Từ tàu Liêu Ninh tới "láng giềng thứ ba"

THANH TUẤN 18/04/2014 08:04 GMT+7

TTCT - Một trong những điểm nhấn của chuyến đi 10 ngày tới Đông Bắc Á của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel (từ ngày 7-4) là chuyến thăm một căn cứ hải quân ở Thanh Đảo, Trung Quốc.

Chuck Hagel cảnh báo: TQ phải tôn trọng láng giềng
“Thỏa thuận trong bất đồng”

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nói chuyện tại Đại học Quốc phòng ở Bắc Kinh ngày 8-4 - Ảnh: Reuters

Ở Thanh Đảo, ông Hagel là nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên đặt chân lên tàu sân bay Liêu Ninh - vẫn được coi là thành tựu quân sự đánh dấu sự phát triển của nền quốc phòng Trung Quốc. Tàu Liêu Ninh vốn được Liên Xô đóng từ những năm 1980, rồi được Trung Quốc mua lại từ năm 1998 và cho sửa chữa.

Đến tháng 12-2013, trong lần đầu chạy thử trên hành trình dài xuống biển Đông, tàu Liêu Ninh đã suýt có sự cố với tàu chiến Mỹ. Khi đó, một tàu hộ tống của tàu Liêu Ninh đã đi ngay vào hướng chạy của tàu tuần dương USS Cowpens của Mỹ trên vùng biển quốc tế, khiến Cowpens phải đổi hướng để tránh đụng phải tàu hộ tống. Washington đã chỉ trích Bắc Kinh kịch liệt về lần suýt đụng độ này.

Chuyến thăm của ông Hagel tới tàu Liêu Ninh được phía Trung Quốc mô tả như là minh chứng cho sự “minh bạch hóa” các hoạt động quân sự. Thậm chí tờ báo quân đội Trung Quốc PLA Daily còn cạnh khóe rằng chuyến thăm đã “giúp ngăn chặn những âm mưu của một số nước tạo mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Mỹ nhằm các mục đích vị kỷ của họ”(!).

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định chuyến đi chỉ mang tính biểu tượng chứ giá trị thực tiễn thì ít. Những hoạt động nhạy cảm hơn của Trung Quốc như tàu ngầm hay hệ thống tên lửa đã không hề được đề cập tới.

Điều công luận quan tâm hơn là Thanh Đảo đang là điểm nóng trong tam giác quan hệ Mỹ - Trung - Nhật. Tại Thanh Đảo cuối tháng này, lần đầu tiên Trung Quốc sẽ là nước chủ nhà của Hội nghị hải quân Tây Thái Bình Dương (WPNS) - vốn là cuộc tụ họp rất lớn của hải quân các nước trong khu vực được tổ chức hai năm một lần.

WPNS là nơi các nước thường đưa tàu chiến cùng các vũ khí tối tân của mình tới tụ hội và tiến hành thao diễn, cùng tập trận - một đợt diễn tập rất có uy tín trong giới hải quân. Năm 2008, khi Hàn Quốc tổ chức WPNS, Mỹ gửi tới tàu sân bay George Washington, tàu tuần dương Cowpens và tàu khu trục John S. McCain.

Ngoài ra, lần tổ chức WPNS lần này trùng với đợt kỷ niệm 65 năm ngày thành lập hải quân Trung Quốc.

Nhưng trong bối cảnh quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản đang căng thẳng, Bắc Kinh đã cho mời tất cả 20 nước trong khu vực, trừ Tokyo - đồng minh quan trọng nhất của Mỹ. Sự việc rõ ràng khiến Lầu Năm Góc phật ý và ngay trước khi ông Hagel tới Trung Quốc, Lầu Năm Góc thông báo nếu Nhật Bản không được mời thì quan chức của Mỹ sẽ tới dự họp nhưng không có tàu nào của Mỹ tham gia WPNS.

“Cách cư xử của họ cứ như trẻ mới lớn” - New York Times trích lời một quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Mỹ nói về Trung Quốc. Nếu một số nước khác có thể cũng sẽ hành động như Mỹ, nỗ lực cô lập Nhật của Bắc Kinh thực tế có thể trở thành phản tác dụng.

Chiến dịch cô lập Nhật của Trung Quốc tăng tốc từ đầu năm nay khi hơn 30 đại sứ Trung Quốc trên toàn thế giới viết các bài bình luận chỉ trích Nhật trở về với các chính sách quân phiệt trước kia. Đại sứ Trung Quốc tại Anh thậm chí miêu tả Nhật Bản giống như “chúa tể hắc ám Voldemort trong Harry Potter”.

Lý lẽ mà phía Trung Quốc đưa ra là việc Nhật tăng ngân sách quốc phòng 2,2% vào năm 2014. Nhưng theo bà Bonnie Glaser của Trung tâm chiến lược và nghiên cứu quốc tế (CSIS) thì “con số tăng này chỉ là rất nhỏ so với con số tăng 12,2% của Trung Quốc trong năm 2014.

Hơn nữa, đây là lần tăng ngân sách quốc phòng đầu tiên của Nhật trong hơn một thập kỷ, trong khi Trung Quốc đã liên tục tăng hai con số mỗi năm trong cùng thời gian này”.

Việc không mời Nhật chỉ là diễn tiến tiếp theo của quá trình này. Trong chuyến thăm tới Đức mới đây, Chủ tịch Tập Cận Bình đề nghị tới thăm một số đài tưởng niệm hàng triệu nạn nhân bị diệt chủng (Holocaust) với mục tiêu tương phản giữa Đức, nước đã bày tỏ hối hận về những sai lầm trong Thế chiến thứ 2 - đối lập với Nhật, theo Trung Quốc là vẫn chưa xin lỗi “đầy đủ” về những tội lỗi quá khứ.

Đề nghị này bị Đức từ chối. Bà Bonnie Glaser cũng cho rằng chiến dịch cô lập Nhật Bản của Trung Quốc thực tế không thành công. Không chỉ thế, hành động của Bắc Kinh còn củng cố liên minh Mỹ - Nhật khi ông Hagel thông báo sẽ cử thêm hai tàu có trang bị tên lửa đạn đạo và hệ thống rađa Aegis tới Nhật kể từ năm 2017.

Thông cáo chính thức thì Mỹ nói là để đối phó với Bình Nhưỡng, nhưng có lẽ mối lo lớn hơn của Mỹ và Nhật lúc này nằm ở Bắc Kinh và tình hình biển Hoa Đông hơn là CHDCND Triều Tiên.

Mông Cổ tìm kiếm láng giềng

Điểm dừng chân cuối cùng của ông Chuck Hagel ở châu Á trong chuyến đi 10 ngày này là thủ đô Ulan Bator của Mông Cổ. Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một bộ trưởng quốc phòng Mỹ kể từ khi ông Donald Rumsfeld tới đây từ năm 2005.

Mông Cổ, đất nước với dân số chỉ vỏn vẹn 2,9 triệu dân trên diện tích rộng lớn 1,56 triệu km2, đang dần trở thành lá bài quan trọng trong chiến lược của Mỹ ở châu Á. Washington gọi đây là chuyến thăm xã giao và để cảm ơn Mông Cổ vì đã đóng góp vào chiến dịch quân sự của Mỹ ở Afghanistan và Iraq. Nhưng thực tế chuyến thăm đang đánh dấu bước thay đổi của học thuyết an ninh ở Mông Cổ.

Là đất nước nằm giữa hai “ông lớn” Nga và Trung Quốc, Mông Cổ đã tìm nhiều cách để thay đổi chính sách kinh tế và an ninh để tránh phụ thuộc quá nhiều vào hai láng giềng này. Mông Cổ đang phát triển khái niệm “láng giềng thứ ba”, theo đó bên cạnh việc cân bằng mối quan hệ với Bắc Kinh, Matxcơva, Ulan Bator ráo riết đẩy mạnh mối quan hệ mật thiết với những nước khác.

“Láng giềng thứ ba” này chưa bao giờ được nêu tên cụ thể nhưng thường được miêu tả là “các nước dân chủ phát triển”, trong đó bao gồm Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Canada và một số nước ở châu Âu.

Mông Cổ đặc biệt được chú ý hơn kể từ khi Mỹ công bố chiến lược chuyển trục. Trong mấy năm gần đây, Ulan Bator đã liên tục thúc đẩy vai trò của mình trong một số điểm nóng quốc tế.

Năm 2012, Mông Cổ bắt đầu tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình tại khu vực điểm nóng ở Nam Sudan và Sudan. Quân đội của Mông Cổ cũng tham gia lực lượng của NATO tại Kosovo trong giai đoạn 2005-2007. Ngoài ra, họ còn tham gia các lực lượng gìn giữ hòa bình khác ở Sierra Leone, Chad và Gruzia.

Những nỗ lực này, cùng với việc tham gia chiến dịch ở Afghanistan và Iraq, củng cố thêm mối quan hệ giữa Mông Cổ với Mỹ và NATO. Năm 2012, NATO chính thức ký kết chương trình đối tác và hợp tác với Mông Cổ.

Chuyên gia về Mông Cổ Christopher Pultz mới đây đã viết: “Mông Cổ đã triển khai hơn 5.000 nhân sự cho 15 sứ mệnh trên toàn cầu để hỗ trợ Mỹ, NATO và Liên Hiệp Quốc kể từ năm 2002. So sánh với quy mô dân số, đóng góp của Mông Cổ là rất ấn tượng”.

Tổng thống Mông Cổ Tsakhiagiin Elbegdorj vẫn muốn phát triển một vai trò lớn hơn cho nước này ở khu vực Đông Bắc Á như là trung tâm cho các hoạt động hỗ trợ gìn giữ hòa bình. Chiến lược này song hành với chiến lược “láng giềng thứ ba” của Mông Cổ, giúp Mông Cổ giảm phụ thuộc vào hai cường quốc láng giềng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận