Những lựa chọn không dễ

ĐNH TUẤN MINH 06/10/2013 04:10 GMT+7

TTCT - Xuyên suốt những tranh luận đa chiều tại Diễn đàn kinh tế mùa thu (Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức), viễn cảnh kinh tế Việt Nam được vẽ ra về cơ bản không có nhiều lạc quan.

Phóng to
Dự án đường vành đai 2 Ngã Tư Sở - Cầu Giấy - một trong những dự án đầu tư xây dựng cơ bản bị đình hoãn trong giai đoạn 2013-2015 của TP Hà Nội

Tăng trưởng GDP chín tháng đầu năm 2013 ước đạt khoảng 5,14%. Với mức tăng này thì khả năng đạt kế hoạch tăng trưởng GDP 5,5% cho cả năm hầu như là không thể, đặc biệt khi tổng đầu tư xã hội đã bị giảm sút xuống mức 28,5% (năm 2012) từ mức 36,4% (năm 2011).

Tiến độ các chương trình tái cơ cấu nền kinh tế diễn ra chậm chạp, phản ánh qua số liệu về tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng vẫn ở mức thấp, tính đến ngày 20-9-2013 chỉ ở mức 6,05% so với tháng 12-2012, tức chỉ bằng một nửa kế hoạch cả năm.

Nhìn chung, các chuyên gia kinh tế và giới làm chính sách đều đồng thuận trong việc phải tiếp tục duy trì ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát ở mức 6-7%/năm và coi đây là thành quả lớn nhất trong hai năm vừa qua. Câu hỏi mấu chốt mà họ đặt ra là làm thế nào để phục hồi được tăng trưởng trong khi vẫn đảm bảo được ổn định vĩ mô?

Kích cầu...

Có thể thấy các lý do để không theo đuổi chính sách trọng cung và ngả sang chính sách kích cầu chủ yếu bởi việc theo đuổi chính sách trọng cung đòi hỏi phía Nhà nước phải hi sinh nhiều quá. Nó đòi hỏi Chính phủ phải thừa nhận nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ của nền kinh tế đến từ phía mình: bộ máy công quyền quá cồng kềnh và kém hiệu quả, khu vực DNNN quá lớn và hoạt động kém hiệu quả, tồn tại các vấn đề về nhóm lợi ích cản trở việc thực hiện các chương trình tái cơ cấu nền kinh tế...

Có hai luồng quan điểm cho vấn đề này. Luồng quan điểm thứ nhất hướng về phía kích thích tổng cầu với lập luận để đáp ứng đòi hỏi ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã thắt chặt cung tiền và tài khóa thái quá. Vì thế, chính sách này đã làm cầu của xã hội bị giảm đột ngột, khiến doanh nghiệp không thể bán được hàng. Và đây được coi là nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ hàng tồn kho tăng, doanh nghiệp bị phá sản, đóng cửa, hoặc không mặn mà đầu tư dù lãi suất hạ.

Lập luận này thật ra khá phiến diện. Thứ nhất, chính sách cung tiền chỉ thật sự thắt chặt trong năm 2011. Tốc độ tăng trưởng cung tiền đã giảm mạnh từ mức 33,3% (năm 2010) xuống mức 9,16% (năm 2011). Nhưng rõ ràng đây là một chính sách cần thiết để hạ nhiệt lạm phát nền kinh tế từ mức 23,02% (vào tháng 8-2011) xuống mức 6,81% (vào cuối năm 2012).

Trong năm 2012, tốc độ tăng trưởng cung tiền đã tăng lên mức 22,4%, cao hơn đáng kể so với mức kế hoạch 14-16%. Còn trong tám tháng đầu năm 2013, chỉ số này đã đạt mức 9,16%, báo hiệu cả năm sẽ ở mức xấp xỉ năm 2012. Điều này cho thấy chính sách tiền tệ năm 2012 và năm 2013 đã có chiều hướng nới lỏng trở lại thay vì thắt chặt.

Chính sách tài khóa cũng không hẳn đã thắt chặt quá mạnh. Chi cân đối ngân sách nhà nước năm 2011 và 2012 vẫn ở mức tương ứng là 27,8% và 28,8% GDP, chỉ thấp hơn một chút so với năm 2009 (30,6% GDP) và 2010 (29,6% GDP) nhưng về cơ bản vẫn tương đương hoặc cao hơn các năm khác trước đó. Lo lắng nhất có lẽ là tỉ lệ sụt giảm đầu tư công.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy đầu tư từ khu vực nhà nước đã giảm từ mức 16,2% GDP năm 2010 còn 13,5% GDP năm 2011 và khoảng 11% GDP năm 2012. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mức sụt giảm chủ yếu đến từ sụt giảm đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chứ không phải từ ngân sách.

Đầu tư từ ngân sách chỉ giảm nhẹ từ mức 7,3% GDP (năm 2010) xuống mức 7% GDP (năm 2011) và xuống 6% (năm 2012). Trong khi đó đầu tư từ khu vực DNNN đã giảm mạnh từ mức 3% GDP (năm 2010) còn 1,95% (năm 2011) và có thể xuống thấp hơn nữa trong năm 2012.

Như vậy có thể thấy chính sách tiền tệ và tài khóa trong thời gian vừa qua không hề quá thắt chặt. Vấn đề giảm tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP chủ yếu đến từ khu vực doanh nghiệp chứ không phải từ cắt giảm đầu tư từ nguồn ngân sách. Tương tự, sự sụt giảm cầu tiêu dùng của nền kinh tế chủ yếu đến từ khu vực người dân chứ không phải từ khu vực nhà nước.

Điều này hàm ý rằng nếu Chính phủ tập trung vào kích cầu thông qua chi tiêu chính phủ thì sẽ có thể khiến tình trạng ổn định vĩ mô tạm thời của nền kinh tế đạt được trong thời gian vừa qua bị lung lay. Trong tình trạng cán cân ngân sách bị thâm hụt triền miên như hiện tại, việc phát hành thêm trái phiếu để tăng chi tiêu sẽ khiến mức nợ công của Chính phủ tăng cao.

Với tình trạng nguồn vốn trong nền kinh tế khan hiếm, việc phát hành thêm một lượng trái phiếu lớn nữa sẽ khiến mặt bằng lãi suất cho vay của nền kinh tế tiếp tục bị duy trì ở mức cao, không kích thích được tư nhân đầu tư. Và lạm phát có nguy cơ tăng cao trở lại nếu như Nhà nước thực hiện việc giải ngân đầu tư dồn dập vào giai đoạn cuối năm.

...hay trọng cung?

Luồng quan điểm thứ hai hướng về cải thiện tổng cung. Mấu chốt của chính sách trọng cung là giảm thuế, thu hẹp khu vực kinh tế nhà nước và dỡ bỏ các rào cản thị trường để kích thích khu vực kinh tế tư nhân tăng đầu tư. Chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 22% được Quốc hội thông qua và sẽ được áp dụng từ 1-1-2014 có thể coi là một phần của chính sách trọng cung.

Tuy nhiên, việc theo đuổi chính sách trọng cung gặp khá nhiều trở ngại bởi nó đòi hỏi Chính phủ phải giảm quy mô chi tiêu thường xuyên của ngân sách nhà nước và giảm quy mô khu vực DNNN. Việc bán cổ phần tại các DNNN, đặc biệt là các doanh nghiệp vẫn làm ăn tốt, có thể sẽ giúp Chính phủ có được một khoản ngân sách nhất định để chi tiêu và thực hiện các chương trình tái cơ cấu trong khi vẫn có thể theo đuổi chính sách giảm thuế.

Đây là hai vấn đề rất khó vượt qua trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay. Bởi quỹ lương chiếm tới một nửa chi tiêu thường xuyên nên yêu cầu giảm chi tiêu thường xuyên đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải tinh giảm biên chế hoặc cắt giảm chi lương hưu và phúc lợi xã hội. Cả hai phương án này chắc chắn đều chịu sự chống đối mạnh mẽ từ các bên thụ hưởng.

Giảm quy mô khu vực DNNN cũng không hề dễ dàng. Về mặt nguyên lý, nó đụng chạm tới chủ thuyết phát triển kinh tế của Việt Nam theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo đó, khu vực kinh tế nhà nước cần đóng vai trò chủ đạo. Các cơ quan chủ quản từ cấp trung ương tới địa phương đều muốn duy trì khu vực DNNN với quy mô đủ lớn để có thể duy trì được quyền lực kinh tế của mình.

Bên cạnh hai trở ngại trên, chính sách trọng cung còn luôn bị quan ngại ở chỗ năng suất của nền kinh tế sẽ chưa thể cải thiện được ngay do quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đòi hỏi thời gian. Điều này khiến nền kinh tế sẽ không thể tăng trưởng nhanh được. Sự cải thiện năng suất chậm có thể sẽ khiến Chính phủ nản lòng trong việc theo đuổi chính sách và dễ bẻ lái sang chính sách kích cầu khi không chịu đựng được áp lực từ các nhóm lợi ích.

Có thể thấy các lý do để không theo đuổi chính sách trọng cung và ngả sang chính sách kích cầu chủ yếu bởi việc theo đuổi chính sách trọng cung đòi hỏi phía Nhà nước phải hi sinh nhiều quá. Nó đòi hỏi Chính phủ phải thừa nhận nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ của nền kinh tế đến từ phía mình: bộ máy công quyền quá cồng kềnh và kém hiệu quả, khu vực DNNN quá lớn và hoạt động kém hiệu quả, tồn tại các vấn đề về nhóm lợi ích cản trở việc thực hiện các chương trình tái cơ cấu nền kinh tế...

Không những thế, nó còn đòi hỏi Chính phủ phải đủ mạnh để theo đuổi chính sách này trong thời gian đủ dài để nhìn thấy kết quả. Tất cả đều là liều thuốc đắng mà không dễ ai cũng có thể chấp nhận.

Lựa chọn chính sách?

Có thể thấy cả hai luồng quan điểm kích thích tổng cầu và cải thiện tổng cung đều nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng tổng vốn đầu tư toàn xã hội để giúp nền kinh tế phục hồi tăng trưởng. Tuy nhiên, sự khác biệt của hai luồng quan điểm này là ở chỗ nguồn vốn đầu tư đến từ đâu.

Trong khi chính sách kích thích tổng cầu nhấn mạnh đến việc chi tiêu từ khu vực nhà nước để làm đòn bẩy tăng đầu tư từ khu vực tư nhân, chính sách cải thiện tổng cung có quan điểm ngược lại: cần phải thu hẹp chi tiêu từ khu vực nhà nước, đặc biệt từ khu vực DNNN, để giúp tư nhân phát triển.

Có thể nói đến thời điểm này, xu hướng chính sách nghiêng về phía kích cầu có vẻ đã trở nên mạnh hơn sau hơn một năm ngả nhiều hơn sang phía trọng cung. Chính phủ đã chính thức xác nhận việc đề nghị Quốc hội thông qua việc nới trần bội chi ngân sách từ mức 4,8% GDP lên mức 5,3% GDP. Nguồn bù đắp phần bội chi tăng thêm sẽ từ việc phát hành trái phiếu chính phủ và dự định sử dụng để tăng đầu tư công.

Việc phát hành trái phiếu và chấp nhận tăng bội chi ngân sách là một lựa chọn dễ. Khi nguồn vốn có được từ phát hành trái phiếu này dùng để đầu tư phát triển thì có những dự liệu rằng nó sẽ chạy qua “tiếp máu” cho khu vực DNNN.

Có thể trong năm 2014 chúng ta sẽ lại thấy khu vực DNNN có những cải thiện kinh doanh, nhưng như vậy làm thế nào để khu vực doanh nghiệp tư nhân không tiếp tục phải vay ngân hàng với lãi suất cao, thu hút vốn đầu tư từ trong dân cũng như từ khu vực nước ngoài để mở rộng sản xuất?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận