Tự chủ định vị vệ tinh: Cuộc chiến ngầm dữ dội 

HOA KIM 09/07/2020 16:07 GMT+7

TTCT - Có hàng ngàn vệ tinh nhân tạo trong quỹ đạo Trái đất, không ít trong số đó đang làm nhiệm vụ định vị các vật thể trên mặt đất mà dễ hình dung nhất là chiếc điện thoại thông minh trong túi quần mỗi người. Một cuộc chiến ngầm đang diễn ra giữa các cường quốc không gian để giành lấy miếng bánh cung cấp dịch vụ béo bở này.

Hệ thống định vị toàn cầu của Mỹ (nguồn minh họa: NASA)

Trong suốt nhiều thập niên, Mỹ gần như là nước độc quyền trong lĩnh vực định vị bằng vệ tinh với hệ thống định vị toàn cầu GPS được vận hành bởi Lực lượng không gian, tiền thân là Bộ tư lệnh không gian thuộc Không quân Hoa Kỳ.

GPS (Global Positioning System) do Bộ Quốc phòng Mỹ thiết kế và xây dựng từ cuối những năm 1970 trong thời kỳ Chiến tranh lạnh với Liên Xô. Đây là hệ thống xác định vị trí dựa vào vệ tinh: tọa độ một điểm trên mặt đất được xác định bằng khoảng cách từ điểm đó đến ít nhất 3 trong số hơn 30 vệ tinh nhân tạo của Mỹ trên quỹ đạo Trái đất.

Nhận thấy tầm quan trọng của định vị trong lĩnh vực dân sự, năm 1996 Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố GPS là hệ thống lưỡng dụng quân - dân sự và lập một tổ liên ngành chịu trách nhiệm quản lý sử dụng hệ thống này như một tài sản quốc gia.

Từ tháng 5-2000, Mỹ chính thức dỡ bỏ rào cản cuối cùng hạn chế tiếp cận tín hiệu GPS cho mục đích dân sự, mở ra kỷ nguyên ứng dụng GPS rộng rãi trong các phát minh công nghệ của thế kỷ 21 mà rõ rệt nhất là trong hàng tỉ chiếc điện thoại thông minh được tích hợp sẵn chip định vị GPS ngày nay.

Nhưng thế độc quyền của Mỹ là điều không quốc gia nào mong muốn. Nhiều nước khác cũng muốn nhảy vào cuộc chơi định vị để giảm phụ thuộc vào Mỹ và chớp lấy các lợi ích kinh tế của việc sở hữu hệ thống định vị riêng.

Chòm sao phương Bắc

Ngày 23-6, Trung Quốc phóng thành công vệ tinh cuối cùng trong dự án Bắc Đẩu - lấy theo tên chòm sao hướng về phương Bắc giúp người Trung Quốc xác định phương hướng từ bao đời - lên quỹ đạo Trái đất từ bãi phóng ở thành phố Tây Xương, hoàn thiện hệ thống 55 vệ tinh định vị mặt đất với độ chính xác được cho là đến từng millimét sau khi qua xử lý hậu kỳ.

Dự án Bắc Đẩu thế hệ thứ 3 với độ phủ toàn cầu được đánh giá mang tham vọng thay thế hoàn toàn hệ thống định vị GPS của Mỹ, ít nhất là ở thị trường Trung Quốc đại lục, khẳng định một bước tiến nữa của Bắc Kinh trong cuộc đua trở thành cường quốc không gian mới.

Tổng công trình sư của dự án, ông Dương Trường Phong khẳng định với đài truyền hình trung ương CCTV, đợt phóng vệ tinh lần này cho thấy nỗ lực phủ sóng định vị toàn cầu của Trung Quốc đã “hoàn toàn thành công”.

Không dừng lại ở đó, Trung Quốc có kế hoạch dài hơi hơn đến năm 2035 phát triển một hệ thống định vị dẫn đường thông minh, dễ tiếp cận và mang tính tích hợp cao hơn, lấy các vệ tinh trong hệ thống Bắc Đẩu làm trung tâm.

Mô hình hệ thống Bắc Đẩu của Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Mô hình hệ thống Bắc Đẩu của Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Chạy đua sở hữu năng lực định vị

Sở hữu GPS đem lại cho Mỹ nhiều lợi ích, nhưng đầu tiên và quan trọng nhất chính là sự phụ thuộc của người dùng thương mại cũng như quân đội nhiều nước vào một dịch vụ do chính quyền Washington cung cấp. 

Nói cách khác, khả năng định vị mục tiêu bằng vệ tinh của hệ thống khí tài quân sự nhiều nước thuộc quyền sinh sát của Lầu Năm Góc. Sự phát triển công nghệ vệ tinh nói chung cũng kéo theo nhiều lợi ích cho ngành công nghiệp vũ trụ.

Trước khi Trung Quốc hoàn thiện hệ thống định vị Bắc Đẩu, sự lựa chọn thay thế duy nhất cho GPS của Mỹ là hệ thống GLONASS do Nga phát triển. GLONASS đạt độ phủ toàn cầu từ tháng 10-2011 với 24 vệ tinh sau một chương trình hồi sinh ngành công nghiệp vũ trụ Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin thừa hưởng từ Liên Xô, trong đó có sửa chữa và thay thế các vệ tinh cũ để hiện đại hóa toàn bộ hệ thống vệ tinh cũ kỹ được sử dụng từ năm 1982.

Trong nỗ lực xây dựng hệ thống định vị mặt đất riêng, Nhật có hệ thống vệ tinh Quasi-Zenith, tên gọi khác là Michibiki. Tokyo đến nay đã tốn 170 tỉ yen cho 4 vệ tinh đã phóng lên quỹ đạo nhằm “bổ sung cho hệ thống GPS”, cải thiện độ chính xác của hệ thống định vị của Mỹ tại Nhật, khu vực châu Á và châu Đại Dương. Nước này có kế hoạch đến năm 2023 sẽ có tổng cộng 7 vệ tinh định vị trong quỹ đạo, có khả năng hoạt động độc lập với hệ thống GPS.

Tương tự, Ấn Độ cũng đang theo đuổi hệ thống vệ tinh tăng cường cho GPS của riêng mình với tên gọi IRNSS, và đến nay đã phóng thành công 7 vệ tinh nhân tạo để cải thiện độ chính xác của GPS tại quốc gia tỉ dân.

Chương trình Gallileo của Liên minh châu Âu hiện đã có 30 vệ tinh trên quỹ đạo, cung cấp khả năng định vị với sai số trong phạm vi 1 mét đối với người dùng đại trà và lên đến centimét cho các mục đích chuyên sâu. Trong khi đó, Anh sau khi rời EU cũng đang nuôi mộng phát triển cho riêng mình một chương trình vệ tinh định vị độc lập.

Ảnh: The Telegraph
Ảnh: The Telegraph

Không phải mỏ vàng

Hiệu quả kinh tế của việc đưa vào sử dụng các hệ thống vệ tinh định vị đắt đỏ là chuyện bất cứ quốc gia nào cũng phải cân nhắc. Theo báo Nikkei Asian Review, chi phí quá cao để sản xuất chip điện tử có khả năng nhận tín hiệu từ vệ tinh thuộc hệ thống Quasi-Zenith của Nhật là một trở ngại lớn.

Những con chip do Mitsubishi Electric sản xuất có giá từ vài triệu yen vào năm 2018. Các nhà sản xuất điện thoại thông minh thì không cần khả năng định vị chính xác đến từng centimét, trong khi cần phải giảm giá thành chip hơn nữa mới đủ hấp dẫn giới sản xuất xe hơi tự hành, một thị trường màu mỡ cho dịch vụ định vị siêu chính xác, tờ này nhận định.

Khác với thị trường tỉ dân như Trung Quốc, Nhật Bản khó tìm được đủ nhu cầu thị trường để có cớ sản xuất chip Quasi-Zenith đại trà nhằm hạ giá thành. Anh cũng đang đối diện vấn đề tương tự.

Không chỉ phóng vệ tinh vào không gian, Trung Quốc còn yêu cầu các hãng sản xuất điện thoại trong nước tích hợp chip định vị Bắc Đẩu vào thiết bị của mình. Ngày nay, điện thoại đến từ các nhà sản xuất smartphone hàng đầu Trung Quốc như Huawei hay Xiaomi đều sử dụng hệ thống định vị Bắc Đẩu bên cạnh GPS và GLONASS, theo The Guardian.

Điều này vô tình đẩy các ông lớn công nghệ Mỹ vào thế khó. Nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới Apple đối diện với 2 sự lựa chọn: sản xuất dòng iPhone dành riêng cho thị trường Trung Quốc có sử dụng công nghệ định vị Bắc Đẩu, hoặc trung thành với nguyên tắc chỉ có duy nhất thiết kế iPhone cho toàn thế giới - đồng nghĩa phải tích hợp chip Bắc Đẩu vào tất cả điện thoại iPhone và đối diện nguy cơ bị điều tra trong nước vì lo ngại đối với an ninh quốc gia.

Sự phức tạp của vấn đề không chỉ dừng lại ở đó. Khi ngày càng nhiều nước phát triển chương trình vệ tinh định vị riêng, tương lai của điện thoại thông minh được dự báo sẽ mang tính địa phương hóa cao, với những chiếc điện thoại được sản xuất dành riêng cho từng thị trường phù hợp với yêu cầu riêng của thị trường đó, đẩy giá thành sản phẩm lên cao và gây thách thức cho chuỗi cung ứng.

Dù trong thực tế một con chip duy nhất có thể được thiết kế để tương thích với nhiều hệ thống định vị khác nhau, luật an ninh của từng quốc gia sẽ là rào cản lớn nhất cho quá trình nhất thể hóa các chuẩn định vị trong tương lai gần.■

Một trận địa khác của cuộc chiến thông tin giữa các quốc gia đang diễn ra ngầm dưới đáy biển, nơi mạng lưới hơn 400 đường cáp Internet duy trì kết nối dữ liệu liên lục địa tốc độ cao 24/7.

Ngày 17-6, Team Telecom, một ủy ban thuộc Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, kêu gọi Ủy ban truyền thông liên bang (FCC) không phê duyệt điểm cập bờ ở Hong Kong thuộc siêu dự án cáp biển Pacific Light Cable Network (PLCN) mà thay bằng Đài Loan hoặc Philippines, do lo ngại an ninh quốc gia và dữ liệu người dùng tại Mỹ bị đe dọa.

Dài 12.800km, PLCN được kỳ vọng trở thành tuyến cáp xuyên Thái Bình Dương có dung lượng lớn nhất thế giới, biến đặc khu kinh tế Hong Kong trở thành một trung tâm dữ liệu toàn cầu và giúp Google và Facebook đáp ứng nhu cầu bùng nổ dành cho các dịch vụ sử dụng nhiều băng thông.

Trong báo cáo dài 78 trang, Team Telecom bày tỏ lo ngại một điểm cập bờ ở Hong Kong sẽ giúp chính quyền Bắc Kinh dễ dàng thu thập thông tin người dùng tại Mỹ, nhất là trong bối cảnh “những động thái gần đây” của Trung Quốc nhằm can thiệp sâu hơn vào sự tự chủ của đặc khu này. Pacific Light Data Communication, chủ đầu tư của 4 trong số 6 đôi cáp thuộc dự án PLCN và là đơn vị sẽ quản lý điểm cập bờ tại Hong Kong, là một công ty thuộc sở hữu của Dr. Peng Group, tập đoàn truyền thông lớn thứ 4 Trung Quốc.

Tuy nhiên, một số chuyên gia trong lĩnh vực cho rằng Mỹ lo lắng là... thừa, vì không phải đợi đến PLCN thì Trung Quốc mới có cơ hội nghe lén thông tin của Mỹ, nếu nước này thật sự muốn. Đã có các tuyến cáp Internet khác nối giữa Mỹ và Hong Kong đang được khai thác như tuyến Hong Kong - Americas do Facebook, China Unicom và China Telecom đầu tư, hay tuyến Bay to Bay Express với sự tham gia của Facebook, Amazon và China Mobile, đều có điểm cập bờ tại Hong Kong. Theo các chuyên gia, việc chặn một điểm cập bờ của một dự án cùng lắm chỉ dẫn đến việc tái định tuyến lưu lượng sang một quốc gia thứ 3 mà thôi.

underwater landscape
 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận