Quyền chọn sách giáo khoa: Sau những thay đổi xoành xoạch của chính sách... 

NGUYỄN VŨ 24/11/2019 23:11 GMT+7

TTCT - Nghị quyết “một chương trình, nhiều sách giáo khoa (SGK)” hồi năm 2014 đã trao quyền chọn SGK một cách rất hợp lý cho các cơ sở giáo dục phổ thông, dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Nhưng Luật giáo dục vừa sửa đổi lại giao quyền này cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Thiệt tình chưa thấy ở đâu các nguyên tắc chính sách lại thay đổi xoành xoạch như ở nước ta.

Minh họa
Minh họa

Rốt cuộc quyền về tay ai ?

Con đường thực hiện phương châm “một chương trình, nhiều SGK” sao lắm chông gai. Đầu tiên, mặc dù Quốc hội đã thông qua một nghị quyết (nghị quyết 88) nói rõ phương châm này từ năm 2014, lộ trình thực hiện sau đó được điều chỉnh lùi lại, rồi mới gần đây vẫn có ý kiến bàn lùi hẳn, thôi, để khi nào đất nước đảm bảo các điều kiện kinh tế - xã hội đáp ứng mới áp dụng. Và cuối cùng, luật mới vẫn ghi “mỗi môn học có một hoặc một số SGK”.

Bản thân chương trình giáo dục phổ thông mới, tức cái nền các bộ SGK phải dựa vào, cũng nhiều lần lỗi hẹn mới được Bộ GD-ĐT công bố vào cuối năm ngoái. Kế đến là khâu thẩm định bản mẫu SGK, đây lại là một rào cản rất lớn, bởi ở khâu này chính một bộ SGK từng được cả triệu học sinh sử dụng trong 40 năm qua cũng bị loại.

Thông tin từ báo chí cho biết từ 49 bản mẫu SGK của 9 môn học lớp 1 thì ở vòng thẩm định đầu tiên 9 bản thảo bị loại, vòng hai có thêm 2 bản thảo nữa.

Và nay đến khâu quyết định: chọn SGK cho nhà trường. Ai có quyền đó? Giáo viên, nhà trường, phụ huynh hay ai khác? Nghị quyết “một chương trình, nhiều SGK” từ hồi năm 2014 nói rất hợp lý: “Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT”.

Thế nhưng Luật giáo dục vừa mới sửa đổi lại quy định: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn...”. Thiệt tình chưa thấy ở đâu các nguyên tắc chính sách lại thay đổi xoành xoạch như ở nước ta.

Mục đích thực sự

Ở đây xin đừng nhìn vào một nước nào đó rồi bảo thế giới họ cũng làm thế. Đúng là ở các bang như California hay Texas (Mỹ) thì chính quyền bang đứng ra chọn một danh sách các SGK, để sau đó từng học khu dựa vào danh sách này chọn cho trường.

Thế nhưng ở đó không có khâu thẩm định bản mẫu - ai cũng có quyền biên soạn và in ấn, phát hành sách. Hàng chục cuốn đã xuất hiện trên thị trường, các nơi muốn chọn thì mua về đọc để thẩm định, tức chỉ thẩm định sách đã ra đời.

Việc thẩm định “bản mẫu” SGK ở nước ta nhằm vào mục đích gì? Thiết nghĩ ắt cũng như các nước khi thẩm định chọn sách đưa vào danh sách các SGK mà nhà trường và giáo viên có thể chọn để dạy: sách phải đáp ứng yêu cầu của chương trình đã được phê duyệt, kiến thức được đưa ra trong sách là đúng đắn, chính xác, cập nhật; sách không vi phạm các nguyên tắc như phân biệt chủng tộc, kích động thù hằn, không bị thiên lệch.

Đây chính là điểm gây tranh cãi nhiều nhất khi chọn lọc SGK ở các nước, bởi có nơi vẫn có SGK phản bác thuyết tiến hóa, đòi dạy thuyết “Thiết kế thông minh”. Ví dụ cách đây vài năm khi bang Texas công bố danh sách SGK được chọn, rất nhiều ý kiến phản đối vì có cuốn đưa ra kiến thức sai lệch như cho rằng mười điều răn tác động lên việc biên soạn hiến pháp nước Mỹ, nô lệ không hẳn là lý do dẫn tới nội chiến ở nước này... Nhà xuất bản McGraw-Hill từng phải bỏ một chương hoài nghi vai trò con người gây ra biến đổi khí hậu để sách được chấp nhận.

Như vậy, các SGK được xuất bản có nghĩa đã được thẩm định không sai sót về nội dung, bám sát chương trình giáo dục phổ thông. Vì vậy, việc lựa chọn sách nào để dạy không còn cần phải lưu tâm đến chuyện đúng sai nữa.

Như thế, quyền chọn sách thực chất gắn với mục đích gì? Ở các nước rất khó lòng nghĩ đến chuyện “vận động hành lang” theo kiểu trắng trợn để đưa sách vào nhà trường; vận động theo kiểu tặng sách mẫu như trình dược viên tặng thuốc mẫu ắt là có, vận động bằng cách tổ chức hội thảo, bằng biên soạn kèm theo sách hướng dẫn cho giáo viên, đưa bài tập lên trực tuyến, thêm các công cụ khác để hỗ trợ giáo viên ắt là đương nhiên.

Nhưng ở nước ta, nỗi lo ngại “vận động cửa sau” để từng tỉnh quyết định dùng sách của mình là nỗi lo lớn nhất, dẫn đến cân nhắc nên trao quyền chọn sách cho ai để hạn chế các dạng “lợi ích nhóm” này.

Để từng trường được quyền chọn sách thay vì tỉnh sẽ là cách hạn chế hay nhất vì “vận động hành lang” 63 tỉnh thành đã khó, “chạy chọt” cho hết hàng ngàn, hàng chục ngàn trường học ắt sẽ khó hơn bội phần.

Tuy nhiên, Luật giáo dục sửa đổi đã quy định như nói ở trên, thay địa chỉ có quyền chọn sách nay đã là điều bất khả. Điều duy nhất có thể làm là biên soạn quy trình chọn sao cho hợp lý nhất. Đó cũng là nội dung một thông tư của Bộ GD-ĐT sẽ ban hành nhằm hướng dẫn các địa phương thành lập hội đồng chọn SGK.

Đầu tiên, hội đồng phải có mặt giáo viên dạy môn học đó, số lượng phải chiếm ít nhất 50% thành viên hội đồng; số lượng càng lớn càng dễ chống các áp lực “chạy cửa sau”. Giáo viên là người hiểu rõ nhất sách nào phù hợp cho học sinh, sách nào vượt quá khả năng tiếp thu của học sinh, sách nào viết dễ hiểu, dễ học.

Việc lựa chọn còn nhằm mục đích phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế của từng địa phương và giáo viên là người nắm rõ các điểm này nhất. Nếu cứ theo cách làm theo thông lệ, mỗi tỉnh thành lập một hội đồng gồm đủ ban bệ, đủ các quan chức, cuối cùng không ai biết mình cần làm gì, cứ giao hết cho cán bộ bộ môn ở sở GD-ĐT, đó là khe hở cho tiêu cực dễ dàng xảy ra.

Thứ hai, hội đồng phải có nhiều người trẻ tuổi để hiểu và nắm bắt được xu hướng biên soạn SGK ngày nay, nhất là việc ứng dụng công nghệ vào giảng dạy. Người của thế hệ trước có thể đã quen với SGK toàn chữ với chữ, nhưng giới trẻ sẽ đòi hỏi sách có nhiều hình minh họa, có biểu bảng, có ví dụ, có ô, có hộp.

Sách cho lớp 1 còn đơn giản, chứ sau này sách cho THPT cần có bài tập đưa lên mạng, cần kèm theo ứng dụng để thực hành. Các thành viên hội đồng phải nắm được tinh thần của chương trình: chuyển từ đặt nặng việc truyền đạt kiến thức sang phát triển các kỹ năng, phẩm chất.

Sách chỉ là một yếu tố

Điều quan trọng nhất là giảm bớt vai trò “độc quyền” của SGK, đừng như năm 2017 một văn bản của Bộ GD-ĐT quy định “tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài SGK”. Như môn địa lý, kiến thức đưa ra luôn lạc hậu so với thực tế cả mười năm, sao không cho giáo viên ra ngoài sách để cập nhật thông tin mới nhất cho học sinh?

Khi không xem SGK là “pháp lệnh”, sau này khi mỗi tỉnh thành đã chọn bộ SGK cho địa phương của mình thì giáo viên từng trường, từng lớp vẫn có quyền biên soạn bài giảng theo cách họ cho là tốt nhất, miễn sao nội dung bám sát chương trình.

Bởi suy cho cùng sách chỉ là công cụ trung gian. Cái quan trọng là người học và người dạy với cái đích sau cùng là các phẩm chất, năng lực cần phát triển ở học sinh như tinh thần của chương trình mới. ■

Bản hiến chương các nhà giáo được thông qua vào ngày 11-8-1954 tại hội nghị lần thứ XIX của Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo giới tại Matxcơva, trong đó Công đoàn giáo dục Việt Nam là thành viên của tổ chức này.

Điều 4 của hiến chương này đã nêu rõ: “Liên quan đến chương trình học và thực hành giáo dục, sự tự do sư phạm và tự do chuyên môn của nhà giáo phải được tôn trọng, các sáng kiến cần được khuyến khích, đặc biệt trong việc lựa chọn phương pháp giảng dạy và sách giáo khoa, cũng như trong việc nghiên cứu các vấn đề sư phạm và chuyên môn, thông qua đại diện nhà giáo”.

Các nước chọn sách giáo khoa như thế nào?

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), hiện các nước sử dụng hai hệ thống lựa chọn SGK: hoặc do chính quyền địa phương chọn, hoặc do từng trường chọn. Nhiều nước áp dụng cách để nhà trường chọn SGK nhằm giảm rủi ro có những tác động bên ngoài lên quá trình lựa chọn. Nguyên tắc ở đây là thẩm quyền chọn sách càng phân tán thì càng khó cho các bên muốn tìm cách tác động.

Nói là hai hệ thống, nhưng thật ra hầu hết các nước đều áp dụng cách thức chính quyền địa phương chọn ra một danh sách các SGK đáp ứng tiêu chuẩn họ đề ra, sau đó các trường được quyền chọn bất kỳ sách nào từ danh sách đã phê duyệt này.

Ở Singapore (rất giống với nhiều nước khác), mỗi năm vào giữa tháng 8, Bộ Giáo dục Singapore công bố danh sách cập nhật các SGK được phê duyệt (ATL) để các trường dựa vào đó chọn sách cho trường mình.

Nhưng để có danh sách này, Bộ Giáo dục Singapore cũng phải dựa vào các hiệu trưởng và đội ngũ giáo viên xem xét, đánh giá và đề xuất SGK để đưa vào ATL. Kể từ năm 2001, SGK nào được phê duyệt sẽ có in tem bên ngoài bìa để phụ huynh và học sinh biết khi chọn mua sách. Coi danh sách các sách tiểu học được phê duyệt cho năm 2020 thì có đến 637 đầu sách; trung học ít hơn, có 460 đầu sách.

Đáng chú ý là tài liệu “Chính sách SGK ở châu Á” do ADB biên soạn và phát hành cuối năm 2018 vẫn còn ghi nhận: “Theo chính sách mới của Việt Nam, các trường chịu trách nhiệm chọn sách từ một danh sách các SGK được phê duyệt”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận