Thế kỷ 21, quý giá nhất là nhân tài

HỮU NGHỊ 02/02/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Quốc gia nào cũng cần đi tới. Để đi tới phải có nhiều lớp nhân sự cấp cao kế thừa nhau. Chọn nhân sự trong thời đại hiện nay đang như thế nào? Vài kinh nghiệm của Canada, Singapore và OECD…

Bất cứ ai không quen thuộc với các nền hành chánh “mở” sẽ thắc mắc “Chính phủ Canada đang mần cái gì vậy?” khi thấy trên website của Ủy ban công vụ chính phủ bố cáo “Chiến dịch Tuyển dụng lãnh đạo chính sách 2020 hiện đã kết thúc. Hẹn gặp lại năm sau!” 

Là một nước “bến đỗ”, Canada từ lâu đã tìm cách tuyển dụng nhân sự cấp cao một cách rộng mở, song cũng rất ư là chặt chẽ. Mỗi năm đều có một chiến dịch tuyển dụng như thế.

Mở cho mọi người có đam mê...

Trong bối cảnh kinh tế thị trường phát triển, thị trường lao động tự do đầy thu hút, Nhà nước Canada không thể ngồi yên “chờ sung rụng”, nhất là khi nhà nước cũng cần nhân tài ít ra là ngang với lĩnh vực tư. 

Bởi thế, bố cáo tuyển dụng nêu rõ mục đích tham gia bộ máy nhà nước: “Bạn có muốn dấn thân vào một sự nghiệp đầy hứng khởi và bổ ích trong dịch vụ công liên bang không? Bằng cách trở thành nhà lãnh đạo chính sách, bạn sẽ có cơ hội đóng góp vào việc phát triển các chính sách của chính phủ để từng giờ từng phút đáp ứng những thách thức của thời đại”. 

Lời mời mọc không hề lép vế so với lĩnh vực tư, thậm chí còn bay bổng hơn là đằng khác!

Là một nước “bến đỗ”, Canada từ lâu đã tìm cách tuyển dụng nhân sự cấp cao một cách rộng mở. Ảnh: Global News

Bất cứ người trẻ nào có ăn học ở bất cứ đâu cũng ít nhiều mơ làm một cái gì đó cho thỏa chí tang bồng - một nhà khoa học sáng tạo, một nhà quản lý, một binh nghiệp..., sao cho ra khỏi “đám đông”, vượt lên “cái chung làng nhàng”, để vào hàng “thông minh nhất nam tử, yếu vi thiên hạ kỳ”. 

Đông hay Tây gì cũng đam mê sẽ trở thành “số I La Mã” cả. Có thể thấy hai mời gọi mà Chính phủ Canada đưa ra cho nhân tài chính là đam mê tang bồng hồ thỉ đó.

Thế kỷ 21 này, đã vào thập niên thứ ba, đam mê đó càng mãnh liệt trước những “thách thức từng giờ”. Thật vậy, khi các nền tảng kỹ thuật số từ lâu đã trở thành những đế chế mà đơn vị tính toán là bạc tỉ đôla, những mỏ việc làm cho người lao động, những cơ hội hái ra tiền nhờ kinh doanh, thì nhà nước lại càng phải chịu sức ép lớn trong chiêu mộ nhân tài.

Chính vì vậy, “Đóng góp vào việc phát triển các chính sách của chính phủ” trở thành lời kêu gọi hấp dẫn: người được nhận sẽ có cơ hội góp phần nhào nặn, định hình một góc nào đó của xã hội mới, khác ngày hôm nay, tốt hơn ngày hôm nay.

Chương trình “Tuyển dụng lãnh đạo chính sách” do đó nhắm tới xây dựng một nhóm xuất sắc, sẵn sàng được đưa vào nhiều vị trí liên quan đến chính sách cấp trung và cấp cao trong dịch vụ công liên bang. 

Chính phủ nhận ứng viên từ tất cả các ngành học hoặc lĩnh vực chuyên môn, với điều kiện phải cho thấy đam mê chính sách công và sẵn sàng đổi mới để đáp ứng những thách thức chính sách công cấp bách nhất của Canada. 

Các nhân sự mới sẽ được thể hiện kỹ năng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ nền kinh tế số và thúc đẩy tăng trưởng, đến lãnh đạo trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và chống đói nghèo, hay cả chính sách đối ngoại và y tế.

Sao lại là những người trẻ?

Chuyện một bộ máy công vụ tuyển ứng viên từ nhiều ngành học là điều hết sức thông thường ở các nước có bộ máy công vụ mở nhằm thúc đẩy đổi mới. 

Ảnh: Cio.com

Người viết bài này từng chứng kiến những cuộc tuyển dụng như thế, cả ngàn người các ngành đủ loại nộp đơn, chỉ lấy chục người, “đề thi” yêu cầu họ cho thấy “suy nghĩ gì về một vấn đề nào đó?” với những nhận định, đề xuất có giá trị, dựa trên nền tảng học vấn mà họ đã trau dồi.

Người viết bài cũng từng có dịp tiếp xúc với ban lãnh đạo PS 21 (Public Service 21, Công vụ thế kỷ 21) của Singapore - một cơ quan có nhiệm vụ đề ra những cải cách hành chánh cho nhà nước. 

Phó giám đốc Tan Chee Seng của PS 21 giải thích lý do ông Lý Quang Diệu thành lập PS 21: “Chúng tôi ý thức rằng thế kỷ 21 diễn ra trong bối cảnh của toàn cầu hóa, của những thay đổi khoa học kỹ thuật. Từ đó đòi hỏi tốc độ trong hành động, tri thức trong hành động và tài năng trong hành động... Năng lực của chính quyền và bộ máy công vụ phải đáp ứng những mong đợi của dân chúng. Chúng tôi có theo kịp những mong mỏi của dân chúng hay không, đó chính là thách thức đối với chúng tôi...”.

Yêu cầu đặt ra cho PS 21 là: “Đón nhận, dự báo những đổi thay có thể xảy tới, chuẩn bị sẵn nhiều kịch bản khác nhau, đồng thời chấp nhận cả những gì bất thường, trong thái độ sẵn sàng, và thực hiện các đổi thay đó”. Còn công tác của PS 21 là “làm sao cho người công chức biết liên tục đón nhận thay đổi. Các bộ không chỉ khuyến khích mà còn phải yêu cầu thay đổi... Sao cho người công chức thích thú suy nghĩ thêm nữa để phục vụ công chúng tốt hơn”.

Tuyển chọn trên cơ sở gì?

Những gì mà PS 21 của Singapore làm từ đầu thế kỷ 21 chính là những gì mà Canada đã và đang làm. Ủy ban công vụ Canada nhấn mạnh với các ứng viên rằng công việc của họ sẽ là “đưa ra giải pháp sáng tạo cho những thách thức chính sách lớn nhất của Canada; cố vấn cho các quan chức cấp cao trong môi trường thay đổi liên tục; làm việc về các vấn đề chính sách khác nhau... theo sở thích và chuyên môn của mỗi người”.

Trường Chính sách công Lý Quang Diệu là nơi đào tạo nhân tài chủ lực cho nền hành chính công vụ Singapore. Ảnh: The Straits Times

Xem qua điều kiện tuyển dụng cho “vụ mùa” 2021 có thể thấy họ tuyển dụng thực sự trên những giá trị hữu hình chứ không chỉ trên bằng cấp hay một kiểu tiến cử nào đó. Quy trình tuyển dụng qua 5 bước sau:

1/ Xét văn bằng tốt nghiệp thạc sĩ hoặc tiến sĩ của một trường đại học được công nhận hoặc bằng luật kết hợp với một bằng đại học khác;

2/ Đánh giá hiểu biết về chính sách công và kinh nghiệm liên quan mà ứng viên có được trong dịch vụ công, các học viện, khu vực tư nhân hoặc các tổ chức phi chính phủ, qua một đề án viết.

3/ Gặp trực tiếp một hội đồng giám khảo gồm các lãnh đạo liên quan xem xét qua vấn đáp các kỹ năng cơ bản và các kỹ năng khác như tư duy phân tích; sự phán xét; sáng tạo; giao tiếp; ý thức về giá trị và đạo đức; và các mối quan hệ liên cá nhân.

4/ Đánh giá các viện dẫn thành tích học tập (gồm các giải thưởng, học bổng lớn, các bài báo xuất bản trên các tạp chí được bình duyệt, các sáng kiến cá nhân và khả năng lãnh đạo, các hoạt động ngoại khóa hoặc tình nguyện...).

5/ Xét tuyển bởi ban giám khảo gồm một hội đồng các thứ trưởng.

Người trúng tuyển sẽ được giao cho một “sư phụ” hướng dẫn và giúp kết nối với mạng lưới chuyên gia đang liên tục tìm kiếm những thách thức mới và sẵn sàng giải quyết các vấn đề quan trọng nhất liên quan đến chính sách công của Canada. 

Giai đoạn này kéo dài 2 năm, được đúc kết kết quả trong một cuộc gặp gỡ với các lãnh đạo. Nếu đánh giá tốt, hai bên sẽ thương lượng tiền lương, trong mức 87.308 - 127.950 đôla Canada/năm, ngạch “phân tích chính sách trưởng”.

Tài, đức - làm sao đánh giá?

Đánh giá một con người là chuyện dễ rơi vào chủ quan để rồi không trung thực - càng khó hơn khi đánh giá tài và đức. Mỗi quốc gia có cách định nghĩa giá trị đạo đức trên cơ sở bối cảnh xã hội, chính trị và hành chính tương ứng của quốc gia đó.

Từ đầu thế kỷ 21, các nước OECD đã có những nghiên cứu về cách đánh giá của các nước trong khối và hình thành một số tiêu chuẩn đánh giá mang tính tiến bộ phổ quát. 

Theo nghiên cứu này, giá trị thường thấy nhất là tính khách quan (không phân biệt đối xử), tính trung lập, tính liêm chính và tính trung thực (được xem là yêu cầu tiêu chuẩn đạo đức cao nhất), lẽ công bằng và sự lương thiện. 

Các giá trị dân chủ được nêu rõ là tính hợp pháp (tôn trọng quy tắc pháp luật và đặc biệt là các quy định của Hiến pháp), tính minh bạch và công khai, bao gồm việc công bố thông tin công khai.

Tất nhiên trên thực tế, các giá trị có vị trí khác nhau tùy nước. 11 quốc gia trong OECD xác định “hiệu quả” là một giá trị cốt lõi trong dịch vụ công. 

Các giá trị khác bao gồm trách nhiệm, trách nhiệm giải trình (với sự giám sát công khai chặt chẽ nhất) và sự phục tùng; sự bình đẳng; phục vụ lợi ích công, tính trung thành với nhà nước; tính bảo mật; năng lực chuyên môn và thành tích việc làm. 

Ở Úc, Phần Lan, tinh thần phục vụ được xem là một giá trị; ở Hungary là thu được sự hài lòng của người dân. Các giá trị mới này chỉ ra cách tiếp cận mới về đạo đức trong quản lý công.

Trong thập niên qua, các nghiên cứu như thế ngày càng nhiều. Càng tham khảo, càng thấy việc đánh giá tài, đức ngày càng bớt mông lung, bớt chủ quan, bớt cảm tính hơn, mà dựa trên những chỉ số cụ thể, ví dụ cảm nhận hài lòng của người dân. 

Ở Việt Nam, chỉ số PAPI - chương trình nghiên cứu quan trọng về quản trị do UNDP tại Việt Nam khởi xướng từ năm 2009 - đã giúp đo lường, so sánh trải nghiệm và cảm nhận của người dân về hiệu quả và chất lượng thực thi chính sách và cung cấp dịch vụ công của chính quyền địa phương ở 63 tỉnh, thành phố, nhằm thúc đẩy xây dựng quản trị hiệu quả và chủ động đáp ứng nhu cầu của người dân. 

Các đánh giá kiểu này hiện đang được phổ biến tới cấp quận, thậm chí ở các bệnh viện. Ở một vài đơn vị dịch vụ còn có đánh giá hài lòng hằng ngày cho từng vị trí. Nhìn chung, bài toán nhân sự đang được giải quyết trên những nền tảng mới.■

Theo nghiên cứu “Đánh giá chương trình tuyển dụng lãnh đạo chính sách” 2017 - 2018 của Canada, số hồ sơ đã nộp là 1.633; lọc sơ khởi giữ lại 1.200; lọc lần nữa còn 825 người, lọc tiếp còn lại 258 người; giữ lại 190 người cho làm đề án viết; lọc các đề án còn lại 107 người cho vào vấn đáp. 

Tạm tuyển 27 người; tuyển 21 người. Bình quân, mỗi năm nhận được 1.638 hồ sơ ứng thí, 37 người lọt vào vòng tạm tuyển, chỉ 21 người trúng tuyển vào các vị trí trung, cao cấp phụ trách chính sách.

89% số người tham gia chương trình khi trả lời khảo sát cho biết họ đã được bổ nhiệm vào vị trí công tác liên quan đến chính sách ngay khi được tuyển dụng. Điều đó có nghĩa chương trình đạt mục tiêu đề ra. 

58% số người tham gia cho biết họ đồng ý với ý kiến cho rằng họ có tác động và hình thành lập trường của Canada trong lĩnh vực chính sách công.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận