Người Mỹ gốc Á: Bi kịch của thiểu số kiểu mẫu

THI-BAY MIRADOLI 28/03/2021 20:00 GMT+7

TTCT - Từ bôi xóa lịch sử tới sát nhân, người gốc Á ở Mỹ đã là nạn nhân của một quá khứ nhiều đau thương, và đang phải đối mặt với một hiện tại đầy bất trắc.

Hôm 16-3, Robert A. Long nổ súng vào các nhân viên tiệm matxa ở Atlanta. Hắn giết chết 8 người và làm 1 người bị thương. 6 trong đó là người Á, 7 là phụ nữ.

Hầu hết nạn nhân nhiều khả năng tới đất nước này tìm kiếm sự an toàn và một cuộc sống tốt đẹp hơn, và lao động cật lực để đổi lấy giấc mơ đó. Họ đã rời bỏ cuộc đời trong bi kịch, nhưng câu chuyện về họ đã được đóng khuôn cho hợp với lời kể của những kẻ đàn áp. 

Tương lai nhọc nhằn lắm mới có được của những người đã khuất bị xóa sổ để xoa dịu cảm giác tội lỗi của một hệ thống nhân tính hóa những gì gây kinh hoàng, trong khi lại phi nhân tính hóa những ai bị coi là “kẻ khác”, như thể họ không tồn tại trong tập hợp loài người.

Để đổi lấy sự vô hình

Chỉ mất 45 phút của sự thù hận và chủ nghĩa ưu sinh da trắng cùng tư tưởng bài phụ nữ đã được bình thường hóa để tước đi 8 sinh mạng, khiến 8 gia đình mất đi người thân yêu, và nhắc nhở cho nhiều cộng đồng nhận ra rằng “Giấc mơ Mỹ” thực sự tùy theo màu sắc.

 
 Ảnh: voicesofyouth.org

 

 Đó là một bức tranh được vẽ trên một tấm toan màu trắng của những kẻ áp bức, và màu đỏ là những nhát cọ máu của những người mơ giấc mơ Mỹ của kẻ bị loại trừ.

Jiayang Fan viết trên tờ New Yorker: “Là người Mỹ gốc Á sống qua giai đoạn này đồng nghĩa với kẹt trong một bi kịch Mỹ và bị chối bỏ tính chính danh của tư cách người Mỹ”. Tôi tự nhủ một đứa trẻ ở đất nước này sẽ đáp lại câu hỏi “cháu từ đâu tới?” ra sao khi quốc gia duy nhất mà đứa trẻ đó biết là Mỹ, nhưng câu trả lời đó lại bị coi là sai.

Vì một số người Mỹ không hiểu rằng một người có thể vừa là người Á, vừa là người Mỹ, nhiều người Mỹ gốc Á cũng đã phải chấp nhận khế ước vô hình đó. 

Nhưng lời dối trá ti tiện về một cộng đồng thiểu số kiểu mẫu gắn với những kẻ áp bức chỉ đủ để đổi lấy sự vô hình, sự rón rén tránh mặt những kẻ áp bức họ, và khéo léo gánh lấy gánh nặng quá sức áp lên họ từ một hệ thống rốt cuộc vẫn chỉ coi họ là kẻ khác, vẫn xóa sổ và giết chóc họ như thường.

Không phải ngẫu nhiên mà từ khi đại dịch tới giờ, Liên đoàn Chống phỉ báng Hoa Kỳ đã tập hợp một danh sách dài những vụ thù hận nhắm vào người Á, bao gồm việc phá phách, cướp bóc tài sản và cơ sở kinh doanh của họ, cũng như những vụ quấy rối và bạo lực nhắm vào họ.

Cũng trong quãng thời gian đó, tổ chức Stop AAPI Hate (Chấm dứt thù hận với người Mỹ gốc châu Á-Thái Bình Dương) đã nhận được hơn 3.800 báo cáo về các sự cố tấn công người gốc Á, cả bằng lời lẽ lẫn động chân tay.

Theo Trung tâm nghiên cứu tâm lý thù hận và cực đoan của Đại học California, San Bernardino, các sở cảnh sát trên toàn quốc báo cáo 122 vụ thù hận nhắm vào người Á trong năm 2020, so với 49 năm 2019. 

Diễn viên Daniel Dae Kim đã phát biểu trước Quốc hội sau hai vụ sát hại Vicha Ratanapakdee (84 tuổi) và Pak Ho (75), vụ Noel Quintana (61) bị chém rách mặt, rồi một phụ nữ 89 tuổi bị châm lửa đốt, và vụ nhạc sĩ jazz và giáo sư đại học Tadataka Unno bị đánh đến tàn tật.

Jiayang Fan của New Yorker mô tả làn sóng tội ác nhắm vào người Á này “không phải là sự điên loạn nhất thời, mà là những gì tích tụ lại từ sự bất bình đẳng có tính hệ thống và văn hóa, được khuếch đại bởi đại dịch - một thảm trạng toàn cầu mà người châu Á khắp thế giới bị quy kết là tội đồ”.

Một lịch sử không hề ngắn

Phân biệt chủng tộc nhắm vào người gốc Á không có gì mới ở Mỹ. Jeff Chang đã lần lại lịch sử này rõ ràng trên The Washington Post. Ngay từ những năm 1700, người Pháp ở Mỹ lúc đó đã định hình những định kiến phân biệt chủng tộc với người Hoa là dân chuyên đi truyền bệnh.

 
 Người Mỹ gốc Nhật bị đưa vào trại tập trung trong Thế chiến II. Ảnh: NPR

Định kiến tiếp tục khi những người Á di cư đầu tiên tới Mỹ, chủ yếu là dân tị nạn trốn chạy khỏi một đất nước Trung Quốc hỗn loạn vì cuộc chiến tranh nha phiến do đế quốc Anh gây ra. Năm 1871, 17 người Hoa, bao gồm cả trẻ em, bị hành hình không xét xử ở Los Angeles, một trong những vụ hành hình lớn nhất lịch sử nước Mỹ.

Trong thời đào vàng, công nhân người Hoa bị quấy rối và đối xử tàn tệ, bao gồm vụ đốt hàng chục khu phố Tàu năm 1886 và một sắc thuế đào vàng chỉ đánh lên người Hoa.

 Năm 1875, một đạo luật cấm phụ nữ người Hoa vào Mỹ với giải thích họ chỉ sang Mỹ làm gái điếm, rồi sau đó là Đạo luật loại trừ người Hoa 1882. Cũng giai đoạn này, những nhóm gốc Á khác, như người Ấn, bị làm khó dễ mọi cách không cho vào Mỹ.

Với Đạo luật nhập cư 1924, tới lượt người Nhật. Người Mỹ gốc Philippines bị tấn công, còn người gốc Nhật bị đưa vào trại tập trung trong Thế chiến II, và người tị nạn Việt Nam bị quấy rối.

Năm 1982, Vincent Chu, một người Hoa bị lầm là người Nhật, bị hai công nhân nhà máy xe hơi sát hại vì các luận điệu chống Nhật thời bấy giờ. Năm 1989, ở một trường có nhiều học trò người Việt Nam và Campuchia tại Stockton, California, một kẻ xả súng đã giết chết 5 trẻ em và làm 32 trẻ bị thương.

Năm 2012, 6 người Mỹ gốc Ấn theo đạo Sikh bị một tay súng sát hại trong một giáo đường ở Oak Creek, Wisconsin.

Một bài báo trên The Nation 19-3 giải thích tại sao sự phi nhân tính người Á trong lịch sử góp phần biện minh cho những hoạt động quân sự hung hăng của Mỹ ở vùng này. 

 Công nhân đường sắt người Hoa ở Utah thời đầu thế kỷ 20. Ảnh: ucsd.edu

 

Tư tưởng “thánh hóa” những di sản chiến tranh kinh hoàng như các vụ thảm sát, tình trạng ly tán của người tị nạn, thả bom nguyên tử xuống Nhật Bản, thử bom nguyên tử ở Guam và quần đảo Marshall, rải chất độc da cam và bom napalm ở Việt Nam, Lào và Triều Tiên, rồi những trừng phạt kinh tế… đều góp phần vào tâm lý bài Á trong nước.

"Ý tưởng thiểu số kiểu mẫu đấy kể một câu chuyện thành công, nhưng thực ra cũng ngầm định những người thành công gắn với một xã hội da trắng áp đảo”.

Kể một câu chuyện khác

Dẫu vậy, người gốc Á ở Mỹ trước giờ vẫn được tiếng là “thiểu số kiểu mẫu”, một nhóm mà “các cộng đồng thiểu số khác cần noi gương”. Không sai, về mặt thống kê, một tỉ lệ lớn hơn những cộng đồng gốc Á quả thực thành công hơn. 

Tuy nhiên, người Mỹ gốc Á là một định nghĩa quá mơ hồ với một cộng đồng hết sức đa dạng về thành phần xuất thân, sắc tộc, ngôn ngữ, tôn giáo và địa vị kinh tế - xã hội. Song song với những nhóm thành công, không ít cộng đồng hết sức nghèo khó và bị gạt ra bên lề.

Ý tưởng thiểu số kiểu mẫu đấy kể một câu chuyện thành công, nhưng thực ra cũng ngầm định những người thành công gắn với một xã hội da trắng áp đảo. 

Trên thực tế, người Á ở Mỹ khác biệt nhau rất nhiều, và cũng được/bị đối xử khác nhau. Người tị nạn khác dân di cư. Một số người di cư được lựa chọn những con đường thuận lợi, qua chương trình thị thực cho người có tay nghề cao, đầu tư định cư, hay xổ số thị thực… trong khi người tị nạn về cơ bản sẽ thuộc nhóm bị loại trừ.

Những con đường tới vị thế công dân hợp pháp, qua đó là sự tiếp cận các dịch vụ công, cũng rất khác biệt. Đó là chưa kể họ phải cạnh tranh với những cộng đồng thiểu số khác, như người Mỹ gốc Latin, gốc Phi, hay người châu Mỹ bản địa.

Ý tưởng thiểu số kiểu mẫu hầu như không đếm xỉa tới những điều đó. Nó về cơ bản nói rằng nếu người gốc Á đã nỗ lực và hi sinh nhưng vẫn thất bại, thì đó là do lỗi của họ. Nó nói rằng không hề có sự phân biệt chủng tộc (nên mới có “thiểu số người Á thành công”). Nó viết lại lịch sử. Nó đổ lỗi cho những người bị áp bức.

Người châu Á lên tiếng: Chúng tôi không phải là virus. Ảnh: Axios

 

Nhưng ngay cả với những người gốc Á đã tiến xa ở Mỹ, năm vừa qua chứng minh rằng riêng thành công kinh tế và chính trị không đủ để loại trừ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. 

2020 là một năm khác thường với người Á trong nền chính trị Mỹ: Andrew Yang là ứng viên tổng thống gốc Á đầu tiên, trong khi Kamala Harris là phó tổng thống nữ và gốc Á đầu tiên. 

Nhưng những kỷ lục mới không bảo vệ được cộng đồng gốc Á khỏi sự quấy rối, bạo lực, và cả sát nhân vì chủng tộc. Sự thù địch nhắm vào họ tăng lên bất chấp (hay chính bởi vì?) thành công của họ.

Thay lời kết, tôi muốn nhắc đến Nguyễn Việt Thanh, tác giả người Mỹ gốc Việt, giáo sư văn chương và chủ nhân giải Pulitzer, người từng lên án những cốt truyện lấy người da trắng làm trung tâm trong lịch sử nước Mỹ, bao gồm phiên bản lịch sử đang được dạy xuyên suốt hệ thống giáo dục phổ thông hiện giờ.

Ông mô tả một “phiên bản lịch sử áp đảo ở Mỹ loại trừ, gạt ra bên lề, và xóa sổ người Mỹ gốc Á, điều ắt dẫn tới việc sát hại họ”, và hối thúc mọi người, nhất là người gốc Á, hãy thay đổi cốt truyện đấy, bằng cách kể những câu chuyện với các nhân vật chính phải đại diện tốt nhất cho sự đa dạng của nước Mỹ.

Những ai viết ra quá khứ kiểm soát tương lai. Trưởng thành ở Ý, tôi không được học nhiều về Việt Nam. Khi đã chuyển sang Mỹ sinh sống, em trai tôi thậm chí còn biết về Việt Nam ít hơn. 

Chúng ta là ai nếu không phải là câu chuyện của chúng ta, văn hóa, gia đình và những truyền thống xa xưa của chúng ta? Chúng ta chính là hành trình tạo thành chính mình, là sức mạnh làm nên chúng ta và là những giấc mơ định nghĩa chúng ta. 

Tôi sống trong hợp lưu văn hóa Việt Nam, Ý, và Mỹ. Trong tôi có cả kẻ đàn áp và người bị đàn áp. Tôi nhìn giống người Mỹ hơn gia đình châu Á và những người thân yêu của tôi, cả ở Mỹ và châu Á, nhưng giọng điệu của tôi đỡ Mỹ hơn những người sinh ra và lớn lên ở Hoa Kỳ. 

Những tiếng nói khác nhau trong tâm tưởng tôi đã cho tôi thấy tiếng nói của những người bị áp bức là mạnh mẽ nhất, kiên định nhất, viễn kiến nhất. Tiếng nói đó có thể bị bắt im lặng, nhưng di sản của nó sẽ lớn lao hơn ngay cả những tiếng nói hận thù lớn nhất.

C.VĂN (chuyển ngữ)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận