Pence vs. Trump: Cuộc chia tay cay đắng

ANH NGUYỄN 17/01/2021 02:00 GMT+7

TTCT - Trong lúc ông Mike Pence đang ẩn nấp trong Điện Capitol trốn tránh đám đông bạo loạn xông vào tòa nhà Quốc hội Mỹ hôm 6-1 đòi treo cổ ông, thì Tổng thống Donald Trump lại lên Twitter tấn công vô cớ phó tướng của mình.

“Mike Pence không đủ dũng cảm để bảo vệ đất nước và hiến pháp, cho các tiểu bang thêm cơ hội để xác nhận sự thật, không phải những lừa dối trước đó. Nước Mỹ cần sự thật”, ông Trump tweet lúc 14h24 ngày 6-1. Giữa bạo loạn, ông không hề gọi hỏi thăm xem phó tướng của mình có an toàn không, hay tham vấn việc chính phủ nên phản ứng thế nào!

Người thân tín nhất

Sự chia rẽ nghiêm trọng giữa hai người trong những ngày nước Mỹ hỗn loạn là bước ngoặt bất ngờ sau hơn 4 năm trung thành gần như tuyệt đối của ông Pence. Phó tổng thống Mỹ thường sát cánh ông Trump vài tiếng mỗi ngày, bảo vệ tất cả những phát ngôn bất thường và chia rẽ của ông Trump, tránh chỉ trích hay phàn nàn tổng thống ngay cả ở những nơi riêng tư hay với những cố vấn thân cận nhất.

Ảnh: The Intercept

Càng như thế, cách ông Trump đối xử với ông Pence càng bị chỉ trích - ngay trong nội bộ Nhà Trắng và các cố vấn tranh cử - nhiều người trong họ cho rằng ông Pence đã bị tấn công thiếu công bằng. Một quan chức cao cấp giấu tên nói với The Washington Post rằng những rủa xả của ông Trump nhắm vào người phó thật vô lý. Tất cả bắt đầu từ việc ông Pence từ chối không tham gia việc lật lại kết quả bầu cử trong phiên kiểm đếm ở Quốc hội hôm 6-1, vốn bình thường chỉ là thủ tục.

“Chúng ta rất may mắn khi Mike Pence là người tử tế, có lý lẽ và điềm tĩnh - Joe Grogran, cựu lãnh đạo hội đồng chính sách đối nội dưới thời Trump, nói - Nếu ông cũng điên khùng như những cố vấn quanh tổng thống mấy tháng qua, chúng ta có lẽ còn thấy máu đổ tồi tệ hơn. Thử tưởng tượng chuyện gì sẽ xảy ra nếu Pence cũng lạc lối, đê hèn, và không dám đứng lên bảo vệ hiến pháp”.

Những người thân cận với ông Pence chia sẻ với báo chí rằng phó tổng thống Mỹ “rất tức giận” khi ông Trump không ngăn cản đám đông cuồng nộ, đặc biệt khi cuộc bạo loạn đã làm ít nhất năm người thiệt mạng. Chưa bao giờ hệ thống lập pháp nước Mỹ bị giáng một đòn chấn động như vậy, và rất nhiều ngón tay đổ tội đang chỉ về phía ông Trump. Nhà Trắng, sau bốn ngày im lặng, ra một tuyên bố chung chung hôm 10-1 lên án “tất cả những cổ xúy bạo lực”. Tổng thống Mỹ cho tới giờ vẫn không thừa nhận an ninh của các nghị sĩ hay ông Pence bị đe dọa trong ngày 6-1.

Nhưng sự cứng rắn vào phút chót của ông Pence là chưa đủ để ông không bị dè bỉu. Những người chỉ trích nói ông Pence đã trung thành với Trump quá lâu và không đủ mạnh mẽ lên án ông Trump trong những sai lầm chính sách trước đó, như việc nhốt trẻ con nhập cư trong lồng, cuộc gọi điện với tổng thống Ukraine... 

Một số khác chỉ ra ông Pence lựa chọn phục vụ Tổng thống Trump trong 4 năm và là người đứng đầu nhóm xử lý COVID-19 tệ hại của nước Mỹ - đại dịch hiện đã khiến gần 400.000 người thiệt mạng. Để rồi tới ngày bạo loạn 6-1, ông Pence lại phải chịu thêm những sỉ nhục nặng nề, lần này là từ chính những người ủng hộ Trump. Một số người xông vào Quốc hội Mỹ đã hô vang: “Mike Pence đâu?” và “Treo cổ Mike Pence!”. Phó tổng thống Mỹ rơi vào một vị thế cực kỳ khó xử, nhưng một phần cũng do ông đã quá chiều chuộng ông Trump trước đó.

Ở lại giữa bạo loạn

Ngày 6-1, ông Pence tới Quốc hội và đưa ra quyết định chứng nhận kết quả khiến ông Trump nổi đóa. Rất nhanh chóng, đám đông giận dữ tràn vào tòa nhà Quốc hội, còn ông Trump lên Twitter để tấn công phó tướng của mình.

Giữa bạo loạn và dù ba lần lực lượng cận vệ đề nghị, ông Pence vẫn từ chối rời Đồi Capitol, ngay cả khi lãnh đạo phe Cộng hòa ở Thượng viện và một số người đã rời đi. Ông Trump trong 6 tiếng bạo loạn chỉ coi tivi và từ chối kêu gọi của các bên về việc lên tiếng yêu cầu nhóm bạo loạn về nhà.

Ông Mike Pence có một gia đình mẫu mực. Ảnh: Vanity Fair

Từ Đồi Capitol, ông Pence cố gắng gọi các quan chức quân đội và chính quyền để đẩy nhanh việc triển khai lực lượng Vệ binh Quốc gia (vốn dưới quyền điều hành của các tiểu bang hoặc Lầu Năm Góc cho khu vực thủ đô). Ông cũng thuyết phục lãnh đạo Quốc hội hoàn tất việc xác nhận kết quả ngay đêm đó (hoàn tất lúc gần 3h30 sáng), dù ông Trump và luật sư tìm mọi cách trì hoãn. 

“Pence chịu áp lực công chúng và cá nhân rất lớn trong một thời khắc lịch sử. Ông đã tuân thủ hiến pháp, giữ gìn pháp quyền và đối xử với mọi người một cách tôn trọng. Những người đã biết rõ ông ta thì không ngạc nhiên” - Tim Phillips, lãnh đạo Americans for Prosperity, một nhóm thân phe Cộng hòa của nhà Koch, bình luận.

Thật vậy, những ai biết rõ Pence sẽ không ngạc nhiên về các quyết định của ông trong giai đoạn đầy biến động vừa qua. Với hầu hết những người Cộng hòa, Pence là một người Công giáo kính Chúa, kỹ lưỡng trong quan hệ, nhất quán với những giá trị của mình, gắng sống chính trực hết sức, theo một nghĩa rất truyền thống: chính giới Mỹ kháo nhau rằng cố vấn chính trị gần gũi nhất của ông là bà vợ tào khang đã 34 năm qua - Karen Pence.

Sinh ra trong một gia đình Công giáo La Mã trung lưu, ông Pence, 62 tuổi, là con thứ ba trong sáu anh chị em. Lớn lên ở Columbus, Indiana, chính trị vốn không phải đề tài quen thuộc trong những bữa tối của gia đình Pence. Bản thân ông từng thổ lộ thời trẻ, ông có xu hướng thân Dân chủ, rất ngưỡng mộ những người như cố tổng thống John F. Kennedy và mục sư Martin Luther King Jr. 

Ở đại học, ông bắt đầu chuyển sang xu hướng bảo thủ hơn, gia nhập một nhóm Công giáo và bỏ phiếu cho Jimmy Carter, một tín hữu Kitô nhiệt thành - nhưng là một người Dân chủ, trong cuộc bầu cử tổng thống 1976. Thất vọng với Carter sau 4 năm, đến năm 1980, Pence chuyển sang bầu cho Ronald Reagan và đã là một người Cộng hòa kể từ đó.

Sau khi tốt nghiệp trường luật, ông tranh cử vào Quốc hội và sau lần bất quá tam (1988, 1990 và 2000), ông mới đắc cử. Ở đó, ông giữ nguyên lập trường gắn với phe Đảng Trà đang đình đám lúc bấy giờ, cũng là cánh bảo thủ nhất trong phe Cộng hòa. Nhưng dù bảo thủ, Pence cho thấy kỹ năng chính trị của mình thời gian làm nghị sĩ: bị coi là thuộc thành phần cực đoan, ông vẫn xây dựng được quan hệ tốt với nhiều nhân vật Cộng hòa trung dung hàng đầu lúc bấy giờ.

Pence đã khéo léo cân bằng hai hình ảnh của ông: một người biết thương lượng ở Washington; nhưng ở Indiana là một người tự hào về xuất thân trung lưu da trắng, sùng đạo, và coi trọng các giá trị gia đình cổ điển (“Đồng tính là điều không tương thích với việc phục vụ trong quân ngũ vì sự hiện diện của những người đồng tính làm suy yếu sự gắn kết của các đơn vị quân đội” - Pence từng nói).

Chiến thắng trong cuộc đua thống đốc Indiana năm 2013 càng khẳng định hướng đi chính trị của Pence là đúng đắn, đồng thời chuẩn bị cho ông những kinh nghiệm điều hành cần thiết để làm phó tổng thống sau này. Trong vai trò thống đốc, ông cũng đã cư xử nhất quán với lòng tin của mình. 

Một chương trình giáo dục mẫu giáo đắt đỏ do tiểu bang tài trợ, điều dù đi ngược các giá trị Cộng hòa, được thông qua vì “Karen [vợ ông] muốn thế. Bà ấy là giáo viên mà”. Đồng thời là Đạo luật khôi phục tự do tôn giáo - mà thực chất là việc cho phép các doanh nghiệp Indiana từ chối phục vụ những đám cưới đồng tính trên cơ sở tôn giáo.

Nhìn lại nhân thân đó là điều có ích để hiểu rõ hơn những hành động của Mike Pence trong cơn tao loạn vừa qua. ■

Trong khi không chịu nghe ông Trump lật ngược kết quả bầu cử, ông Pence cũng từ chối việc phế truất tổng thống khi chỉ còn một tuần là kết thúc nhiệm kỳ. Trong thư gửi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tối 12-1, ông Pence nói động thái đấy sẽ tạo “tiền lệ kinh hoàng” và cho rằng nó không có lợi cho đất nước cũng như không phù hợp với hiến pháp. 

“Tôi kêu gọi bà và mỗi thành viên trong Quốc hội tránh các hành động làm chia rẽ và thổi bùng thêm ngọn lửa cảm xúc vào lúc này”. Phe Dân chủ vẫn tiếp tục các bước của bỏ phiếu luận tội vào ngày 13-1 và ngày càng có thêm nhiều sự ủng hộ từ các nghị sĩ Cộng hòa. “Chúng ta đều muốn hàn gắn, nhưng để hàn gắn, chúng ta cần sự thật và chịu trách nhiệm” - chủ tịch Ủy ban pháp lý Hạ viện Jim McGovern nói về nỗ lực của phe Dân chủ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận