​Toan tính mạo hiểm của ông Erdogan

NGUYỄN NGỌC HÙNG 08/08/2015 17:08 GMT+7

Ngày 23-7, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu các hoạt động quân sự đánh vào lãnh thổ miền bắc Syria, nhắm các mục tiêu của IS và lực lượng người Kurd Syria. Đây không đơn thuần chỉ là “đáp trả tức thời” một vụ việc, mà là một chuyển biến có tính căn bản của Tổng thống Tayyip Erdogan.

Căn cứ không quân Incirlik ở thành phố miền nam Adana, một trong hai địa điểm Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý cho Mỹ sử dụng để thực hiện các phi vụ oanh tạc chống IS tại Syria - Iraq - Ảnh: Reuters

Ngoài các mục tiêu trên, Thổ Nhĩ Kỳ cũng không kích nhiều vị trí của lực lượng Đảng Công nhân người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ (PKK) ẩn náu trong khu vực Kurdistan của người Kurd Iraq.

Hậu quả của chính sách “nuôi ong tay áo”

Từ cuối năm 2011, Thổ Nhĩ Kỳ tỏ rõ lập trường ủng hộ phe đối lập Syria nhằm mục tiêu lật đổ chế độ do tổng thống al-Assad đứng đầu. Nhưng diễn biến cuộc nội chiến tại Syria không suôn sẻ theo tính toán của chính quyền Erdogan. Iran đưa các đạo quân đồng minh (dòng Shiite) nhảy vào cuộc chiến, cứu chính quyền al-Assad khỏi thất bại, từ tháng 3-2014. Thậm chí sau đó lực lượng của al-Assad và đồng minh, do Iran hậu thuẫn mọi mặt, còn đẩy lùi các lực lượng đối lập khỏi nhiều địa bàn trọng yếu.

Diễn biến cuộc nội chiến bất lợi cho phe đối lập, đồng thời với sự nổi lên mạnh mẽ của các nhóm cực đoan dòng Sunni. Nổi bật nhất trong số này là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và Mặt trận Nusra (al-Qaeda). Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng chỉ có các nhóm Sunni cực đoan mới đủ tố chất đương đầu với lực lượng

al-Assad và đồng minh do Iran bảo trợ. Bởi thế, trong khi Mỹ tập trung đánh IS thì Thổ Nhĩ Kỳ lặng lẽ tiếp tay cho các nhóm cực đoan Sunni bên trong Syria. Chính quyền Erdogan làm ngơ cho hàng ngàn người từ bên ngoài thâm nhập Syria, tham gia các nhóm thánh chiến. Vũ khí và trang bị các loại từ nhiều nguồn khác nhau cũng qua đường Thổ Nhĩ Kỳ vào cho các nhóm Sunni cực đoan bên trong Syria.

Trong các nhóm vũ trang cực đoan Sunni hoạt động tại Syria, Thổ Nhĩ Kỳ tham gia bảo trợ trực tiếp cho Mặt trận Nusra. Nhờ sự tiếp tay của Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia Ả Rập vùng Vịnh, từ giữa năm 2015 Nusra và lực lượng Hồi giáo đã lớn mạnh và giành thắng lợi trên nhiều mặt trận. IS cũng nhờ sự trợ giúp gián tiếp của Thổ Nhĩ Kỳ mà lớn mạnh tại Syria.

Từ khi tuyên bố Nhà nước Hồi giáo (tháng 6-2014), IS công khai tranh giành với các nhóm đối lập khác quyền cai trị nhiều khu vực ngoài tầm kiểm soát của chính quyền Syria. Trên thực địa Syria, từ năm 2014 đến nay IS xung đột với các nhóm đối lập khác, kể cả với nhóm Nusra, còn nhiều hơn là xung đột với quân đội Syria.

Tận dụng việc liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu chủ yếu tập trung các cuộc oanh tạc tại chiến trường Iraq, IS củng cố và phát triển quyền kiểm soát của chúng ở khu vực đoạn giữa miền bắc Syria, có thủ phủ là thành phố Raqqa, tiếp giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Khu vực này của IS trở thành mối đe dọa thật sự đối với an ninh và ổn định của Thổ Nhĩ Kỳ. Mặt khác, khoảng 300 người Thổ Nhĩ Kỳ đang tham chiến trong hàng ngũ IS, cùng với nhiều “ổ nằm vùng” của IS vẫn tồn tại từ trước bên trong Thổ Nhĩ Kỳ, nay trở thành những ung nhọt có thể “vỡ” ra bất cứ lúc nào.

Sau khi thành lập Liên minh quốc tế chống IS (tháng 8-2014), Mỹ thúc ép chính quyền Ankara phải ngăn chặn dòng người từ bên ngoài qua đường Thổ Nhĩ Kỳ để vào Syria tham gia thánh chiến. Bị áp lực quốc tế, cộng với hậu quả phản tác dụng của chính sách dùng Hồi giáo cực đoan chống chính quyền của tổng thống Syria, Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải siết chặt quản lý dòng người quá cảnh vào Syria.

IS đã phản ứng lại sự “thay đổi” này của chính quyền Ankara bằng vụ đánh bom liều chết lần đầu tiên nhắm vào bên trong lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ ngày 20-7 khiến 32 người thiệt mạng. Hành động khủng bố nghiêm trọng này khiến Tổng thống Erdogan phải “tuyên chiến” với IS. Từ đây, tổng thống Erdogan chấp nhận cho Mỹ sử dụng hai căn cứ không quân trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ để thực hiện các phi vụ oanh tạc chống IS tại Syria - Iraq.

Cùng với quyết định bước ngoặt này, Tổng thống Erdogan tuyên bố “không cho phép hình thành một thực thể người Kurd tại Syria”. Từ ngày 23-7, Thổ Nhĩ Kỳ dùng không quân oanh tạc nhiều vị trí của IS bên trong Syria, nhưng ác liệt và tập trung hơn lại nhắm vào các vị trí của PKK ở vùng núi miền bắc Iraq. Hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ bộc lộ rõ thực ý của họ đánh phá lực lượng vũ trang của PKK chứ không tập trung chính yếu vào IS.

Chống IS hay chống người Kurd?

Người Kurd Syria tập trung ở khu vực đông bắc Syria, giáp với khu vực người Kurd ở cả Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ. Từ khi bùng phát nội chiến Syria giữa chính quyền al-Assad với phe đối lập, người Kurd Syria vẫn hầu như không tham gia liên minh đối lập, nhưng tận dụng khó khăn của chính quyền al-Assad ở hầu khắp trong nước để phát triển và củng cố thế lực của họ tại các tỉnh đông bắc Syria. Nhờ sự gắn kết về khu vực địa lý, lực lượng người Kurd Syria được sự trợ giúp đắc lực của người Kurd Iraq và có mối liên hệ mật thiết với lực lượng PKK ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Do giữ lập trường trung lập, người Kurd không bị quân đội Syria đánh phá. Nhờ thế, lực lượng Kurd Syria ổn định và phát triển cả về chính trị, vũ trang tại khu vực lãnh thổ truyền thống của họ. Trận chiến ở thành phố Kobani hồi cuối năm 2014 là một ví dụ điển hình về sự lớn mạnh của lực lượng vũ trang Kurd Syria, cũng như về mối liên hệ mật thiết của lực lượng này với Kurd Iraq và PKK.

Trên đà thắng lợi, người Kurd Syria, được lãnh đạo bởi Đảng Liên hiệp dân chủ Kurd, ngày càng tiến tới mục tiêu hình thành một thực thể độc lập của họ tại khu vực đông bắc nước này. Biến động tại khu vực Kurd Syria khuyến khích phái cực đoan của PKK hoạt động trở lại, đe dọa tiến trình hòa giải mà Tổng thống Erdogan cố công thực hiện nhiều năm qua.

Sự bành trướng của IS đến mức lấn át các nhóm Sunni cực đoan, kể cả Nusra, cùng với sự lớn mạnh của người Kurd Syria, đã thực sự trở thành mối bận tâm cấp thiết của chính quyền Erdogan lúc này. Nhưng với chính quyền Erdogan, vấn đề người Kurd là “mối hiểm họa tiềm tàng và nguy hiểm hơn IS”.

Sau một tuần không kích, ngày 1-8 Thông tấn xã Anadol của Thổ Nhĩ Kỳ thông báo quân đội nước này đã tiêu diệt 260 tay súng PKK và làm bị thương hàng trăm người khác. Thương vong của IS trong thời gian đó có lẽ không đáng kể nên không thấy số liệu nào (?).

Diễn biến khó lường

Khi chấp nhận cho Liên minh quốc tế chống IS sử dụng hai căn cứ không quân trong lãnh thổ của mình, Thổ Nhĩ Kỳ đã có những thảo luận cụ thể với Mỹ và NATO về các quyết sách mới liên quan đến cuộc nội chiến tại Syria.

Mục tiêu “chống IS” được cả ba bên nhất trí. Nhưng trong khi Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào chính quyền Syria và người Kurd thì Mỹ và NATO toan tính khác. Mỹ đồng tình với Thổ Nhĩ Kỳ không để hình thành một thực thể người Kurd độc lập tại Syria và vẫn coi PKK là “một tổ chức khủng bố”. Nhưng Mỹ không ủng hộ tấn công lực lượng “dân vệ” người Kurd Syria, bởi lực lượng này cũng đang là “mũi nhọn” trên chiến trường chống IS hiện nay. Bởi thế, Mỹ và NATO không ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ tấn công lực lượng “dân vệ” của Kurd Syria. Còn với chính quyền al-Assad thì Mỹ kiên trì giải pháp chính trị, không tiếp tay cho đối lập dùng vũ trang lật đổ.

Trong khi đó, Chính phủ Iraq và chính quyền người Kurd Iraq đều lên án các cuộc không kích của Thổ Nhĩ Kỳ vào miền bắc Iraq là “xâm phạm chủ quyền” của Iraq. Động thái của ông Erdogan đang tạo cớ cho phe cực đoan của PKK phục hồi hoạt động vũ trang chống chính quyền Ankara. Thậm chí PKK đã sử dụng cả chiến thuật đánh bom liều chết khi ngày 1-8, một xe ủi cài bom đã phát nổ giết hại hai binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ và làm 31 người khác bị thương.

Chính trường Thổ Nhĩ Kỳ cũng nóng lên khi Đảng Dân chủ nhân dân (HDP - thân người Kurd), đảng đối lập lớn thứ ba có 70 ghế trong quốc hội, làm dấy lên cuộc tranh luận kịch liệt phê phán hành động quân sự của chính phủ nhắm vào người Kurd. Thế là sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc chiến chống IS chưa rõ sẽ tăng thêm sức mạnh đến đâu cho liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu, nhưng lại khiến vấn đề người Kurd trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận