Những thách thức của nội các Biden

ANH NGUYỄN 02/01/2021 00:05 GMT+7

TTCT - Năm 2009, ở tuổi 66, ông Joe Biden là thành viên già nhất trong nội các thứ nhất của Tổng thống Barack Obama. 12 năm sau, ít nhất 5 ứng viên nội các của ông còn cao hơn tuổi này. Ứng viên bộ trưởng tài chính Janet Yellen sẽ là người cao tuổi nhất nội các khi đã 74 tuổi - vậy mà bà vẫn trẻ hơn tổng thống tân cử tới 4 tuổi.

Sẽ có 10 phụ nữ trong nội các Biden, bao gồm Phó tổng thống Kamala Harris.-Ảnh: Five Thirty Eight

Đây sẽ là đội hình già, dù có Pete Buttigieg ở tuổi 38 - ứng viên bộ trưởng giao thông. Chỉ có 4/20 ứng viên nội các dưới 50 tuổi: Buttigieg, Jake Sullivan cho vị trí cố vấn an ninh quốc gia, Katherine Tai - đại diện thương mại và Michael Regan - lãnh đạo cơ quan bảo vệ môi trường EPA. Ở góc ngược lại, đây là đội hình có kinh nghiệm và từng cùng ông Biden đi qua nhiều trận chiến.

Vấn đề lớn của nội các Biden và của chung Đảng Dân chủ chính là xây dựng đội ngũ kế cận. Không chỉ nội các, toàn bộ lớp lãnh đạo phe Dân chủ hiện đều đã cao tuổi. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi 80 tuổi, lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Chuck Schumer hiện đã 70. Còn ông Biden sẽ là tổng thống già nhất lịch sử Mỹ khi nhậm chức ở tuổi 78.

Obama 2.0

Quá trình tranh cử, ông Biden luôn nói mình là “ứng viên chuyển tiếp”, giúp phát triển tầng lớp trẻ, mới của phe Dân chủ, nhưng nội các của ông chưa thể hiện thông điệp đó. Ở mặt nào đấy, đội ngũ hiện tại giống như phiên bản mới với các thành viên cũ của nội các Obama. 

Rất ít những nhân vật mới, như điều thường thấy ở các tân tổng thống, nội các của Biden gồm những người chẳng khác gì đang làm nhiệm kỳ thứ 2, thậm chí là thứ 3.

Hầu hết họ từng làm việc với ông Biden trong thời Obama - thậm chí một số trở về với vị trí cũ, như Tom Vilsack, người từng làm bộ trưởng nông nghiệp 8 năm thời Obama, giờ lại về đúng vị trí này. Một số khác được nâng chức: Alejandro Mayorkas từng là thứ trưởng an ninh nội địa thời Obama và giờ được đề cử làm bộ trưởng.

Với COVID-19 đang hoành hành, Biden và nội các tiếp quản một đất nước với đầy rẫy thách thức về kinh tế, đối ngoại và các vấn đề y tế. 

Trong bối cảnh này, đồng minh của ông có thể biện hộ rằng ông cần lựa chọn những nhà kỹ trị giàu kinh nghiệm và biết cách lèo lái hệ thống. Nhưng rủi ro là người cũ sẽ chỉ đưa ra những ý tưởng cũ thay vì những cách thức quản trị mới thực sự đột phá và khác thường, trong tình hình khác thường hiện giờ ở Mỹ.

Ông Biden cam kết một nội các đa dạng nhất trong lịch sử và có vẻ trên góc này thì ông đạt mục tiêu. Ít nhất 10 vị trí nội các của ông đưa ra là phụ nữ và 11 trong số này là người da màu. 

Nếu được phê chuẩn, nội các của ông sẽ có bộ trưởng tài chính nữ đầu tiên trong lịch sử (bà Yellen), thành viên đồng tính công khai đầu tiên (Buttigieg), người Latin nhập cư đầu tiên làm bộ trưởng an ninh nội địa (Mayorkas) và bộ trưởng người thổ dân châu Mỹ đầu tiên (Deb Haaland sẽ là bộ trưởng nội vụ).

Cùng lúc, các lựa chọn của ông Biden dẫn tới những tranh cãi gay gắt trong nội bộ Đảng Dân chủ, theo The New York Times

Ông lựa chọn tướng Lloyd Austin cho vị trí bộ trưởng quốc phòng - người da đen đầu tiên đứng đầu Lầu Năm Góc - khiến nhiều phụ nữ trong lĩnh vực an ninh quốc gia rất bực tức khi cựu thứ trưởng Michèle Flournoy bị bỏ qua. 

Các nghị sĩ gốc Mỹ Latin thì muốn ít nhất hai bộ trưởng nữ gốc Latin cho các vị trí quan trọng, nhóm nghị sĩ người Mỹ gốc Á - Thái Bình Dương cũng muốn có thêm đại diện. Các nhóm dân sự thì muốn ông Biden lựa chọn một bộ trưởng tư pháp da đen với kinh nghiệm về các vấn đề quyền bỏ phiếu và hình sự.

Các trận chiến nội bộ này mới là màn dạo đầu cho những gì ông Biden sẽ phải đối mặt khi cố gắng thống nhất một đảng ngày càng chia rẽ và đa đạng, đặc biệt bởi sức ép từ các nhóm cấp tiến và trẻ.

Những lựa chọn thực dụng

Về căn bản, lựa chọn nhân sự của ông Biden cho tới giờ thiên về hướng thực dụng, trung dung và những gương mặt quen thuộc. Đây là những gì ông cam kết, nhưng phe cấp tiến và cánh tả trong đảng thì hi vọng nhiều hơn thế. 

Đội hình kinh tế và môi trường của ông được coi là trung tả. Đội hình đối ngoại thì thuần là nhóm chủ lưu truyền thống phe Dân chủ. Các cố vấn chủ chốt Nhà Trắng cũng đều là những người lâu năm ở Washington. 

Điều này phù hợp với thông điệp ông đưa ra trong vận động sơ bộ: ông không phải nhân vật cấp tiến kiểu Bernie Sanders hay Elizabeth Warren, nhưng cũng không phải sản phẩm từ Phố Wall kiểu tỉ phú Michael Bloomberg (người chuyển từ phe Cộng hòa sang để chống Trump).

Nội các thời Obama có những nhân vật có ảnh hưởng lớn kiểu ngoại trưởng Hillary Clinton hay Robert M. Gates, bộ trưởng quốc phòng từ chính quyền George W. Bush. Nội các của ông Biden tới nay không có các ngôi sao kiểu vậy. 

Các ứng viên đa phần là những người đã có nhiều thập kỷ kinh nghiệm chính sách, quản lý nhà nước, và các tương tác hậu trường. Đây cũng là cam kết của ông Biden về việc trở lại với một chính phủ hiệu quả - nền tảng sau 4 năm điều hành hỗn loạn của ông Trump.

Các lựa chọn của ông tới giờ mới chỉ thừa nhận rằng phong trào cấp tiến của Đảng Dân chủ giúp ông Biden thắng cử. Sự thừa nhận đơn thuần này khiến nhóm thiên tả trong phe Dân chủ khó chịu khi cho rằng chính quyền mới bị chi phối bởi cách suy nghĩ cũ, không đủ để đối phó với một xã hội hậu Trump đang lan tràn những chia rẽ sắc tộc, bất bình đẳng kinh tế và sự chống đối quyết liệt từ phe Cộng hòa cố cựu.

Hiện cũng không có ai trong nội các Biden theo đuổi các chính sách ông từng vận động lúc chạy đua tranh cử, bao gồm miễn phí đại học cho tất cả mọi người, một thỏa thuận lớn về môi trường, chính sách chống Phố Wall, bảo hiểm toàn dân, và tăng mức lương cơ bản.

Faiz Shakir, giám đốc chiến dịch tranh cử của Sanders, nói mối nguy hiểm là ông Biden không chú ý đủ tới những khó khăn của tầng lớp lao động, những người mà tài sản đã giảm đi nhiều sau chính sách của nhiều đời tổng thống trước. 

Ông nói việc quay trở lại với các chính sách cũ của Đảng Dân chủ sẽ là không đủ. “Một thứ bạn muốn phá vỡ là cách nghĩ cũ của tầng lớp trên trong phe Dân chủ về chính trị và chính sách, khuyến khích họ cần mạnh dạn hơn với chính sách của mình - ông Shakir nói - Và giờ chúng ta dựa vào rất nhiều những người có bản năng (chính sách) được rèn giũa trong một kỷ nguyên chính trị khác”.

Varshini Prakash, giám đốc điều hành và là người sáng lập của phong trào Sunrise, nhóm cấp tiến tập trung vào các vấn đề biến đổi khí hậu, ca ngợi sự lựa chọn của ông về vấn đề môi trường, nhưng cho rằng cần có thêm nhiều người trẻ tham gia nội các. 

“Nhìn chung đó vẫn là một nhóm đàn ông già, da trắng - cô nói - Chúng ta sẽ không thể nào tạo ra tầng lớp lãnh đạo mới cho vài thập kỷ tới nếu tiếp tục đề cử những người đã ngoài 60-70 tuổi và đã phục vụ qua vài chính quyền rồi”.

Tổng thống vẫn là quan trọng nhất

Theo The New York Times, sẽ khó đoán định chính sách nội các chỉ dựa vào những chỉ định nhân sự đề cử. Bất kể góc nhìn của từng bộ trưởng là thế nào, đường hướng khi nhậm chức của họ sẽ phụ thuộc nhiều vào chiến lược và cam kết của tân tổng thống. 

Giống các tổng thống trước, ông Biden thể hiện rõ ý muốn kiểm soát quá trình xây dựng chính sách từ Nhà Trắng và có một loạt những người thân tín và từng có nhiều năm làm việc với ông ở các vị trí quan trọng.

Ron Klain, chánh văn phòng Nhà Trắng sắp tới và là trợ lý lâu năm của ông Biden, là người có ảnh hưởng và kinh nghiệm đủ để đối phó với các bộ trưởng trong những tranh luận phức tạp, khó khăn.

Susan Rice, cựu cố vấn an ninh quốc gia thời Obama, sẽ theo dõi các chính sách đối nội. Ông Biden lựa chọn bà Rice không phải vì kinh nghiệm (thế mạnh của bà là an ninh và đối ngoại), mà vì khả năng dàn xếp các nhóm lợi ích khác nhau trong hệ thống chính quyền.

 

Ông Biden đã nói giải quyết thách thức từ biến đổi khí hậu là một trong bốn ưu tiên của ông, bên cạnh COVID-19, phục hồi kinh tế, và thúc đẩy công bằng sắc tộc. Nhưng đạt được những thay đổi lớn như vậy sẽ không dễ nếu phe Dân chủ thất bại trong cuộc bầu bổ sung hai ghế Thượng viện ở Georgia vào ngày 5-1 tới. 

Phe Cộng hòa chỉ cần thắng một ghế là giữ được đa số ở Thượng viện và sẽ chặn phần lớn chính sách của Biden. Cuộc đua đã thu hút được sự đầu tư lớn của hai đảng và tới giờ cả hai ứng viên của phe Dân chủ đều đã gây quỹ được hơn 100 triệu USD (Jon Ossoff ở tuổi 33 trở thành ứng viên thượng nghị sĩ gây quỹ kỷ lục trong lịch sử với 106,7 triệu USD).

Trận chiến căng thẳng khi tòa liên bang hôm 28-12 đã ra lệnh cho hai hạt ở bang hủy quyết định loại hơn 4.000 cử tri ra khỏi danh sách bỏ phiếu (quyết định có lợi cho phe Dân chủ).

Kể cả phe Dân chủ thắng, lằn ranh mong manh ở cả lưỡng viện sẽ khiến Quốc hội khó có thể thông qua các chính sách mạnh dạn và tốn kém. Tom Ridge, cựu thống đốc ở Pennsylvania và từng làm bộ trưởng an ninh nội địa thời George W. Bush, nói: “Tôi chưa thấy một tổng thống thời hiện đại nào khi nhậm chức lại đối mặt với một loạt thách thức như chính quyền này”.

Ray LaHood, thành viên Đảng Cộng hòa từng làm bộ trưởng giao thông thời ông Obama, nói thông điệp này cũng thể hiện trong việc ông Biden lựa chọn cựu ngoại trưởng John Kerry và Gina McCarthy, người từng điều hành EPA, phụ trách các vấn đề về biến đổi khí hậu ở Nhà Trắng.

“Mọi chính sách lớn sẽ được điều hành từ Nhà Trắng”, ông LaHood nói về chính quyền Obama và cho rằng cách tiếp cận của ông Biden cũng sẽ y hệt.

Một trong những thách thức lớn nhất của ông Biden là phục hồi nền kinh tế đang suy giảm nghiêm trọng bởi COVID-19 với hàng triệu người thất nghiệp và nhiều doanh nghiệp phá sản. 

Để làm vậy, ông sẽ dựa vào đội ngũ kinh tế có phần thiên tả hơn so với chính quyền Obama. Cecilia Rouse, người điều hành hội đồng cố vấn kinh tế, sẽ tập trung vào các vấn đề có thể tạo việc làm và những thách thức người lao động đối mặt, đặc biệt với các loại hình kinh tế mới như “gig economy” (tức nền kinh tế nhất thời, tạm bợ, dựa trên công nghệ, như Uber, Lyft…). 

Bà Yellen, ứng viên bộ trưởng tài chính, là người ủng hộ việc tăng lương tối thiểu. Heather Boushey, thành viên hội đồng cố vấn kinh tế, cũng ủng hộ tăng lương và tăng thời gian nghỉ phép cho người lao động.

Về đối ngoại, ông Biden lựa chọn nhóm đã từng nhiều năm làm việc với ông - những người sẵn sàng triển khai tầm nhìn của ông thay vì theo đuổi chính sách của riêng mình.

“Giống như trợ lý thời Thượng viện của ông - Leon E. Panetta, cựu chánh văn phòng Nhà Trắng, giám đốc CIA thời Clinton và bộ trưởng quốc phòng thời Obama, nói - Họ sẵn sàng phục vụ cho tổng thống. Mọi người có thể hiểu là Joe Biden sẽ là người quyết định chính ở đây”.

Ứng viên ngoại trưởng của ông Biden, Antony J. Blinken, từng là trợ lý cho ông từ những năm 1990 và hoàn toàn tiếp nối quan điểm về đối ngoại với ông Biden. Trong các phát biểu, ông Blinken thường thể hiện góc nhìn của ông Biden như tin tưởng vào sự lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, các liên minh truyền thống và sức mạnh quân sự Mỹ.

Các lựa chọn của ông Biden cho vị trí giám đốc cơ quan tình báo quốc gia, cố vấn an ninh, bộ trưởng quốc phòng đều là những người quản lý giỏi và có khả năng tương tác tốt trong hệ thống phức tạp của chính quyền liên bang. Không ai trong số này có quan điểm cá nhân mạnh về chính sách - điều dự báo họ sẽ là những người điều hành và triển khai hơn là những người ra quyết định trong nội các mới.

“Đây là đội ngũ chính sách mạnh, khôn ngoan, trung dung, có khả năng phối hợp tốt với nhau và sẽ tuân theo các ưu tiên của tổng thống”, Kori Schake, giám đốc chính sách đối ngoại, quốc phòng tại Viện chính sách Ameran Enterprise, nói. ■


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận