng chỉ cần một tỉ lệ không nhỏ các em buồn bã, hoang mang, lòng dạ rối bời vì tuy được tuyển nhưng tuyển theo kiểu chẳng đặng đừng, không ham mê ngành đã chọn, nuối tiếc ngành mình rút ra thì chừng đó cũng đã là điều Bộ GD-ĐT phải tự nhìn lại mình.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận